Dù bạn yêu và quan tâm đến đối phương ra sao, chắc chắn sẽ có lúc cả hai xung đột, không hiểu cho nhau và mất kết nối.
Gặp phải tình huống này, những cặp đôi có quan hệ lành mạnh sẽ cố gắng làm mọi thứ trở nên tốt hơn như nói lời xin lỗi hay trao đổi để tránh lặp lại điều đó trong tương lai.
Dù vậy, theo Sanam Hafeez – Giám đốc Dịch vụ tư vấn tâm lý toàn diện tại Mỹ, một nhà trị liệu với hơn 15 năm kinh nghiệm, nếu một hoặc hai người sử dụng các phương pháp để thao túng người còn lại, nó là dấu hiệu cho thấy thiếu sự tôn trọng.
"Khi không dành thời gian, sự quan tâm và giao tiếp cho đối phương, bạn sẽ khiến họ cảm thấy thua cuộc", bà nói.
Bạo lực lạnh
Khi hai người rơi vào tranh cãi nảy lửa và không thể đối diện với nhau vì một vấn đề nào đó, việc cảm thấy tức giận, lo lắng là bình thường. Nhưng nếu một người quyết tâm im lặng cho đến khi người còn lại phải đồng ý với ý kiến của mình, hoặc cố đạt được mục đích mà không quan tâm đến đối phương, đó là dấu hiệu cho thấy sự tôn trọng đang giảm dần.
Theo chuyên gia Hafeez, khi cãi nhau, một người có thể gặp khó khăn khi thể hiện suy nghĩ của mình bằng lời nói. Họ sẽ cần thời gian để nguôi giận trước khi bình tĩnh chia sẻ quan điểm. Mặt khác, giữ im lặng hay "bạo lực lạnh" lại gieo cảm giác khinh miệt, thiếu tin tưởng vào mối quan hệ.
"Về cơ bản, bạn đang phủ nhận sự tồn tại của người khác và muốn nhắn nhủ ‘Lần sau, nếu còn như vậy, tôi sẽ không nói gì với bạn nữa và cầm tù bạn trong không gian chung của chúng ta’", Hafeez nhận xét.
Luôn phòng thủ
Bạn không thể đồng quan điểm về mọi thứ với người khác, kể cả người yêu hay vợ/chồng. Khi có sự khác biệt trong suy nghĩ hoặc mong muốn, cảm giác phòng thủ sẽ xuất hiện. Đôi khi, cảm giác phòng thủ làm chúng ta không muốn lắng nghe nửa kia hay đẩy họ ra xa.
Nếu một người liên tục nói với đối phương rằng họ là người sai hay phủ nhận quan điểm của họ, nó đồng nghĩa với sự không tôn trọng, theo Hafeez. Bất lợi tăng lên nếu bất đồng liên quan đến một chủ đề lặp đi lặp lại, từ những việc nhỏ nhặt như phân chia việc nhà cho đến vấn đề lớn hơn. Cuối cùng, nó dẫn đến cảm giác đối phương coi thường suy nghĩ và hành động của người còn lại.
Từ chối dành thời gian cho gia đình, bạn bè
Một người có thể không yêu thương, quan tâm đến gia đình, bạn bè của bạn nhiều như bạn mong muốn, song chí ít họ nên thể hiện có cố gắng. Nếu ai đó, liên tục từ chối lời mời dành thời gian cho người thân của đối phương, điều đó có nghĩa họ không sẵn sàng muốn tìm hiểu sâu hơn về người còn lại. Nó báo hiệu sự thiếu tôn trọng vì cho thấy họ không có ý định thỏa hiệp.
Theo Hafeez, điều cần thiết là hai người phải thành thật với nhau. Nếu một người không thích đi cùng người thân của người còn lại, họ có thể giải thích rõ ràng và chỉ muốn bỏ ra khoảng một hoặc hai giờ thay vì cả buổi hay cả ngày. So với từ chối thẳng thừng, cách tiếp cận này tôn trọng hơn hẳn.
Huy Phương (Theo Insider)
Theo tamlyhoctoipham.com