Tội Phạm Bài viết

[Sách dịch] Người đàn ông nhầm vợ mình là cái mũ (The man mistook his wife for a hat) Chương 1

 21/09/2021 11:43:18 SA |  Admin |   292 lượt xem

(toipham.net) - Giới thiệu với các bạn 1 cuốn sách kinh điển về khoa học thần kinh mà ad vô cùng yêu thích. Cuốn sách hiện tại đã nhận được hơn 300 ngàn rating trên goodread và đã được dựng thành phim.

Giới thiệu với các bạn 1 cuốn sách tội phạm học kinh điển về khoa học thần kinh mà ad vô cùng yêu thích. Cuốn sách tội phạm học hiện tại đã nhận được hơn 300 ngàn rating trên goodread và đã được dựng thành phim.

The Man Who Mistook His Wife For A Hat

Tác giả: Oliver Sacks

Sach dich Nguoi dan ong nham vo minh la cai mu (The man mistook his wife for a hat) Chuong 1

1 - Người đàn ông nhầm vợ mình thành chiếc mũ

Tiến sĩ P. là một nhạc công xuất chúng, nổi tiếng với vai trò là ca sĩ trong nhiều năm, và sau đó là giảng viên của trường âm nhạc ở địa phương. Cũng chính tại nơi đây, trong mối quan hệ với học trò, những vấn đề kỳ lạ lần đầu được bộc lộ. Đôi lúc khi gặp một học sinh, Tiến sĩ P. không nhận ra họ, hay cụ thể hơn là không nhận ra được mặt của người học sinh đó. Ngay khi người đó lên tiếng, ông sẽ nhận ra nhờ giọng nói. Sự việc như thế ngày càng thường xuyên, gây ra những lúng túng, rối loạn, sợ sệt - và đôi lúc là hài hước. Tiến sĩ P. ngoài việc thường xuyên không nhìn được mặt, ông lại còn thấy những khuôn mặt khi ở đó không có khuôn mặt nào cả: khi đi trên phố ông sẽ vui vẻ xoa đầu trụ nước cứu hỏa hay máy thu tiền đỗ xe, nghĩ rằng đó là đầu của những đứa trẻ; ông hòa nhã chào hỏi những khối hình cầu trên đồ nội thất và ngạc nhiên khi không thấy “họ” trả lời. Ban đầu mọi người đều nghĩ những nhầm lẫn kỳ quặc này là một trò đùa, kể cả chính Tiến sĩ P. cũng thế. Ông vẫn luôn có khiếu hài hước kỳ lạ và đùa giỡn ngược đời như vậy sao? Tài năng âm nhạc của ông vẫn chói sáng như trước giờ; ông không cảm thấy mình có bệnh - ông còn cảm thấy khỏe khoắn hơn bao giờ hết; và những nhầm lẫn ấy quá khôi hài - và khéo léo - đến mức khó để xem nó nghiêm trọng hay là dấu hiệu của một vấn đề nghiêm trọng nào. Ý niệm “có chuyện không hay” chỉ xuất hiện khoảng ba năm sau đó, khi ông mắc bệnh tiểu đường. Hiểu rằng bệnh tiểu đường có thể ảnh hướng đến mắt, Tiến sĩ P. tham khảo ý kiến từ một bác sĩ nhãn khoa, kiểm tra tiền sử bệnh án cẩn thận và kiểm tra mắt của ông kỹ càng. “Mắt của ông không có vấn đề gì cả,” vị bác sĩ kết luận, “Nhưng có vấn đề ở bộ phận thị giác trong não của ông.”

“Ông không cần đến chuyên môn của tôi, ông phải đi gặp bác sĩ thần kinh.” Sau đó, nhờ sự giới thiệu này, Tiến sĩ P. đến gặp tôi.

Chỉ trong vài giây đầu tiên gặp mặt, rõ ràng là người đàn ông này không có biểu hiện thông thường nào của sa sút trí tuệ cả. Ông là một người có học thức và có duyên, nói chuyện rõ ràng mạch lạc, với trí tưởng tượng và óc hài hước. Tôi không thể nghĩ được lý do gì khiến ông ấy được giới thiệu đến phòng khám của tôi.

Nhưng đúng là có một chút kỳ quặc. Khi nói chuyện, ông đối diện với tôi, hướng về phía tôi, nhưng lại có gì đó khác lạ - rất khó để diễn tả. Tôi nghĩ, ông đối diện với tôi bằng đôi tai, chứ không phải đôi mắt. Ánh mắt của ông thay vì nhìn, ngắm tôi, “tiếp nhận tôi” theo cách bình thường, thì lại hay bất ngờ chú ý nhìn những chỗ kỳ lạ - trên mũi tôi, bên tai phải của tôi, xuống dưới cằm, lên mắt phải - giống như đang ghi chú (thậm chí là nghiên cứu) những đặc điểm riêng biệt này, nhưng lại không nhìn thấy cả khuôn mặt của tôi, những thay đổi về biểu cảm, và “tôi”, một cách toàn diện. Tôi không chắc lúc đó mình có hoàn toàn nhận ra điều này không - đó chỉ là một chuyện lạ như đùa, khiếm khuyết về tương tác bình thường giữa ánh mắt và biểu cảm. Ông ấy thấy tôi, nhìn quét qua tôi, vậy mà…

“Có vấn đề gì sao?” sau đó tôi hỏi.

“Tôi cũng không biết,” ông trả lời với một nụ cười, “nhưng có vẻ mọi người nghĩ rằng mắt tôi có vấn đề.”

“Nhưng bản thân ông không cảm thấy có vấn đề thị giác nào sao?”

“Không, không trực tiếp, nhưng tôi thường hay nhầm lẫn.”

Tôi rời khỏi phòng một lát để nói chuyện với vợ ông ấy. Khi tôi trở lại, Tiến sĩ P. đang ngồi bình thản bên cửa sổ, tập trung lắng nghe thay vì nhìn ra bên ngoài. “Giao thông,” ông nói, “âm thanh đường sá, đoàn tàu phía xa - mọi thứ như tạo nên một bản giao hưởng đúng không? Ông có biết Pacific 234 của Honegger không?”

Quả là một người đàn ông đáng yêu, tôi nghĩ. Sao có thể có chuyện gì nghiêm trọng được? Ông ấy liệu có cho phép tôi khám không?

“Vâng, tất nhiên rồi, Bác sĩ Sacks.”

Tôi trấn tĩnh những lo âu của mình, có lẽ cũng là của ông ấy nữa, trong quy trình nhẹ nhàng của một buổi khám thần kinh - lực cơ, phương hướng, phản xạ, âm điệu,... Khi kiểm tra phản xạ - có một bất thường nhỏ ở mạn bên trái - hiện tượng kỳ dị đầu tiên xuất hiện. Tôi tháo giày bên trái của ông và dùng chìa khóa gãi lòng bàn chân ông - trông có vẻ vô thưởng vô phạt nhưng lại là một kiểm tra cần thiết với phản xạ - và rồi, tôi xin phép được đi chuẩn bị máy soi đáy mắt, để ông ấy tự mang giày vào. Ngạc nhiên thay, một phút sau, ông vẫn chưa làm xong.

“Tôi giúp được chứ?” Tôi hỏi.

“Giúp gì? Giúp ai?”

“Giúp ông mang giày vào.”

“À,” ông nói, “tôi quên mất cái giày,” giọng thì thầm, “Cái giày? Cái giày?” Ông ấy có vẻ lóng ngóng.

“Giày của ông,” tôi lặp lại, “Chắc là ông nên mang vào đi.”

Ông tiếp tục nhìn xuống dưới, nhưng không phải vào chiếc giày, với sự tập trung cao độ đặt sai chỗ. Cuối cùng ánh mắt ông dừng lại trên bàn chân: “Đó là giày của tôi phải không?”

Tôi có nghe lầm không? Hay tôi nhìn lầm?

“Mắt tôi,” ông giải thích, và đặt tay lên bàn chân, “Đây là giày của tôi đúng không?”

“Không, không phải. Đó là bàn chân của ông. Kia mới là giày.”

“À, tôi tưởng đó là chân của tôi.”

Ông ấy đùa à? Hay là tức giận? Hay ông ấy mù? Nếu đây là một trong những “nhầm lẫn kỳ lạ” mà ông đã kể, thì chính là nhầm lẫn kỳ lạ nhất mà tôi từng chứng kiến.

Tôi giúp ông mang giày (bàn chân) để tránh thêm trở ngại. Tiến sĩ P. có vẻ không thấy rắc rối gì, thờ ơ, có thể hơi giải trí nữa. Tôi tiếp tục những khám nghiệm của mình. Thị lực của ông rất tốt: ông không gặp khó khăn gì khi nhìn một cây ghim trên sàn nhà, dù đôi lúc ông sẽ không nhìn thấy nếu nó đặt ở bên trái.

Ông ấy nhìn ổn, nhưng nhìn thấy cái gì? Tôi mở một cuốn tạp chí National Geographic (Địa lý Quốc gia) và yêu cầu ông mô tả một vài hình ảnh.

Phản hồi của ông rất kỳ lạ. Ánh mắt ông xoay chuyển từ vật này sang vật khác, góp nhặt những đặc điểm nhỏ, riêng biệt, giống như đã làm với khuôn mặt tôi. Ánh sáng chói lóa, màu sắc, hình dạng thu hút sự chú ý và bình luận của ông - nhưng không lúc nào ông nắm bắt được một hình ảnh toàn cảnh. Ông không nhìn được toàn diện, mà chỉ nhìn được và phát hiện những chi tiết như là đốm sáng trên màn hình radar. Ông không bao giờ liên kết được với hình ảnh với nhau - không bao giờ đối mặt với diện mạo của nó. Ông không nhận thức được phong cảnh hay cảnh vật.

Tôi cho ông ấy xem trang bìa, hình ảnh đồi cát Sahara nhẵn mịn mênh mông.

“Ông nhìn thấy gì ở đây?” Tôi hỏi.

“Tôi thấy một dòng sông,” ông nói, “Và một nhà khách nhỏ có thềm trên mặt nước. Người ta đang ngồi ăn dưới hiên nhà. Tôi thấy vài cái dù nhiều màu sắc nằm rải rác.” Ông ấy đang nhìn, nếu đó gọi là “nhìn”, ra khỏi trang bìa vào không trung và thêu dệt nên những chi tiết không có thật, như thể việc hình ảnh gốc không có bất kỳ chi tiết nào khiến ông tưởng tượng ra dòng sông và thềm nhà và những cây dù màu sắc.

Chắc chắn tôi trông rất kinh ngạc, nhưng có vẻ ông ấy nghĩ mình đã làm rất tốt. Khuôn mặt ông lộ ý cười. Ông cũng cho rằng buổi kiểm tra đã kết thúc và bắt đầu tìm mũ của mình. Ông với tay ra nắm lấy đầu của vợ mình, cố gắng nhấc nó lên, để đội lên đầu. Ông ấy nhầm vợ mình thành chiếc mũ! Người vợ thì trông như đã quen với điều đó rồi.

Tôi không thể lý giải được điều gì đã xảy ra trên phương diện thần kinh học (hay tâm lý học thần kinh) truyền thống. Một mặt ông ấy hoàn toàn khỏe mạnh, mặt khác lại hoàn toàn khiếm khuyết một cách khó hiểu. Làm sao ông ấy có thể vừa nhầm vợ mình thành chiếc mũ, mà lại vừa làm việc với vị trí giáo viên trường nhạc?

Tôi cần phải suy nghĩ, phải gặp ông lần nữa - và phải nhìn thấy ông ở môi trường ông quen thuộc, tại nhà.

Vài ngày sau tôi đến thăm Tiến sĩ P. và vợ tại nhà riêng, với nhạc phổ Dichterliebe trong cặp táp (tôi biết ông ấy thích Schumann), và một vài đồ vật kỳ dị để kiểm tra nhận thức. Bà P. dẫn tôi vào một căn hộ rộng lớn, mang âm hưởng Berlin cuối thế kỷ XIX. Một chiếc piano Bosendorfer cổ kính tuyệt đẹp nằm ngay vị trí trung tâm căn phòng, và tất cả mọi thứ xung quanh lá giá nhạc, nhạc cụ, nhạc phổ,... Có sách, có tranh, nhưng âm nhạc chính là trung tâm. Tiến sĩ P. bước vào, hơi cúi người, và hơi phân tâm, tiến đến chìa tay ra trước chiếc đồng hồ tủ đứng, nhưng khi nghe thấy giọng tôi thì liền sửa lại và bắt tay với tôi. Chúng tôi chào hỏi và nói chuyện một chút về những buổi hòa nhạc và biểu diễn đang diễn ra. Tôi ngần ngại hỏi liệu ông có thể hát không.

“Là bài Dichterliebe!” ông ấy cảm thán, “Nhưng tôi không còn đọc được bản nhạc nữa. Ông có thể chơi nó chứ?”

Tôi nói là tôi sẽ thử. Trên chiếc đàn piano cũ tuyệt vời đó khiến ngay cả tôi cũng chơi được hay, và Tiến sĩ P. là một bản sao Fischer-Dieskau1 lớn tuổi nhưng chất giọng vô cùng êm dịu, kết hợp đôi tai hoàn hảo, giọng hát và trí thông minh âm nhạc sắc bén nhất. Rõ ràng là trường âm nhạc không mời ông dạy với mục đích từ thiện.

Thùy thái dương2 của Tiến sĩ P. hoàn toàn không bị tổn hại: ông có một võ não âm nhạc tuyệt vời. Tôi nghĩ, điều gì đang diễn ra trong thùy đỉnh3 và thùy chẩm4 của ông, đặc biệt là những nơi phụ trách xử lý thông tin thị giác? Trong bộ dụng cụ thần kinh của tôi có vài khối đa diện đều Platon và tôi quyết định sẽ bắt đầu với chúng.

“Đây là gì?” Tôi hỏi ông với khối vật đầu tiên.

“Một khối lập phương, tất nhiên rồi.”

“Còn cái này?” Tôi hỏi tiếp một vật khác.

Ông hỏi tôi liệu có thể cho ông cầm xem thử không, và cách ông nghiền ngẫm rất nhanh và có hệ thống: “Khối mười hai mặt đều, tất nhiên. Không cần thử mấy cái kia đâu - khối hai mươi mặt tôi cũng biết nữa.”

Hình dạng trừu tượng hiển nhiên không phải là vấn đề. Vậy còn khuôn mặt? Tôi lấy ra một bộ bài tây. Ông ấy có thể nhận ra được ngay lập tức, kể cả lá bồi (J), đầm (Q), già (K) và chú hề (Joker). Nhưng dẫu sao thì đây đều là những thiết kế có quy luật, và không thể biết được liệu ông phân biệt bằng khuôn mặt lá bài hay chỉ là hình mẫu hoa văn. Tôi quyết định lấy ra một tập hoạt hình trong cặp táp. Một lần nữa ông nhận biết được tốt với hầu hết truòng hợp. Điều xì gà của Churchill, mũi của Schnozzle: ngay khi tìm ra đặc điểm mấu chốt ông sẽ nhận ra được khuôn mặt. Nhưng lại phải nói hoạt hình là hình ảnh có hình thức và hệ thống. Lúc này chỉ còn xem ông ấy sẽ thể hiện ra sao với những khuôn mặt thật, trong hình ảnh thật.

Tôi bật TV lên, tắt âm, và bắt gặp một bộ phim thời đầu của Bette Davis. Lúc này đang diễn ra một cảnh nóng. Tiến sĩ P. không nhận ra nữ diễn viên này - nhưng điều này có thể là do cô ấy chưa từng xuất hiện trong cuộc đời ông. Điều đáng ngạc nhiên hơn là ông cũng không thể nhận biết được cảm xúc trên mặt của cô diễn viên và người bạn diễn, mặc dù trong suốt phân cảnh nóng bỏng ấy họ đi từ ham muốn bức người thông qua đam mê, kinh ngạc, thù ghét, và giận dữ đến một sự hòa hợp như tan chảy. Tiến sĩ P. không chỉ ra được bất kỳ điều gì cả. Ông ấy không hề biết chuyện gì đang xảy ra, ai là ai hay thậm chí đó là nam hay nữ. Những bình luận của ông về cảnh phim nghe như người sao Hỏa vậy.

Sach dich Nguoi dan ong nham vo minh la cai mu (The man mistook his wife for a hat) Chuong 1

Có thể ông ấy gặp khó khăn như vậy là vì thế giới phim ảnh Hollywood không thực tế, và tôi cho rằng biết đâu ông sẽ dễ dàng nhận diện những khuôn mặt trong chính cuộc sống của mình. Trên những bức tường căn hộ là rất nhiều khung hình gia đình, đồng nghiệp, học trò và của chính ông ấy. Với một chút nghi hoặc, tôi gom lại một xấp hình và đưa cho ông ấy xem. Với phim ảnh thì có vẻ khôi hài, nhưng với đời thực thì lại là một bi kịch. Ông hầu hết không nhận ra được ai cả: kể cả gia đình, đồng nghiệp, học trò và cả chính mình. Ông nhận ra được chân dung Einstein nhờ bộ tóc và ria rép đặc thù, tương tự với một hay hai người khác. “À, Paul!” ông nói, khi nhìn thấy chân dung người em trai của mình. “Quai hàm góc cạnh, hàm răng to - đi tới đâu tôi cũng nhận ra được Paul!” Nhưng có đúng là ông ấy nhận ra Paul, hay là dựa vào một hai đặc điểm để đoán danh tính của người đó một cách hợp lý? Khi không có những “đánh dấu” rõ ràng, ông hoàn toàn mù mịt. Nhưng không chỉ riêng nhận thức, còn có vấn đề gì đó nghiêm trọng trong cách ông ấy xử lý thông tin. Ông xem những khuôn mặt này - kể cả những người thân cận và gần gũi - như thể những trò chơi xếp hình hay bài kiểm tra trừu tượng. Ông không liên hệ với họ, không hề quan sát. Không có khuôn mặt nào quen thuộc, là “người”, mà chỉ được nhận diện là một tập hợp những đường nét, là “vật”. Vì vậy, ông có nhận thức về hình thể, nhưng không hề có nhận thức về con người. Từ đó dẫn đến sự thờ ơ, hay mù mờ, đối với cảm xúc. Đối với chúng ta, khuôn mặt là vẻ bề ngoài của một con người - ta nhìn một người thông qua cá tính, khuôn mặt của họ. Nhưng với Tiến sĩ P., không có một cá tính nào cả - không có cá tính bên ngoài, và cũng không có con người bên trong.

Tôi ghé qua tiệm hoa trên đường đến căn hộ của ông và mua một bông hoa hồng đắt tiền đính vào khuy áo. Giờ tôi gỡ nó ra và đưa cho ông ấy. Ông nhận lấy nó như một nhà thực vật học hay chuyên gia hình thái học nhận một mẫu vật, chứ không phải một người nhận một bông hoa.

“Dài khoảng sáu inch,” ông bình luận, “Một vật màu đỏ quấn tròn gắn với một vật thẳng dài màu xanh lá.”

“Đúng vậy,” tôi khích lệ, “và ông nghĩ nó gì, Tiến sĩ P,?”

“Không đơn giản,” ông có vẻ bối rối, “Nó không có sự đối xứng cơ bản của khối Platon, dù bản thân nó cũng có sự đối xứng bậc cao hơn… Tôi nghĩ đây có thể là một cành hoa hoặc một bông hoa.”

“Có thể?” tôi hỏi.

“Có thể.” ông xác nhận.

“Ông ngửi thử đi.” tôi gợi ý, và một lần nữa ông lại bối rối, như thể tôi vừa bảo ông ấy ngửi một vật đối xứng bậc cao. Nhưng ông vẫn lịch sự làm theo, và đưa nó lại gần mũi. Lúc này, đột nhiên ông như bừng sống lại.

“Tuyệt đẹp!” ông cảm thán, “Một bông hoa hồng mới nở. Một hương thơm tuyệt vời!” Ông bắt đầu ngân nga “Die Rose, die Lillie…” (hoa hồng, hoa huệ…). Có vẻ như hiện thực được biểu đạt bằng mùi hương, chứ không phải bằng hình ảnh.

Tôi tiến hành phép thử cuối cùng. Đó là một ngày trời lạnh, đầu xuân, và tôi đã quẳng áo choàng và găng tay của mình trên ghế sofa.

“Đây là gì?” tôi hỏi, cầm đôi găng trên tay.

“Tôi kiểm tra nó được chứ?” ông hỏi, và sau khi nhận lấy đôi găng, ông bắt đầu dò xét như cách ông làm với các khối hình học.

“Một bề mặt nối tiếp,” cuối cùng ông lên tiếng, “có thể lộn ngược được. Hình như nó có” - ông ngập ngừng - “năm cái túi nhô ra ngoài, nếu như tôi mô tả đúng.”

“Đúng vậy,” tôi thận trọng đáp. “Ông vừa mô tả rồi. Giờ hãy cho tôi biết đây là gì.”

“Một cái túi đựng gì đấy?”

“Vâng,” tôi nói, “và nó sẽ đựng cái gì?”

“Nó đựng vật ở bên trong!” Tiến sĩ P. nói kèm một nụ cười. “Có rất nhiều khả năng. Có thể là túi đựng tiền lẻ, ví dụ như năm kích cỡ đồng xu. Có thể là…”

Tôi ngắt quãng dòng chảy điên rồ này, “Trông nó không quen sao? Ông có nghĩ nó chứa được, hoặc vừa vặn với một bộ phận trên cơ thể không?”

Không có chút tia sáng vỡ òa nào trên khuôn mặt ông cả. (Một lát sau ông tình cờ biết được nó là gì, và thốt lên, “Ôi Chúa ơi, là chiếc găng tay!” Điều này khá tương đồng với bệnh nhân “Lanuti” của Kurt Goldstein, người chỉ có thể nhận biết được vật bằng cách thử sử dụng chúng.)

Không một đứa trẻ nào có khả năng quan sát và nói “một bề mặt nối tiếp… có thể lộn ngược”, nhưng bất kỳ đứa trẻ nào, kể cả trẻ sơ sinh, cũng ngay lập tức nhìn và biết đó là một chiếc găng tay, nhìn thấy nó quen thuộc, và nó được đeo lên bàn tay. Tiến sĩ P. thì không. Ông không thấy bất kỳ thứ gì quen thuộc cả. Về mặt thị giác, ông lạc lõng trong một thế giới trừu tượng không có sự sống. Thật vậy, ông không có một thế giới thị giác thật sự, không có bản ngã thị giác thật sự. Ông có thể nói về vật, nhưng không thể trực tiếp nhìn, đối mặt với chúng. Khi nhắc đến những bệnh nhân mắc hội chứng bất lực ngôn ngữ và tổn thương bán cầu não trái, Hughlings Jackson nói rằng họ mất đi suy nghĩ “trừu tượng” và “lý thuyết” - và so sánh họ với loài chó (hay nói đúng hơn là so sánh loài chó với bệnh nhân bất lực ngôn ngữ). Ngược lại, Tiến sĩ P. hoạt động chính xác như một cái máy. Không chỉ đơn giản là ông dửng dưng với thế giới thị giác như một cái máy tính - mà còn đáng kinh ngạc hơn - ông lý giải thế giới theo cách của một chiếc máy tính, dựa trên những đặc tính chủ chốt và các mối tương quan có hệ thống. Có thể nhận diện được ý nghĩa - theo cách tương tự với phác họa chân dung tội phạm - mà không cần phải thấu hiểu thực tế. 

Những kiểm tra mà tôi đã làm không cho biết được chút gì về thế giới nội tâm của Tiến sĩ P. Có khi nào trí nhớ thị giác và trí tưởng tượng của ông vẫn còn nguyên vẹn? Tôi yêu cầu ông tưởng tượng bước vào quảng trường địa phương từ hướng bắc, đi dạo xung quanh, theo trí tưởng tượng hoặc trí nhớ, và kể cho tôi về những tòa nhà mà ông đi ngang qua. Ông liệt kê những tòa nhà phía bên phải, nhưng không có căn nào ở bên trái. Sau đó tôi bảo ông tưởng tượng bước vào quảng trường từ hướng nam. Một lần nữa ông chỉ kể những tòa nhà ở phía bên phải, dù đó chính là những gì ông đã bỏ qua trước đó. Những tòa nhà “được nhìn thấy” trước đó bây giờ không được nhắc đến nữa, tưởng chừng như chúng không còn “được nhìn thấy” nữa. Rõ ràng là những khó khăn ở phía bên trái, những khiếm khuyết về thị giác, là vấn đề bên trong lẫn bên ngoài, chia cắt trí nhớ thị giác và trí tưởng tượng.

Những hình ảnh bậc cao bên trong tâm trí ông trông như thế nào? Nghĩ đến lối hình dung và diễn tả nhân vật vô cùng ảo diệu của Tolstoy, tôi hỏi Tiến sĩ P. về Anna Karenina5. Ông dễ dàng nhớ các sự việc, hiểu trọn vẹn cốt truyện, nhưng hoàn toàn bỏ qua những đặc điểm hình thái, mô tả hình ảnh, và bối cảnh. Ông nhớ những từ ngữ về nhân vật chứ không phải khuôn mặt của họ; và dù ông có thể thuật lại đoạn văn mô tả ngoại hình nhân vật gần như chính xác từng câu từng chữ trong nguyên tác, nhưng có thể thấy rõ đối với ông những câu chữ ấy đều trống rỗng và thiếu đi hiện thực về giác quan, tưởng tượng hay cảm xúc. Vì vậy, bên trong ông còn mắc chứng mất nhận thức. (Tôi thường suy nghĩ về những mô tả hình ảnh của Helen Keller, dù rõ ràng mạch lạc nhưng liệu chúng có cũng trống rỗng như vậy không? Hay là, bằng việc chuyển tiếp hình ảnh từ xúc giác đến thị giác, hoặc phi thường hơn, từ lời nói và ẩn dụ đến cảm quan và thị giác, bà đã đạt được năng lực hình ảnh thị giác, dù cho vỏ não thị giác của bà chưa bao giờ nhận kích thích trực tiếp từ đôi mắt. Nhưng ở trường hợp của Tiến sĩ P., chính xác là võ não bị tổn thương, điều kiện tiên quyết của mọi cơ chế tạo ảnh. Một điều thú vị và điển hình là ông không còn mơ thấy hình ảnh nữa - “thông điệp” trong giấc mơ được truyền đạt dưới dạng không phải hình ảnh.)

Nhưng vấn đề chỉ xảy ra với một vài hình ảnh nhất định. Khuôn mặt và bối cảnh, mô tả thị giác và kịch tính bị tổn thương nặng nề và gần như không có. Nhưng hình ảnh hệ thống vẫn còn nguyên vẹn, có khi còn được tăng cường. Vì vậy, khi tôi cho ông chơi cờ mù, ông không gặp khó khăn gì khi hình dung bàn cờ và các nước đi - hẳn rồi, không khó khăn gì đánh bại tôi áp đảo.

Luria nói về bệnh nhân Zazetsky rằng ông ấy đã mất toàn bộ khả năng chơi trò chơi nhưng “trí tưởng tượng sinh động” của ông thì không bị tổn hại. Zazetsky và Tiến sĩ P. sống trong hai thế giới ngược nhau như tấm gương phản chiếu. Nhưng điểm khác biệt đáng buồn nhất giữa hai người là Zazetsky, như lời Luria kể, “chiến đấu để khôi phục lại năng lực đã mất với sự kiên cường bất khuất của một người bất hạnh,” còn Tiến sĩ P. không hề chiến đấu, không hề biết cái gì đã mất đi, thực chất không hề biết rằng bản thân đã đánh mất một điều gì đó. Nhưng đâu là bi kịch nặng nề hơn, hay ai là người bất hạnh hơn - người biết, hay kẻ không biết?

Khi bài kiểm tra kết thúc, bà P. gọi chúng tôi đến bàn ăn, bày sẵn cà phê và vài miếng bánh ngọt ngon lành. Vừa đói, vừa ngân nga, Tiến sĩ P. bắt đầu với miếng bánh. Nhanh nhẹn, tháo vát, vô tư, với giai điệu du dương, ông kéo đĩa bánh về phía mình và ăn từng miếng từng miếng một theo một dòng chảy những âm thanh ừng ực, một bài hát khi ăn uống, cho đến khi, bất thình lình, xuất hiện một sự gián đoạn: một tiếng động rat-tat-tat to bất ngờ phát ra từ phía cửa. Giật mình, kinh ngạc, như bị hút vào âm thanh kia, Tiến sĩ P. ngừng ăn và ngồi cứng đờ, bất động với khuôn mặt dửng dưng, bối rối mờ mịt. Ông nhìn cái bàn, nhưng có vẻ không còn nhìn thấy cái bàn nữa; không còn nhận thức được đó là cái bàn ăn có một đĩa bánh ngọt. Vợ ông rót cho ông một ít cà phê: mùi hương len vào cánh mũi và đưa ông trở về thực tại. Giai điệu ăn uống quay trở lại.

Ông ấy làm mọi thứ như thế nào? Tôi tự hỏi. Chuyện gì xảy ra khi ông ấy thay đồ, đi vệ sinh, đi tắm? Tôi đi theo vợ ông vào bếp và hỏi bà ông ấy thay đồ như thế nào. “Cũng giống như khi ăn vậy,” bà giải thích. “Tôi để những bộ trang phục thường ngày ở những vị trí thường ngày, và ông ấy mặc không vấn đề gì cả, vừa mặc vừa hát. Làm gì ông ấy cũng hát. Nhưng nếu bị gián đoạn và mất trớn, ông ấy sẽ ngừng hoàn toàn, không còn biết quần áo gì nữa - hay thậm chí là cả cơ thể của mình. Lúc nào ông ấy cũng hát - bài hát lúc ăn, bài hát lúc thay đồ, bài hát lúc tắm, tất cả mọi thứ. Không phổ nhạc thì ông ấy không làm được gì cả.”

Khi cả hai đang nói chuyện, tôi chú ý đến những bức tranh treo trên tường.

“Vâng,” bà P. nói, “ngoài là ca sĩ thì ông ấy cũng là một họa sĩ thiên tài. Năm nào trường cũng trưng bày tranh của ông ấy.”

Tôi tò mò dạo xung quanh những bức tranh - chúng được sắp xếp theo thứ tự thời gian. Tất cả những tác phầm thời kỳ đầu đều tự nhiên và thực tế, với tâm trạng và hoàn cảnh sống động, nhưng rất chi tiết và cụ thể. Và rồi, nhiều năm sau, chúng trở nên bớt sống động, bớt cụ thể, bớt thực và bớt tự nhiên, nhưng lại trừu tượng hơn, thậm chí là góc cạnh và lập thể. Đến những bức tranh cuối cùng, chúng trở nên vô nghĩa, hoặc là vô nghĩa đối với tôi - chỉ là những đường nét và đốm màu hỗn loạn. Tôi bình luận điều này với bà P.

“Ôi, đúng là các bác sĩ thì không có thường thức gì cả!” bà cảm thán. “Ông không nhìn thấy sự tiến bộ nghệ thuật sao - ông ấy từ bỏ trường phái hiện thực của những năm đầu và nâng cấp thành nghệ thuật trựu tượng, phi đại diện?”

“Không, không phải vậy đâu.” tôi thầm nói với bản thân (nhưng không nói với quý bà P. tội nghiệp). Đúng là ông ấy đã chuyển từ hiện thực sang phi đại diện sang trừu tượng, nhưng thứ tiến triển ở đây không phải là nghệ thuật, mà là bệnh lý - tiến triển thành chứng mất nhận thức thị giác nghiêm trọng, tất cả năng lực đại diện và biểu tượng, tất cả tri giác về cụ thể, về hiện thực, đều bị phá hủy. Bức tường tranh này là một triển lãm bệnh lý đầy bi ai, thuộc về lĩnh vực thần kinh học, chứ không phải hội họa.

Tuy vậy, tôi tự hỏi rằng liệu bà có đúng một phần nào đó không? Vì thường có sự tranh đấu, và điều thú vị hơn là đôi khi còn có sự cộng hưởng, giữa sức mạnh bệnh lý và năng lực sáng tạo. Có lẽ, trong giai đoạn lập thể, đã có sự tiến triển về hội họa lẫn bệnh lý, cộng hưởng tạo ra hiện tượng này; vì ông ấy đã đánh mất cái cụ thể, nên có lẽ đã nhận lại cái trừu tượng, phát triển sự nhạy cảm đối với những yếu tố cấu trúc của đường nét, ranh giới, cạnh viền - một khả năng quan sát gần như Picasso, và mô tả những hệ thống trừu tượng, thường là vô hình, bên trong cái cụ thể. Nhưng tôi e là trong những bức tranh cuối cùng, chỉ còn là sự hỗn loạn và mất nhận thức.

Chúng tôi trở lại gian phòng âm nhạc lớn, với cây Bosendorfer ở chính giữa, và Tiến sĩ P. vừa ngân nga ăn chiếc bánh torte cuối cùng.

“Bác sĩ Sacks,” ông nói với tôi. “Tôi có thể thấy ông xem tôi là một trường hợp thú vị. Ông có thể cho tôi biết điều gì sai, và tôi nên làm gì không?”

“Tôi không thể nói điều tôi thấy sai,” tôi đáp, “nhưng tôi sẽ nói điều tôi thấy đúng. Ông là một nhạc công tuyệt vời, và âm nhạc là cuộc sống của ông. Với trường hợp này, thứ tôi kê đơn sẽ là một cuộc đời hoàn toàn bao trùm bởi âm nhạc. Âm nhạc vẫn luôn là trung tâm, từ giờ hãy biến nó thành toàn bộ cuộc đời ông.”

Đó là bốn năm trước - từ đó tôi không còn gặp ông nữa, nhưng tôi thường tự hỏi ông ấy nhìn nhận thế giới như thế nào, với chứng mất hình ảnh, hình dung kỳ lạ và khả năng âm nhạc hoàn hảo. Tôi nghĩ với ông ấy, âm nhạc đã thay thế hình ảnh. Ông ấy không có hình ảnh cơ thể, mà có âm nhạc cơ thể: đó là lý do ông có thể di chuyển và sinh hoạt trôi chảy như thế, nhưng lại bối rối bất động nếu “âm nhạc bên trong” bị gián đoạn. Và tương tự với thế giới bên ngoài… (Vì vậy, sau đó tôi được biết từ người vợ, dù ông không thể nhận ra học trò nếu họ ngồi yên, nếu họ chỉ là những “hình ảnh”, nhưng có thể ông sẽ bất ngờ nhận ra được nếu họ di chuyển. “Đó là Karl,” ông vỡ òa. “Tôi biết những cử động, âm nhạc cơ thể của cậu ấy.”)

Trong quyển The Word as Representation and Will (Trong Thế giới của Biểu tượng và Ý chí), Schopenhauer nói âm nhạc là “ý chí thuần túy”. Chắc hẳn ông sẽ sẽ rất hứng thú với Tiến sĩ P., một người mất hoàn toàn thế giới biểu tượng, và chỉ nhận thức được thế giới bằng âm nhạc hoặc ý chí.

Và điều đó vẫn tiếp diễn đến một cái kết có hậu - dù căn bệnh ngày càng trở nặng (một khối u lớn hoặc quá trình thoái hóa nghiêm trọng ở những bộ phận thị giác trong não bộ), Tiến sĩ P. sống và dạy âm nhạc cho đến những ngày cuối đời.

Tái bút

Ta có thể lý giải việc Tiến sĩ P. không thể nhận ra chiếc găng tay là chiếc găng tay như thế nào? Hiển nhiên ông ấy không thể đưa ra nhận định về mặt nhận thức, dù ông ấy có khả năng đưa ra những giả thuyết nhận thức rất phong phú. Sự nhận định thuộc về trực giác, cá nhân, kiến thức, và cụ thể - ta “nhìn thấy” một sự vật trong mối liên hệ hệ với sự vật khác và với chính nó. Chính trật tự này, mối liên hệ này là điều Tiến sĩ P. thiếu (dù ông ấy có thể nhận định những khía cạnh khác một cách nhanh chóng và bình thường). Đây có phải là do sự thiếu hụt thông tin hình ảnh, hay là quá trình xử lý thông tin thị giác xảy ra sai sót? (Đây là lời giải thích của thần kinh học cổ điển, theo công thức.) Hay là có điều gì sai lệch trong thái độ của Tiến sĩ P., khiến ông không thể liên hệ những gì nhìn thấy được với bản thân?

Những lý giải này, hay cách thức lý giải này, không tương khắc với nhau - những cách thức lý giải khác nhau vẫn có thể cùng tồn tại và cùng đúng. Và điều này được nhìn nhận, gián tiếp hay trực tiếp, trong thần kinh học cổ điển: gián tiếp theo Macrae, khi ông cho rằng lời giải về khiếm khuyết trong lược đồ hành vi, hay quá trình xử lý và vận hành thị giác là không đầy đủ; trực tiếp theo Goldstein, khi ông nhắc đến “thái độ trừu tượng”. Nhưng thái độ trừu tượng, bao gồm “sự phân loại”, cũng không hoàn toàn chính xác với Tiến sĩ P. - và có lẽ với cả khái niệm “nhận định” nói chung. Vì Tiến sĩ P. thái độ trừu tượng - ngoài ra không còn gì khác. Và chính sự trừu tượng trong thái độ đến mức vô lý này - vô lý ở chỗ nó không chừa chỗ cho bất kỳ điều gì khác - đã biến ông ấy trở nên không thể nhận thức được danh tính, hay cụ thể hơn, khiến ông mất đi khả năng nhận định.

Điều đáng tò mò là, thần kinh học và tâm lý học, dù chúng nói về hầu như tất cả mọi việc, lại gần như không bao giờ nói về “nhận định” - nhưng chính sự sa sút trong khả năng nhận định (dù là ở những địa hạt nhất định như với Tiến sĩ P., hay khái quát hơn như với bệnh nhân của hội chứng Korsakov6 hoặc hội chứng thùy trán7 - xem chương Mười hai và Mười ba) cấu tạo nên nguyên thể của rất nhiều chứng rối loạn tâm lý học thần kinh.

Nhận định và danh tính đều có khả năng bị tổn thương - nhưng tâm lý học thần kinh không bao giờ nhắc đến chúng.

Vậy mà, dù là theo lý lẽ triết học (lý lẽ của Kant8), hay lý lẽ của thực nghiệm và tiến hóa, khả năng nhận định là năng lực quan trọng nhất mà ta có. Một con vật, hay một con người, có thể sinh sống tốt mà không có “thái độ trừu tượng” nhưng sẽ nhanh chóng diệt vong nếu thiếu nhận định. Nhận định phải là năng lực đầu tiên của đời sống bậc cao hoặc tâm trí - nhưng lại bị ngó lơ, hoặc diễn giải sai, bởi thần kinh học cổ điển (máy móc). Và nếu ta hoang mang tại sao một điều vô lý như vậy lại xảy ra, ta có thể nhìn thấy lý do từ những giả thiết, hay quá trình tiến hóa, của thần kinh học. Vì thần kinh học cổ điển (cũng giống như vật lý cổ điển) vẫn luôn máy móc - từ loại suy máy móc của Hughlings Jackson9 đến loại suy máy tính ngày nay.

Tất nhiên, não bộ đúng là một loại cơ giới và là một cái máy tính - tất cả những gì có trong thần kinh học cổ điển đều đúng. Nhưng những quá trình trong tâm trí, tạo nên sự sống và cuộc sống, thì không chỉ bao gồm trừu tượng và máy móc, mà còn cả cá nhân nữa - và vì thế không chỉ liên quan đến phân biệt và phân loại, mà còn là liên tục nhận định và cảm thấu. Nếu điều này mất đi, ta trở nên giống như một cái máy, như Tiến sĩ P. Và nếu ta bỏ cảm xúc và nhận định, những yếu tố cá nhân, ra khỏi khoa học nhận thức, ta đã đồng thời hạ thấp chính những ngành khoa học đó xuống bằng với những khiếm khuyết của Tiến sĩ P. - và ta hạ thấp hiểu biết của chúng ta về cái cụ thể và thực tế.

Bằng phương pháp loại suy khôi hài và tệ hại, thần kinh học và tâm lý học nhận thức hiện nay không khác gì Tiến sĩ P. tội nghiệp! Ta cần cái cụ thể và hiện thực, giống như ông ấy cần; và ta không nhìn ra được điều đó, giống như ông ấy cũng không nhìn ra được điều đó. Các ngành khoa học nhận thức cũng đang mắc căn bệnh mất nhận thức giống như Tiến sĩ P. Do đó Tiến sĩ P. có thể là lời cảnh báo và cũng là câu chuyện ngụ ngôn về những gì đang diễn ra với một ngành khoa học đã né tránh khả năng nhận định, cái cụ thể, tính cá nhân và trở nên hoàn toàn trừu tượng và máy móc.

Tôi vẫn luôn cảm thấy nuối tiếc sâu sắc vì hoàn cảnh ngoài tầm kiểm soát mà tôi không thể theo ca bệnh này thêm nữa, dù là quan sát và theo dõi như đã mô tả, hay là đi tìm nguyên nhân bệnh lý thật sự.

Người ta luôn lo sợ rằng một ca bệnh nào đó là “duy nhất”, đặc biệt là với trường hợp có những tính chất khác thường như của Tiến sĩ P. Vì vậy, với niềm hứng thú và hân hoan, nhưng không hề nhẹ nhõm, khi đọc báo định kỳ Brain (Não bộ) năm 1956, tôi đã tìm thấy mô tả chi tiết của một trường hợp khôi hài tương tự, giống (thực chất là y hệt) cả về mặt tâm lý học thần kinh lẫn hiện tượng học, dù căn bệnh phía sau (chấn thương đầu cấp tính) và tất cả những hoàn cảnh cá nhân đều khác hoàn toàn. Các tác giả nêu trường hợp này là “duy nhất trong suốt lịch sử ghi chép của chứng rối loạn này” - và hiển nhiên họ rất kinh ngạc với những phát hiện này. Bạn đọc có hứng thú xin mời xem qua bài báo gốc, Macrae và Trolle (1956), dưới đây tôi thêm vào một đoạn thuật lại ngắn, với những câu từ trong bài gốc được để trong dấu ngoặc kép. Chỉ sau khi hoàn thành quyển sách này tôi mới tìm ra một tư liệu kỹ càng như vậy về chứng mất nhận thức thị giác nói chung, và mất nhận thức khuôn mặt nói riêng. Cụ thể là gần đây tôi rất vinh dự được gặp Tiến sĩ Andrew Kertesz, người đã xuất bản nhiều nghiên cứu rất chi tiết về những bệnh nhân mắc chứng mất nhận thức (ví dụ bạn có thể tham khảo bài báo về mất nhận thức thị giác, Kertesz 1979). Tiến sĩ Kertesz nhắc đến một ca bệnh là một nông dân mất nhận thức khuôn mặt và vì thế không thể phân biệt (khuôn mặt của) những con bò trong nông trại, và một bệnh nhân khác, một tiếp viên ở Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên nhầm tưởng hình ảnh trong gương của mình là mô hình trưng bày của một con tinh tinh. Với Tiến sĩ P. và bệnh nhân của Macrae và Trolle, những sự vật, sự việc liên quan đến sự sống lại là đối tượng bị nhận nhầm một cách vô lý. Những nghiên cứu quan trọng nhất của căn bệnh mất nhận thức này, và quá trình xử lý thông tin thị giác nói chung, đều đang được tiến hành bởi A. R. và H. Damasio (tham khảo bài báo trên Mesulam [1965], trang 259-288; hoặc trang 79 dưới đây).

Bệnh nhân của họ là một người đàn ông trẻ 32 tuổi, sau một tai nạn giao thông nghiêm trọng và bất tỉnh trong ba tuần, anh ấy “...phàn nàn rằng mình không còn có thể nhận ra được khuôn mặt của bất kỳ ai, kể cả vợ và con”. Không có khuôn mặt nào “quen thuộc” với anh, nhưng có ba người anh có thể nhận ra; đó là những đồng nghiệp: một người có tật giật cơ mắt, một người có nốt ruồi lớn trên gò má, và người còn lại “quá cao và gầy không giống ai cả”. Macrae và Trolle chỉ ra rằng, những người này đều “được nhận diện bởi một đặc điểm đáng chú ý duy nhất được nhắc đến”. Nhìn chung (như Tiến sĩ P.) anh ấy nhận ra người quen chỉ qua giọng nói.

Anh ấy cũng gặp khó khăn cả khi nhìn thấy bản thân trong gương, theo lời Macrae và Trolle mô tả chi tiết: “Trong pha hồi sức ban đầu anh thường hỏi liệu khuôn mặt đang nhìn mình có phải là của mình không, nhất là khi cạo râu, và dù biết rõ theo quy tắc vật lý thì đó không thể là ai khác, đôi lúc anh nhăn mặt và lè lưỡi ra “để cho chắc”. Bằng cách ngâm cứu kỹ lưỡng khuôn mặt trong gương, anh chậm rãi bắt đầu nhận ra được nó, nhưng không phải “nhanh như chớp” như trong quá khứ - anh dựa vào mái tóc và đường nét khuôn mặt, và vào hai nốt ruồi nhỏ trên má bên trái.

Nhìn chung anh ấy không thể nhận diện được vật thể “ở cái nhìn đầu tiên”, và phải tìm kiếm, suy đoán từ một hoặc hai đặc điểm - đôi lúc những suy đoán này sai một cách vô lý. Cụ thể, tác giả ghi chú, anh ấy gặp khó khăn với những sự vật, sự việc liên quan đến sự sống.

Mặt khác, những vật đơn giản có cấu tạo rõ ràng - kéo, đồng hồ, chìa khóa, vân vân - đều không thành vấn đề. Macrae và Trolle cũng ghi rõ: “Trí nhớ định vị của anh ấy rất lạ: có một nghịch lý là anh có thể tìm đường đi từ nhà đến bệnh viện và xung quanh bệnh viện, nhưng không thể kể tên những con đường trong suốt lộ trình [không giống như Tiến sĩ P., anh còn mắc chứng bất lực ngôn ngữ] và cũng không thuật lại được đường đi của mình.”

Và một điều khác được biểu hiện rõ ràng là ký ức thị giác với mọi người bị tổn thương nghiêm trọng, kể cả ký ức từ trước tai nạn - anh có thể nhớ được cách cư xử, hay cử chỉ, nhưng không nhớ được ngoại hình và khuôn mặt. Tương tự, khi được hỏi kỹ lưỡng, có vẻ là anh không còn nhìn thấy hình ảnh trong những giấc mơ. Vì vậy, như với Tiến sĩ P., bệnh nhân này không chỉ bị tổn thương ở nhận thức thị giác, mà còn ở trí tưởng tượng và ký ức thị giác - ít nhất là ở phạm vi cá nhân, với những người và vật thân thuộc, với cái cụ thể.

Lời hài hước cuối cùng. Tiến sĩ P. thì nhận nhầm vợ mình thành chiếc mũ, còn bệnh nhân của Macrae, cũng không nhận ra vợ mình, thì yêu cầu người vợ để lộ danh tính bằng một đánh dấu hình ảnh, bằng “...một món thời trang dễ nhận biết, như là một chiếc mũ lớn”.

Chú thích

1: Dietrich Fischer-Dieskau (1925-2012) là một danh ca người Đức có chất giọng nam trung (Wikipedia)

2: Thùy thái dương: phụ trách xử lý thông tin hình ảnh, ngôn ngữ và cảm xúc

3: Thùy đỉnh: phụ trách xử lý thông tin xúc giác

4: Thùy chẩm: phụ trách nhận thức thị giác, bao gồm màu sắc, hình dạng và chuyển động

5: Anna Karenina: tên một tiểu thuyết của nhà văn người Nga Lev Tolstoy

6: Hội chứng Korsakov: chứng rối loạn trí nhớ mãn tính do thiếu hụt nghiêm trọng thiamine (vitamin B1)

7: Thùy trán: phụ trách những chức năng lý trí như động lực, dự định, hành vi xã hội, và hình thành lời nói

8: Immanuel Kant: (1724-1804): triết gia người Đức có ảnh hưởng lớn trong thời kỳ Khai Sáng

9: Hughlings Jackson: (1835-1911): nhà thần kinh học người Anh nổi tiếng với nghiên cứu về bệnh động kinh

 

(hết chương 1)

Người dịch: Janie

Theo tamlyhoctoipham.com

Tội Phạm Bài viết liên quan

Vợ chồng căng thẳng vì 'ngoại tình tài chính'

Vợ chồng căng thẳng vì 'ngoại tình tài chính'  3

 16/04/2024 11:11:24 SA

Sự không minh bạch và hợp tác về mặt tài chính giữa vợ chồng (ngoại tình tài chính) có thể gây ra các vấn đề về sức khỏe tâm thần cho cả hai người.

Xem chi tiết 
Thực hành ám thị và tự kỷ ám thị - Phương pháp ám thị để thay đổi tâm thức

Thực hành ám thị và tự kỷ ám thị - Phương pháp ám thị để thay đổi tâm thức  9

 15/04/2024 11:11:17 SA

Tự kỉ ám thị được biết đến như một kỹ thuật có thể ảnh hưởng đến thế giới vật chất, mang lại sức khoẻ thể chất lẫn tinh thần và thậm chí cả tăng chỉ số IQ, hỗ trợ giúp cho việc sử dụng thuốc. Nó được phát triển bởi nhà bào chế thuốc Emile Coué từ cuối nhữ

Xem chi tiết 
6 ảnh hưởng tiêu cực của stress lên não bộ, liệu bạn đã biết?

6 ảnh hưởng tiêu cực của stress lên não bộ, liệu bạn đã biết?  8

 15/04/2024 11:11:16 SA

Các nghiên cứu khoa học thần kinh đã phát hiện ra những tác động phức tạp của stress lên não và cơ thể.

Xem chi tiết 
Tại sao nên cắt đứt liên lạc với người cũ?

Tại sao nên cắt đứt liên lạc với người cũ?  14

 14/04/2024 11:10:43 SA

Việc không liên lạc với người yêu cũ có thể giúp cả hai bước tiếp theo những cách lành mạnh.

Xem chi tiết 
Cách làm dịu cơn giận dữ

Cách làm dịu cơn giận dữ  21

 12/04/2024 11:09:18 SA

Theo một nhóm các nhà nghiên cứu Nhật Bản, viết ra phản ứng tiêu cực lên giấy rồi xé nhỏ hoặc vứt đi thực sự có thể làm giảm cảm giác tức giận.

Xem chi tiết 
Tuổi 20, đặt câu hỏi gì để có một tương lai tốt đẹp hơn?

Tuổi 20, đặt câu hỏi gì để có một tương lai tốt đẹp hơn?  23

 11/04/2024 11:08:43 SA

Một bí mật mà ít ai nói cho bạn biết nhưng lại rất quan trọng, đó là tuổi hai mươi đôi khi thật tệ!

Xem chi tiết 

Quảng cáo

thu mua đồ cũ

Quảng cáo

kem flan

Quảng cáo

xuong may dong phuc

Quảng cáo

xe ôtô 2018
Trước Khi Nhắm Mắt  2624
 13/09/2018 12:44:10 SA
Tiếng Thét  2519
 13/09/2018 12:39:16 SA
Đảo Quỷ  3187
 13/09/2018 12:34:42 SA
Pháp Y Tần Minh  2617
 13/07/2018 3:59:16 CH
Kiêu Hãnh Và Định Kiến  2600
 13/07/2018 3:48:06 CH
Xem thêm nhiều tin khác 
Bạn vui lòng chờ trong giây lát...