Bạn có bao giờ tự hỏi thành ngữ "sói đội lốt cừu" bắt nguồn từ đâu không? Trong mạng lưới tương tác phức tạp giữa con người với nhau, những cá nhân thể hiện mình là người thực sự hảo tâm và tốt bụng đôi khi có thể che giấu những động cơ thầm kín đen tối hơn hay những kế hoạch đang ẩn nấp sâu dưới vẻ bề ngoài của họ.
Nhận biết những cá nhân này và giải mã ý định thực sự của họ có thể là một nhiệm vụ khó khăn, nhưng chỉ như vậy chúng ta mới điều hướng các mối quan hệ của mình một cách sáng suốt hơn và bảo vệ bản thân khỏi những tổn thương tiềm ẩn. Như đã nói, dưới đây là 5 dấu hiệu cảnh báo dựa trên tâm lý học cho thấy một người có vẻ "tốt bụng" thực ra lại có ý đồ xấu, theo nghiên cứu của các chuyên gia:
Tâng bốc quá mức
Một trong những dấu hiệu nổi bật của một người có ý định xấu là xu hướng tâng bốc người khác một cách thái quá. Tiến sĩ tâm lý học lâm sàng Melanie Greenberg giải thích: Mặc dù những lời tán dương và khen ngợi có thể chân thành và thiện chí, nhưng những người luôn dành cho bạn sự ngưỡng mộ và khen ngợi quá mức có thể có mong muốn thao túng hoặc đạt được điều gì đó từ bạn. Những người như vậy thường sử dụng lời tâng bốc như một phương tiện để hạ thấp sự cảnh giác của người khác và tiến tới thiết lập khả năng kiểm soát cảm xúc của bạn.
Sự hào phóng có điều kiện
Hãy cẩn thận với những người thể hiện sự hào phóng kèm theo những điều kiện ràng buộc, bác sĩ trị liệu Julia Breur cảnh báo. Một người có những động cơ thầm kín có thể tỏ ra cực kỳ hữu ích và hào phóng, nhưng những hành động tử tế của họ thường đi kèm với sự mong đợi không thành lời về sự đáp lại hoặc những ân huệ trong tương lai. Họ có thể ghi nhớ những hành động của mình để sau này tận dụng chúng vì lợi ích cá nhân của họ, thay vì thực sự quan tâm đến hạnh phúc của bạn.
Kiểm tra ranh giới thường xuyên
Một lá cờ cảnh báo khác cho thấy ai đó đang giấu diếm ý đồ đen tối của mình là khi họ thường xuyên vượt qua các ranh giới và thách thức giới hạn chịu đựng của bạn. Theo một bài báo được xuất bản bởi Power of Positivity (Sức mạnh của sự tích cực), những người tử tế giả tạo thường cố tình thực hiện hành vi vượt quá ranh giới mà xã hội có thể chấp nhận được hoặc tỏ ra thiếu tôn trọng. Bằng cách đó, họ đánh giá xem mình có thể tiến xa đến đâu trong việc thao túng và tận dụng người khác. Vì vậy, hãy chú ý đến cách ai đó phản ứng khi hành động của họ bị ngăn lại hoặc khi bạn khẳng định ranh giới của mình. Nếu họ liên tục lấn tới hoặc tỏ ra thiếu tôn trọng, bạn có thể chỉ ra được động cơ thầm kín đang ẩn giấu trong họ.
Quá chú trọng vào việc kiểm soát
Theo bác sĩ trị liệu Julia Breur, một số người có thể sử dụng lòng tốt để cố gắng kiểm soát bạn và thao túng các tình huống nhằm phục vụ lợi ích riêng của họ hoặc biến họ trở thành tâm điểm được tâng bốc nhiều hơn. Phong thái có vẻ tử tế của họ có thể chỉ là mặt nạ giúp họ đạt được quyền lực và ảnh hưởng đối với những người xung quanh. Do đó, việc nhận ra nhu cầu kiểm soát thường xuyên ở một cá nhân có thể đóng vai trò là dấu hiệu quan trọng cho thấy ý định tiềm ẩn của họ. Họ có thể sử dụng các chiến thuật tinh vi để khẳng định sự thống trị của mình, chẳng hạn như đưa ra quyết định mà không hỏi ý kiến người khác, áp đặt ý kiến của mình, quản lý vi mô một cách cực đoan và thậm chí thao túng cảm xúc của bạn - thường dưới chiêu bài tỏ ra "tốt bụng" hoặc "giúp đỡ".
Hành vi không nhất quán
Cuối cùng nhưng có lẽ là quan trọng nhất, hãy luôn dõi theo những người có lời nói không đi đôi với hành động. Một người có ý đồ thường bộc lộ hành vi mâu thuẫn dễ nhận thấy, thường là trong cách họ tham gia vào các cuộc trò chuyện khi nói về người khác. Ví dụ, một người đi buôn chuyện về những người mà họ tỏ ra thân thiện rất có thể là người không thành thật và không chính trực, nhà trị liệu Hannah Rose giải thích. Họ thường thích lan truyền tin đồn và khuấy động kịch tính để thao túng động lực xã hội, tạo ra sự chia rẽ và chuyển hướng sự chú ý của người khác khỏi những hành động đáng ngờ của mình. Họ có thể tỏ ra dễ chịu và duyên dáng một cách thái quá trong một khoảnh khắc nào đó, nhưng hành động của họ lại không phản ánh đúng ý định mà họ đã đưa ra trước đó, điều này cho thấy sự thiếu đáng tin cậy ở họ.
Việc nhận ra dấu hiệu về những ý định tiềm ẩn ở một người đang cố tỏ ra tử tế có thể là một thử thách. Tuy nhiên, bằng cách luôn cảnh giác và chú ý quan sát, bạn có thể vạch trần bề ngoài và khám phá động cơ thực sự của họ. Điều quan trọng cần lưu ý là không phải ai có vẻ ngoài tử tế cũng thực sự đáng tin. Bằng cách nhận thức được những dấu hiệu này, bạn có thể bảo vệ bản thân khỏi những tổn hại tiềm tàng và duy trì các mối quan hệ lành mạnh hơn dựa trên sự tin tưởng và chân thành.
Vậy các độc giả yêu quý của tôi, bạn nghĩ gì về điều này? Bạn đã gặp phải một người có vẻ tử tế thực ra lại có ý đồ xấu chưa? Dấu hiệu nhận biết là gì? Hãy cho chúng tôi biết trong phần bình luận bên dưới nhé!
Tác giả: Chloe
Nguồn bài viết: Psych2Go
Dịch giả: Vân Anh - Nguồn: Tâm Lý Học Tuổi Trẻ
Theo tamlyhoctoipham.com