Hầu hết mọi người không thể tùy hứng bỏ việc dù không còn tìm thấy niềm vui ở đó. Thứ níu giữ họ ở lại là trách nhiệm với gia đình. Nhưng phải làm những việc bản thân không muốn có thể tổn hại đến sức khỏe tinh thần và nguy cơ kiệt sức.
Theo các nhà trị liệu tâm lý và chuyên gia nghề nghiệp, thay vì ghét bỏ, bạn nên thực hành những điều dưới đây để tìm lại niềm vui trong công việc hoặc chí ít cảm thấy dễ chịu hơn.
Nhớ lại lý do bắt đầu công việc này
Mọi người chán công việc hiện tại vì ba nguyên nhân chính: công việc không còn hấp dẫn, xung đột với sếp, mâu thuẫn với đồng nghiệp.
Hãy cố ghi nhớ vì sao bạn lại bắt đầu làm công việc này. Khi đã nhớ lại thứ truyền cảm hứng cho bạn, thử khai thác một lần nữa. Theo nhà tâm lý học người Mỹ Alicia Rozycki, hồi tưởng lại những đam mê, mục tiêu và giá trị ban đầu có thể là động lực để duy trì sự gắn bó cho đến khi bạn tìm được cơ hội tốt hơn.
Tập trung vào chiến thắng nhỏ, hàng ngày
Kyle Elliott, cố vấn nghề nghiệp ở thung lũng Silicon, khuyên bạn nên tập trung vào những thắng lợi nhỏ hàng ngày để cảm thấy dễ chịu hơn thay vì thay đổi một cách quyết liệt. Bạn có thể tận dụng thời gian nghỉ ngơi, ăn trưa để tập trung làm công việc mà bạn thấy thú vị hay dành thời gian để trò chuyện với đồng nghiệp. Những điều nhỏ bé này dù không làm cho công việc tốt hơn nhưng sẽ giúp bạn sảng khoái hơn.
Tự thưởng cho bản thân
Tự thưởng cho mình gì đó vào cuối ngày hoặc cuối tuần có thể thúc đẩy bạn vượt qua những giai đoạn khó khăn, theo Elliott. Những phần thưởng nhỏ như đưa gia đình đi ăn tối hoặc đi chơi cùng người bạn lâu năm giúp bạn có thêm điều tích cực để mong đợi.
Ngắt kết nối với công việc khi về nhà
Nhiều người không thể tách khỏi công việc dù đã về nhà. Các vấn đề kéo dài và nhiệm vụ chưa hoàn thành sẽ xâm lấn cuộc sống gia đình. Điều này âm thầm hủy hoại sức khỏe tinh thần của bạn.
"Hãy vạch ranh giới rõ ràng" Ashleigh Edelstein, nhà trị liệu tâm lý tại Austin, bang Texas, Mỹ đưa ra lời khuyên. Khi xuất hiện suy nghĩ về công việc, hãy từ từ đưa sự chú ý của bạn về thời điểm hiện tại và nhắc nhở bản thân về ý nghĩa của đời sống cá nhân, gia đình.
Ưu tiên quãng nghỉ ngắn
Nếu cảm thấy việc chờ đợi một ngày trôi qua thật khó khăn, hãy sắp xếp thời gian biểu để có nhiều cơ hội nghỉ ngơi cả về thể chất và tinh thần.
Chuyên gia Edelstein cho biết những quãng nghỉ ngắn cũng có thể giảm cảm giác quá tải và bảo toàn năng lượng cho bạn. Thử dành vài phút mỗi giờ để thực hành chánh niệm, tập thở, gọi cho bạn bè để tám chuyện, đi bộ hoặc bất kỳ điều gì để tập trung vào bản thân bạn.
Nói chuyện với sếp
Sếp của bạn không thể đọc được tâm trí của mọi người. Sam Johns, một huấn luyện viên nghề nghiệp của công ty tư vấn Resume Genius (Mỹ) chỉ ra dù cấp trên tương tác với nhân viên hàng ngày, họ có thể không biết bạn chán ghét công việc. Nếu cảm thấy thoải mái và nghĩ rằng công việc này đáng để cứu vãn, hãy chia sẻ cảm giác với sếp.
"Rất có thể họ sẽ có thể thực hiện một số thay đổi tích cực để khiến bạn cảm thấy tốt hơn ", John nói.
Nếu bạn là một người làm việc hiệu quả, sếp sẽ không muốn mất bạn. Ít nhất, những thay đổi nhỏ, tích cực trong công việc sẽ cải thiện tình hình của bạn cho đến khi bạn quyết tâm rẽ hướng.
Lên kế hoạch cho sự ra đi
Huấn luyện viên nghề nghiệp người Mỹ Carlota Zimmerman khuyên bạn nên ngồi lại với vợ (chồng) để trao đổi về dự định tương lai. Bạn sẽ gắn bó với công việc cho đến khi tiết kiệm được số tiền nhất định hay khi bạn đời có sự nghiệp vững vàng? Đây cũng có thể là thời điểm phù hợp để trò chuyện với cố vấn tài chính về các mục tiêu tiền bạc ngắn hạn và dài hạn của bạn.
Cần tránh để con cái biết về căng thẳng do công việc gây ra với bạn. Vì vậy đừng phàn nàn về công việc khi có mặt con. Trẻ em giống như miếng bọt biển, có thể hấp thụ những thông điệp cả trực tiếp và gián tiếp. Theo tiến sĩ Nikki Lacherza-Drew trẻ có thể hiểu công việc của bố mẹ không tốt hoặc bạn làm việc chỉ vì quyền lợi của chúng. Trẻ em không có khả năng nhận thức để hiểu được các tình huống trừu tượng và phức tạp như vậy.
Điều này đồng nghĩa chuyện chán ghét công việc không phải là vấn đề cá nhân của những người làm cha mẹ. Dù làm việc từ xa hay tại văn phòng, hãy kết thúc công việc khi hết giờ và cố gắng không trả lời cuộc gọi hoặc email sau giờ làm việc, trong thời gian dành cho gia đình. Kiểm soát sự chán nản và thất vọng với công việc để tránh ảnh hưởng tiêu cực đến con cái, giúp bạn có thêm không gian để thư giãn trước khi bắt đầu một ngày làm việc mới.
Huy Phương (Theo Fatherly)
Theo tamlyhoctoipham.com