Tội Phạm Bài viết

[Sách dịch] Người đàn ông nhầm vợ mình là cái mũ (The man mistook his wife for a hat) - Chương 2

 28/09/2021 11:54:03 SA |  Admin |   405 lượt xem

(toipham.net) - Bạn phải bắt đầu mất trí nhớ, dù chỉ là từng chút từng chút một, thì mới nhận ra ký ức là thứ tạo nên cuộc sống. Sống mà không có ký ức thì không còn là sống nữa… Ký ức là mạch sống, là lý do, cảm nhận, và cả là hành động của chúng ta. Không có nó, ta khô

Giới thiệu với các bạn 1 cuốn sách tội phạm học kinh điển về khoa học thần kinh mà ad vô cùng yêu thích. Cuốn sách tội phạm học hiện tại đã nhận được hơn 300 ngàn rating trên goodread và đã được dựng thành phim. Mong có Nhà xuất bản nào đi ngang qua đây và chọn cuốn sách này.

Đọc chương 1 ở đây

The Man Who Mistook His Wife For A Hat

Tác giả: Oliver Sacks

Nếu một người đàn ông bị mất một chân hoặc một mắt, anh ta biết rằng anh ta đã mất một chân hoặc một mắt; nhưng nếu anh ta tự đánh mất bản thân mình thì anh ta không thể biết điều đó, vì anh ta không còn ở đó để biết điều đó nữa. Bác sĩ Oliver Sacks kể lại những câu chuyện về những bệnh nhân đang vật lộn để thích nghi với những thế giới rối loạn thần kinh thường kỳ quái trong cuốn sách The Man Who Mistook His Wife For A Hat.

Sach dich Nguoi dan ong nham vo minh la cai mu (The man mistook his wife for a hat) - Chuong 2

 

2 - Người lính thủy lạc lối

Sau khi viết và xuất bản câu chuyện này, tôi cùng Tiến sĩ Elkhonon Goldberg - học trò của Luria [1] và là biên tập của cuốn The Neuropsychology of Memory (Tâm lý học thần kinh về Trí nhớ) bản gốc (tiếng Nga) - tiến hành nghiên cứu kỹ lưỡng và có hệ thống trên phương diện tâm lý học thần kinh đối với bệnh nhân này. Tiến sĩ Goldberg đã trình bày một số kết quả ban đầu tại các hội nghị, và chúng tôi hy vọng sẽ xuất bản đầy đủ nghiên cứu vào thời điểm thích hợp.

Một bộ phim kiệt xuất và cảm động sâu sắc về một bệnh nhân mất trí nhớ nghiêm trọng (Prisoner of Consciousness - Tù nhân của ý thức), thực hiện bởi Tiến sĩ Jonathan Miller, vừa được công chiếu tại Anh (tháng 9 năm 1986). Còn có một bộ phim khác (của Hilary Lawson) nói về bệnh nhân mất nhận thức khuôn mặt (với nhiều điểm tương đồng với Tiến sĩ P.). Những bộ phim như thế này rất quan trọng để chứng minh cho quan điểm: “Điều gì có thể thấy thì không thể kể” [2].

“Bạn phải bắt đầu mất trí nhớ, dù chỉ là từng chút từng chút một, thì mới nhận ra ký ức là thứ tạo nên cuộc sống. Sống mà không có ký ức thì không còn là sống nữa… Ký ức là mạch sống, là lý do, cảm nhận, và cả là hành động của chúng ta. Không có nó, ta không là gì cả… (Tôi chỉ có thể chờ đến chứng mất trí nhớ cuối cùng, thứ có thể xóa sạch toàn bộ một cuộc đời, như điều đã xảy ra với mẹ tôi…)”

- Luis Bunuel

Trích đoạn cảm động và đáng sợ trong bản dịch nhật ký của Bunuel đã dấy lên những câu hỏi nền tảng - trên góc độ y học, thực tiễn, tồn tại, triết học: cuộc sống gì (nếu có), thế giới gì, bản ngã gì có thể còn hiện hữu trong một con người đã đánh mất phần lớn ký ức, quá khứ và định vị về thời gian?

Ngay lập tức tôi nhớ đến một bệnh nhân của mình, là ví dụ chuẩn xác cho những câu hỏi này: Jimmie G. quyến rũ, thông minh, không có ký ức, được đưa đến viện dưỡng lão của chúng tôi ở gần thành phố New York vào đầu năm 1975, với một ghi chú thuyên chuyển bí hiểm, “Bất lực, sa sút trí tuệ, rối trí và mất phương hướng”.

Jimmie có ngoại hình ổn, với mái tóc xoăn bạc màu, một người đàn ông bốn mươi chín tuổi khỏe mạnh và đẹp trai. Ông ấy rất vui vẻ, thân thiện và ấm áp.

“Ô kìa xin chào bác sĩ!” ông nói, “Một buổi sáng đẹp trời! Tôi ngồi vào ghế này chứ?” Một tâm hồn hòa nhã, sẵn lòng nói chuyện và giải đáp những câu hỏi của tôi. Ông nói cho tôi biết tên và ngày sinh, và tên thị trấn nhỏ ở Connecticut nơi ông chào đời. Ông mô tả chi tiết nơi đó với niềm thương mến dạt dào, còn vẽ cả bản đồ cho tôi nữa. Ông kể về những căn nhà mà gia đình từng ở - ông còn nhớ cả những số điện thoại nữa. Ông kể về trường học và những ngày tháng đi học, về bạn bè, và niềm yêu thích đặc biệt với môn toán và khoa học. Ông hăng hái nói về khoảng thời gian ở hải quân - năm mười bảy tuổi, vừa tốt nghiệp trung học và nhập ngũ năm 1943. Với tư duy kỹ thuật tốt cùng “thiên phú” với sóng vô tuyến và điện tử, sau một khóa học cấp tốc ở Texas, ông trở thành trợ lý vận hành sóng vô tuyến trên một tàu ngầm. Ông nhớ được tên một vài tàu ngầm mà mình đã phục vụ, nhiệm vụ của chúng, địa phận ở đâu, tên của thủy thủ đoàn. Ông nhớ mã Morse, và vẫn còn có thể gõ Morse lưu loát.

Một cuộc đời tuổi trẻ trọn vẹn và thú vị, tồn tại trong trí nhớ một cách sống động, chi tiết, và chan chứa tình cảm. Nhưng vì một lý do nào đó, những hồi tưởng dừng lại tại đây. Ông nhớ lại, và gần như là sống lại, những ngày tháng chiến tranh và phục vụ trong quân ngũ, khi chiến tranh kết thúc, và những suy nghĩ cho tương lai. Ông đã bắt đầu yêu hải quân, nghĩ rằng mình có thể ở lại. Nhưng với Đạo luật G.I. [3], cùng nhiều sự hỗ trợ, ông cảm thấy vào đại học là quyết định tốt nhất. Người em trai của ông lúc ấy đang học ở trường kế toán và đã đính hôn với một cô gái, một “mỹ nhân đích thực”, đến từ Oregon.

Khi nhớ lại, sống lại, Jimmie trông tràn đầy sức sống; ông không có vẻ như đang kể lại quá khứ, mà là nói về hiện tại, và tôi rất ngạc nhiên bởi sự thay đổi thì động từ trong lời kể khi ông chuyển từ thời đi học sang giai đoạn trong hải quân. Ông vẫn luôn dùng thì quá khứ, nhưng giờ lại chuyển sang thì hiện tại - và (theo tôi nhận thấy) không phải chỉ là thì hiện tại trang trọng và văn vẻ khi hồi tưởng, mà là thì hiện tại đích thực mô tả sự việc tức thì.

Sach dich Nguoi dan ong nham vo minh la cai mu (The man mistook his wife for a hat) - Chuong 2

Thình lình một sự nghi hoặc khó tin bao trùm lấy tôi.

“Đây là năm bao nhiêu, thưa ông G.?” tôi hỏi, che giấu sự rối trí dưới vẻ ngoài vô tư.

“Tất nhiên là năm 45 rồi anh bạn. Ý ông là sao?” Ông nói tiếp, “Chúng ta vừa thắng chiến tranh, FDR [4] đã chết rồi, Truman [5] đương nhiệm. Thời gian sắp tới sẽ rất tuyệt vời.”

“Và ông, Jimmie, ông bao nhiêu tuổi?”

Quái lạ, bất định, ông ngập ngừng trong giây lát, như là đang tính toán rất kỹ lưỡng.

“Sao lại hỏi vậy, chắc là mười chín tuổi, thưa bác sĩ. Tôi sẽ lên hai mươi vào sinh nhật lần tới.”

Nhìn người đàn ông tóc bạc trước mặt, tôi đã bất giác có một hành động khiến tôi không bao giờ tha thứ cho chính mình - sẽ là một sự tàn nhẫn tột độ nếu như có một lúc nào đấy ông ấy nhớ ra chuyện này.

“Đây,” tôi nói, đẩy một chiếc gương về phía ông. “Hãy nhìn vào gương và nói cho tôi biết ông thấy gì. Có phải là một chàng trai mười chín tuổi không?”

Ông lập tức tái mét và túm lấy tay vịn ghế. “Ôi Chúa ơi,” ông thì thầm. “Chúa ơi, chuyện gì vậy? Chuyện gì đã xảy ra với tôi vậy? Đây là ác mộng đúng không? Tôi bị điên rồi? Hay đây là một trò đùa?” - và ông trở nên điên cuồng, kích động.

“Không sao mà, Jimmie,” Tôi trấn an. “Chỉ là một nhầm lẫn thôi. Không có gì đáng lo ngại cả. Nhìn này!” Tôi đưa ông đến bên cửa sổ. “Hôm nay là một ngày xuân thật đẹp đúng không? Ông có thấy những đứa trẻ đang chơi bóng chày kia không?” Ông hồi phục lại thần sắc và bắt đầu mỉm cười, và tôi lén rời khỏi, mang theo chiếc gương đáng sợ kia.

Hai phút sau tôi trở lại phòng. Jimmie vẫn đang đứng bên cửa sổ, vui vẻ ngắm nhìn những đứa trẻ đang chơi bóng chày bên dưới. Ông quay người lại khi thấy tôi mở cửa, và gương mặt hiện lên một biểu cảm tươi tắn.

“Ô kìa xin chào bác sĩ!” ông nói. “Một buổi sáng đẹp trời! Ông muốn nói chuyện với tôi - tôi ngồi vào ghế này chứ?” Gương mặt chân thành, thân thiện ấy không có dấu hiệu gì là nhận ra tôi.

“Chúng ta đã gặp nhau chưa, ông G?” tôi bình thản hỏi.

“Không, tôi không nghĩ vậy. Bộ râu của ông đặc biệt như thế. Nếu gặp rồi tôi sẽ nhận ra ông ngay, thưa bác sĩ!”

“Tại sao ông lại gọi tôi là bác sĩ?”

“Ờ, vì ông là bác sĩ mà đúng không?”

“Đúng vậy, nhưng nếu ông chưa từng gặp tôi, làm sao ông biết tôi làm nghề gì?”

“Ông nói chuyện như một bác sĩ. Tôi có thể thấy ông là một bác sĩ.”

“Vâng, ông nói đúng. Tôi là bác sĩ thần kinh ở đây.”

“Thần kinh? Này, có vấn đề gì với thần kinh của tôi sao? Và ‘ở đây’ - ‘ở đây’ là ở đâu? Nơi này là nơi nào?”

“Tôi đang định hỏi ông đây - ông nghĩ ta đang ở đâu?”

“Tôi thấy có nhiều giường, và ở đâu cũng có bệnh nhân. Trông giống như một bệnh viện nào đó. Nhưng quái lạ thật, tôi thì làm gì ở bệnh viện chứ - và còn toàn là người già, già hơn tôi rất nhiều. Tôi cảm thấy ổn, khỏe như trâu. Có thể là tôi làm việc ở đây… Tôi làm việc ở đây sao? Công việc của tôi là gì?... Ôi không, ông đang lắc đầu, tôi thấy được trong ánh mắt ông rằng tôi không làm việc ở đây. Nếu không phải làm việc, thì là tôi bị ép đến đây. Tôi là bệnh nhân sao, tôi có bệnh mà không biết sao bác sĩ? Điên mất, thật đáng sợ… Đây là một trò đùa đúng không?”

“Ông không biết có chuyện gì sao? Thật sự không biết? Ông có nhớ đã kể tôi nghe về tuổi thơ, lớn lên ở Connecticut, làm công tác vận hành sóng vô tuyến trên tàu ngầm? Và em trai của ông đã đính hôn với một cô gái đến từ Oregon?”

“Ồ, ông nói đúng hết. Nhưng tôi đâu có kể cho ông nghe bao giờ, cả đời tôi chưa từng gặp ông mà. Chắc chắn là ông đã đọc hết thông tin về tôi trong hồ sơ bệnh án.”

“Được rồi,” tôi nói. “Để tôi kể cho ông nghe một câu chuyện nhé. Có người đàn ông đến gặp bác sĩ phàn nàn về chứng sa sút trí nhớ. Bác sĩ hỏi ông ấy một vài câu hỏi theo quy trình, rồi nói, ‘Chứng sa sút trí nhớ của ông như thế nào?’, và người đàn ông trả lời, ‘Sa sút gì cơ?’.”

“Vậy ra đó là vấn đề của tôi sao,” Jimmie phá ra cười, “Tôi cũng đoán sơ sơ là vậy. Đôi lúc tôi có thấy mình nhớ nhớ quên quên - những chuyện vừa mới xảy ra. Nhưng quá khứ thì rõ như in.”

“Ông cho phép tôi khám, thực hiện một vài kiểm tra chứ?”

“Tất nhiên rồi,” ông đáp thân thiện, “Cứ theo ý bác sĩ.”

Sach dich Nguoi dan ong nham vo minh la cai mu (The man mistook his wife for a hat) - Chuong 2

Với kiểm tra trí tuệ ông ấy thể hiện khả năng xuất sắc. Ông ấy rất nhanh trí, có óc quan sát, suy nghĩ logic, và không gặp khó khăn gì khi giải quyết những vấn đề hay bài toán phức tạp - thế nhưng, không gặp khó khăn nếu như có thể giải quyết được nhanh chóng. Nếu cần nhiều thời gian, ông sẽ quên mất mình đang làm gì. Ông rất nhanh và giỏi với trò tic-tac-toe và cờ đam, mưu mẹo và quyết liệt - dễ dàng thắng được tôi. Nhưng ông thua ở trò cờ vua - những nước đi quá chậm.

Xét về trí nhớ, tôi nhận thấy ông bị mất ký ức gần một cách cực độ và khác thường - những gì ông nghe thấy hay nhìn thấy đều sẽ rơi vào quên lãng chỉ sau vài giây. Do đó tôi bày ra đồng hồ, cà vạt, và mắt kính của mình trên bàn, và bảo ông ghi nhớ những vật dụng này, rồi che chúng lại. Sau một phút trò chuyện, tôi hỏi những vật trên bàn đang bị che lại kia gồm những gì. Ông ấy không nhớ gì cả - không nhớ rằng tôi đã yêu cầu ông ấy ghi nhớ. Tôi lặp lại bài kiểm tra, lần này tôi yêu cầu ông viết lại tên của những món đồ ấy; một lần nữa ông lại quên, và khi tôi đưa ra tờ giấy mà ông vừa viết, ông rất hoảng hốt, và nói không hề nhớ là đã viết như vậy, dù thừa nhận đó đúng là chữ của mình, rồi sau đó lại lờ mờ nhớ mang máng là hình như ông đã viết thật.

Đôi lúc ông nhớ được một chút ký ức mù mờ, một tiếng vọng yếu ớt hay một chút cảm giác thân quen. Vì thế năm phút sau khi chơi tic-tac-toe, ông nhớ ra “dạo trước” có “ông bác sĩ nào đó” đã cùng chơi với mình - “dạo trước” đó là vài phút trước hay vài tháng trước thì ông không biết. Rồi ông dừng lại một chút và nói, “Có khi nào là ông?” Khi tôi nói đúng tôi, ông có vẻ thích thú. Vẻ thích thú và dửng dưng thoáng qua này rất đặc trưng, như thể những suy nghĩ trong đầu ông đang mất phương hướng và lạc lối trong thời gian. Khi tôi hỏi Jimmie lúc ấy đang là thời điểm nào trong năm, ông ngay lập tức nhìn xung quanh tìm gợi ý - tôi đã cẩn thận cất cuốn lịch trên bàn đi - và suy luận áng chừng khoảng thời gian trong năm bằng cách nhìn ra cửa sổ.

Cũng không hẳn là ông không thể ghi nhớ được, mà những mảnh ký ức lu mờ quá nhanh chóng, và có khuynh hướng biến mất sau một phút hoặc ít hơn, nhất là khi có những kích thích phân tâm hoặc xung đột, nhưng năng lực trí tuệ và tri giác vẫn được bảo toàn, thậm chí là hơn người.

Jimmie có kiến thức khoa học của một học sinh tốt nghiệp cấp ba sáng dạ với thiên phú ở môn toán và khoa học. Ông rất giỏi tính toán số học (và cả đại số), nhưng chỉ khi chúng có thể giải với tốc độ tức thì. Nếu như cần quá nhiều bước, quá nhiều thời gian, ông sẽ quên mình đang làm đến đâu, và quên luôn đề bài là gì. Ông biết những nguyên tố hóa học, có thể so sánh chúng, và vẽ được cả bảng tuần hoàn - nhưng không có những nguyên tố sau uranium.

“Đã hết rồi sao?” Tôi hỏi khi ông vẽ xong.

“Toàn bộ bảng tuần hoàn được cập nhật mới nhất, thưa ông, theo hiểu biết của tôi.”

“Ông không biết nguyên tố nào khác sau uranium sao?”

“Ông đùa à? Có chín mươi hai nguyên tố, và uranium là cuối cùng.”

Tôi dừng lại và lật quyển National Geographic trên bàn. “Ông hãy kể tên các hành tinh,” tôi nói, “và một vài điều ông biết về chúng.” Không hề ngần ngại, ông tự tin liệt kê các hành tinh - tên gọi, được tìm thấy như thế nào, khoảng cách đến mặt trời, khối lượng ước tính, đặc điểm, và trọng lực.

“Đây là gì?” tôi hỏi, chỉ vào một hình ảnh trong cuốn tạp chí tôi đang cầm trên tay.

“Là mặt trăng,” ông đáp.

“Không phải,” tôi trả lời. “Đây là hình ảnh trái đất nhìn từ mặt trăng.”

“Bác sĩ, ông đùa sao? Vậy là phải đặt máy ảnh trên mặt trăng đấy!”

“Hẳn nhiên là vậy rồi.”

“Cái quái gì vậy! Ông đang đùa tôi - làm thế nào được?”

Trừ phi ông ấy là một diễn viên cừ khôi, giả vờ tỏ ra kinh ngạc dù không cảm thấy như vậy, thì đây chính là bằng chứng không thể chối cãi rằng ông ấy vẫn còn đang ở quá khứ. Lời nói, cảm xúc, vẻ kinh ngạc chân thật, nỗi khó nhọc khi lý giải những gì ông nhìn thấy, chính xác là của một chàng trai thông minh ở những năm bốn mươi đối mặt với tương lai, với những điều chưa xảy ra, và với những điều khó ai mà tưởng tượng nổi. “Hơn bất kỳ điều gì,” tôi viết trong ghi chú của mình, “kết quả này thuyết phục tôi rằng đã có một điểm dừng thời gian vào khoảng năm 1945… Những gì tôi cho ông xem, và nói ông nghe, gây ra một sự sửng sốt chân thật, giống như phản ứng của một chàng trai thông thái thời kỳ tiền Sputnik.”

Tôi tìm thấy một tấm hình khác và đưa ra trước mặt ông.

“Là tàu sân bay,” ông nói. “Đích thị là mẫu thiết kế tối tân. Tôi chưa bao giờ thấy cái nào như vậy cả.”

“Nó tên là gì?” tôi hỏi.

Ông quan sát, bối rối, và nói, “Tàu Nimitz!”

“Có vấn đề gì sao?”

“Thế quái nào!” ông đáp nóng nảy. “Tôi thuộc làu từng cái tên tàu sân bay, nhưng tôi không biết con tàu Nimitz nào cả… Tất nhiên ta có Đô đốc Nimitz, nhưng tôi chưa từng nghe nói người ta lấy tên ông ấy đặt cho tàu sân bay.”

Ông giận dữ ném tờ tạp chí xuống đất.

Ông ấy đã bắt đầu mệt mỏi, có hơi khó chịu và lo lắng, dưới sức ép liên tục của những bất thường và mâu thuẫn, cả những ý niệm đáng sợ mà chúng mang lại, đến mức ông không còn có thể hoàn toàn thờ ơ được nữa. Tôi đã vô ý đẩy ông ấy đi đến kích động, và cảm thấy đã đến lúc dừng lại. Chúng tôi lại đi đến bên cửa sổ, và nhìn xuống sân bóng chày ngập nắng; khuôn mặt ông dần giãn ra, quên đi tàu Nimitz, tấm hình vệ tinh, những ám chỉ đáng sợ, và bị hút vào trận đấu bên dưới. Và rồi, một mùi hương ngon lành từ nhà ăn len vào căn phòng, ông bặm môi, nói “Đến giờ ăn trưa!”, mỉm cười, và rời khỏi.

Còn tôi thì cảm xúc rối bời - thật đau lòng, thật vô lý, thật khó hiểu khi thấy cuộc sống của ông ấy đang trôi lạc ở địa ngục, dần tan biến.

“Tình hình cho thấy ông ấy,” tôi viết trong ghi chép của mình, “bị cô lập trong một khoảnh khắc thời gian, vây quanh bởi rào cản khiến ông quên đi hết mọi thứ xung quanh… Ông là một người không có quá khứ (hay tương lai), mắc kẹt trong một khoảnh khắc vô nghĩa liên tục thay đổi.” Và nói một cách tầm thường hơn, “Phần còn lại của buổi kiểm tra thần kinh diễn ra hoàn toàn bình thường. Ấn tượng: có thể là hội chứng Korsakov, nguyên nhân là thoái hóa thể vú [6] gây ra bởi đồ uống có cồn.” Ghi chép của tôi là một sự kết hợp kỳ lạ giữa hiện thực và quan sát, được ghi lại cẩn thận và cụ thể, chứa đựng những suy tư không thể kím nén liệu những vấn đề ngày có “ý nghĩa” gì, trên phương diện người đàn ông tội nghiệp này là ai, là cái gì, và đang ở đâu - liệu có thể gọi đây là một “thực thể”, khi hoàn toàn không có ký ức và sự liền mạch.

Ở ghi chép này và những bản ghi chép sau đó, tôi cứ suy nghĩ mãi về một “linh hồn lạc lõng” - không mang tính khoa học - và làm sao một người có thể thiết lập sự liền mạch, cội nguồn, trong khi ông ấy là một người không có cội nguồn, hoặc là vẫn có nhưng từ một quá khứ xa xôi.

“Chỉ có cách kết nối” - nhưng ông ấy kết nối như thế nào, và ta có thể làm gì để giúp ông kết nối? Cuộc sống là gì nếu như không có sự gắn kết nào? “Tôi có thể mạnh dạn khẳng định,” Hume [7] viết, “chúng ta chẳng là gì ngoài một tập hợp những xúc cảm khác nhau, nối đuôi nhau với tốc độ phi thường, tồn tại thành một dòng chảy chuyển động đến vô cùng.” Bằng một cách nào đó, ông thu mình lại thành một thể “Humean” - tôi không biết Hume sẽ phấn khích thế nào khi nhìn thấy ở Jimmie một hiện thân “chimaera” [8] so với chính triết lý của mình, một con người tồn tại như một dòng chảy đứt đoạn, rời rạc.

Có lẽ tôi nên tìm lời khuyên và trợ giúp từ tại liệu y khoa - chẳng hiểu sao mà đa số toàn là tiếng Nga, từ luận văn gốc của Korsakov [9] (Moscow, 1887) về những ca bệnh mất trí nhớ như vậy, còn được gọi là “hội chứng Korsakov”, đến Neuropsychology of Memory (Tâm lý học thần kinh về Trí nhớ) của Luria (bản dịch được hoàn thành chỉ một năm sau khi tôi gặp Jimmie lần đầu tiên). Năm 1887 Korsakov đã viết:

“Chỉ có ký ức về những sự kiện gần đây bị xáo trộn; những hình ảnh mới sẽ biến mất sớm nhất, trong khi những ấn tượng từ xa xưa lại được nhớ đến dễ dàng, khiến cho sự chất phác, trí thông minh, và hiểu biết của bệnh nhân hầu như không bị ảnh hưởng.”

Gần một thế kỷ sau các nghiên cứu vẫn tiếp tục bổ trợ cho những quan sát lỗi lạc nhưng đơn sơ của Korsakov - trong đó phong phú và sâu rộng nhất là nghiên cứu của Luria. Trong ngôn ngữ của Luria khoa học biến thành thơ văn, và khả năng truyền cảm của sự mất mát triệt để đã được khơi dậy. “Ở những bệnh nhân này biểu hiện rõ sự xáo trộn trong tổ chức các sự kiện và xâu chuỗi thời gian,” ông viết. “Hệ quả là, họ đánh mất trải nghiệm liên đới với thời gian và bắt đầu sống trong một thế giới của những ấn tượng cô lập.” Ngoài ra, theo ghi chú của Luria, sự mai một (và rối loạn) ấn tượng này có thể lan ra ngược về quá khứ - “ở những ca bệnh nghiêm trọng nhất - kể cả những sự kiện từ rất lâu trước đó cũng bị ảnh hưởng.”

Sach dich Nguoi dan ong nham vo minh la cai mu (The man mistook his wife for a hat) - Chuong 2

Đa số bệnh nhân của Luria, được mô tả trong quyển sách này, có khối u não lớn và nghiêm trọng, gây ảnh hưởng tương tự như hội chứng Korsakov, nhưng sau đó di căn và thường gây tử vong. Luria không đề cập đến một trường hợp hội chứng Korsakov “đơn giản” nào cả, dựa trên những tổn hại hạn chế mà Korsakov mô tả - tổn thương tế bào thần kinh tí hon nhưng thiết yếu, gây ra bởi đồ uống có cồn, ở thể vú, phần còn lại của não bộ hoàn toàn nguyên vẹn. Vì thế những ca bệnh của Luria đều không được theo sát dài hạn.

Ban đầu tôi vô cùng bối rối, mơ hồ, thậm chí là hoài nghi về mặt cắt sắc lẻm ở năm 1945, một thời điểm, một ngày, đồng thời còn mang tính biểu tượng rất rõ ràng. Tôi đã viết trong ghi chép sau đó:

“Có một khoảng trống lớn. Chúng ta không biết chuyện gì đã xảy ra vào lúc đó - hay là sau đó… Ta cần phải điền vào những năm ‘còn thiếu’ này - từ người em trai, hoặc hải quân, hoặc những bệnh viện mà ông từng đến khám… Có khi nào ông đã trải qua một chấn thương khủng khiếp vào thời gian này, một tổn thương não bộ nghiêm trọng hoặc sang chấn tâm lý khi chiến đấu, trong chiến tranh, và điều này đã ảnh hưởng cho đến hôm nay? … có khi nào chiến tranh là ‘cao trào’ trong cuộc đời ông, là lần cuối cùng ông thật sự được sống, và sự tồn tại từ đó về sau chỉ còn là thoái trào?” (Trong quyển sách lịch sử qua lời kể The Good War (1985) (Cuộc chiến tốt đẹp), Studs Terkel thuật lại vô số câu chuyện của những người đàn ông và phụ nữ, đặc biệt là những người đàn ông chinh chiến, họ cảm thấy Chiến tranh Thế giới thứ hai chân thật đến khốc liệt - là khoảng thời gian chân thật và trọng đại nhất trong cuộc đời họ cho đến thời điểm đó - mọi thứ về sau đều trở nên nhạt nhòa. Những người này thường đào sâu về chiến tranh và sống lại những trận đấu, tình đồng chí, sự liều mạng và khốc liệt. Nhưng đào sâu về quá khứ và mơ hồ ở hiện tại - mơ hồ về mặt cảm xúc và trí nhớ hiện tại - không giống với chứng mất trí nhớ mang tính bệnh lý của Jimmie. Gần đây tôi có dịp trao đổi điều này với Terkel: “Tôi đã gặp cả nghìn người đàn ông rồi,” ông nói với tôi, “họ cảm thấy năm 45 là ‘cột mốc thời gian’ - nhưng tôi chưa bao giờ gặp trường hợp thời gian ngừng lại như bệnh nhân mất trí nhớ Jimmie của ông.”)

Chúng tôi đã làm một vài kiểm tra (điện não đồ, quét não), và không tìm thấy dấu vết tổn thương não nghiêm trọng, nhưng những kiểm tra này không thể hiện được liệu thể vú có bị teo nhỏ hay không. Chúng tôi nhận được báo cáo từ hải quân cho thấy ông ở lại hải quân đến năm 1965, với năng lực hoàn toàn bình thường.

Sau đó chúng tôi tìm thấy một báo cáo ngắn thảm hại từ bệnh viện Bellevue, từ năm 1971, chẩn đoán rằng ông “hoàn toàn mất phương hướng… với chứng rối loạn phát triển thần kinh giai đoạn sau, do đồ uống có cồn” (bệnh xơ gan cũng đã phát triển vào thời điểm đó). Từ Bellevue ông được đưa đến một khu ổ chuột trong làng, được gọi là “nhà dưỡng lão”, sau đó được viện dưỡng lão của chúng tôi giải cứu - trong tình trạng nhếch nhác, đói khát - vào năm 1975.

Chúng tôi tìm thấy người em trai, Jimmie luôn kể rằng ông ấy học trường kế toán và đính hôn với một cô gái đến từ Oregon. Trên thực tế, ông ấy đã kết hôn với cô gái Oregon kia, đã trở thành cha và thành ông, còn làm kế toán được ba mươi năm rồi.

Với hy vọng nhận được thật nhiều thông tin và cảm nhận từ người em trai, chúng tôi chỉ nhận được một bức thư lịch sự nhưng có phần sơ sài. Trong thư viết rất rõ - đặc biệt được thể hiện qua hàm ý câu chữ - rằng hai anh em hiếm khi gặp nhau kể từ năm 1943, và đã đường ai nấy đi, một phần vì thay đổi nơi ở và nghề nghiệp, phần còn lại vì những khác biệt sâu sắc (dù không gay gắt) về tính khí. Có vẻ như Jimmie không bao giờ “ổn định cuộc sống”, luôn “tới đâu hay tới đó”, và “luôn là gã bợm nhậu”. Người em trai cảm thấy hải quân đã cho ông ấy quy củ, cho ông ấy một cuộc sống, và những vấn đề thật sự nảy sinh khi ông xuất ngũ năm 1965. Không còn quy củ và nề nếp hàng ngày, Jimmie ngừng làm việc, “sụp đổ tinh thần” và bắt đầu uống rượu nhiều. Đã có những tổn thương về trí nhớ, thuộc kiểu Korsakov, ở giữa và đặc biệt là cuối những năm 60, nhưng không nghiêm trọng đến mức Jimmie không thể “đối phó” trong lối sống thờ ơ của mình. Nhưng ông bắt đầu uống rượu nhiều hơn nữa vào năm 1970.

Vào khoảng Giáng sinh năm ấy, người em trai hiểu ra rằng, ông đột nhiên “mất kiểm soát” và trở nên kích động và rối loạn một cách mất tỉnh táo, và thời điểm này là lúc ông được đưa đến Bellevue. Trong tháng tiếp theo, sự kích động và mất tỉnh táo không còn nữa, nhưng ông trở nên đãng trí nặng nề và kỳ quái, hay theo thuật ngữ y học là “sa sút trí nhớ”. Người em trai đã đến thăm vào thời gian này - họ đã không gặp nhau suốt hai mươi năm - và đáng sợ thay, Jimmie ngoài việc không nhận ra em trai, còn nói, “Đừng có đùa! Ông đáng tuổi bố tôi đấy. Em trai tôi còn là thanh niên, mới đi học trường kế toán thôi.”

Khi nhận được thông tin này, tôi còn thấy khó hiểu hơn: tại sao Jimmie không nhớ gì về những năm cuối ở hải quân, tại sao ông không nhớ được và cơ cấu được ký ức đến năm 1970? Lúc đó tôi chưa từng nghe nói rằng những bệnh nhân như thế này có thể mắc chứng quên ngược chiều (xem phần Tái bút). “Tôi càng thêm tự hỏi,” lúc đó tôi đã viết rằng, “liệu trường hợp này không hề có yếu tố mất trí nhớ phân ly - liệu ông ấy không phải đang trốn chạy một sự việc gì đó quá tồi tệ để nhớ”, và tôi đề xuất ông đến gặp bác sĩ tâm thần của chúng tôi. Báo cáo của bà ấy rất đầy đủ và chi tiết - buổi khám bao gồm kiểm tra natri amytal [10], được tính toán để “giải phóng” những ký ức bị đè nén.

Bà cũng đã thử thôi miên Jimmie, với hy vọng tìm thấy ký ức bị chôn giấu bởi chứng rối loạn phân ly - cách này thường có hiệu quả với những trường hợp mất trí nhớ phân ly. Nhưng nó thất bại với Jimmie vì ông không thể bị thôi miên, không phải do cơ chế “kháng cự” nào, mà là vì chứng mất trí của quá nghiêm trọng, khiến ông không nhớ được người thôi miên đã nói những gì. (Bác sĩ M. Homonoff, làm việc ở khoa mất trí nhớ tại bệnh viện Chăm sóc Cựu chiến binh Boston, kể cho tôi nghe về những ca tương tự - và theo cảm giác của ông thì đây chính xác là tính chất của bệnh nhân Korsakov, ngược lại với bệnh nhân mất trí nhớ phân ly.)

“Tôi không có bất kỳ linh cảm hay dấu hiệu nào,” bác sĩ thần kinh viết, “cho thấy đây là chứng sa sút phân ly không mong muốn. Ông ấy thiếu đi cách thức và động cơ làm tiền đề. Chứng thiếu hụt trí nhớ của ông ấy tiển triển tự nhiên, bất biến và không thể chữa được, dù cũng khá lạ là ký ức bị mất đi từ lâu đến vậy.” Theo bà, vì ông ấy “không quan tâm… không thể hiện bất kỳ sự lo âu đặc biệt nào… không gây ra vấn đề quản lý nào cả”, bà không có gì để khuyến nghị, hay không nhìn thấy được bất kỳ “lối vào” hay “đòn bẩy” trị liệu nào cần thiết cả.

Lúc này, khi đã được thuyết phục rằng đây đúng là một ca Korsakov “thuần túy”, không phức hợp với yếu tố khác về cảm xúc hay tự nhiên, tôi viết cho Luria để hỏi ý kiến của ông. Trong thư hồi đáp ông nhắc đến bệnh nhân Bel, với chứng mất đi ký ức trong vòng mười năm. Ông nói không lý do gì với căn bệnh quên ngược chiều này ký ức bị mất không kéo dài đến nhiều thập kỷ, thậm chí là cả cuộc đời. “Tôi chỉ có thể chờ đến chứng mất trí nhớ cuối cùng,” Bunuel viết, “thứ có thể xóa sạch toàn bộ một cuộc đời”. Nhưng căn bệnh của Jimmie, bằng một cách nào đó, đã xóa sạch ký ức và thời gian từ khoảng năm 1945 và dừng lại tại đó. Đôi lúc ông nhớ được chuyện xảy ra lâu sau đó, nhưng những ký ức này cũng chỉ nhỏ giọt và lạc lõng trong thời gian. Có một lần, khi nhìn thấy từ “vệ tinh” trên tiêu đề báo, ông rất tự nhiên nói rằng mình từng tham gia dự án theo dõi vệ tinh khi còn ở tàu Chesapeake Bay, một mảnh vỡ ký ức từ đầu hoặc giữa những năm 60. Thế nhưng, với hầu hết trường hợp, điểm dừng của ông nằm ở giữa (hoặc cuối) những năm 40, và tất cả những gì diễn ra sau đó đều rời rạc, không liên kết. Đó là tình trạng vào năm 1975, và cho đến nay, chín năm sau, vẫn y như thế.

Ta có thể làm gì? Ta nên làm gì? “Không có kê đơn nào cả,” Luria viết, “trong trường hợp như thế này. Hãy làm bất kỳ điều gì trái tim và thành ý của ông mách bảo. Gần như không còn cơ hội phục hồi ký ức cho người đàn ông ấy. Nhưng một người không chỉ bao gồm ký ức. Họ còn cảm giác, ý chí, phán đoán, đạo đức - những phương diện mà tâm lý học thần kinh không thể nói được. Và tại đây, vượt ra khỏi phạm vi của tâm lý học vô cảm, ông có thể sẽ tìm thấy cách để chạm đến người đó, và thay đổi họ. Và hoàn cảnh công việc của ông lại hoàn toàn cho phép điều này, vì ông làm việc ở một viện dưỡng lão, giống như một thế giới nhỏ vậy, rất khác với những phòng khám và viện nghiên cứu nơi tôi công tác. Xét về tâm lý học thần kinh, ông chẳng thể làm được gì cả, nhưng trong phạm trù cá nhân, có lẽ ông sẽ làm được rất nhiều thứ.”

Luria nhắc đến bệnh nhân Kur với trạng thái tự nhận thức hiếm gặp, khi tuyệt vọng xen lẫn với sự bình thản kỳ lạ. “Tôi không có ký ức của hiện tại,” Kur nói, “Tôi không biết mình vừa mới làm gì hay tôi từ đâu đến… Tôi có thể nhớ về quá khứ rất rõ, nhưng tôi không có ký ức gì về hiện tại của mình.” Khi được hỏi liệu ông ấy đã từng gặp người đang kiểm tra mình chưa, ông đáp, “Tôi không thể nói rồi hay chưa, tôi không thể khẳng định hay phủ định rằng tôi đã gặp ông.” Đôi lúc Jimmie cũng giống như vậy; và, cũng như Kur sau nhiều tháng ở bệnh viện, Jimmie bắt đầu hình thành “cảm giác quen thuộc”; ông dần học được cách đi lại vòng quanh viện dưỡng lão - vị trí nhà ăn, phòng của mình, thang máy, cầu thang, và một chút nào đó nhận ra nhân viên của viện, dù ông thường nhầm lẫn họ với người trong quá khứ, có lẽ điều này không tránh khỏi. Ông ấy chẳng bao lâu đã quý mến cô sơ điều dưỡng của viện; ông nhận ra giọng nói và bước chân của cô ngay lập tức, nhưng luôn cho rằng cô ấy là một người bạn cũ thời trung học, và vô cùng ngạc nhiên khi tôi gọi cô ấy là “Sơ”.

“Ôi trời!” ông cảm thán, “Chuyện thật như đùa. Tôi không bao giờ nghĩ được rằng cậu sẽ theo đạo đấy, Sơ à!”

Từ khi đến viện - từ đầu năm 1975, Jimmie chia bao giờ có thể liên tục nhận ra ai ở viện cả. Người duy nhất ông có thể thật sự nhận ra là người em trai, mỗi khi ông ấy từ Oregon đến thăm. Những buổi gặp gỡ này gây xúc động sâu sắc cho bất kỳ ai chứng kiến - buổi gặp gỡ duy nhất có cảm xúc đích thực của Jimmie. Đây là những buổi gặp gỡ đúng nghĩa, là mối liên kết duy nhất giữa quá khứ và hiện tại của Jimmie, nhưng chúng vẫn không mang lại bất kỳ nhận thức nào về lịch sử và sự tiếp diễn. Dù có đi chăng nữa thì chúng nhấn mạnh rằng - ít nhất là với người em trai, và những người khác chứng kiến họ gặp nhau - Jimmie vẫn sống, và đã hóa thạch, trong quá khứ.

Ban đầu tất cả chúng tôi đều đặt nhiều hy vọng vào việc giúp đỡ Jimmie - ông ấy rất tử tế, rất đáng mến, rất nhanh nhẹn và thông thái, thật khó để tin là không có cách nào giúp ông ấy. Nhưng không ai trong chúng tôi từng chứng kiến, thậm chí là tưởng tượng được, chứng mất trí nhớ nào có sức mạnh lớn như thế, một vực thẳm nơi mọi thứ, mọi trải nghiệm, mọi sự kiện bị nhấn chìm thật sâu, một hố đen ký ức vô đáy nuốt trọn toàn bộ thế giới.

Vào lần đầu gặp gỡ, tôi đề xuất ông viết nhật ký, và khuyến khích ông ghi chép lại trải nghiệm mỗi ngày, cảm xúc, suy nghĩ, ký ức, xem xét. Ban đầu cách này gặp trắc trở vì ông thường làm mất nhật ký: bằng một cách nào đó phải giữ nó luôn ở bên người. Nhưng sau cùng cách này cũng thất bại: ông ấy tuân thủ viết và giữ cuốn nhật ký nhưng không thể nào nhận ra những bản ghi trước đó của mình. Ông nhận ra chữ viết và văn phong của mình, và luôn kinh ngạc khi thấy mình đã viết gì đó vào ngày hôm trước.

Kinh ngạc - và thờ ơ - vì ông là một người về cơ bản là không có “ngày hôm trước”. Những bản ghi chép vẫn rời rạc, không có giá trị liên kết đối với ông, và không mang lại bất kỳ nhận thức nào về thời gian và sự tiếp diễn. Ngoài ra, nội dung cũng rất nhỏ nhặt - “Trứng cho bữa sáng”, “Xem trận bóng trên TV” - và không có chiều sâu. Nhưng liệu có chiều sâu nào bên trong một người không có ký ức, chiều sâu của cảm xúc và suy nghĩ dài lâu, hay con người ông đã thu bé lại về một bản thể Humean, một sự tiếp nối của những ấn tượng và sự kiện không có liên hệ với nhau?

Jimmie có và không nhận thức được trong bản thân có sự mất mát sâu sắc và bi ai, mất mát chính mình. (Nếu một người mất đi một cái chân hay con mắt, họ biết là mình đã mất một cái chân hay con mắt; nhưng nếu họ đánh mất bản ngã - bản thân - họ không thể biết được, vì họ không còn có ở đó để biết nữa.) Vì vậy tôi không thể hỏi ông ấy một cách học thuật về vấn đề này.

Ban đầu ông bối rối khi nhìn thấy bản thân sống cùng các bệnh nhân, khi, theo lời ông, ông không cảm thấy mình có bệnh gì. Nhưng chúng tôi tự hỏi ông ấy cảm thấy gì? Ông ấy có thân hình khỏe khoắn và vạm vỡ, với sức mạnh và năng lượng như thú dữ, nhưng đồng thời là tính lười nhác, thụ động, và (như mọi người đồng tình) “lãnh đạm” lạ lùng; ông bao trùm chúng tôi với một cảm giác “có gì đó thiếu thiếu”, mặc dù nếu như ông ấy có nhận ra thì cũng chấp nhận nó với sự “lãnh đạm” kỳ lạ. Có một ngày tôi không hỏi ông về ký ức, về quá khứ, mà về cảm giác đơn giản và cơ bản nhất: 

“Ông đang cảm thấy như thế nào?”

“Tôi cảm thấy như thế nào,” ông lặp lại, gãi đầu. “Tôi không thể nói là mình cảm thấy ốm yếu. Nhưng tôi không thể nói là mình cảm thấy khỏe mạnh. Tôi không thể nói mình cảm thấy gì hết.”

“Ông có cảm thấy khốn khổ không?” tôi tiếp tục.

“Không thể nói thế.”

“Ông có hưởng thụ cuộc sống không?”

“Cũng không thể nói là có…”

Tôi do dự, lo sợ rằng mình đang đi quá xa, rằng có thể tôi đang bóc trần một sự tuyệt vọng ẩn giấu, không được nhìn nhận, và không thể chịu đựng được.

“Ông không hưởng thụ cuộc sống,” tôi lặp lại, có chút ngần ngại. “Vậy thì ông đang cảm thấy như thế nào về cuộc sống?”

“Tôi không thể nói là tôi cảm thấy gì cả.”

“Ông có cảm thấy mình đang sống không?”

“Cảm thấy mình đang sống? Không hẳn. Tôi từ lâu đã không còn cảm giác mình đang sống nữa.”

Gương mặt ông hiện lên một nỗi buồn và cam chịu vô hạn.

Sau đó, nhận thấy năng lực và niềm vui của ông với những trò chơi và ghép hình nhanh, chúng có thể “giữ” được ông ít nhất là trong lúc chơi, và trong chốc lát cho ông cảm giác bè bạn và thi đua - ông ấy không phàn nàn rằng mình cô đơn, nhưng ông ấy luôn một mình; ông không bao giờ thể hiện nỗi buồn, nhưng trông ông rất buồn - tôi đề xuất ông tham gia vào chương trình giải trí của viện. Cách này có hiệu quả tốt hơn - tốt hơn nhật ký. Ông tham gia trò chơi một cách quyết tâm và ngắn ngủi, nhưng không lâu sau chúng không còn là trở ngại nữa: ông giải được hết các trò ghép hình, dễ như trở bàn tay; và ông chơi trò chơi giỏi và khôn ngoan hơn bất kỳ ai. Và khi nhận ra điều này, ông lại trở nên phiền lòng và khó chịu, đi lòng vòng ngoài hành lang, bức bối và chán chường cùng cảm giác mất mặt - trò chơi và ghép hình chỉ dành cho trẻ con, là trò tiêu khiển. Rõ ràng là ông ấy tha thiết muốn làm được gì đó: ông ấy muốn làm, muôn sống, muốn cảm nhận - nhưng không thể; ông muốn có nhận thức, ông muốn có mục đích -  theo lời của Freud, “Việc làm và Tình yêu”.

Ông ấy có thể làm việc “bình thường” không? Ông đã “sụp đổ tinh thần”, theo lời người em trai, khi nghỉ việc vào năm 1965. Ông có hai kỹ năng đặc biệt - mã Morse và đánh máy không nhìn bàn phím. Chúng tôi không thể dùng Morse, trừ phi tự tạo ra một ứng dụng nào đó; nhưng khả năng đánh máy tốt thì có thể sử dụng, nếu ông ấy có thể hồi phục kỹ năng ngày trước - và đây sẽ là công việc thật sự, chứ không phải trò chơi. Không lâu sau Jimmie hồi phục lại được kỹ năng này và đánh máy rất nhanh - ông không thể đánh chậm được - và tìm thấy được chút thử thách và thỏa thích của công việc. Nhưng dù sao thì đây cũng chỉ là gõ phím thông thường; một việc nhỏ nhặt, không có chiều sâu. Và về nội dung, ông đánh máy một cách máy móc - ông không thể giữ được mạch suy nghĩ - câu văn ngắn nối tiếp nhau theo một trật tự vô nghĩa.

Nhắc đến ông, theo bản năng người ta sẽ nghĩ đây là một thương vong tinh thần - một “linh hồn lạc lõng”: có khả năng nào ông ấy thật sự đã bị “đoạt hồn” bởi một căn bệnh? “Mọi người có nghĩ ông ấy linh hồn không?” Tôi từng hỏi các Sơ. Họ rất tức giận với câu hỏi của tôi, nhưng có thể hiểu tại sao tôi lại hỏi vậy. “Hãy quan sát Jimmie ở nhà nguyện,” họ nói, “rồi ông hãy tự đánh giá.”

Tôi đã làm vậy, và tôi đã xúc động, xúc động và ấn tượng sâu sắc, vì tôi nhìn thấy ở đó một sự chú tâm và tập trung mãnh liệt, kiên định mà tôi chưa từng nhìn thấy ở ông hay nghĩ rằng ông có khả năng đó. Tôi nhìn ông ấy quỳ xuống và đưa Bánh Thánh lên lưỡi, và không thể hoài nghi sự trọn vẹn và toàn thể của buổi Tiệc Thánh, linh hồn của ông hòa hợp với linh hồn của Thánh Lễ. Toàn vẹn, mãnh liệt, tĩnh lặng, trong sự yên tĩnh chú tâm và tập trung tuyệt đối, ông bước vào và tham gia vào buổi Tiệc Thánh linh thiêng. Ông ấy hoàn toàn được neo giữ, thấm đượm bởi một cảm xúc. Lúc này không còn quên lãng, không còn Korsakov, thậm chí không có khả năng hay không thể tưởng tượng được rằng ông ấy có bệnh; vì ông không còn bị chế ngự bởi một cơ chế khiếm khuyết hay hư hại - của những xâu chuỗi và dấu vết ký ức vô nghĩa - mà ông bị cuốn hút vào một hoạt động, một hoạt động của sự sống, mang theo cảm nhận và ý nghĩa trong sự tiếp diễn và hòa nhập tự nhiên, liền mạch đến mức không cho phép bất kỳ ngắt quãng nào.

Rõ ràng Jimmie tìm thấy bản thân, tìm thấy sự tiếp diễn và thực tại, trong sự tuyệt đối của hoạt động và tịnh tâm tinh thần. Các Sơ nói đúng - ông ấy tìm được linh hồn tại đây. Cả Luria cũng vậy, lúc này tôi chợt nhớ lại lời của ông: “Một người không chỉ bao gồm ký ức. Họ còn cảm giác, ý chí, phán đoán, đạo đức … Và tại đây… ông có thể sẽ tìm thấy cách để chạm đến người đó, và thay đổi họ.” Trí nhớ, hoạt động trí óc, tâm trí, không thể giữ được ông; nhưng chuyên tâm và hoạt động đạo đức có thể giữ được ông trọn vẹn.

Nhưng có lẽ “đạo đức” là một từ có phạm vi hẹp - vì mĩ thuật và kịch nghệ đều có ảnh hưởng tương đương. Nhìn thấy Jimmie ở nhà nguyện mở ra cho tôi một chân trời mới nơi linh hồn có thể được vẫy gọi, neo đậu, và dừng chân, trong sự chuyên tâm và cảm thông. Chiều sâu chú ý và thu hút tương tự có thể thấy trong bối cảnh liên quan đến âm nhạc và nghệ thuật: tôi nhận ra ông không gặp khó khăn gì khi “theo dõi” âm nhạc hay những vở kịch đơn giản, vì bất kỳ khoảnh khắc nào trong âm nhạc và nghệ thuật đều liên hệ đến, hoặc bao hàm, những khoảnh khắc khác. Ông thích làm vườn, và đã tiếp nhận một vài công việc trong vườn của chúng tôi. Ban đầu mỗi ngày đến khu vườn ông đều thấy lạ lẫm, nhưng bằng một cách nào đó nơi này trở nên thân thuộc với ông còn hơn bên trong viện dưỡng lão. Ông ấy hiện giờ gần như không bao giờ đi lạc hoặc mất phương hướng trong vườn; tôi cho rằng ông ấy đóng khuôn nó với những khu vườn mà ông yêu thích và ghi nhớ từ tuổi thơ ở Connecticut.

Jimmie, người bị lạc trong dòng thời gian “không gian” liên tục nối tiếp, lại hoàn toàn rõ ràng đường đi nước bước trong thời gian “hữu ý” Bergson [11]; những gì chóng tàn, không bền vững ở cấu trúc hình thái, lại hoàn toàn ổn định, hoàn toàn vững chắc, dưới dạng nghệ thuật và ý chí. Ngoài ra, có điều gì đó đã phải chịu đựng và sống sót. Nếu Jimmie chỉ được “neo giữ” trong chốc lát bởi một tác vụ hoặc trò ghép hình hoặc trò chơi hoặc bài toán, neo giữ bởi thách thức trí óc đơn thuần, ông sẽ tan vỡ ngay khi hoàn thành, rơi vào vực thẳm hư vô, rơi vào quên lãng. Nhưng nếu ông được neo giữ bởi sự chú tâm cảm xúc và tâm linh - khi chiêm nghiệm về thiên nhiên hay nghệ thuật, khi lắng nghe âm nhạc, khi tham gia vào Thánh Lễ ở nhà nguyện - sự chú tâm, “khí sắc”, sự tĩnh lặng, sẽ kéo dài một thời gian, và ta sẽ thấy ở ông những dòng suy tư và sự bình yên hiếm khi thấy được trong cuộc sống của ông tại viện dưỡng lão.

Tôi biết Jimmie đến nay đã chín năm - và trên phương diện tâm lý học thần kinh, ông ấy chẳng thay đổi một chút nào. Ông vẫn mắc chứng Korsakov nặng nề nhất, tàn phá nhất, không thể nhớ được những sự việc riêng rẽ lâu hơn vài giây, và một chứng mất trí nhớ xa xôi về năm 1945. Nhưng về mặt con người, tinh thần, đôi khi ông ấy trở thành một người khác hoàn toàn - không còn lóng ngóng, bức bối, buồn chán, và lạc lõng, mà chú tâm cao độ đến vẻ đẹp và linh hồn của thế giới, phong phú ở tất cả những lĩnh vực Kierkegaard [12] - và yêu thích mĩ thuật, đạo đức, tôn giáo và kịch nghệ. Lần đầu gặp gỡ, tôi từng nghĩ liệu ông có bị tuyên án trở thành một thể “Humean”, một sự sống vô nghĩa le lói trên bề mặt cuộc đời, và liệu có cách nào vượt qua được sự rời rạc của căn bệnh Humean này không. Khoa học duy nghiệm đáp rằng không thể - nhưng khoa học duy nghiệm, chủ nghĩa duy nghiệm, không đề cập đến linh hồn, không đề cập đến những gì hình thành và quyết định sự sống cá nhân. Có lẽ đây là bài học về triết học lẫn y học: ở bệnh Korsakov, hay sa sút trí tuệ, hay bất kỳ thảm họa nào tương tự, dù tổn thương vật lý và tác hại Humean có lớn cỡ nào, vẫn còn đó một khả năng tái hòa nhập thông qua nghệ thuật, đồng cảm, bằng cách chạm đến linh hồn con người: và điều này vẫn có thể được giữ trọn trong trạng thái tổn hại thần kinh tưởng chừng là vô vọng.

Tái bút

Tôi biết chứng quên ngược chiều, ở một mức độ nào đó, rất thường gặp, nếu không muốn nói là luôn gặp, ở các ca bệnh Korsakov. Hội chứng Korsakov cổ điển - tổn hại trí nhớ nghiêm trọng và vĩnh viễn, nhưng “đơn thuần”, gây ra bởi chất cồn phá hủy thể vú - rất hiếm gặp, ngay cả với những người nghiện rượu nặng. Tất nhiên ta có thể thấy hội chứng Korsakov đi kèm với những bệnh lý khác, như những bệnh nhân có khối u của Luria. Một ca bệnh thú vị về hồi chứng Korsakov cấp tính (và thật tốt lành là nó chỉ diễn ra trong thời gian ngắn) gần đây đã được mô tả kỹ lưỡng với tên mất trí nhớ tạm thời (Transient Global Amnesia - TGA) có thể đi kèm với đau nửa đầu, chấn thương vùng đầu hay thiếu máu lên não. Trong trường hợp này, một chứng mất trí nhớ nặng nề và đơn lẻ sẽ diễn ra trong một vài phút hoặc vài giờ, dù người bệnh vẫn có thể tiếp tục lái xe, hay thậm chí là làm công tác y tế hay biên tập, một cách máy móc. Nhưng bên dưới sự trôi chảy này là chứng mất trí nhớ nghiêm trọng - mỗi câu nói thốt ra sẽ ngay lập tức bị quên đi, mọi thứ nhìn thấy đều rơi vào quên lãng chỉ sau vài phút, dù ký ức và thói quen dài hạn vẫn được bảo toàn nguyên vẹn. (Một vài thước phim ấn tượng về bệnh nhân trong khi mắc TGA đã được tổng hợp gần đây [1986] bởi Tiến sĩ John Hodges, Đại học Oxford.)

Ngoài ra, rất có thể tồn tại chứng quên ngược chiều nghiêm trọng ở những ca bệnh này. Đồng nghiệp của tôi Tiến sĩ Leon Protass đã kể cho tôi nghe về một ca bệnh mà ông chứng kiến gần đây, một người đàn ông rất thông minh trong vài giờ đã không thể nhớ ra vợ hay con của mình, không thể nhớ là mình đã có vợ con. Cụ thể là ông đã mất đến ba mươi năm cuộc đời - dù may mắn là chỉ trong vài giờ. Hồi phục sau những cơn tấn công này thường rất nhanh chóng và hoàn toàn - nhưng đó là những cơn “đột quỵ nhỏ” kinh khủng nhất đã bãi bỏ và xóa nhòa nhiều thập kỷ đong đầy sự sống, thành tựu, và ký ức. Nỗi kinh hoàng thường chỉ được cảm nhận bởi những người xung quanh - bệnh nhân không nhận thức được, quên luôn cả chứng mất trí của mình, và tiếp tục làm việc mình đang làm, tâm thế thờ ơ, và chỉ sau đó mới nhận ra rằng mình vừa đánh mất không chỉ một ngày (thường thấy đối với “mất trí nhớ” do say xỉn), mà là nửa cuộc đời, và bản thân không hề hay biết. Việc một người có thể mất đi phần lớn cuộc đời là một nỗi kinh hoàng quái đản, lập dị.

Ở tuổi trưởng thành, cuộc sống, cuộc đời về sau, những lý do kết thúc sớm thường là đột quỵ, lão hóa, tổn thương não bộ, vân vân, nhưng thường vẫn lưu lại nhận thức về cuộc đời đã sống, về quá khứ. Đây thường được xem là một dạng đền bù: “Ít nhất là tôi đã sống trọng vẹn, nếm trải mọi dư vị cuộc đời, trước khi tôi bị tổn thương não, bị bệnh,...” Nhận thức về “cuộc đời đã sống”, có thể là niềm an ủi hoặc nỗi thống khổ, chính xác là điều bị mất đi ở chứng quên ngược chiều. “Chứng mất trí nhớ cuối cùng, thứ có thể xóa sạch toàn bộ một cuộc đời” mà Bunuel nhắc đến có thể xảy ra với bệnh sa sút trí tuệ dẫn đến tử vong, nhưng trong kinh nghiệm của tôi thì không đột ngột xảy ra sau cơn đột quỵ. Nhưng có một chứng mất trí nhớ khác tương tự, có thể xảy ra đột ngột - khác ở chỗ nó không “hoàn toàn” mà chỉ “cục bộ”.

Ở một bệnh nhân mà tôi chăm sóc, một huyết khối đột nhiên xuất hiện trong hệ tuần hoàn sau của não gây ra cái chết đột ngột ở phần thị giác của não bộ. Ngay lập tức, người bệnh nhân này trở nên mù hoàn toàn - nhưng không hề hay biết. Ông ấy trông như người mù - nhưng không phàn nàn gì cả. Tôi đặt câu hỏi và kiểm tra thì cho thấy, không còn nghi ngờ gì nữa, ông không chỉ mù trung ương hay “mù vỏ não”, mà ông đã mất đi toàn bộ hình ảnh và ký ức thị giác, mất hoàn toàn - nhưng lại không có cảm giác mất mát gì. Thật vậy, ông đã mất đi khái niệm nhìn thấy - ngoài việc không thể mô tả hình dạng bất kỳ thứ gì, ông còn hoang mang khi tôi dùng những từ ngữ như là “nhìn thấy” và “ánh sáng”. Ông ấy về bản chất đã trở thành một cá thể không thị giác. Cả cuộc đời nhìn thấy hình ảnh qua tầm mắt đã bị đánh cắp. Toàn bộ cuộc sống thị giác của ông đã thật sự bị xóa bỏ - và xóa bỏ vĩnh viễn trong tích tắc sau cơn đột quỵ. Chứng mất trí nhớ thị giác như thế này, mù như mù, mất trí nhớ như mất trí nhớ, là hệ quả của hội chứng Korsakov “hoàn toàn”, trong phạm vị hẹp của thị giác.

Chứng mất trí nhớ hạn chế hơn, nhưng không kém phần toàn cục, có thể biểu hiện qua những hình thái nhận thức cụ thể, tương tự như trong chương trước, “Người đàn ông nhầm vợ mình thành chiếc mũ”. Đó là chứng “mất nhận thức khuôn mặt” tuyệt đối. Bệnh nhân này ngoài việc không thể nhận ra khuôn mặt, mà còn không thể tưởng tượng hay nhớ được khuôn mặt - ông quả thật đã mất đi khái niệm về “khuôn mặt”, giống như bệnh nhân khổ sở kia mất đi khái niệm “nhìn thấy” và “ánh sáng”. Những hội chứng như thế này được Anton [13] mô tả trong những năm 1890. Nhưng hàm ý của những hội chứng này - Korsakov và Anton - điều chúng mang đến và bắt buộc phải mang đến cho thế giới, cho cuộc sống, danh tính của những bệnh nhân bị ảnh hưởng, lại hiếm khi được nhắc đến ngay cả cho đến ngày nay.

Trong trường hợp của Jimmie, đôi lúc chúng tôi tự hỏi ông ấy sẽ phản ứng ra sao khi được trở lại quê hương - về lại những ngày trước khi bị mất trí nhớ - nhưng thị trấn nhỏ ở Connecticut ấy đã trở thành một thành phố phồn thịnh sau bao nhiêu năm. Thời gian sau tôi có dịp tìm hiểu điều gì có thể xảy ra với những ca bệnh như thế này, dù là với một bệnh nhân Korsakov khác, Stephen R., người mắc bệnh cấp tính vào năm 1980 với chứng quên ngược ký ức chỉ hai năm đổ lại. Với bệnh nhân này, cũng biểu hiện động kinh, liệt cứng nặng và những vấn đề khác cần được điều trị nội trú, những chuyến thăm hiếm hoi về nhà vào cuối tuần biểu lộ một tình cảnh chua xót. Trong bệnh viện ông không thể nhận ra ai hay bất cứ thứ gì, và chịu đựng một cơn hoảng loạn mất phương hướng gần như không có hồi kết. Nhưng khi vợ đưa ông về nhà, ngôi nhà như “cỗ máy thời gian” ngược về những ngày trước khi mất đi ký ức, ông ngay lập tức cảm thấy thân thuộc. Ông nhận ra tất cả mọi thứ, chạm vào cái áp kế, kiểm tra bộ điều khiển nhiệt độ, ngồi vào chiếc ghế bành ưa thích, như thói quen trước đây. Ông nhắc đến hàng xóm, các cửa hàng, quán rượu địa phương, rạp chiếu phim gần nhà, đều hiện diện vào giữa những năm 70. Ông sẽ khổ sở và bối rối khi trong nhà có thay đổi dù là nhỏ nhất. (“Hôm nay em thay rèm cửa à?” có một lần ông trách cứ vợ mình. “Tại sao? Sao đột ngột vậy? Mới sáng nay còn màu xanh lá mà.” - rèm cửa đã không còn là màu xanh lá từ năm 1978.) Ông nhận ra đa số những căn nhà và cửa hàng xung quanh - không có thay đổi mấy từ năm 1978 đến 1983 - nhưng lại hoảng hốt khi thấy rạp phim bị “thay thế” (“Làm sao họ có thể phá bỏ nó và xây một siêu thị chỉ trong một đêm?”). Ông nhận ra bạn bè và hàng xóm - nhưng cảm thấy họ trông già hơn so với suy nghĩ của mình. (“Trông hơi bị già! Ông ấy thật sự bắt đầu có tuổi rồi. Đó giờ không nhận ra luôn. Tại sao hômnay ai trông cũng già đi vậy?”) Nhưng điều chua xót thật sự, một nỗi kinh hoàng, xảy ra khi người vợ đưa ông ấy trở lại bệnh viện - với điệu bộ khác thường và khó tả (theo ông cảm nhận), đưa ông trở lại ngôi nhà lạ lẫm ông chưa từng đến, toàn là người lạ, và bỏ ông mà đi. “Mấy người làm gì vậy?” ông hét lên, sợ hãi và bối rối. “Chỗ này chỗ quái nào? Cái quái gì đang diễn ra vậy?” Chứng kiến cảnh tượng này thật đau lòng, và chắc hẳn đối với người bệnh đó là một điều điên rồ, hoặc ác mộng. Khoan dung một điều là có lẽ ông ấy sẽ quên ngay chỉ sau vài phút.

Những bệnh nhân như thế này, bị hóa thạch trong quá khứ, chỉ có thể ở nhà và định hướng trong quá khứ. Đối với họ, thời gian đã dừng lại. Tôi nghe thấy Stephen R. la hét trong sợ hãi vào rối bời khi ông trở lại - la hét đòi lấy một quá khứ đã không còn tồn tại. Nhưng chúng ta có thể làm gì? Ta có thể tạo ra một cỗ máy thời gian, một giả tưởng? Tôi chưa bao giờ biết đến một bệnh nhân nào bị sự sai lệch niên đại ảnh hưởng và giày vò đến thế, trừ phi đó là “Rose R.” trong quyển Awakenings (Thức tỉnh) [14] (xem “Hoài niệm khó phai”, chương mười sáu).

Jimmie đã trở nên bình thản; William (chương mười hai) nói chuyện không ngừng; nhưng Stephen mang một vết thương thời gian rỉ máu, một nỗi đau đớn không thể nào chữa lành.

Xem phim The lost mariner 

 

 

Người dịch: Janie

Chú thích:

[1] Alexander Luria: (1902-1977) nhà tâm lý học thần kinh người Nga Soviet, được tôn vinh là cha đẻ của phương pháp đánh giá tâm lý học thần kinh hiện đại

[2] “What can be shown cannot be said” - L. Wittgenstein

[3] Đạo luật G.I.: Đạo luật Tái điều chỉnh Cựu binh năm 1944, được thiết kế để hỗ trợ cho những người giải ngũ – vốn được gọi là G.I.s – vì những nỗ lực của họ trong Thế chiến II (nguồn)

[4] FDR: tên viết tắt thường gọi của Tổng thống Mỹ thứ 32 Franklin D. Roosevelt (1882 - 1945), đương nhiệm từ 1933 đến 1945

[5] Harry S. Truman: (1884 - 1972) Tổng thống Mỹ thứ 33, đương nhiệm từ 1945 đến 1953

[6] Thể vú: một cấu trúc giải phẫu có hình tròn, nhỏ, nằm ở mặt dưới của não, là một phần của trung não và là một phần của hệ viền, có vai trò quan trọng đối với trí nhớ hồi tưởng

[7] David Hume: (1711-1776) triết gia, nhà sử học, nhà tội phạm kinh tế học, thủ thư, nhà văn tiểu luận người Scotland thời kỳ Khai Sáng, nổi tiếng với chủ nghĩa duy nghiệm (empiricism), chủ nghĩa hoài nghi (skepticism), và chủ nghĩa tự nhiên (naturalism)

[8] Chimaera: (theo thần thoại Hy Lạp) sinh vật đầu sư tử, mình dê, đuôi mãng xà, phun lửa, có thể hiểu là hình ảnh tượng trưng của một sự vật, sự việc ảo tưởng, bất khả thi được tin và kỳ vọng là có thật

[9] Sergei Korsakoff: (1852-1900) bác sĩ thần kinh người Nga

[10] Natri amytal: hay amobarbital, một loại thuốc có tính chất an thần, thôi miên

[11] Henri Bergson: (1859-1941) triết gia người Pháp, nổi tiếng với luận điểm rằng, để hiểu được thực tại, quá trình trải nghiệm và trực giác tức thì quan trọng hơn lý luận học trừu tượng

[12] Søren Kierkegaard: (1813-1855) triết gia, nhà thần học, nhà thơ, nhà phê bình xã hội, và nhà văn tôn giáo người Đan Mạch, được cho là triết gia đầu tiên của chủ nghĩa hiện sinh (existentialism), thành tựu triết học của ông xoay quanh vấn đề làm thế nào một người sống như là một “cá nhân”, ưu tiên thực tại con người hơn suy nghĩ trừu tượng và đề cao tầm quan trọng của sự lựa chọn và gắn bó cá nhân

[13] Hội chứng Anton: còn gọi là hội chứng Anton-Babinski hay ABS, là chứng mất nhận thức thị giác khi người bệnh không nhận thức được mình bị mù, bệnh được đặt tên theo nhà thần kinh học người Áo Gabriel Anton

[14] Awakenings: tên một quyển sách cũng của tác giả Oliver Sacks xuất bản năm 1973, tổng hợp câu chuyện cuộc đời của những nạn nhân của đại dịch “buồn ngủ”, viêm não Lethargica (encephalitis lethargica) năm 1920, căn bệnh khiến người bệnh không còn cử động hay nói chuyện được, họ vẫn có nhận thức, nhưng không hoàn toàn thức tỉnh

 

Theo tamlyhoctoipham.com

Tội Phạm Bài viết liên quan

Nhà khoa học Stanford

Nhà khoa học Stanford "mách nhỏ" 12 thói quen đơn giản giúp bạn làm việc hiệu quả hơn  1

 26/03/2023 9:54:40 SA

"Nếu bạn đang gặp khó khăn trong việc xây dựng và duy trì thói quen tốt trong cuộc sống của mình, có thể bạn đã đặt mục tiêu cho bản thân quá cao so với thực tế", Tiến sĩ BJ Fogg, nhà sáng lập phòng thí nghiệm Thiết kế Hành vi của Đại học Stanford chia sẻ

Xem chi tiết 
13 red flag trong mối quan hệ

13 red flag trong mối quan hệ  1

 26/03/2023 9:54:39 SA

Mọi người nói rất nhiều về red flag trong mối quan hệ nhưng chính xác thì thuật ngữ này có nghĩa là gì? Có phải mọi red flag đều giống nhau với tất cả chúng ta?

Xem chi tiết 
Phụ thuộc, dựa dẫm vào người yêu – Là do yêu thật sự hay muốn lấp đầy khoảng trống?

Phụ thuộc, dựa dẫm vào người yêu – Là do yêu thật sự hay muốn lấp đầy khoảng trống?  2

 26/03/2023 9:54:38 SA

Theo Tiến sĩ Nick Neave - chuyên gia tâm lý thuộc Đại học Northumbria (Anh Quốc), phụ nữ thường có xu hướng phụ thuộc vào đàn ông về mặt tinh thần.

Xem chi tiết 
Phải làm sao khi không thể ngừng suy nghĩ về người đó

Phải làm sao khi không thể ngừng suy nghĩ về người đó  1

 26/03/2023 9:54:37 SA

“Tôi không thể ngừng suy nghĩ về người đó” có thể là một cách bày tỏ sự hứng thú trong mối quan hệ tình cảm nhưng nếu nó mang ý nghĩa tâm trí bạn luôn thường trực hình ảnh về người đó thì sao?

Xem chi tiết 
“Tôi rất đau khổ và khao khát sự thay đổi, nhưng tôi không có lựa chọn.”

“Tôi rất đau khổ và khao khát sự thay đổi, nhưng tôi không có lựa chọn.”  3

 26/03/2023 9:54:35 SA

CON ĐƯỜNG THAY ĐỔI: MỖI NGƯỜI ĐỀU CÓ LỰA CHỌN

Xem chi tiết 
Nghệ thuật của sự im lặng: Càng nói nhiều, càng tự ràng buộc, hãy giới hạn bản thân bằng những lời nói

Nghệ thuật của sự im lặng: Càng nói nhiều, càng tự ràng buộc, hãy giới hạn bản thân bằng những lời nói  5

 25/03/2023 9:51:46 SA

Bằng cách nào để nói ít lại có thể giúp bạn thông minh, nhân ái và thành công hơn.

Xem chi tiết 

Quảng cáo

thu mua đồ cũ

Quảng cáo

kem flan

Quảng cáo

xuong may dong phuc

Quảng cáo

xe ôtô 2018
Trước Khi Nhắm Mắt  2028
 13/09/2018 12:44:10 SA
Tiếng Thét  1934
 13/09/2018 12:39:16 SA
Đảo Quỷ  2459
 13/09/2018 12:34:42 SA
Pháp Y Tần Minh  1967
 13/07/2018 3:59:16 CH
Kiêu Hãnh Và Định Kiến  1970
 13/07/2018 3:48:06 CH
Xem thêm nhiều tin khác 
Bạn vui lòng chờ trong giây lát...