Sếp và quản lý cũng thường là nạn nhân của bạo hành lạnh. Bạn có biết chuyện này không?
Khi nhắc tới bạo hành lạnh công sở, người đầu tiên chúng ta nghĩ đến là các ông sếp tính tình khó chịu nắm quyền lực trong tay, dùng những lời lẽ lạnh lùng uy hiếp, đe dọa, hoặc thâm hiểm hơn là “một tay bắt tay, một tay ra tay”, nhưng thực ra sếp và quản lý cũng thường là nạn nhân của bạo hành lạnh, khổ sở mà không thể nói ra.
Cần đặc biệt thông cảm với những người quản lý trung gian, trên có sếp khó chịu, dưới có nhân viên không tốt. Tệ hại hơn, trong mắt cấp trên khó chịu họ lại chính là nhân viên không ra gì, còn trong mắt cấp dưới mình quản lý, họ lại chính là ông sếp khó chịu.
Khi bị đủ kiểu cấp trên khó chịu chèn ép suốt thời gian dài, chúng ta thường lơ là việc dọn dẹp tàn cục của những nhân viên tệ hại. Các nhân viên này luôn mang tư tưởng “không nghiêm túc, không làm việc, lỡ gặp chuyện sẽ có người khác xử lý thay, lương thưởng cuối năm vẫn nhận đều”. Họ đa phần có tâm lý tính cách dạng né tránh.
*Cùng dừng lại phân tích tâm lý một chút:
Cốt lõi đặc điểm của người tính cách né tránh là nỗi sợ nhục nhã và xấu hổ do bị phê bình, vì vậy, đặc điểm tâm lý của họ khi ở công ty là hội chứng trì hoãn và gây hấn thụ động.
1. Hội chứng trì hoãn
Đặc điểm hành vi nổi bật nhất của người tính cách né tránh chính là hội chứng trì hoãn. Nói khó nghe một chút, thà làm không tốt còn đỡ hơn nhiều cứ trì hoãn mãi chẳng làm. Họ là những người lúc nào cũng để đến phút cuối cùng mới bắt đầu xử lý mọi chuyện, bởi phản ứng đầu tiên của họ khi đối diện với bất kỳ việc gì thông thường đều là đẩy, trì, trốn, tránh, lướt, còn rất giỏi đưa ra lý do. Khi không trốn được nữa, trì hoãn đến giây phút cuối cùng rồi, họ mới thường chó cùng rứt giậu, và gây phiền phức cho rất nhiều đồng nghiệp khác.
2. Gây hấn thụ động
Trong Thế chiến thứ hai, các bác sĩ tâm thần người Mỹ đã dùng cụm từ hành vi gây hấn thụ động (passive–aggressive behavior) để mô tả phản ứng trì hoãn, cẩu thả, kém hiệu quả của binh lính dưới áp lực trận chiến.
Tiền thân của Cơ quan Tình báo Trung ương Hoa Kỳ (CIA) là Văn phòng Dịch vụ Chiến lược, trong Thế chiến thứ hai từng có một cuốn sổ tay bí quyết gọi là “Sổ tay dã chiến phá hoại đơn giản”, hướng dẫn phe Đồng Minh áp dụng các phương pháp gây hấn thụ động, gài đồng đội tệ hại vào hàng ngũ địch nhắm mục đích phá hoại. (Các bạn có thể lên trang web chính thức của CIA để tải cuốn sổ tay chỉ có ba mươi mốt trang được phát hành bí mật vào năm 1944.)
Một vài điểm kinh điển trong cuốn sổ tay này đã ghi lại cách thức để những đặc điểm tính cách bệnh lý chúng ta thảo luận ở trên có thể bùng phát mạnh mẽ trong môi trường làm việc.
- “Khi làm việc, nhớ thật chậm rãi, càng chậm càng thành công”: Hội chứng trì hoãn của người tính cách né tránh.
- “Luôn đổ lỗi sai lầm của mình cho các trang thiết bị không tốt. Nhớ kỹ, phải luôn than vãn chính vấn đề hệ thống khiến mọi việc không được xử lý tốt”: Người tính cách né tránh thường lan truyền năng lượng tiêu cực.
- “Để tập hợp ý tưởng, phải cố hết sức tổ chức cuộc họp càng lớn càng tốt, nhất thiết không được dưới năm người. Việc một người có thể làm phải phức tạp hóa lên, việc gì cũng cần ít nhất 3 người đồng ý mới được bắt đầu”: Hội chứng trì hoãn của người tính cách né tránh và người tính cách ỷ lại.
- “Đối với những sản phẩm không quan trọng, phải kiên trì theo đuổi chủ nghĩa hoàn hảo. Chỉ một lỗi nhỏ thôi cũng phải làm lại hết”: Hội chứng trì hoãn của người tính cách né tránh và người tính cách ỷ lại.
Hãy nhìn lại đồng nghiệp của bạn xem, có phải họ rất rành những điều này và đã thực hiện một khoảng thời gian rồi không? Người tính cách né tránh thường là thành phần cơ bản nhất của tổ chức, họ kết thành một khối với nhóm đồng nghiệp ỷ lại và những người sếp cưỡng chế, từ đó có thể phát huy tốt nhất hiệu quả gây hấn thụ động, đây chính là chiến thuật tối mật của quân đội Hoa Kỳ trong Thế chiến, cũng là phương pháp bạo hành lạnh mạnh mẽ nhất khiến công ty sụp đổ.
Nếu phân tích kỹ, người có tính cách né tránh ở công sở cũng có các giai đoạn ác tính hóa giống như ung thư. Cụ thể hơn, trong cuốn sách tội phạm học “Giải mã chốn văn phòng” tiến sĩ Lâm Dục Hiên đã chia giai đoạn ác tính hóa của họ ở công sở như sau:
1. Giai đoạn đầu: Đẩy, trì, trốn, tránh, lướt
Nếu bạn từng đi lính, lục quân, hải quân hay không quân, bạn chắc đã được nghe về câu thần chú năm chữ giúp sinh tồn trong quân ngũ: “Đẩy, trì, trốn, tránh, lướt”.
Đẩy: Đùn đẩy việc sếp giao sang người khác.
Trì: Trì hoãn việc vốn có thể hoàn thành rất nhanh.
Trốn: Lúc bận rộn hãy trốn đi, để người khác không biết mình đang ở đâu.
Tránh: Khi người khác muốn tìm mình để giao việc thì tránh đi.
Lướt: Khi người khác đang làm việc, hãy lướt qua lướt lại tỏ vẻ bận rộn.
2. Giai đoạn giữa: Ở quá lâu rồi, mặc kệ đi vậy
Nỗi sợ sâu thẳm nhất của người tính cách né tránh là phải đối diện với nỗi ê chề do bị phê bình, vậy nên họ luôn chọn cách né tránh để đối phó. Nhưng dù năng lực kém đến mấy, làm việc lâu vẫn sẽ có lúc phải làm những việc lặt vặt như đặt cơm trưa, đặt phòng họp. Người tính cách né tránh cũng giống người ái kỷ nhút nhát, họ có năng lực thăm dò ý tứ qua lời nói và sắc mặt rất xuất sắc, đây là bản năng giúp họ né tránh phê bình và không bị xấu hổ, vậy nên trong mắt sếp, họ là những nhân viên thâm niên đa phần đều ngoan ngoãn, chỉ cần không gây ra họa lớn, năng lực kém một chút vẫn có thể dùng được, còn không cứ xem như “người giúp việc vặt”.
3. Giai đoạn cuối: Trung tâm năng lượng tiêu cực của văn phòng
Những người tính cách né tránh có thâm niên, cuối cùng sẽ ngưng tụ thành trung tâm năng lượng tiêu cực của công ty. Tuy năng lực của họ không tốt, nhưng dù ở công ty nào, họ đều có một vấn đề chung: chửi mắng sếp, than vãn về công ty, trách móc môi trường công ty lớn, nhưng những chủ đề này không phải không có lý. Dù bạn không ưa các nhân viên thâm niên lười biếng này, nhưng khi tâm trạng không vui, có người cùng bạn nói xấu công ty, lôi sếp ra mắng chửi cũng chẳng tệ chút nào.
Song chính vì họ rất thích lan truyền năng lượng tiêu cực nên sẽ luôn khiến bầu không khí công ty trở nên xấu đi, thậm chí còn làm một vài nhân viên khác bị lây nhiễm thói quen xấu. Nghiêm trọng hơn, nếu những người như vậy xuất hiện nhiều trong công ty, sếp sẽ cho rằng công ty toàn người như thế, làm suy yếu sức cạnh tranh của công ty, vậy nên, không ngoa khi nói rằng, người tính cách né tránh trong công ty giống như những tế bào ung thư không thể phẫu thuật loại bỏ.
Để tìm hiểu thêm các case tâm lý bạo hành lạnh trong môi trường làm việc, bạn có thể tìm đọc thêm trong cuốn sách tội phạm học GIẢI MÃ CHỐN VĂN PHÒNG tại đây:https://tinyurl.com/giaimachonvanphong-tiki
Theo tamlyhoctoipham.com