Tội Phạm Bài viết

3 yếu tố cốt lõi của một mối quan hệ khỏe mạnh

 30/05/2025 7:57:18 CH |  Admin |   33 lượt xem

(toipham.net) - Đối với một số người, việc duy trì những mối quan hệ lành mạnh dường như dễ dàng như trở bàn tay.

Đối với một số người, việc duy trì những mối quan hệ lành mạnh dường như dễ dàng như trở bàn tay. Nhưng với phần còn lại trong chúng ta, nó khó chẳng khác nào một đứa học sinh lớp ba ngồi cắn bút cố vượt qua bài kiểm tra vật lý thiên văn. Chẳng những chúng ta đã tự làm khó chính mình, mà còn thiếu cả cái nhìn đúng đắn để biết bắt đầu từ đâu, làm sao xây dựng được những mối quan hệ yêu thương và lành mạnh trong đời.

Vậy nên, sau vô vàn lần vấp ngã và rút kinh nghiệm (mà nói thật là, vấp ngã không ít lần đâu), tôi đã gom nhặt, đúc kết ra một hướng dẫn - có thể hơi khô khan, nhưng khá thú vị và mở mang đầu óc - để xây dựng nên những mối quan hệ khỏe mạnh.

Chúng ta cùng đi sâu vào nhé.

3 YẾU TỐ CỐT LÕI CỦA MỘT MỐI QUAN HỆ KHỎE MẠNH

Tất cả những mối quan hệ lành mạnh đều dựa trên ba yếu tố chính sau đây:

  • Sự tôn trọng lẫn nhau
  • Sự tin tưởng lẫn nhau
  • Sự yêu thương, trìu mến dành cho nhau

Chúng ta sẽ cùng tìm hiểu kỹ hơn từng yếu tố này trong bài viết, nhưng trước tiên, hãy điểm qua một cách ngắn gọn để hình dung về chúng trong một mối quan hệ lành mạnh:

Tôn trọng nghĩa là cả hai đều nhìn nhận nhau bằng ánh mắt trân quý. Khi bạn tôn trọng ai đó, nghĩa là bạn ngưỡng mộ họ vì những phẩm chất tốt đẹp hoặc nhân cách mà họ có.

Tin tưởng nghĩa là cả hai cùng đặt niềm tin nơi lời nói của nhau. Nếu một người hứa làm điều gì đó, người kia tin rằng họ sẽ làm như lời đã nói. Nếu một người mắc lỗi, người kia tin rằng họ sẽ trung thực nói ra. Thực ra, sự tin tưởng đơn giản chỉ là mỗi người đều thành thật với người kia, kể cả khi điều đó khó nói hoặc không thoải mái.

Yêu thương, trìu mến trong một mối quan hệ khỏe mạnh là thứ được trao đi và đón nhận một cách tự nhiên, không gượng ép. Những cặp đôi hạnh phúc không cần phải nhắc bản thân phải thể hiện tình yêu và sự trân trọng dành cho người kia - họ tự nhiên làm điều đó. Và người nhận cũng đón nhận tình cảm ấy bằng chính sự yêu thương, chứ không hờ hững hoặc xem nhẹ. Nếu sự gần gũi, tiếp xúc cơ thể hay chuyện chăn gối quan trọng trong mối quan hệ, cả hai sẽ cùng nhau tham gia với tinh thần hào hứng (dĩ nhiên, không ai lúc nào cũng "sẵn sàng", nhưng phần lớn là như thế).

Nếu một trong ba yếu tố này - hoặc cả ba - gặp trục trặc, có thể là do một hoặc cả hai người đang mang trong mình kiểu gắn bó không an toàn. Hoặc cũng có thể, bản thân mối quan hệ này đang có một vấn đề cốt lõi nào đó cần được xem xét. 

TÌNH YÊU LÀ KẾT QUẢ CỦA MỘT MỐI QUAN HỆ KHỎE MẠNH, CHỨ KHÔNG PHẢI NỀN TẢNG CỦA NÓ

Hãy để ý rằng: tình yêu không phải là yếu tố cốt lõi của một mối quan hệ lành mạnh. Nhiều người tỏ ra bất ngờ, thậm chí sốc, khi nghe tôi nói điều này. Họ sẽ hỏi: "Sao lại có thể như thế được?"

Nhưng thử nghĩ kỹ xem: bạn hoàn toàn có thể yêu một người không hề tốt cho bạn. Nhiều người vẫn ở lại trong những mối quan hệ tồi tệ, độc hại, thậm chí là bạo hành – chỉ vì họ yêu nhau. Và không phải họ tự lừa dối mình là yêu – mà họ thực sự yêu đối phương.

Bạn cũng có thể yêu một người bạn, hay một người thân đang chìm đắm trong cơn nghiện ngập rượu chè, tội phạm ma túy, dù biết họ đang làm tổn thương mình và cả những người xung quanh. Trẻ con vẫn yêu thương cha mẹ, ngay cả khi cha mẹ chúng lơ là, thậm chí bạo hành chúng.

Và cũng như vậy, chúng ta có thể yêu một người bạn đời không hề phù hợp, thậm chí là tệ bạc.

Chỉ riêng tình yêu thôi, không đủ để duy trì một mối quan hệ. Tình yêu không phải là lý do để hai người nên ở lại bên nhau. Ngược lại, tình yêu đích thực, vô điều kiện, là kết quả tuyệt vời được tạo ra khi hai người cùng nhau vun đắp một mối liên kết lành mạnh.

MẤT ĐI MỘT YẾU TỐ CỐT LÕI, NHỮNG YẾU TỐ KHÁC CŨNG DẦN RẠN NỨT

Vậy nên, với lưu ý rằng: chỉ yêu thôi không đủ để giữ gìn một mối quan hệ – ta cùng nhìn vào cách một mối quan hệ lành mạnh có thể bắt đầu sụp đổ. Và sau đó, ta sẽ tìm hiểu xem liệu một mối quan hệ đã rạn nứt có thể hàn gắn được không.

Tôi gọi ba yếu tố của một mối quan hệ lành mạnh là những yếu tố cốt lõi, bởi chúng chính là nền móng vững chắc của một mối quan hệ. Và giống như nền móng của một tòa nhà – khi một phần bị yếu đi, những phần còn lại cũng sẽ nhanh chóng lung lay theo.

Ví dụ, nếu một người bắt đầu thu mình, không còn bày tỏ yêu thương như trước, điều đó có thể làm xói mòn lòng tin. Bạn sẽ tự hỏi: "Tại sao họ lại thay đổi đột ngột như thế? Họ đang để mắt tới ai khác, thậm chí đã có người khác rồi sao? Hay họ thật sự quan tâm tới anh chàng bưu tá hơn là mình? Hay là do mình có vấn đề gì?"

Sự nghi ngờ ấy sẽ dần khiến cả hai mất đi sự tôn trọng dành cho nhau. Người bạn đời của bạn cảm thấy khó chịu vì bị bạn nghi ngờ, và bắt đầu hoài nghi về sự "ổn định" của bạn trong vai trò là người đồng hành (dù nhận định ấy có chính xác hay không). Còn bạn, sau khi đã đoán tới đoán lui, nay lại tiếp tục băn khoăn liệu người ấy có phải là lựa chọn đúng đắn không – và thế là, cả hai dần mất đi sự tôn trọng dành cho nhau.

Một ví dụ khác: giả sử người bạn đời của bạn tham gia một chương trình mà bạn nhận ra ngay là trò tội phạm lừa đảo làm giàu nhanh kiểu đa cấp. Trước giờ, bạn vẫn luôn tôn trọng sự thông minh và tỉnh táo của họ. Nhưng bây giờ, sự tôn trọng đó bắt đầu lung lay – bạn tự hỏi: "Liệu mình đã đánh giá sai về con người này?"

Điều đó khiến bạn không còn tin tưởng họ trong việc ra quyết định tài chính (và có thể là cả những quyết định khác nữa). Bạn bắt đầu lo lắng về viễn cảnh lâu dài của cả hai: "Liệu họ sẽ còn đưa ra những quyết định dại dột nào nữa không? Mình có bị cuốn vào những quyết định tồi tệ ấy không? Nếu sau này cưới nhau, có con cái, liệu họ có thể đưa ra những quyết định tốt cho gia đình không?"

Bạn thấy đấy, khi một yếu tố cốt lõi mất đi, mọi thứ sẽ rơi vào vòng xoáy đi xuống.

Nhưng tin vui là – vòng xoáy ấy cũng có thể quay ngược lại, theo chiều hướng tích cực hơn.

LÀM SAO ĐỂ LẤY LẠI NHỮNG YẾU TỐ CỐT LÕI CỦA MỘT MỐI QUAN HỆ KHỎE MẠNH

Trong bất kỳ mối quan hệ nào, sẽ đến lúc cả hai phải đối mặt với những vấn đề liên quan đến một hay nhiều yếu tố cốt lõi này. Và khi sự đổ vỡ xảy ra, thường sẽ có hai kịch bản: hoặc là a) một hoặc cả hai người đã thay đổi, hoặc là b) có những sai lầm đã xảy ra.

NẾU MỘT HOẶC CẢ HAI NGƯỜI ĐÃ THAY ĐỔI...

Và tôi không nói đến những thay đổi vụn vặt kiểu đổi kiểu tóc hay ăn sáng bằng bánh mì thay vì phở đâu nhé. Ý tôi là những thay đổi thật sự, ở tầng sâu nhất – những thay đổi về bản sắc, về con người.

Có thể người bạn đời của bạn tìm thấy niềm tin tôn giáo và quyết định dành phần lớn thời gian để tham gia nhà thờ, đền chùa hay thánh đường. Nếu bạn là người không theo đạo, chuyện này chắc chắn sẽ tạo ra khoảng cách và căng thẳng trong mối quan hệ.

Hoặc giả, bạn bỗng dưng tin rằng thế giới sắp diệt vong, và bắt đầu dành toàn bộ thời gian để chuẩn bị cho ngày tận thế – xây hầm trú ẩn sau nhà, tích trữ súng ống và thực phẩm. Nếu người bạn đời của bạn không hề chia sẻ lối sống đó, họ sẽ có lý do chính đáng để tự hỏi: "Mình đang ở bên ai thế này?"

Những thay đổi ở tầng sâu như vậy thường dẫn đến việc mất đi sự tôn trọng dành cho nhau. Điều mà bạn từng ngưỡng mộ ở đối phương giờ đã biến mất, hoặc chẳng còn quan trọng với họ nữa, hoặc thậm chí bị thay thế bằng thứ gì đó bạn không thể nào trân trọng như họ. Và thế là, một khoảng trống tôn trọng bắt đầu hình thành trong mối quan hệ.

Tôi nói thẳng nhé: những vấn đề kiểu này cực kỳ khó vượt qua. Nhưng nếu bạn thực sự muốn ở lại và cùng nhau cố gắng, bạn sẽ phải tìm ra những nguồn tôn trọng mới trong mối quan hệ.

Ví dụ, nếu người bạn đời của bạn theo tôn giáo, còn trước đây bạn từng ngưỡng mộ cách họ nhìn đời bằng lăng kính thực tế và nhân văn, thì giờ bạn có thể học cách trân trọng lòng trắc ẩn mà họ dành cho người khác.

Hoặc giả, họ quyết định trở thành một người ăn chay trường, sống hòa mình với thiên nhiên, yêu cây cỏ, trong khi bạn lại thích ăn thịt nướng và lái chiếc xe bán tải ngốn xăng đi mua đồ – thì... tôi cũng chịu, không biết hai bạn sao lại ở bên nhau. Nhưng biết đâu bạn vẫn có thể trân trọng thói quen tái chế rác thải của họ?

Ý tôi là: bất cứ sự tôn trọng nào đã mất đi khi một người thay đổi, đều cần được bù đắp lại bằng một cách nào đó.

NẾU AI ĐÓ ĐÃ MẮC LỖI...

Không ai hoàn hảo cả. Nghe thì rõ ràng là vậy, nhưng vẫn cần nhắc lại, bởi đôi khi, ta vô tình đặt ra những tiêu chuẩn không thực tế cho người khác.

Dù sao đi nữa, khi một lỗi lầm thực sự xảy ra, lòng tin trong mối quan hệ cũng bị tổn thương.

Dù là lỗi gì đi chăng nữa, để hàn gắn hoàn toàn, sẽ cần vài điều sau đây:

Hãy để thời gian làm dịu nỗi đau. Vết thương từ lỗi lầm, theo lẽ tự nhiên, sẽ dần nguôi ngoai theo thời gian. Nếu bạn là người gây ra lỗi, hãy cho người kia chút không gian để họ có thể nhìn nhận, suy nghĩ về tình huống. Còn nếu họ là người mắc lỗi, đừng ngần ngại nói rằng bạn cần thêm thời gian để cân nhắc mọi chuyện.

Chắc chắn rằng đó là lỗi lầm xảy ra một lần thôi. Việc thừa nhận lỗi là một chuyện, nhưng việc thực sự chịu trách nhiệm và cam kết không tái phạm mới là điều chứng tỏ bạn nghiêm túc trong mối quan hệ này. Những ai lặp đi lặp lại lỗi lầm – nhất là những lỗi có thể đe dọa đến nền tảng mối quan hệ – thì thật sự cần tránh xa bằng mọi giá.

Người kia phải sẵn lòng tha thứ (dù là sau một thời gian). Dù đã có thời gian trôi qua, dù người mắc lỗi đã cố gắng hết sức để không tái phạm, cũng không có nghĩa là người bị tổn thương nhất định phải tha thứ cho họ.

Dĩ nhiên, lỗi lầm có mức độ khác nhau, mức độ nghiêm trọng cũng khác nhau, nên khả năng vượt qua cũng không giống nhau.

Những lỗi nhỏ – như lời nói vô tình, hay quên làm giúp việc vặt gì đó – thường dễ bỏ qua hơn, mất ít thời gian hơn để nguôi ngoai, dễ tránh lặp lại, và thường cũng dễ được tha thứ.

Còn những lỗi lầm lớn hơn sẽ đòi hỏi cả hai người phải thực sự cố gắng rất nhiều. Và bạn cũng sẽ phải tự hỏi mình: “Liệu có đáng để tiếp tục không?” – và nhớ là hãy trả lời thật lòng, không dối lòng mình.

Nguồn: 3 Core Components of a Healthy Relationship | Mark Manson

Theo tamlyhoctoipham.com

Tội Phạm Bài viết liên quan

Vì sao những người con gái lớn lên bên người mẹ thiếu yêu thương lại vật lộn với sự xấu hổ

Vì sao những người con gái lớn lên bên người mẹ thiếu yêu thương lại vật lộn với sự xấu hổ  6

 15/06/2025 8:12:38 CH

Nhìn thẳng vào “con voi trong căn phòng”, điều hiển nhiên nhưng ai cũng cố lờ đi.

Xem chi tiết 
Bạn có biết khi nào nên bỏ cuộc?

Bạn có biết khi nào nên bỏ cuộc?  6

 15/06/2025 8:12:34 CH

Ý chí bền bỉ là một phẩm chất tuyệt vời, cho đến khi nó biến thành chiếc hố sâu khiến ta mãi mắc kẹt.

Xem chi tiết 
7 điều một người con gái từng thiếu tình thương khao khát khi trưởng thành

7 điều một người con gái từng thiếu tình thương khao khát khi trưởng thành  6

 15/06/2025 8:12:28 CH

Có những khao khát âm thầm mà người phụ nữ không hề hay biết rằng, chúng bắt nguồn từ chính tuổi thơ bị thiếu vắng tình yêu thương.

Xem chi tiết 
7 lý do khiến ta vẫn gắn bó với cha mẹ độc hại

7 lý do khiến ta vẫn gắn bó với cha mẹ độc hại  8

 15/06/2025 8:12:22 CH

Thật tự nhiên khi ta vẫn khao khát một mối quan hệ, cho dù nó không lành mạnh.

Xem chi tiết 
6 lý do bạn không nên để những rắc rối kéo mình xuống đáy

6 lý do bạn không nên để những rắc rối kéo mình xuống đáy  9

 14/06/2025 8:11:50 CH

Vì sao những điều tiêu cực luôn đánh mạnh vào ta, và làm sao để ta vực dậy được từ đó.

Xem chi tiết 
Làm sao chúng ta có thể vượt qua nỗi đau tan vỡ

Làm sao chúng ta có thể vượt qua nỗi đau tan vỡ  14

 14/06/2025 8:11:45 CH

Tận sâu trong nỗi đau của một trái tim tan vỡ là một niềm tin tàn nhẫn: niềm tin rằng người ta yêu là duy nhất vô nhị.

Xem chi tiết 

Quảng cáo

thu mua đồ cũ

Quảng cáo

kem flan

Quảng cáo

xuong may dong phuc

Quảng cáo

xe ôtô 2018
Trước Khi Nhắm Mắt  3279
 13/09/2018 12:44:10 SA
Tiếng Thét  3120
 13/09/2018 12:39:16 SA
Đảo Quỷ  3812
 13/09/2018 12:34:42 SA
Pháp Y Tần Minh  3221
 13/07/2018 3:59:16 CH
Kiêu Hãnh Và Định Kiến  3329
 13/07/2018 3:48:06 CH
Xem thêm nhiều tin khác 
Bạn vui lòng chờ trong giây lát...