Chúng ta thường nghĩ về Chúa Giê-su như một đấng thiêng liêng mà con người chỉ có thể chấp nhận hay khước từ dựa trên đức tin. Nhưng đôi khi, ta lại vô tình bỏ qua một khía cạnh ý nghĩa hơn nhiều: rằng Ngài là một triết gia xuất chúng, với những quy tắc ứng xử nhân sinh sâu sắc và mang giá trị trường tồn.
Một trong những bài học đáng nhớ nhất của Ngài xuất hiện trong chương 8 của Phúc âm Gio-an. Khi ấy, Chúa Giê-su vừa rời Ga-li-lê để đến Giê-ru-sa-lem. Một nhóm Pha-ri-si – những người nổi tiếng với sự tuân thủ nghiêm ngặt truyền thống và luật pháp Do Thái – đã đưa đến trước mặt Ngài một người phụ nữ đã có chồng, bị bắt quả tang ngoại tình. Họ thách thức:
– Thưa Thầy, người phụ nữ này bị bắt quả tang đang phạm tội ngoại tình. Trong luật pháp của Môi-se, những người như thế này phải bị ném đá đến chết. Còn Thầy, Thầy nói sao?
Đây là một cái bẫy tinh vi. Nếu Chúa Giê-su nói rằng ngoại tình là điều chấp nhận được, Ngài sẽ bị coi là dung túng cho hành vi mà xã hội thời bấy giờ xem là tội lỗi đáng khinh bỉ. Ngược lại, nếu đồng tình với việc xử tử, Ngài sẽ tự mâu thuẫn với hình ảnh một bậc thầy giảng dạy về tình yêu và sự tha thứ – điều mà Ngài thường dùng để chỉ trích giới chức tôn giáo Do Thái.
Nhưng Chúa Giê-su, với sự thông tuệ và khéo léo, đã không rơi vào chiếc bẫy ấy. Ngài không bác bỏ quyền ném đá của đám đông, nhưng Ngài đặt thêm một điều kiện duy nhất, tưởng chừng nhỏ bé nhưng thực chất lại là một nguyên tắc vĩ đại, vượt thời đại:
– Ai trong các ngươi chưa từng phạm tội, hãy là người ném viên đá đầu tiên.
Lời nói ấy không chỉ nhắm đến hành vi ngoại tình, mà còn bao hàm tất cả những lỗi lầm trong cuộc đời mỗi người. Chỉ những ai hoàn toàn trong sạch, chưa từng làm bất kỳ điều sai trái nào – dù chỉ là nhỏ nhặt – mới có quyền trừng phạt một cách tàn nhẫn và không khoan nhượng.
Ở đây, Chúa Giê-su đưa ra một nguyên tắc đạo đức quan trọng: chúng ta không được xem mình là “người vô tội” chỉ vì chưa phạm sai lầm trong một lĩnh vực cụ thể. Sự vô tội thực sự chỉ đến khi ta chưa từng phạm lỗi lầm nào trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Và nếu đã từng sai, dù chỉ trong một điều gì rất nhỏ, thì chúng ta có nghĩa vụ phải mở rộng lòng bao dung, cố gắng đặt mình vào vị trí của người phạm tội để thấu hiểu và tha thứ.
Chúa Giê-su nhắn nhủ rằng, tuy có thể ta không phạm lỗi lầm giống như người khác, nhưng bản thân chúng ta vẫn luôn mắc kẹt trong những khuyết điểm và tội lỗi của chính mình. Vì thế, điều cần làm không phải là kết án, mà là dùng chính những vấp ngã của bản thân để nuôi dưỡng lòng nhân ái và sự cảm thông với những người sa ngã.
Trước lời khuyên răn ấy, đám đông lặng người. Từng viên đá lần lượt rơi xuống, và người phụ nữ – đang run rẩy trước nguy cơ bị xử tử – đã được tha mạng.
Câu chuyện không chỉ đơn thuần nhắm vào hành vi ngoại tình, mà còn lên án một “căn bệnh” muôn thuở trong tâm hồn con người: sự tự cho mình là đúng. Tự cho mình đúng vốn xuất phát từ mong muốn tích cực là sống lương thiện, nhưng lại dễ biến thành một cái bẫy tội phạm nguy hiểm. Khi nghĩ rằng mình đúng trong một số lĩnh vực, chúng ta thường tự huyễn hoặc bản thân rằng mình hoàn toàn vô tội trong mọi khía cạnh. Chính từ vị trí tưởng chừng cao quý ấy, sự cay nghiệt, nhẫn tâm và tàn nhẫn đối với những người lầm lỗi mới nảy sinh.
Chúa Giê-su muốn nhắc nhở rằng, lòng tốt không nằm ở chỗ ta chưa từng phạm sai lầm nào đó. Lòng tốt thực sự nằm ở việc ta nhận ra chính mình cũng từng dại dột, yếu đuối và sai lầm, để từ đó dùng những trải nghiệm ấy mà thấu cảm và thứ tha cho người khác.
Khi chúng ta giữ trong tâm trí những lỗi lầm của bản thân, thế giới sẽ dần trở thành một nơi nhân ái, bao dung và tràn đầy tình người hơn.
Nguồn: ‘LET HIM WHO IS WITHOUT SIN CAST THE FIRST STONE’ - The School Of Life
Theo tamlyhoctoipham.com