Bạn có bao giờ nhìn quanh nhà rồi tự hỏi vì sao căn phòng của mình lại chật ních những món đồ lặt vặt? Hay khi lướt qua bàn làm việc, bạn cảm thấy ngợp vì đống giấy tờ chất đống đã lâu không ngó tới? Lịch trình của bạn có quá tải với hàng loạt cuộc hẹn kéo dài đến tận tương lai xa? Hộp thư email của bạn có quá đầy đến mức bạn chẳng buồn mở lên xem, chỉ để tâm đến những tin nhắn khẩn cấp?
Tất cả những thứ lộn xộn này, cả về vật chất lẫn tinh thần, đều có thể làm gián đoạn dòng chảy của bạn—cả về mặt di chuyển lẫn khả năng tư duy. Sức khỏe tinh thần của bạn có thể sẽ chịu ảnh hưởng từ cái gọi là “hiệu ứng bừa bộn.” Một loạt nghiên cứu gần đây về căng thẳng, sự hài lòng với cuộc sống, sức khỏe thể chất và nhận thức đều nhấn mạnh tầm quan trọng của việc sống tối giản, gọn gàng.
Khi nghĩ đến “bừa bộn,” hầu hết chúng ta sẽ liên tưởng đến những ngôi nhà của người mắc chứng tích trữ. Tuy nhiên, bừa bộn đơn giản có thể là sự tích tụ nhiều đồ đạc hơn so với không gian có sẵn. Nếu bạn có một lâu đài 25 phòng thì việc trang trí bằng vài món đồ lưu niệm sẽ không thành vấn đề. Nhưng nếu cùng số lượng đồ đạc ấy nằm trong một căn hộ hai phòng ngủ thì lại là chuyện khác.
Một nghiên cứu gần đây về mối quan hệ giữa không gian sống và sự thoải mái cá nhân đã xem xét mối liên hệ giữa bừa bộn trong nhà với hạnh phúc. Catherine Roster và các cộng sự từ Đại học New Mexico (2016) phát hiện ra rằng bừa bộn có thể làm giảm cảm nhận tích cực về “mái ấm” của một người, từ đó ảnh hưởng đến sự hài lòng với cuộc sống. Nghiên cứu dựa trên một giả thuyết rằng khi chúng ta gắn bó quá chặt chẽ với không gian sống của mình, mức độ bừa bộn trong đó có thể làm giảm niềm vui mà ta cảm thấy khi ở trong không gian ấy.
Roster et al. đã định nghĩa “nhà” không chỉ đơn giản là nơi trú ngụ vật lý mà bạn sống, mà còn là “tập hợp các trải nghiệm, ý nghĩa và tình huống mà một người tạo dựng nên để hình thành thế giới của chính mình.” Bừa bộn không chỉ cản trở việc di chuyển trong thế giới ấy mà còn gây khó khăn cho việc sắp xếp mọi thứ để bạn có thể sống thoải mái hơn. Khi quầy bếp ngổn ngang các thiết bị, giấy tờ, và những món đồ linh tinh, việc làm cho nó sáng sủa, sạch sẽ trở thành một nhiệm vụ đầy thử thách.
Roster và các cộng sự của cô đã tiến hành nghiên cứu trên một mẫu người trưởng thành gặp vấn đề bừa bộn ở mức độ nhẹ đến vừa, qua tổ chức phi lợi nhuận “Viện Thách Thức Sự Lộn Xộn” (ICD), một nơi dành cho những ai “gặp khó khăn về tổ chức.” Gần 1.500 người tham gia từ 18 tuổi trở lên đã đánh giá mức độ bừa bộn của mình (chẳng hạn như thường xuyên không tìm thấy đồ đạc), cũng như cảm nhận về sự gắn bó với ngôi nhà, xem đồ đạc là một phần của bản thân, và cảm giác rằng ngôi nhà mang lại sự an ủi tâm lý cho họ.
Hai yếu tố là sự gắn bó với ngôi nhà và đồ đạc như phần mở rộng của bản thân đều có mối liên hệ tích cực đến cảm giác an toàn tâm lý mà ngôi nhà mang lại. Tuy nhiên, bừa bộn lại có mối liên hệ tiêu cực với cảm giác tâm lý về “nhà,” và từ đó ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần. Các tác giả kết luận: “Bừa bộn đôi khi là hệ quả tinh vi, tưởng chừng vô hại của mong muốn tự nhiên muốn cá nhân hóa không gian sống của mỗi người… nhưng khi nó trở nên quá mức, bừa bộn có thể làm cho một người cảm thấy bị mắc kẹt cả về thể chất lẫn tinh thần trong một môi trường sống rối ren, góp phần gây ra những căng thẳng và cảm giác xa lạ với chính không gian của mình.”
Source: Radu Razvan/Shutterstock
Việc dọn bớt những thứ không cần thiết trong nhà có thể là một yếu tố quan trọng mà bạn không ngờ tới, giúp bạn nâng cao hạnh phúc. Quá trình này đôi khi sẽ không dễ dàng, nhưng sẽ giúp bạn vượt qua rào cản quan trọng này để cải thiện sức khỏe tinh thần. Dưới đây là năm lý do để bắt đầu sắp xếp cuộc sống gọn gàng hơn ngay từ hôm nay:
1. Hạnh phúc cá nhân giảm sút.
Sống trong sự bừa bộn khiến bạn khó cảm nhận được ý nghĩa thực sự của “nhà”—một nơi đáng lẽ ra là chốn quay về êm ấm, là nơi để tự hào và tĩnh tâm khỏi thế giới ngoài kia. Nghiên cứu của Đại học New Mexico đã chỉ ra, khi đồ đạc chất đống và chiếm hết mọi không gian, ngôi nhà sẽ dần trở thành “đối thủ,” không phải là người bạn thân thiết nữa.
2. Thói quen ăn uống thiếu lành mạnh.
Một nghiên cứu của nhóm Vartarian từ Úc-Mỹ (2017) cho thấy, nếu ở trong môi trường lộn xộn và căng thẳng, con người sẽ ăn nhiều bánh kẹo, đồ ăn vặt hơn. Trong thí nghiệm tại phòng bếp hỗn loạn, những sinh viên của Đại học Cornell đã ăn gấp đôi lượng bánh quy so với nhóm ở căn bếp ngăn nắp. Điều này có nghĩa là khi bạn đang cảm thấy mất kiểm soát, một không gian bừa bộn sẽ thúc đẩy bạn tìm đến đồ ngọt để “an ủi” bản thân.
3. Sức khỏe tinh thần suy giảm.
Xem xét một thế kỷ nghiên cứu về căng thẳng và sức khỏe, Paul Bliese cùng đồng nghiệp từ Đại học South Carolina (2017) nhận thấy môi trường thoải mái là yếu tố quan trọng trong “vệ sinh tinh thần.” Nếu môi trường làm việc gọn gàng sẽ giúp sức khỏe tinh thần tốt lên, thì ngôi nhà cũng cần như vậy theo kết quả nghiên cứu của Roster. Dù việc cá nhân hóa không gian làm việc có thể có lợi, nhưng một khi không gian ấy trở nên bừa bộn, lợi ích này sẽ giảm dần. Chỉ cần nghĩ đến một hộp thư điện tử quá tải là đã thấy căng thẳng rồi, chắc hẳn bạn cũng từng trải qua cảm giác này, đúng không?
4. Khả năng xử lý thị giác kém đi.
Thật khó để nhìn ra cảm xúc của người khác khi không gian xung quanh ngập tràn các thứ lặt vặt gây xao nhãng. James Cutting và Kacie Armstrong từ Đại học Cornell (2016) đã khám phá rằng, khi cảnh nền trong phim quá bừa bộn, khán giả khó diễn giải chính xác biểu cảm trên khuôn mặt nhân vật hơn. Nếu điều này cũng đúng trong đời thường, thì bạn sẽ kém nhạy bén trong việc nhận biết cảm xúc của người khác khi đang ở trong một căn phòng đầy bừa bộn.
5. Tư duy kém mạch lạc
“Bừa bộn tâm trí” là khi đầu óc ta ngập ngụa những thông tin chẳng liên quan và chẳng thể loại bỏ được. Nhà nghiên cứu Lynn Hasher từ Đại học Toronto từng cho rằng sự bừa bộn trong tâm trí chính là thủ phạm gây ra tình trạng suy giảm trí nhớ khi ta lớn tuổi. Nghiên cứu gần đây của bà (Amer và cộng sự, 2016) vẫn ủng hộ lý thuyết này.
Nếu các “tài liệu” trong não bộ của bạn chất đống mà không thể xử lý nổi, lý thuyết cho rằng bạn sẽ suy nghĩ chậm chạp và kém hiệu quả hơn. Kết quả là bạn sẽ gặp khó khăn trong những nhiệm vụ ngắn hạn, và ngay cả khi cố nhớ những thông tin quen thuộc như tên người quen, bạn cũng không tìm ra nổi vì trí nhớ của bạn đã quá lộn xộn.
Vậy nên, tối giản không chỉ là việc dọn dẹp mà còn là một phương pháp quan trọng giúp bạn giữ vững hạnh phúc trong cả cuộc sống gia đình lẫn công việc. Bớt đi những thứ bừa bộn sẽ cải thiện sức khỏe thể chất và khả năng tư duy của bạn. Hãy lấy chiếc túi rác (dù là ảo hay thật) và bắt đầu loại bỏ những thứ thừa thãi. Bạn sẽ thấy mình có thể tận hưởng không gian xung quanh hơn, với đầu óc nhẹ nhàng và tinh thần thoải mái hơn rất nhiều!
References
Amer, T., Campbell, K. L., & Hasher, L. (2016). Cognitive control as a double-edged sword. Trends In Cognitive Sciences, 20(12), 905-915. doi:10.1016/j.tics.2016.10.002
Bliese, P. D., Edwards, J. R., & Sonnentag, S. (2017). Stress and well-being at work: A century of empirical trends reflecting theoretical and societal influences. Journal of Applied Psychology, 102(3), 389-402. doi:10.1037/apl0000109
Cutting, J. E., & Armstrong, K. L. (2016). Facial expression, size, and clutter: Inferences from movie structure to emotion judgments and back. Attention, Perception, & Psychophysics, 78(3), 891-901. doi:10.3758/s13414-015-1003-5
Roster, C. A., Ferrari, J. R., & Jurkat, M. P. (2016). The dark side of home: Assessing possession ‘clutter’ on subjective well-being. Journal of Environmental Psychology,4632-41. doi:10.1016/j.jenvp.2016.03.003
Vartanian, L. R., Kernan, K. M., & Wansink, B. (2017). Clutter, chaos, and overconsumption: The role of mind-set in stressful and chaotic food environments. Environment and Behavior, 49(2), 215-223. doi:10.1177/0013916516628178
Nguồn: 5 Reasons Why Clutter Is Bad for Your Mental Health
Theo tamlyhoctoipham.com