Là một chuyên gia trị liệu hôn nhân và gia đình, Tiến sĩ Stephen J. Betchen đã chứng kiến nhiều trường hợp như vậy. Ông chia sẻ:
"Tôi nhận ra rằng cách nói 'vô cùng bất hạnh' vừa mang tính tương đối, vừa chủ quan, nhưng phần nào phản ánh được vấn đề. Ví dụ, khi tôi hỏi một nữ khách hàng liệu cô ấy có nhận ra chồng và bố cô ấy đều là những kẻ nghiện rượu bạo hành hay không, cô ấy đã trả lời: 'Tôi không nghĩ chồng tôi tệ đến mức như vậy. Và tôi từng nghĩ rằng tất cả các ông bố trong khu phố đều giống như bố tôi'".
Tiến sĩ Betchen đưa ra một số dấu hiệu cho thấy bạn có thể đang mắc kẹt trong mối quan hệ tồi tệ và lý do cho điều này.
1. Bạn luôn cảm thấy bất hạnh
Một chút mâu thuẫn là điều bình thường trong mỗi mối quan hệ, nhưng nếu bạn cảm thấy mình luôn ở trạng thái bất hạnh, thì đó có thể là dấu hiệu cho thấy bạn đang bị mắc kẹt trong một tình yêu mà bạn không mong muốn.
2. Biểu hiện triệu chứng về thể chất
Nếu bạn đang chuyển hóa các vấn đề về cảm xúc thành các triệu chứng thể chất, bạn có thể đang thể hiện cảm giác lo lắng hoặc trầm cảm thông qua cơ thể.
Đây cũng có thể là dấu hiệu cho thấy bạn đang bị mắc kẹt trong một mối quan hệ khiến bạn cảm thấy sợ hãi hoặc khó chịu mà bạn không thể thoát ra.
3. Bạn luôn luôn căng thẳng
Thỉnh thoảng cãi nhau là điều lành mạnh trong một mối quan hệ, nhưng đối với một số cặp đôi, cuộc sống của họ toàn là cãi cọ.
Những người ở bên nhau nhưng liên tục cãi nhau chứng tỏ họ không thể giải quyết vấn đề cùng nhau; nhưng lại cũng không thể tách khỏi nhau.
4. Bạn cảm thấy mình là nạn nhân bị kiểm soát
Chúng ta có thể thấy những cặp đôi kiểu này: một người kiểm soát mối quan hệ và một người chịu sự kiểm soát.
Lấy ví dụ, khi bạn mời cặp đôi này dự tiệc tối, và người kiểm soát quyết định không đi vì những lý do bất hợp lý. Người bị kiểm soát đồng ý vì sợ bị người kia trừng phạt.
Người ngoài có thể nghĩ rằng người kiểm soát được "tự do", nhưng trên thực tế, họ thường tự cho mình là nạn nhân của các yếu tố bên ngoài, chẳng hạn như những vị khách khó ưa, thời gian, địa điểm bữa tiệc không phù hợp, hay thậm chí là thời tiết bất lợi.
Người bị kiểm soát thì cho mình là nạn nhân của người kiểm soát, nhưng dường như họ không thể tự giải thoát khỏi sự thao túng của bạn đời. Rất hiếm khi họ có đủ can đảm để nói: "Được rồi, anh/em cứ ở nhà. Em/Anh sẽ đi một mình". Họ thường cảm thấy điều đó quá mạo hiểm, và thế là hai người mắc kẹt trong mối quan hệ như vậy.
Tiến sĩ Betchen cho biết có nhiều ví dụ tiêu cực hơn về việc mắc kẹt trong mối quan hệ, chẳng hạn các cặp đôi mắc kẹt trong một mối quan hệ không tình dục hoặc bạo hành về tình cảm/thể chất.
5. Bạn liên tục tưởng tượng về những người bạn đời tiềm năng khác
Đó không nhất thiết là những ảo hưởng về mặt tình dục. Những người bị mắc kẹt trong mối quan hệ không hạnh phúc có thể tưởng tượng về việc ở bên một người khác - thay thế cho bạn đời hiện tại.
Tiến sĩ Betchen lấy ví dụ, khi một người đàn ông bước vào một căn phòng với rất nhiều phụ nữ cùng người bạn đời của mình, và anh ta không thể rời mắt khỏi một hoặc những người phụ nữ kia, thì có lẽ anh ta không được hạnh phúc bên người bạn đời hiện tại.
6. Bạn cảm thấy cô đơn khi ở bên cạnh người ấy
Người ta nói rằng thà ở một mình còn hơn ở bên cạnh ai đó mà vẫn cảm thấy cô đơn.
Nếu bạn cảm thấy trống rỗng dù đang ở bên cạnh người yêu, thì có thể là do một trong hai hoặc là cả hai bạn mất kết nối về mặt tình cảm hoặc thể xác.
Nói cách khác, các bạn giống như đang vô hình trong mối quan hệ của mình.
7. Bạn cảm thấy mối quan hệ chỉ còn là nghĩa vụ
Trong nhiều trường hợp, dù cặp đôi không còn yêu hoặc không còn dành đủ sự quan tâm đến nhu cầu của nhau, họ có thể vẫn gắn bó trong mối quan hệ vì nghĩa vụ tài chính hoặc vì con cái.
Những mối quan hệ này thường giống như một sự hợp tác gượng gạo.
Không phải tất cả mọi người đều bị mắc kẹt vì nhu cầu biến mình thành nạn nhân hay do những vấn đề cảm xúc dồn nén từ gia cảnh, xuất thân.
Có rất nhiều người bị mắc kẹt vì con cái hoặc bạn đời đau ốm, và họ buộc phải hy sinh để tiếp tục mối quan hệ đó - một hành động cao cả nhưng đáng buồn.
Tuy nhiên, đáng chú ý là có những người bị mắc kẹt trong những mối quan hệ tồi tệ vì họ đã chứng kiến kiểu hôn nhân như thế từ nhỏ đến lớn, do chính cha mẹ họ cũng không thoát khỏi nỗi bất hạnh của mình.
Bạn không cần phải mãi mãi mắc kẹt trong một mối quan hệ tồi tệ. Có những cách khả thi để thoát ra nếu bạn dám mạo hiểm tìm kiếm và áp dụng. Bạn vẫn có khả năng thất bại, nhưng theo TS Betchen, hầu hết những người dám chấp nhận rủi ro mà ông đã gặp - bằng sự kiên trì và bền bỉ - cuối cùng đều đã tạo ra một cuộc sống tốt đẹp hơn cho chính mình.
(Theo Psychology Today)
Hoàng Nguyên/giadinhmoi.vn
Theo tamlyhoctoipham.com