Nhiều người trong số chúng ta hay thích so bì cùng người khác về nhiều thứ, đặc biệt là sự thông minh. Nhưng đâu là tiêu chuẩn? Trang web Quora dựa trên các bằng chứng khoa học đã tổng hợp danh sách tội phạm học 13 đặc điểm mà chỉ những người thông minh nhất mới có. Hãy cùng đọc và ngẫm xem liệu những đặc điểm sau có ngầm chỉ bạn không nhé!
- Không dễ bị phân tâm
Frank Zhu chia sẻ rằng "những người có khả năng tập trung trong một thời gian dài và tránh được những điều xao lãng xung quanh" có trí thông minh cực cao. Để chứng minh cho nhận định này, ông đã đăng tải một bài báo trên tạp chí Current Biology vào năm 2013.
Bài báo mô tả hai nghiên cứu nhỏ cho thấy những người đạt điểm cao hơn trong bài kiểm tra IQ thường nhận thức chậm hơn về những thay đổi trong bối cảnh chung của một bức ảnh. Lý do là bởi họ thường tập trung vào thông tin quan trọng và bỏ qua những điều khác.
- Là một "cú đêm" chính hiệu
Theo các nghiên cứu, bạn càng thông minh bao nhiêu, bạn càng thích thức khuya, thậm chí là thức thâu đêm tới sáng bấy nhiêu.
Một nghiên cứu đăng trên tạp chí Personality and Individual Differences năm 2009 đã chỉ ra mối liên hệ giữa chỉ số IQ và thói quen ngủ của hàng nghìn người trẻ tuổi. Theo đó, những người thông minh hơn cho biết họ thức muộn hơn và ngủ dậy cũng muộn hơn cả trong ngày làm việc bình thường cũng như ngày cuối tuần.
Một nghiên cứu khác được đăng trên tạp chí này vào năm 1999 cũng đã đưa ra những kết luận tương tự khi tiến hành khảo sát trên 400 lính Không quân của Mỹ.
- Có khả năng thích ứng tốt
Một số người sử dụng trang Quora nói rằng những người thông minh biết linh hoạt và có khả năng phát triển trong nhiều môi trường khác nhau. Theo Donna F Hammett, những người thông minh thích nghi bằng cách cố gắng thực hiện mọi thứ bất chấp những sự phức tạp, hạn chế hay khó khăn cản trở phía trước.
Một nghiên cứu về tâm lý mới đây cũng ủng hộ quan điểm này. Trí thông minh phụ thuộc vào khả năng thay đổi hành vi của chính bạn để có thể ứng phó hiệu quả hơn với môi trường xung quanh, hoặc thay đổi môi trường đó.
- Nhận thức được mức độ hiểu biết của bản thân
Những người thông minh nhất không hề giấu diếm mà luôn thẳng thắn thừa nhận khi họ không biết về một nội dung cụ thể nào đó. Như Jim Winer đã viết, những người thông minh sẽ không ngại ngần khi nói: "Tôi không biết". Nếu họ không biết điều gì đó, họ có thể học về nó.
Nghiên cứu kinh điển của Justin Kruger và David Dunning được đăng trên Tạp chí Journal of Personality and Social Psychology cũng đưa ra kết luận giống Winer. Nghiên cứu này đã cho thấy những người càng kém thông minh thì càng tự mãn hay tự đánh giá cao khả năng hiểu biết của mình.
Ví dụ như trong một thí nghiệm, những thí sinh đạt kết quả thấp nhất với số câu làm đúng chưa đến 25% thường tin rằng họ có thể làm đúng gần 50%. Trong khi đó, những người đạt điểm cao nhất lại thường có xu hướng đánh giá hơi thấp số câu trả lời đúng của mình.
- Luôn tò mò về mọi thứ
Một trong những câu nói của nhà khoa học nổi tiếng Albert Einstein là: "Tôi không có tài năng đặc biệt gì cả, tôi chỉ có trí tò mò đầy nhiệt huyết." Đúng như vậy, khoa học đã chứng minh những người thông minh luôn có trí tò mò vô hạn.
Một nghiên cứu được công bố vào năm 2016 trên Journal of Individual Differences đã cho thấy mối liên hệ giữa trí thông minh thời thơ ấu và tinh thần ham học hỏi, thích trải nghiệm cái mới khi trưởng thành - bao gồm cả sự tò mò về mặt trí tuệ.
Các nhà khoa học đã theo dõi hàng nghìn người sinh ra ở Anh trong vòng 50 năm và phát hiện ra rằng những đứa trẻ 11 tuổi đạt điểm cao hơn trong bài kiểm tra trí thông minh IQ sẽ trở nên cởi mở và sẵn sàng trải nghiệm điều mới mẻ hơn ở tuổi 50.
- Là người cởi mở
Những người thông minh sẽ không thu mình trước những ý tưởng hay cơ hội mới. Theo Hammett, những người này sẵn sàng đón nhận và suy xét quan điểm của người khác cũng như các giải pháp thay thế, hay nói đơn giản là họ luôn nhìn nhận vấn đề dưới nhiều góc độ, theo nhiều cách nhìn.
Các nhà tâm lý học cho hay những người cởi mở luôn tìm kiếm nhiều quan điểm mới và xem xét cẩn thận các minh chứng. Đồng thời, họ có xu hướng đạt điểm cao hơn trong bài thi SAT hay các bài kiểm tra trí thông minh.
Tuy nhiên, những người thông minh không phải sẽ dễ dàng đồng ý và làm theo một điều gì mà luôn cân nhắc kỹ lưỡng về mọi ý tưởng và quan điểm để tìm ra hướng đi đúng đắn cho bản thân. Alas chia sẻ rằng người thông minh có sự ác cảm mãnh liệt với những thứ chỉ có giá trị trên bề mặt và vì thế, họ sẽ từ chối tin tưởng vào điều gì đó cho tới khi nó được chứng minh rõ ràng và cụ thể.
- Thích làm việc cá nhân một mình
Dipankar Trehan cho biết những người cực thông minh có xu hướng đi theo chủ nghĩa cá nhân. Một nghiên cứu mới đây của tạp chí Journal of Psychology (Anh) đã chỉ ra rằng người thông minh thường ít nhận được sự hài lòng trong mối quan hệ,giao tiếp với bạn bè.
- Có khả năng tự chủ cao
Theo Zoher Ali, người thông minh có khả năng chế ngự được tính bốc đồng của mình bằng cách lên kế hoạch, làm rõ các mục tiêu, khám phá các chiến lược tiềm năng mới và xem xét hậu quả trước khi bắt đầu làm việc gì đó.
Các nhà khoa học đã tìm thấy mối liên hệ giữa khả năng tự chủ và trí thông minh. Trong một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Psychology Science năm 2009, những người tham gia phải lựa chọn giữa hai giải pháp tài chính: một khoản thanh toán nhỏ hơn ngay lập tức hoặc một khoản thanh toán lớn hơn vào một ngày sau đó.
Kết quả là những người chọn khoản thanh toán lớn hơn vào một ngày sau đó là những người có khả năng tự chủ tốt hơn, và thường đạt điểm cao hơn trong các bài kiểm tra trí thông minh. Tác giả của nghiên cứu này cũng cho biết có một khu vực trong não - vỏ não trước trán - sẽ góp phần giúp mọi người giải quyết các vấn đề khó khăn và thể hiện sự tự chủ trong khi làm việc để đạt được các mục tiêu.
- Có khiếu hài hước
Advita Bihani đã chỉ ra rằng những người thông minh thường là những người có khiếu hài hước và các nhà khoa học thuộc Đại học New Mexico đã củng cố thêm cho ý kiến này bằng cách thực hiện một vài nghiên cứu.
Qua đó, họ phát hiện những người viết lời bình luận vui nhộn hơn về phim hoạt hình, và các diễn viên hài chuyên nghiệp thường đạt điểm cao hơn mức trung bình trong các bài kiểm tra ngôn ngữ.
- Nhạy cảm với những trải nghiệm của người khác
Một số người dùng Quora chia sẻ những người thông minh có khả năng cảm nhận và phán đoán khá tốt suy nghĩ và cảm xúc của người khác. Các nhà tâm lý học thì cho rằng sự đồng cảm, hòa hợp với nhu cầu, cảm xúc của người khác và biết cách ứng xử tinh tế trước những nhu cầu đó là một yếu tố cốt lõi của trí thông minh cảm xúc. Những ai có trí thông minh cảm xúc cao thường thích nói chuyện, kết bạn mới và giao lưu, tìm hiểu nhiều hơn về những người đó.
- Có khả năng kết nối những điều dường như không liên quan tới nhau
Người thông minh thường có khả năng khám phá và tìm thấy những điều mới mẻ mà hiếm ai thấy. Đó là bởi họ có thể tìm ra điểm tương đồng giữa những ý tưởng dường như hoàn toàn khác nhau, giống như April Astoria từng nói: "Bạn nghĩ rằng không có mối quan hệ nào giữa món sashimi và dưa hấu? Bạn đã sai rồi. Cả hai món này đều thường ăn sống và lạnh."
Nhà báo Charles Duhigg thì lập luận rằng việc tạo ra những loại kết nối này là một dấu hiệu của sự sáng tạo. Duhigg đã nghiên cứu quá trình mà Disney đã phát triển bộ phim nổi tiếng của họ là "Frozen" và kết luận rằng bộ phim này chỉ có vẻ như hoàn hảo và nguyên bản thôi vì hãng này "lấy các ý tưởng cũ và ghép chúng lại với nhau theo những cách mới."
- Hay trì hoãn
Mahesh Garkoti nói rằng những người thông minh thường hay trì hoãn trong các công việc hàng ngày, chủ yếu là vì họ đang làm việc vì những thứ quan trọng hơn. Điều này thật thú vị nhưng theo các nhà khoa học, những người thông minh có thể trì hoãn ngay cả khi họ đang làm công việc mà họ thấy có ý nghĩa.
Nhà tâm lý học của Wharton (Mỹ), Adam Grant, cho rằng sự trì hoãn chính là chìa khóa dẫn tới sự đổi mới, giúp những người thông minh tạo ra những cú bứt phá ngoạn mục và cho ra những sáng kiến tuyệt vời.
- Thích suy ngẫm về những vấn đề to lớn
Theo Ram Kumar, người thông minh luôn "tự hỏi nhiều điều về vũ trụ và ý nghĩa của cuộc sống." Họ cũng luôn thắc mắc về trọng điểm của mọi vấn đề, đồng thời xem xét các tình huống từ nhiều góc độ khác nhau, ý thức được những nguy cơ tiềm ẩn và luôn dự kiến trước những tình huống tồi tệ có thể xảy ra. Nhờ đó, họ có thể đưa ra các phương án giải quyết phù hợp, toàn diện và sẽ làm việc hiệu quả hơn.
Nguyễn Nguyễn
Theo Trí Thức Trẻ/Business Insider
Theo tamlyhoctoipham.com