NHỮNG ĐIỂM CHÍNH
- Việc nuôi dạy con trong môi trường ái kỷ có thể dẫn đến những kiểu gắn bó lo âu hoặc né tránh ở trẻ khi trưởng thành.
- Cha mẹ ái kỷ thường có những đặc điểm điển hình trong cách họ đối xử với con cái.
- Hiểu rõ những khuôn mẫu này và tìm cách giảm thiểu hệ lụy là cách tốt nhất để vượt qua chúng.
Ngày càng có nhiều nghiên cứu về chứng ái kỷ trong vai trò làm cha mẹ, với những phân tích gần đây cho thấy sự liên hệ giữa cha mẹ ái kỷ và kiểu gắn bó lo âu hoặc né tránh ở con khi lớn lên. Việc nâng cao nhận thức về ảnh hưởng của ái kỷ đối với cách nuôi dạy con là điều cần thiết để giúp gia đình và những người xung quanh có thể nhận diện, can thiệp đúng lúc và đúng cách (Palumbo, 2023).
Những bậc cha mẹ ái kỷ thường thể hiện những đặc điểm trái ngược hoàn toàn với cách nuôi dạy con lành mạnh—vốn đòi hỏi sự đồng cảm sâu sắc, lòng tôn trọng và cả sự hy sinh. Một bậc cha mẹ thực sự thấu hiểu con mình không chỉ biết thiết lập kỷ luật mà còn luôn tràn đầy tình yêu thương. Họ quan tâm đến cảm xúc và nhu cầu của con, đồng thời vẫn duy trì những giới hạn cần thiết để con phát triển một cách lành mạnh.
5 "quy tắc" nuôi dạy con của cha mẹ ái kỷ
Việc hiểu được cách cha mẹ ái kỷ nuôi dạy con chính là bước đầu tiên để nhận diện những mô thức gây tổn thương và từ đó tìm ra hướng đi lành mạnh hơn. Dưới đây là 5 "quy tắc" thường thấy mà những bậc cha mẹ ái kỷ áp dụng với con cái:
1. Mong muốn của cha mẹ luôn là ưu tiên số một
Trong một gia đình lành mạnh, cha mẹ biết cách đặt lợi ích của con lên trên mong muốn cá nhân khi cần thiết. Dĩ nhiên, điều này không có nghĩa là mọi nhu cầu của con luôn được đáp ứng vô điều kiện, mà là cha mẹ hiểu rằng sự hy sinh một phần bản thân là điều tất yếu khi nuôi dạy con.
Ngược lại, cha mẹ ái kỷ không bao giờ xem nhu cầu của con ngang bằng với mình (chứ đừng nói là quan trọng hơn). Trong mắt họ, con cái chỉ là những cá thể phụ thuộc, sinh ra để phục vụ và tôn vinh cha mẹ. Họ mong muốn con cái luôn cư xử theo cách giúp họ cảm thấy mình có giá trị—họ tin rằng bản thân xứng đáng nhận sự tôn trọng đặc biệt, đơn giản vì họ là cha mẹ.
Trong thế giới của cha mẹ ái kỷ, con cái phải muốn những điều giống họ, hoặc phải phục tùng tuyệt đối nếu có mong muốn khác biệt. Nếu đứa trẻ bày tỏ nhu cầu mà cha mẹ không đồng tình, thì điều đó mặc nhiên bị xem là vô nghĩa và không đáng được xem xét.
Những đứa trẻ lớn lên trong môi trường này thường học được rằng tốt nhất là không nên bày tỏ nhu cầu cá nhân, đặc biệt nếu điều đó trái ngược với mong muốn của cha mẹ. Chúng có xu hướng kìm nén mong muốn của mình, âm thầm chịu đựng hoặc phản ứng một cách tiêu cực và khó hiểu—bởi từ sâu trong tâm thức, chúng hiểu rằng cảm xúc của mình không có giá trị trong mắt cha mẹ.
2. Chỉ có sự phục tùng tuyệt đối mới được xem là tôn trọng
Một người cha/mẹ lành mạnh sẽ tạo điều kiện cho con phát triển tư duy độc lập, khuyến khích con có ý kiến riêng và hình thành bản sắc cá nhân.
Nhưng với cha mẹ ái kỷ, sự phục tùng là điều tối quan trọng. Họ mong muốn con cái phải tuyệt đối nghe theo, không được thắc mắc hay chất vấn. Dù con có đưa ra câu hỏi một cách lịch sự đến đâu, thì trong mắt họ, đó vẫn là một sự thiếu tôn trọng. Với họ, “tôn trọng” đồng nghĩa với việc luôn đồng tình, hoặc chí ít là giả vờ đồng ý.
Đáng buồn thay, việc không cho phép con có tiếng nói riêng có thể khiến lòng tự trọng của trẻ bị bào mòn nghiêm trọng. Nhưng đối với cha mẹ ái kỷ, điều đó không quan trọng—trong mắt họ, con cái vốn dĩ không ngang hàng với mình. Trong mối quan hệ này, sự tôn trọng không phải là điều tương hỗ; nó chỉ tồn tại theo một chiều duy nhất: từ con cái dành cho cha mẹ, mà không bao giờ ngược lại.
3. Cảm xúc của con cái không có giá trị
Một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất của cha mẹ là giúp con hiểu và điều hòa cảm xúc, từ đó phát triển lòng trắc ẩn và sự thấu cảm. Nếu một đứa trẻ không học được cách nhận diện và trân trọng cảm xúc của mình, chúng cũng sẽ rất khó để cảm thông với người khác.
Cha mẹ ái kỷ thường không công nhận cảm xúc của con, trừ khi cảm xúc đó giống với của họ. Nếu đứa trẻ bày tỏ một cảm xúc trái ngược, chúng có thể bị quy chụp là ngang bướng, hỗn láo hoặc đơn giản là “sai”.
Những đứa trẻ này lớn lên với niềm tin rằng cảm xúc của mình là vô nghĩa và không đáng để bộc lộ. Chúng có thể phát triển thói quen che giấu cảm xúc thật, cố gắng đoán định và bắt chước cảm xúc của người khác thay vì thực sự lắng nghe trái tim mình.
4. Khi mối quan hệ cha mẹ - con cái chỉ là một công cụ
Một mối quan hệ lành mạnh được xây dựng trên sự thấu hiểu, tôn trọng và sẻ chia từ hai phía. Nhưng với người ái kỷ, mọi mối quan hệ chỉ có một mục đích duy nhất: trở thành công cụ để họ đạt được điều mình muốn.
Những bậc cha mẹ ái kỷ thường xem mối quan hệ với con cái như một phương tiện để phục vụ lợi ích cá nhân—một cách để họ nhận được sự ngưỡng mộ từ người khác, hay thậm chí là một phần của danh tính mà họ muốn xây dựng. Trong một số trường hợp, họ coi việc nuôi nấng con cái như một khoản "đầu tư," và đến một lúc nào đó, con cái phải "trả ơn" họ.
Những mối quan hệ lành mạnh luôn mang lại lợi ích lâu dài cho cả hai bên. Nhưng trong một mối quan hệ ái kỷ, con cái thường chỉ nhận về tổn thương nhiều hơn là sự yêu thương. Khi trưởng thành, những đứa trẻ lớn lên trong môi trường này thường gặp khó khăn trong việc cân bằng giữa mong muốn duy trì tình thân và thực tế rằng mối quan hệ này luôn đi kèm với sự đánh đổi và tổn thất.
5. Cha mẹ không bao giờ nhận lỗi
Mâu thuẫn là điều không thể tránh khỏi trong bất kỳ mối quan hệ nào. Nhưng nếu biết cách xử lý đúng đắn, nó có thể trở thành cơ hội để cải thiện mối quan hệ. Tuy nhiên, trong những mối quan hệ ái kỷ, mâu thuẫn không bao giờ thực sự được giải quyết, vì người ái kỷ không bao giờ chịu nhận lỗi.
Những bậc cha mẹ ái kỷ hiếm khi, hoặc thậm chí không bao giờ, đưa ra một lời xin lỗi chân thành khi họ làm tổn thương con cái. Thay vì thừa nhận sai lầm, họ đổ lỗi ngược lại cho con, hoặc cho một ai đó xung quanh. Họ tin rằng nếu con cái cư xử "đúng mực," thì họ sẽ chẳng có lý do gì để làm tổn thương chúng. Cuối cùng, trong mắt một bậc cha mẹ ái kỷ, họ có toàn quyền hành xử theo ý mình mà không cần quan tâm đến cảm xúc hay tổn thương của con cái.
Nhận trách nhiệm nghĩa là biết nhìn nhận lỗi lầm, cố gắng sửa sai và không lặp lại hành vi đó trong tương lai. Nhưng cha mẹ ái kỷ chỉ đưa ra những lời xin lỗi hời hợt khi bị ép buộc bởi áp lực bên ngoài. Những lời xin lỗi ấy trống rỗng, mang tính hình thức, không có chút ăn năn thực sự nào phía sau.
Dù chưa được nghiên cứu nhiều như những hình thức tương tác khác, nhưng gần đây, các nhà khoa học đã tìm ra một số xu hướng chung trong cách nuôi dạy con của cha mẹ ái kỷ và tìm cách giảm thiểu tác động tiêu cực của nó. Đáng tiếc là ái kỷ không thể "tự nhiên biến mất." Do đó, cách tốt nhất để đối phó là hiểu rõ những khuôn mẫu này và áp dụng những chiến lược giúp hạn chế hệ lụy mà nó gây ra.
Nguồn: The 5 Parenting Rules of a Narcissist – Psychology Today
Theo tamlyhoctoipham.com