Bài viết của tác giả Lỗ Đản Ma, một nhà nghiên cứu giáo dục tại Bắc Kinh về tình trạng "bạo hành lạnh" trong các gia đình Trung Quốc, đa phần đến từ phương pháp giáo dục sai lầm của cha mẹ đối với con cái.
Trong một bộ phim giành nhiều giải thưởng tội phạm quốc tế, cậu bé 8 tuổi đã rất vui vì mình có vết sẹo màu trắng giống như bông tuyết trên mặt.
"Bạn bè của tôi khác với những đứa trẻ khác, họ có những vết sẹo, giống như tôi", cậu bé 8 tuổi bình thản nói.
Một số bạn của cậu bé này có vết bầm trên tai, một số bị rách da mắt, hoặc có những vết bầm ở trán phải lấy tóc che đi.
Vì có chung vết sẹo trên mặt, những đứa trẻ này đã tập trung lại và lập thành một nhóm. Chỉ khác là các bạn có vết sẹo màu đỏ, còn cậu bé 8 tuổi lại có vết sẹo màu trắng như những bông tuyết.
Cậu bé có vết sẹo màu trắng như bông tuyết luôn nghĩ rằng đó là những vết sẹo đẹp nhất cho đến khi mẹ cậu phớt lờ không trả lời câu hỏi của cậu. Ảnh: sohu.
Cậu bé cũng là người duy nhất trong nhóm không biết nguồn gốc vết sẹo trên mặt mình, nên cậu luôn thấy nó đẹp. Cho đến một ngày, cậu về nhà hỏi mẹ. "Mẹ ơi, tại sao mặt con lại có sẹo trắng".
Người mẹ nghe thấy nhưng vẫn tảng lờ, tiếp tục tăng âm lượng của tivi. "Có phải lỗi do con nên mới có vết sẹo này không? Sẹo của con xấu không hả mẹ?", cậu bé tiếp tục hỏi nhưng người mẹ vẫn lờ đi và đẩy cậu ra xa.
Cậu bé ngã gục xuống đất, vết sẹo biến thành những đốm sáng quay quanh rồi nhấn chìm cậu bé.
Đoạn phim trên trích từ bộ phim hoạt hình, là đề án tốt nghiệp của một sinh viên trường nghệ thuật Supinfocom Rubika, Pháp. Bộ phim ngắn này sau đó đã giành được nhiều giải thưởng quốc tế. Cuối cùng cậu bé cũng hiểu rằng "Nhóm bạn nhiều sẹo tuy khác những đứa trẻ khác và chúng cũng khác luôn với cậu".
Những năm gần đây sự cải tiến của hệ thống luật pháp đã mang lại nhiều quyền lợi, tạo ra lớp bảo vệ an toàn cho trẻ em khỏi nạn bạo hành.
Tuy nhiên, "bạo hành lạnh" âm thầm bị bỏ quên. "Đánh nhau hay la mắng chưa chắc đã làm tổn thương trẻ sâu sắc nhất. Những đứa trẻ lớn lên với những vết sẹo trắng - bạo hành lạnh - có thể sống trong bóng tối của tuổi thơ cả một đời", một nhà xã hội học Trung Quốc từng nói.
Trong cuốn sách tội phạm học "Bạo hành lạnh", bác sỹ y khoa cũng là nhà tâm thần học người Pháp Marie-France Irigoyan đã sử dụng từ "lạm dụng tinh thần" để mô tả hành vi này.
"Sự tàn khốc của bạo hành lạnh là nó giết chết con người một cách vô hình. Không có máu trên bề mặt nhưng nó hoàn toàn có thể phá vỡ trái tim của một người và khiến họ rơi vào tuyệt vọng và cô đơn tuyệt đối".
Trong chương trình "Mẹ là siêu nhân", vì hai con trai đánh nhau, MC nổi tiếng đài CCTV Trung Quốc Nhiễm Oánh Dĩnh định đưa cả vào một căn phòng riêng để giảng hòa.
Đối với những đứa trẻ, căn phòng có cửa màu đen này rất đáng sợ, hai con của nữ MC đã la hét, không muốn vào. Thấy phản ứng của con, Nhiễm Oánh Dĩnh dọa "Nếu không nghe lời, chút nữa mẹ sẽ để hai con trong căn phòng này lâu hơn nữa". Cuối cùng cả hai đứa trẻ đều bị nhốt trong căn phòng mà chúng luôn sợ hãi đó.
MC Nhiễm Oánh Dĩnh nhốt con trong căn phòng mà chúng luôn sợ hãi. Cô không cất lời trong khi nghe thấy tiếng con trai cầu xin được ra ngoài. Ảnh: sohu.
Cậu con trai cả có vẻ đã quen với cảnh này, nó đứng yên không bộc lộ cảm xúc. Còn cậu em trai thì đứng ở phía cánh cửa gào khóc, cầu xin mẹ cho ra ngoài, tuy nhiên cô không cất lời. Mãi cuối buổi, Nhiễm Oánh Dĩnh mới yêu cầu hai anh em hòa giải mới cho ra. Cuối cùng, cả hai đã được giải thoát khỏi căn phòng đáng sợ sau khi chúng hứa sẽ không đánh nhau nữa.
Sau khi chương trình được phát sóng, cách dạy con của Nhiễm Oánh Dĩnh bị nhiều người chỉ trích gay gắt. "Đừng áp dụng bạo lực lạnh với con trẻ như vậy", nhiều người để lại bình luận. Tuy nhiên ở cuộc sống thực, có rất nhiều bậc cha mẹ cũng đang đối xử với con cái mình như vậy.
"Mẹ nói gì con cũng không nghe. Vậy từ giờ mẹ sẽ im lặng", đó là cách mà nhiều bà mẹ đang đối xử với con cái họ. Cô lập con ra khỏi chính cuộc sống của mình, bất kể trẻ nói gì, làm gì, nhiều bố mẹ sẽ không nói dù chỉ nửa lời.
Vô hình trung, sự im lặng của bố mẹ lại là thứ vũ khí lợi hại, làm tổn thương sâu sắc tới đứa trẻ.
Trong chương trình truyền hình "Mẹ lắng nghe tôi" của đài truyền hình trung ương Trung Quốc, để phạt đứa con không nghe lời, một người mẹ đã nhốt con trong phòng tắm.
Dù đứa trẻ khóc lóc, xin được tha thứ nhưng người mẹ vẫn im lặng, không trả lời. Khi được hỏi "Chị đóng cửa bao lâu?", người mẹ bình tĩnh "Nửa ngày". Cậu bé sau đó gặp ác mộng mỗi đêm, mơ rằng mẹ ghét và từ bỏ mình. Trong chương trình, khi người dẫn chương trình hỏi, cậu đã khóc lóc thảm thiết: "Mẹ ơi, con muốn nói với mẹ. Nếu con làm gì sai mẹ có thể trừng phạt con. Làm ơn đừng nhốt con vào phòng tắm được không".
Người dẫn chương trình sau khi xem xong đoạn băng, đã phải thốt lên "Thật quá tàn nhẫn".
Tuy nhiên người mẹ chống chế rằng, cô cũng rất đau lòng khi phải sử dụng đến phương pháp này. "Vì con trai không nghe lời nên tôi đành dùng biện pháp này để trừng phạt con", cô nói.
Cậu bé tham gia chương trình truyền hình "Mẹ lắng nghe tôi" gặp ác mộng mỗi đêm vì bị mẹ nhốt vào nhà tắm nửa ngày mà không nói một lời. Ảnh: sohu.
Trong cuốn sách tội phạm học "Bạo lực lạnh", bác sĩ Marie-France Irigoyan cũng nhấn mạnh, sử dụng bạo lực lạnh để giáo dục trẻ em thể hiện sự bất tài của cha mẹ.
"Cha mẹ đánh vào điểm yếu của con cái nhằm che đi khuyết điểm lớn nhất của chính mình. Họ đã đè bẹp ý chí và tinh thần phê phán của trẻ, để đứa trẻ không thể phán xét hành động của mình", Marie-France Irigoyan nói.
Trừng phạt đứa trẻ bằng bạo lực lạnh chỉ để đạt được sự vâng lời ngắn hạn "Mẹ ơi con đã sai, con không dám". Chiến thắng nhất thời của cha mẹ đổi lấy một đứa trẻ ngoan ngoãn tạm thời, nhưng kèm theo đó là sự tuyệt vọng, oán giận của những tâm hồn còn non nớt.
"Một đứa trẻ suốt đời gặp ác mộng sẽ có một người mẹ phớt lờ và một người cha không cần tới chúng", Marie-France Irigoyan nói.
Những đứa trẻ phải chịu đựng bạo lực lạnh trong thời thơ ấu sẽ sao chép lại đúng tinh thần đó khi chúng ứng xử xã hội.
Trong bộ phim "Em của niên thiếu", nhân vật Ngụy Bình trong mắt các thầy cô là một học sinh giỏi, gương mẫu. Tuy nhiên, cô gái này chuyên bắt nạt những học sinh yếu thế.
Cuối cùng khi nhân vật Trần Niệm – người chuyên bị Ngụy Bình bắt nạt dọa rằng sẽ báo cảnh sát, Ngụy Bình đã quỳ xuống nhận sai lầm của mình và tiết lộ lý do vì sao cô bé lại trở thành người như vậy.
"Bạn đánh tôi, mắng tôi cũng được. Điều đó tôi đã từng mong cha mình thực hiện, nhưng một năm nay ông đã không nói chuyện với tôi rồi".
Bạo lực lạnh trong gia đình khiến đứa trẻ không thể chịu đựng nổi, vì vậy chúng phải biến lỗ hổng tình cảm của mình thành những hành động bắt nạt nhóm yếu thế hơn.
Trong chương trình truyền hình nổi tiếng "Thiếu niên nói", một số học sinh đã kể câu chuyện của mình như sau:
"Khi con muốn nói chuyện, bố mẹ đang ở đâu? Bố mẹ đang ở trong phòng và dán mắt vào chiếc điện thoại của mình".
"Con nghĩ điện thoại di động mới là con của bố mẹ. Mỗi khi ngước nhìn con, chỉ được vài giây, thời gian còn lại bố mẹ dành cho chiếc điện thoại của mình".
"Bố có nhớ trong một tháng bố gặp con bao nhiêu lần không? Rốt cuộc sự cố gắng học tốt để nhận điểm cao của con, bố cũng không hề biết".
Có một thuật ngữ trong tâm lý học gọi là "lo lắng hiện sinh", có nghĩa là bất kể trẻ em nói hay làm gì, cha mẹ đều thờ ơ và chiếu lệ. Theo thời gian, đứa trẻ sẽ cảm thấy mình không tồn tại và không được yêu thương. Mặc dù cha mẹ có mặt trong cuộc sống nhưng họ không hề giao tiếp bằng mắt hoặc tương tác cảm xúc với trẻ.
"Bạo lực lạnh giống như một bức tường lạnh lẽo ngăn cách mối quan hệ cha mẹ và con cái. Họ giống như người xa lạ quen thuộc nhất", Marie-France Irigoyan nói.
Nhà soạn nhạc nổi tiếng Trung Quốc Cao Hiểu Tống trong một chương trình đã không giấu nổi sự bức xúc của mình.
"Khi tôi còn nhỏ, mối quan hệ giữa tôi và bố rất lạnh nhạt. Khi tôi lớn lên đã từng khóc và cay đắng nói với ông rằng: Bố có muốn nói chuyện với con không? Bố có muốn nghe làm thế nào mà con lớn lên không?Trong những năm qua, bố có hiểu con đã mơ ước gì không?".
Trịnh Đức Phấn, nữ nhà văn nổi tiếng Trung Quốc khi nghe được câu chuyện này đã nói rằng: "Nhiều người có một lỗ đen trong thời thơ ấu của mình do thiếu tình yêu và sự quan tâm. Không được cha mẹ nhìn thấy hay phản hồi, vết thương lạnh này sẽ từ từ xâm nhập vào tủy xương".
"Mẹ ơi, tại sao con lại có sẹo?", câu hỏi về cậu bé lại dội lại trong đầu tôi.
Cậu bé 8 tuổi ngây thơ nghĩ rằng vết sẹo trên mặt mình giống như bông tuyết tuyệt đẹp và muốn cho mẹ xem. Cậu không biết rằng vết sẹo đó là do chính mẹ mình ban tặng.
"Bạn muốn sinh ra ở gia đình nào, trẻ con không hề có quyền lựa chọn nhưng cha mẹ lại có. Không đứa trẻ nào sẵn sàng sống một cuộc đời với những vết sẹo lạnh như vậy", nữ nhà văn Trịnh Đức Phấn nói.
Hải Hiền dịch (Theo sohu)
Theo tamlyhoctoipham.com