Quan niệm "đàn ông săn bắt, đàn bà hái lượm" được nối tiếp bằng kỳ vọng nam giới kiếm tiền (breadwinner), phụ nữ ở nhà chăm sóc con cái (homemaker). Trong xã hội hiện đại, khi phụ nữ cũng đi làm, đây vẫn là "chuẩn mực xã hội" ở hầu hết mọi nơi. Giữa làn sóng mất việc rộng khắp cùng tội phạm kinh tế khó khăn, chính điều này lại trở thành áp lực với những người đàn ông không thể xây cả nhà lẫn tổ ấm.
Mới đây, trên diễn đàn Reddit, một người đàn ông đã nhờ cộng đồng mạng phân xử vấn đề: bức xúc vì bạn gái từ chối trả tiền thuê nhà lúc thất nghiệp, "liệu tôi có phải gã tồi"?
Người đàn ông kể mình quen người phụ nữ ba năm và họ sống chung được hai năm. Khi mới hẹn hò, cô bày tỏ mong muốn sẽ đính hôn sau hai năm và thời gian qua đã rất thất vọng khi anh không cầu hôn. Do khoản trợ cấp từ thất nghiệp không đủ, mới đây anh chàng nhờ bạn gái trả hộ tiền nhà nhưng cô từ chối.
Anh chàng bức xúc: ba năm bên nhau chẳng lẽ không có ý nghĩa gì với cô ấy? Anh kể người bạn gái cũng cho rằng việc họ bên nhau ba năm chẳng có ý nghĩa gì một khi anh không cầu hôn.
Trong quan điểm của cô, anh đơn giản là có thể tuyên bố không muốn kết hôn và bỏ cô bất cứ lúc nào. Nếu đã không cầu hôn, hà cớ gì anh lại muốn người có tư cách bạn gái hành xử với trách nhiệm của một người vợ?
Đa số độc giả Reddit đồng ý rằng người đàn ông "đúng là một gã tồi" và ủng hộ cách xử lý của người phụ nữ. Đã không cam kết làm chồng, đòi hỏi đối phương đạo nghĩa của người vợ khi gặp khó khăn là chuyện nực cười. Câu chuyện của người đàn ông đặt ra một vấn đề lớn hơn khi nó diễn ra giữa cơn bão sa thải: việc thất nghiệp có tác động đến nam và nữ như nhau?
Ảnh: Getty Images
Cái tôi bị tổn thương
Theo tạp chí Harvard Business Review, mặc dù sa thải là chuyện người lao động nào - già, trẻ, thuộc mọi xu hướng giới tính - cũng phải đối mặt, nhưng nam giới trong mô hình gia đình khác giới dễ bị kỳ thị và cảm thấy tiêu cực nhiều hơn so với phụ nữ. Các chuẩn mực xã hội truyền thống khiến nam giới cảm thấy mình là kẻ thất bại khi họ bị mất việc làm.
Ở độ tuổi cận kề 59, Robert - một người Mỹ từng có việc làm tốt với đãi ngộ và lương bổng thuộc hàng top - đột ngột bị sa thải. Anh đã ở nhà gần một năm. Robert cho biết một trong những thay đổi ở mình sau khi bị mất việc là đặc biệt nhạy cảm khi bị xem thường. "Vì chẳng công ty nào muốn tuyển bạn, bạn dễ cảm thấy mình không được ghi nhận, không được tôn trọng - ông nói - Mỗi ngày, liên tục bạn phải đấu tranh với cái tôi của bản thân".
Robert kể người vợ rất tích cực hỗ trợ ông tìm việc làm mới nhưng điều này phản tác dụng, khiến ông thấy quá tải và cảm thấy áp lực hơn. "Cô ấy rất tích cực tìm và gửi cho tôi những công việc tôi có thể quan tâm. Một số đúng là như vậy nhưng đa số toàn là những việc tôi không hề hứng thú. Với tôi, sự nhiệt tình của cô ấy như muốn nói rằng tôi phải kiếm việc gì đó mà làm" - ông nói.
Không chỉ ở Mỹ, áp lực tâm lý khi đàn ông thất nghiệp cũng đầy rẫy ở khắp châu Âu. Trong nghiên cứu với hơn 42.000 người ở chín quốc gia châu Âu trong đó có Anh, Đức, Tây Ban Nha… các nhà khoa học ở Đại học Bath, Anh, cho biết khi vợ/bạn gái là người đi làm kiếm tiền, nam giới khó chấp nhận chuyện này và gặp khó khăn tinh thần nhiều hơn phụ nữ.
Cụ thể, tình trạng bị thất nghiệp trong khi vợ/bạn gái là trụ cột tài chính đè nặng lên tâm lý người đàn ông đến mức họ thấy nhẹ nhàng hơn khi vợ cũng thất nghiệp như mình, theo kết quả nghiên cứu đăng trên tạp chí European Sociological Review hồi tháng 6. Tâm lý này có ở cả những quốc gia nổi tiếng về bình đẳng giới như Phần Lan.
Nam giới thất nghiệp có mức độ hài lòng với cuộc sống cao hơn đáng kể khi bạn đời cũng thất nghiệp. Ngược lại, hằng ngày nhìn vợ/bạn gái đi làm hoặc bận bịu làm việc ở nhà có thể khiến cái tôi của người đàn ông tổn thương nghiêm trọng.
Thất nghiệp đánh vào lòng tự trọng, sự tự tin của cả hai giới nhưng nam giới đặc biệt bị tổn thương hơn nữ giới. Họ trở nên dễ "xù lông nhím" trong những giao tiếp hằng ngày, đặc biệt khi câu chuyện chĩa mũi dùi vào việc họ cần phải kiếm việc làm.
Phụ nữ có gia đình hoặc trong quan hệ lâu dài với bạn đời nam giới ở một vị thế khác khi thất nghiệp. Hầu hết đều cảm thấy không cần gấp gáp tìm việc làm mới. Nhiều người cho biết họ thậm chí còn rất vui vì cuối cùng cũng có thể dùng khoảng thời gian này để nghỉ ngơi, được làm một bà nội trợ tận hưởng những giây phút an nhiên.
Các cuộc nói chuyện với chồng/bạn đời của họ ít hướng về chủ đề thất nghiệp và tìm việc làm mới. Kiếm việc mới không phải là "vấn đề cấp bách" khi người phụ nữ thất nghiệp.
"Đối ngoại" cũng ảnh hưởng
Việc nuôi dạy con cái và đối mặt với gia đình hai bên nội ngoại cũng khác nhau giữa trường hợp người vợ/chồng mất việc, giáo sư Aliya Hamid Rao, tác giả bài viết trên tạp chí Harvard Business Review kết luận.
Rao là trợ giáo sư tại Trường Kinh tế London, chuyên nghiên cứu tình trạng công việc bấp bênh và thất nghiệp. Bà vừa xuất bản quyển Crunch Time: How Married Couples Confront Unemployment (tạm dịch: Thời kỳ khó khăn: Các cặp vợ chồng đối mặt với tình trạng thất nghiệp như thế nào).
Qua nghiên cứu, Rao nhận thấy người chồng, người cha có xu hướng tự trách vì mình mất việc làm mà các con không được bằng bạn bằng bè. Ngoài Robert, một nhân vật khác tên Kevin kể cô con gái 6 tuổi của vợ chồng anh muốn nuôi chó đúng lúc anh thất nghiệp.
Họ phải giải thích với con rằng cô bé cần chờ khi Kevin có việc làm mới vì nuôi thú cưng sẽ phát sinh nhiều chi phí. Kevin kể sau cuộc nói chuyện đó, mỗi khi thấy ai đó dắt chó đi dạo ngoài đường, cô con gái liền khoe: "Cháu sẽ có một con chó, khi nào bố có việc làm". Lời trẻ con khiến Kevin rất xấu hổ và bị hành hạ bởi cảm giác anh là người bố thất bại.
Trong khi đó, phụ nữ không cảm thấy tội lỗi như vậy. Grace mang về 50% thu nhập cho gia đình trước khi mất việc. Cô đã tiết kiệm bằng cách mua sắm tại các cửa hàng giá rẻ hoặc hiệu đồ cũ.
Nhiều người phụ nữ cho biết mất việc làm không hẳn là "mất" mà là "được" khi họ dành khoảng thời gian này gần gũi các con, điều mà khi bận rộn với công việc họ không làm được. Trong trường hợp của Grace, chị đã tận hưởng thời gian không có việc làm trong mùa hè để đưa các cô con gái đi bơi, đi picnic, đi sở thú, bảo tàng…
Các cặp vợ chồng cho biết thách thức của mất việc làm của họ còn là có nên báo cho gia đình hai bên biết không và nếu có thì làm như thế nào. Theo logic thông thường, chúng ta nên báo với gia đình vì những người thân khi mất việc có thể họ biết những việc làm phù hợp cho bạn và giới thiệu. Tuy nhiên, trong gia đình của những người đàn ông thất nghiệp, họ thường cảm thấy rất xấu hổ và không muốn bị anh chị em và cha mẹ thương hại nên giữ kín.
Rao nêu vài ví dụ. Khi chồng mất việc, Connie "xấu hổ" và không "muốn mọi người thương hại chúng tôi". Emily, có chồng là Brian bị mất việc, cũng nói rằng cô phải cố gắng giữ kín tình trạng thất nghiệp của chồng. Tuy nhiên, trong một kỳ nghỉ cùng gia đình và "Brian kể với mọi người và điều này thành mối quan tâm của tất cả mọi người".
Ngược lại, trường hợp người vợ trong gia đình mất việc, họ không phải vất vả che giấu tình trạng thất nghiệp theo cách tương tự. Với đại gia đình của họ, không ai xem việc tình trạng thất nghiệp của phụ nữ là vấn đề lớn hoặc phải lập tức kiếm việc mới.
Nhiều gia đình còn thấy không cần người phụ nữ quay lại công việc thậm chí còn tốt hơn. Chẳng hạn, với Julia, sau khi mất việc, chị tích cực tìm việc nhưng rồi thay đổi kế hoạch và ở nhà làm nội trợ. Chị cho biết "mẹ chồng tôi từng ở nhà chăm các con và bà rất muốn tôi cũng như vậy với các cháu của bà".
Mẹ chồng hỏi vợ chồng Julia cần hỗ trợ bao nhiêu tiền để Julia ở nhà và chu cấp số tiền này. Julia cho biết cô biết ơn mẹ chồng vì nhờ có bà, cô vừa ổn định về tài chính và vừa được ở bên con trai nhiều hơn.
Để các gia đình vượt qua gánh nặng tâm lý của việc sa thải tốt hơn, các nhà nghiên cứu kêu gọi cần thay đổi cách xã hội đánh giá tình trạng mất việc làm và xem lại các quan điểm truyền thống lỗi thời.
Sự thay đổi này nên xảy ra càng sớm càng tốt vì suy cho cùng, hầu như ai trong chúng ta cũng có lúc nếm mùi thất nghiệp, thất bại. Thất nghiệp đã đủ tệ rồi và không người đàn ông nào đáng phải bị phán xét bởi các chuẩn mực truyền thống.
Xã hội cần giải phóng nam giới khỏi kỳ vọng "xây nhà và chu cấp", cắt đứt mối liên hệ giữa kiếm tiền và nam tính. Thay đổi quan điểm về việc đàn ông kiếm tiền là tiền đề rất quan trọng để nam giới không còn cảm thấy thất bại khi không đạt được kỳ vọng này.
Nghiên cứu trên European Sociological Review cảnh báo việc phụ nữ là trụ cột tài chính cho gia đình - điều không lạ trong xã hội ngày nay - đang đe dọa một cách rõ ràng đến cảm nhận của nam giới không đi làm về bản lĩnh đàn ông của họ.
"Điều này làm tăng thêm những hậu quả tiêu cực về chất lượng cuộc sống của nam giới không có việc làm hoặc thu nhập thấp hơn" - các tác giả viết. Họ dễ bị kỳ thị và phán xét nặng nề như "bị nói xấu sau lưng, chế giễu và chê bai" vì không phải trụ cột gia đình.
Nghiên cứu cũng cho biết nam giới không có việc làm có nguy cơ bị cô lập và cô đơn lâu dài, do ít có mạng lưới cộng đồng và bạn bè để dựa vào hơn phụ nữ.
Theo HỒNG VÂN - Tuổi trẻ Cuối tuần
Theo tamlyhoctoipham.com