Ngay khi con trai đi học về, Meera nói với con trai rằng: “Ravi, nhanh lên con, mau tắm rửa sạch sẽ và ăn nhẹ đi, chúng ta phải đến lớp học nhạc sau 20 phút nữa. Ngoài ra, đừng quên chuẩn bị cho buổi tập tennis”.
Khi Ravi bắt đầu vội vàng đồ ăn nhẹ, Meera lại sốt ruột thúc giục: "Nhanh lên, con phải hoàn thành những việc nhỏ này thật nhanh để quay lại lớp học phụ đạo của mình”.
Đây là lịch trình hằng ngày của Ravi, ngoài ra cậu bé phải tham gia các buổi tập yoga, lớp học bơi và võ vào cuối tuần. Điều này khiến cậu bé không còn thời gian dành cho bạn bè, theo đuổi sở thích và cũng khiến mẹ cậu ấy bận rộn hơn vì phải theo dõi sự tiến bộ của con trai mình.
Từ câu chuyện của Ravi đã tái hiện lại vấn đề lớn trong cách nuôi dạy trẻ là bắt ép trẻ em hoàn thành quá nhiều công việc trong một ngày. Ngày nay, các bậc cha mẹ luôn muốn con mình được hưởng nền giáo dục tốt nhất, giúp trẻ học hỏi nhiều kỹ năng hơn và khám phá những cơ hội mới cho chúng.
Tuy nhiên, để đạt được điều này đôi khi cha mẹ lại đặt quá nhiều gánh nặng cho con cái bằng cách nhồi nhét nhiều hoạt động vào thời gian biểu của con cái.
Hãy chú ý tới dấu hiệu mệt mỏi, quá tải của con (Ảnh: Parentcircle).
Theo nghiên cứu từ một bài báo được xuất bản trên Busyfreechild.com (2012), tác giả Rich Presta cho biết: "Những đứa trẻ có quá nhiều hoạt động trong một ngày dễ bị cáu kỉnh, mệt mỏi và không thể tập trung. Trẻ em mắc chứng lo âu đã phải vật lộn với cảm giác sợ hãi và căng thẳng, và việc thêm quá nhiều hoạt động có thể khiến các triệu chứng này khó giải quyết hơn nhiều".
Dưới đây là một số dấu hiệu của việc quá tải hoạt động và điều đó có ảnh hưởng gì tới cuộc sống của trẻ, một số giải pháp để tìm lại sự cân bằng trong cuộc sống của trẻ.
Dấu hiệu của một lịch trình quá dày đặc
- Thời gian biểu của trẻ luôn dày đặc lịch học từ môn này sang môn khác.
- Trẻ em phải chợp mắt và ăn đồ ăn nhẹ trong khi di chuyển từ lớp này sang lớp khác.
- Trẻ phải đi học ngay cả ngày nghỉ.
- Trẻ không có thời gian rảnh để tận hưởng các hoạt động hằng ngày.
- Trẻ em không có thời gian để tham gia vào các hoạt động hàng ngày của gia đình như đi ăn cùng nhau hoặc kết nối với các thành viên trong gia đình.
- Trẻ phải thức khuya để làm bài tập về nhà hoặc tập dượt cho một cái gì đó.
Quá tải công việc tác hại gì tới trẻ em?
Phụ huynh bắt trẻ làm quá nhiều việc cùng một lúc có thể là một công thức dẫn đến hậu quả khôn lường. Dưới đây là một số ảnh hưởng tiêu cực từ việc ép trẻ hoạt động quá mức:
- Trẻ bắt đầu có dấu hiệu căng thẳng.
- Điểm bắt đầu giảm.
- Không còn hứng thú với những việc làm trước đây.
- Không thể theo kịp lịch trình.
- Cảm thấy lo lắng và choáng ngợp.
Làm thế nào để giảm khối lượng công việc cho trẻ và khôi phục lại sự cân bằng?
- Giảm tần suất các hoạt động: Thay vì loại bỏ hoàn toàn một số hoạt động, hãy cố gắng cắt giảm tần suất của chúng. Ví dụ, thay vì tham gia 4 lớp học nhạc trong một tuần, trẻ có thể tham gia 2 lớp, phụ huynh hãy hỏi ý kiến trẻ muốn giảm những hoạt động nào trước.
- Tạo thời gian rảnh rỗi: Hãy để trẻ có một giờ rảnh rỗi mỗi ngày và một vài giờ vào cuối tuần để tận hưởng sở thích của mình.
- Xem xét kỹ lưỡng thói quen hàng ngày: Trước khi cha mẹ cho trẻ tham gia vào bất cứ việc gì, hãy xem lịch trình hằng ngày của con bạn. Điều này sẽ giúp bạn hiểu trẻ có thể dành bao nhiêu thời gian hàng ngày hoặc trong một tuần để học một kỹ năng mới mà không ảnh hưởng đến những gì trẻ đã tham gia hoặc bất lợi cho sức khỏe của trẻ.
- Ưu tiên các mối quan hệ: Tuổi thơ là một giai đoạn rất quan trọng trước gai đoạn trở thành người lớn và bắt đầu sống cuộc sống của riêng mình. Vì vậy, trước khi cha mẹ lên kế hoạch cho thời gian biểu của con mình, hãy đảm bảo rằng trẻ vẫn có thời gian để gắn kết với gia đình và bạn bè.
- Hãy lựa chọn kĩ càng: Ngày nay, có rất nhiều thứ, cả sản phẩm và bộ kỹ năng, được quảng cáo là giúp trẻ phát triển bản thân. Tuy nhiên, trước khi cha mẹ quyết định mua nó hãy tự hỏi bản thân xem điều đó có thực sự làm phong phú thêm cuộc sống của trẻ hay chỉ khiến cuộc sống của trẻ bận rộn hơn.
Ngọc Ánh dịch - https://treemvietnam.net.vn/
Theo parentcircle
Theo tamlyhoctoipham.com