Điểm chính
- Cách chúng ta trải nghiệm các mối quan hệ gia đình đầu tiên thường sẽ lặp lại trong các mối quan hệ trưởng thành sau này.
- Parentification (việc bị giao vai trò làm cha mẹ) xảy ra khi một đứa trẻ phải trở thành người chăm sóc cha mẹ.
- Khi các bé gái bị buộc phải hành động vượt quá lứa tuổi, điều này có thể để lại những ảnh hưởng lâu dài lên các mối quan hệ trong cuộc sống.
Ari lớn lên trong một gia đình mà mẹ cô, vật lộn với các vấn đề tâm lý và khó khăn tài chính, phải dựa rất nhiều vào cô để có được sự hỗ trợ cảm xúc cũng như các công việc khác. Từ khi còn nhỏ, Ari đã gánh vác những trách nhiệm của người lớn, quán xuyến việc nhà, chăm sóc em nhỏ và an ủi mẹ khi bà khủng hoảng. Vai trò đảo ngược này đã khiến Ari hầu như không có cơ hội để tận hưởng một tuổi thơ bình thường. Khi bạn bè cùng trang lứa tụ tập vui chơi vào cuối tuần hay trốn học, thì Ari lại lo lắng về việc liệu mẹ có thể trả tiền hóa đơn hay không và cố gắng thuyết phục mẹ uống thuốc điều trị tâm lý.
Khi trưởng thành, tác động của việc bị giao vai trò làm cha mẹ vẫn tiếp tục ảnh hưởng đến cuộc sống của Ari. Cô gặp khó khăn trong việc thiết lập ranh giới trong các mối quan hệ cá nhân, thường nhận quá nhiều trách nhiệm và quên mất nhu cầu của bản thân. Ở nơi làm việc, Ari khó lòng tự khẳng định mình, thường cố gắng làm quá sức để giúp đỡ đồng nghiệp, khiến bản thân kiệt sức. Trong các mối quan hệ tình cảm, Ari luôn cảm thấy cần phải chăm sóc bạn đời quá mức, cố gắng giúp đỡ hoặc thậm chí thay đổi họ – một sự lặp lại của vai trò chăm sóc mà cô đã từng đảm nhận trong tuổi thơ. Khi đến buổi trị liệu đầu tiên, Ari nói rằng cô cảm thấy "choáng ngợp và bất lực", và ngay lập tức chia sẻ: "Em lúc nào cũng cảm thấy lo lắng."
Parentification xảy ra khi một đứa trẻ phải trở thành người chăm sóc cho cha mẹ, cả về mặt cảm xúc lẫn thực tế. Trong mối quan hệ này, đứa trẻ cảm thấy có trách nhiệm phải chăm sóc những nhu cầu tình cảm của cha mẹ, thường trở thành nguồn an ủi và hỗ trợ cho họ. Đứa trẻ có thể còn phải đảm nhận cả các trách nhiệm của người lớn như quán xuyến công việc nhà và đưa ra quyết định cho gia đình. Điều này có thể dẫn đến cảm giác tội lỗi và trách nhiệm không đáng có khi có chuyện gì đó không như ý xảy ra mà đứa trẻ không thể giải quyết, càng củng cố niềm tin rằng mọi vấn đề của cha mẹ là do lỗi của mình.
Parentification (trẻ bị giao vai trò làm cha mẹ) có thể xảy ra vì nhiều lý do khác nhau, nhưng thường là do thiếu vắng mối quan hệ chăm sóc lành mạnh từ cha mẹ. Trong những gia đình rối loạn, việc cha mẹ biến con cái thành người thay thế bạn đời là điều không hiếm gặp. Trẻ em trở thành người chăm sóc về mặt cảm xúc cho một hoặc cả hai cha mẹ. Nguyên nhân có thể là do cha mẹ gặp phải vấn đề về tâm lý, sức khỏe thể chất, hoặc những khó khăn khác khiến họ không thể chăm sóc bản thân một cách trọn vẹn.
Mặc dù hiện tượng này có thể xảy ra ở mọi giới tính, nhưng thường tôi thấy rằng chính các bé gái, đặc biệt là con gái lớn trong gia đình, là người phải gánh vác vai trò này nhiều nhất. Điều này có thể là sự kết hợp giữa kỳ vọng văn hóa rằng phụ nữ phải là người chăm sóc và gánh vác gánh nặng cảm xúc của gia đình, cùng với thực tế rằng nhiều gia đình nuôi dạy con cái theo cách khác nhau tùy thuộc vào giới tính hoặc giới mà họ nhận thức (Morawska, 2020).
Điều quan trọng cần hiểu là parentification không phải lúc nào cũng là hành động cố ý. Thường thì cha mẹ thiếu nhận thức về hành vi của mình và không hiểu được tác động của mối quan hệ này đối với đứa trẻ. Ví dụ điển hình là những gia đình sống trong cảnh nghèo khó, nơi chỉ có một cha mẹ, và việc dựa vào đứa con lớn nhất là điều cần thiết để giữ an toàn cho cả gia đình. Tuy nhiên, dù điều đó không xuất phát từ ý đồ xấu, cũng không làm giảm đi những tác động mà trải nghiệm này để lại cho những người đã trải qua parentification.
Source: Image by 3803658 from Pixabay
Những cô gái bị giao vai trò làm cha mẹ từ khi còn nhỏ thường bộc lộ nhiều đặc điểm và hành vi khác nhau khi trưởng thành. Dưới đây là 10 biểu hiện mà tôi thường thấy ở những người đã từng trải qua hiện tượng này:
Quá mức trách nhiệm và tự lập
Những cô gái bị giao vai trò làm cha mẹ từ sớm thường mang trong mình một ý thức trách nhiệm lớn lao, vượt xa tuổi đời của họ. Họ trở nên tự lập và độc lập, vì đã sớm học cách tự dựa vào bản thân. Trách nhiệm nặng nề đè lên vai từ khi còn bé khiến họ luôn cảm thấy mình phải gánh vác mọi thứ.
Khó khăn trong việc bộc lộ sự yếu đuối
Do phải đóng vai trò là "người mạnh mẽ" từ khi còn nhỏ, những cô gái này thường gặp khó khăn khi muốn bộc lộ sự yếu đuối hay tìm kiếm sự giúp đỡ từ người khác. Họ lớn lên với cảm giác không có ai để nương tựa, thường do thiếu vắng một người lớn lành mạnh để hỗ trợ. Từ đó, sự tự lập thái quá này đôi khi khiến họ khó lòng chấp nhận sự giúp đỡ từ người khác. Điều này tạo ra một vòng luẩn quẩn độc hại, khiến họ cảm thấy lo lắng và sợ hãi khi nghĩ đến việc phải dựa vào ai đó.
Chủ nghĩa hoàn hảo
Áp lực phải đáp ứng kỳ vọng từ khi còn nhỏ có thể dẫn đến xu hướng cầu toàn. Nhiều cô gái bị giao vai trò làm cha mẹ thường cố gắng hoàn hảo trong mọi lĩnh vực của cuộc sống, từ học tập, công việc cho đến trách nhiệm cá nhân, để bù đắp cho những cảm giác thiếu sót hay để duy trì sự kiểm soát. Tuy nhiên, họ cũng dễ bị kiệt sức vì ôm đồm quá nhiều việc và trách nhiệm (Mortensen et. al., 2017).
Khó khăn trong việc thiết lập ranh giới
Do phải đảm nhận trách nhiệm người lớn từ sớm, những cô gái này thường gặp khó khăn trong việc thiết lập và duy trì ranh giới lành mạnh. Họ có thể khó phân biệt giữa nhu cầu của bản thân và nhu cầu của người khác, dẫn đến việc xâm phạm không gian cá nhân hoặc bỏ qua việc chăm sóc bản thân.
Luôn muốn giúp đỡ hay thậm chí "sửa chữa" người khác
Nhiều khách hàng của tôi, những cô gái từng bị giao vai trò làm cha mẹ từ sớm, thường có nhu cầu mãnh liệt phải chăm sóc hay thậm chí "sửa chữa" người khác, đôi khi bỏ qua nhu cầu và hạnh phúc của chính mình. Điều này bắt nguồn từ trải nghiệm thuở nhỏ, khi họ phải chăm lo cho người khác để giữ sự ổn định trong gia đình. Vì thế, nhiều người cuối cùng lại ở trong những mối quan hệ mà họ phải đóng vai "cha mẹ" hay là người trưởng thành hơn trong mối quan hệ đó.
Hành vi tình dục sớm
Nghiên cứu cho thấy, những trẻ em từng trải qua tổn thương tâm lý hoặc bị ngược đãi có xu hướng cao hơn trong việc tham gia vào các hành vi tình dục rủi ro, bao gồm việc bắt đầu quan hệ tình dục sớm hơn, có nhiều bạn tình hơn và có hành vi tình dục bốc đồng (Thompson và cộng sự, 2017).
Thường được bảo rằng họ "rất chín chắn" so với tuổi
Những cô gái bị giao vai trò làm cha mẹ thường được xem là chín chắn hơn so với bạn bè cùng trang lứa, bởi vì họ phải đảm nhận những vai trò của người lớn. Sự trưởng thành này thể hiện trong cách họ cư xử, giao tiếp và đưa ra quyết định. Khi còn nhỏ, những người từng trải qua parentification thường rơi vào những tình huống cảm xúc và thể xác không phù hợp với lứa tuổi, vì họ đã quen với việc được đối xử như người lớn. Nhiều người chia sẻ rằng họ thường hẹn hò với những người đàn ông lớn tuổi, tìm kiếm các mối quan hệ mang lại cảm giác quen thuộc và xác nhận vai trò chăm sóc của mình.
Nhu cầu được công nhận
Những cô gái từng phải chăm sóc gia đình thường có nhu cầu mãnh liệt về sự công nhận, bởi vì họ đã từng tìm kiếm giá trị bản thân thông qua vai trò chăm sóc người khác. Giá trị của họ trở nên gắn liền với việc làm hài lòng người khác và đáp ứng kỳ vọng, vì họ đã nội tâm hóa rằng mình chỉ có giá trị khi có thể hỗ trợ và làm hài lòng mọi người xung quanh.
Khó khăn trong việc tin tưởng
Khi trưởng thành, những người từng trải qua parentification thường dễ bị cuốn vào các mối quan hệ không lành mạnh hoặc với những người không sẵn lòng chia sẻ cảm xúc. Trải nghiệm tuổi thơ của họ ảnh hưởng đến khả năng tin tưởng người khác và xây dựng các mối quan hệ lành mạnh. Họ có thể gặp khó khăn với sự thân mật hoặc cảm thấy luôn cần phải chứng tỏ bản thân trong các mối quan hệ.
Cảm giác tội lỗi và oán giận
Họ có thể trải qua cảm giác tội lỗi hoặc oán giận, hoặc vì không thể đáp ứng mọi kỳ vọng đã đặt lên mình, hoặc vì phải đảm nhận những vai trò đã cướp đi tuổi thơ bình thường của họ.
Nếu bạn đang gặp khó khăn trong việc chữa lành những tổn thương từ tuổi thơ, hãy tìm sự hỗ trợ từ một nhà trị liệu, người có thể giúp bạn vượt qua giai đoạn này.
Tham khảo:
Thompson R, Lewis T, Neilson EC, English DJ, Litrownik AJ, Margolis B, Proctor L, Dubowitz H. (2017). Child Maltreatment and Risky Sexual Behavior. Child Maltreat. 22(1):69-78.
Morawska, A. (2020). The Effects of Gendered Parenting on Child Development Outcomes: A Systematic Review. Clin Child Fam Psychol Rev 23, 553–576.
Mortensen J, Dich N, Lange T, et al (2017). Job strain and informal caregiving as predictors of long-term sickness absence: a longitudinal multi-cohort study.
Nguồn: 10 Common Traits of Parentified Daughters | Psychology Today
Theo tamlyhoctoipham.com