Tin đồn trở thành công cụ hiệu quả vì có thể giúp thực hiện nhiều chức năng xã hội. Nguồn: The Jerusalem Post
Đèn đỏ, người người đồng loạt bóp phanh. Trên xe buýt, tàu lửa, máy bay, những người xa lạ chen chúc nhau, nhưng chẳng mấy khi có tiếng cãi vã. Người đàn ông to con, lực lưỡng dạo bước ngang qua cậu bé nhỏ con, yếu đuối mà chẳng chặn đường cướp của.
Điều đó cũng diễn ra ở nhiều lĩnh vực khác nhau trong xã hội, ví dụ mọi người đóng thuế và tự nguyện quyên góp cho các cửa hàng 0 đồng lẫn tổ chức từ thiện. Chúng ta chẳng mấy khi để tâm đến những hợp tác ngầm định tưởng chừng nhỏ nhặt này; song đối với các nhà sinh vật học, đó là những hành vi đáng chú ý – bởi hầu hết các loài động vật không cư xử như vậy.
“Ngay cả những người yếu kỹ năng hợp tác nhất đi chăng nữa cũng còn hợp tác nhiều hơn so với họ hàng gần nhất của chúng ta – tinh tinh (chimpanzee) và tinh tinh lùn (bonobo)”, Michael Muthukrishna, nhà khoa học hành vi thuộc Trường Kinh tế London, cho biết tinh tinh không dung thứ cho kẻ lạ, ngay cả trẻ nhỏ còn rộng lượng hơn tinh tinh rất nhiều.
Vì sao con người cần phải hòa hợp với nhau? Xét cho cùng, những người hào sảng rất dễ bị người khác lợi dụng. Tuy nhiên, trong các cộng đồng trên thế giới, mọi người hợp tác vì lợi ích chung. Các nhà khoa học ngày càng hiểu hơn về các điều kiện giúp thúc đẩy hợp tác, đó là điều cần thiết trong một thế giới đang phải vật lộn với biến đổi khí hậu, mâu thuẫn đảng phái v.v. – những vấn đề chỉ có thể được giải quyết thông qua các dự án hợp tác quy mô lớn.
Khi một nhóm lớn đến mức mọi người khó có thể tin tưởng vào tiếng tăm của một ai đó, thì hợp tác không còn dựa vào đặc tính cá nhân nữa mà phụ thuộc vào các quy tắc ứng xử chung không chính thức được gọi là chuẩn mực.
Các nhà khoa học hành vi cho rằng định nghĩa của hợp tác bao gồm việc chi trả chi phí cá nhân (ví dụ như đóng góp cho tổ chức từ thiện) để đạt được lợi ích tập thể (một lưới an ninh xã hội). Nhưng sẽ có những cá nhân lợi dụng lòng tốt và sự hào phóng của người khác để vụ lợi cho bản thân, dù không đóng góp gì thì họ vẫn được hưởng lợi như những người khác – vậy thì cuối cùng chúng ta đều nên là những kẻ ăn bám, thay vì phải lao động vất vả và cống hiến cho xã hội.
Nhưng đừng lo lắng về điều này. Với tư cách là một đồng tác giả nghiên cứu về sự tiến hóa của hợp tác trên tạp chí Annual Review of Psychology vào năm 2021, Muthukrishna lưu ý hàng thiên niên kỷ tiến hóa – tác động lên cả gene và thực hành văn hóa của chúng ta – đã trang bị cho con người những cách vượt qua trở ngại đó. Sự đồng tiến hóa về mặt di truyền lẫn văn hóa này đã xếp chồng lên nhau trong xã hội loài người, biến hợp tác trở thành một nước đi thông minh chứ không phải là sự lựa chọn của những kẻ ngốc nghếch. Trải qua hàng nghìn năm, điều đó đã giúp chúng ta có thể cùng sinh sống trong các ngôi làng, thị trấn và thành phố; làm việc cùng nhau để xây dựng các trang trại, đường sắt và các công trình cộng đồng khác; thậm chí phát triển các hệ thống giáo dục và chính phủ.
Quá trình tiến hóa này đã định hình mọi thứ, khiến chúng ta coi trọng các quy tắc bất thành văn của xã hội, biết cảm thấy phẫn nộ khi có kẻ vi phạm các quy tắc đó, và đặc biệt là quan tâm đến những gì người khác nghĩ về mình. “Suốt một thời gian dài, tâm lý con người dần biến đổi để chúng ta có thể đồng lòng với mục tiêu chung của xã hội”, Rob Boyd, nhà nhân chủng học tiến hóa tại Viện Nguồn gốc loài người tại Đại học bang Arizona, phân tích.
Đường phố đông đúc nhưng đều có quy tắc ứng xử riêng. Nguồn: Business Insider.
Để chứng minh điều này, chúng ta chỉ cần thực hiện một thí nghiệm đơn giản mà các nhà tâm lý gọi là có tên là trò chơi trao quyền. Trong trò chơi này, các nhà nghiên cứu đưa một khoản tiền cho một người (người nắm quyền) và nói với họ rằng họ có thể chia số tiền theo bất kỳ cách nào họ muốn với một người khác mà họ không bao giờ gặp mặt. Mặc dù không có quy tắc nào cấm họ khư khư giữ về mình toàn bộ khoản tiền, nhưng cảm giác công bằng vốn có của nhiều người khiến họ quyết định chia 50:50 số tiền Tỷ lệ lựa chọn chia đều giữa các nền văn hóa sẽ khác nhau, nhưng ngay cả với những xã hội mà ý thức về sự công bằng không được đề cao, phần lớn người dân vẫn chọn cách chia đôi.
Những thí nghiệm như thế này cùng với các nghiên cứu thực địa giúp các nhà tâm lý học hiểu rõ hơn về các yếu tố tâm lý làm nền tảng cho câu hỏi tại sao và khi nào thì mọi người quyết định hợp tác. Dưới đây là một số thông tin quan trọng:
Nương theo tình huống để lựa ra cách thức hợp tác phù hợp
Đối với các nhóm rất nhỏ, tình thân và sự tương hỗ trực tiếp — tôi sẽ giúp bạn hôm nay, với kỳ vọng rằng bạn sẽ giúp tôi vào ngày mai — là những động lực để hợp tác. Nhưng nó chỉ hiệu quả nếu mọi người biết nhau và tương tác với nhau thường xuyên, Muthukrishna lưu ý. Khi một nhóm đủ lớn để mọi người dù có giao tiếp nhưng chưa từng giao dịch hay thỏa thuận với nhau, danh tiếng có thể là thước đo. Trong điều kiện này, các cá nhân khả năng cao sẽ mạo hiểm bắt tay với những người có tiếng là hợp tác hiệu quả.
“Phần thưởng vật chất làm vẩn đục động cơ hành động của mọi người. Nó hủy hoại lợi ích danh tiếng của họ khi tham gia hoạt động vì cộng đồng” (Nhà KH hành vi Erez Yoeli).
Tuy nhiên, khi một nhóm lớn đến mức mọi người khó có thể tin tưởng vào tiếng tăm của một ai đó, thì hợp tác không còn dựa vào đặc tính cá nhân nữa mà phụ thuộc vào các quy tắc ứng xử chung không chính thức được gọi là chuẩn mực. Các chuẩn mực thể hiện những kỳ vọng của một nền văn hóa về cách một người nên cư xử, cách một người nên và không nên hành động. Phá vỡ một quy tắc – cho dù bằng cách xả rác, trốn vé tàu hay có hành vi phân biệt chủng tộc công khai – đều sẽ khiến những người vi phạm phải chịu sự phản đối của xã hội, có thể bao gồm việc tặc lưỡi nhẹ nhàng cho đến tẩy chay trên diện rộng. Mọi người cũng có xu hướng chấp nhận các chuẩn mực văn hóa và thường tuân theo chúng ngay cả khi không có khả năng bị trừng phạt — như trong trò chơi trao quyền.
Nhưng cũng có thể có giới hạn đối với quyền lực của các chuẩn mực này, Erez Yoeli, nhà khoa học hành vi tại Trường Quản trị MIT Sloan. Việc thực thi các quy tắc phụ thuộc vào mức độ phản đối của xã hội đối với những người vi phạm, vì vậy chúng chỉ hiệu quả trong các nhóm xã hội. Vì quốc gia chính là các nhóm có quy mô lớn nhất nên sẽ tương đối khó để phát triển các quy tắc chung cho những hợp tác tội phạm quốc tế về những vấn đề như biến đổi khí hậu.
Danh tiếng là động lực chính để mọi người sẵn lòng hợp tác
Gần một thập kỷ trước, Yoeli và các đồng nghiệp của ông đã lật từng trang các công bố trên toàn thế giới để xem cách thức nào hiệu quả trong việc khuyến khích hành vi vì xã hội. Họ nhận thấy các phần thưởng vật chất (như tiền mặt hoặc mức hưởng lương hưu tăng theo đóng góp khi còn làm việc) hoặc phần thưởng mang tính khích lệ vì đã tham gia vào phong trào xã hội (chẳng hạn như tặng áo phông cho người hiến máu), lúc hiệu quả lúc không. Ngược lại, phần thưởng danh tiếng – vinh danh công khai nỗ lực đóng góp của cá nhân – thúc đẩy sự tham gia một cách nhất quán. Kể từ đó, sự tham gia vẫn luôn được duy trì. “Nếu có điều gì khác, thì chẳng qua là sự tham gia thậm chí còn tích cực, đều đặn hơn”, Yoeli nhận định.
Sự đồng tiến hóa về mặt di truyền lẫn văn hóa này đã xếp chồng lên nhau trong xã hội loài người, biến hợp tác trở thành một nước đi thông minh. Nguồn: knowablemagazine.org
Yoeli lưu ý, phần thưởng vật chất vẫn sẽ hiệu quả nếu bạn trả đủ tiền cho mọi người – có điều số tiền cần trả quá cao. Ví dụ, một nghiên cứu trên 782 công dân Đức đã khảo sát xem việc thưởng tiền cho những người tiêm vaccine COVID-19 có làm tăng tỷ lệ tiêm vaccine hay không. Câu trả lời là có, nhưng các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng sẽ cần phải tốn ít nhất 3.250 Euro – một mức giá quá cao – để tăng đáng kể tỷ lệ tiêm chủng.
Và việc thưởng tiền thực sự có thể hạ thấp phần thưởng về mặt danh tiếng, bởi mọi người nhìn vào sẽ băn khoăn không chắc liệu những cống hiến của một người thực sự xuất phát từ lòng tốt hay họ chỉ làm việc đó vì tiền. “Phần thưởng vật chất làm vẩn đục động cơ hành động của mọi người”, Yoeli nói. “Nó hủy hoại lợi ích danh tiếng của họ khi tham gia hoạt động vì cộng đồng”.
Không muốn trở thành đề tài buôn chuyện,chúng ta đành hợp tác
Catherine Molho, nhà tâm lý học tại Đại học VU Amsterdam, cho biết khi mọi người phát hiện ra ai đó vi phạm quy tắc – chẳng hạn như trục lợi từ lòng tốt của người khác – họ có ba cách để trừng phạt hành vi vi phạm đó: đối đầu trực tiếp để làm rõ hành vi, hoặc có thể tẩy chay người đó; hoặc có thể lan truyền cho những người xung quanh về hành vi xấu xa này. Phương án cuối – buôn chuyện hoặc rỉ tai nhau về một bên thứ ba vắng mặt – có vẻ mang lại hiệu quả.
Những lời bàn tán khiến những kẻ ích kỷ thay đổi, trở nên hợp tác hơn – trong khi phương án trả thù bằng cách phạt tiền trực tiếp lại không mang lại hiệu quả.
Có thể làm sáng tỏ lập luận này thông qua một thí nghiệm trực tuyến do Paul Van Lange, đồng nghiệp của Molho, một nhà khoa học hành vi cũng tại Đại học VU Amsterdam, dẫn đầu. Nghiên cứu đã sử dụng một quy trình thí nghiệm tiêu chuẩn được gọi là trò chơi lợi ích chung, trong đó mỗi người tham gia nhận được một khoản tiền và có thể chọn không đóng góp, đóng góp một phần hoặc đóng góp toàn bộ số tiền đó vào quỹ chung. Sau đó, các nhà khoa học sẽ nhân đôi số tiền trong quỹ chung và chia đều cho tất cả những người tham gia, bất kể họ có đóng góp hay không. Cả nhóm sẽ thu về gấp đôi khoản tiền vốn của họ nếu mọi người đều đặt tất cả số tiền của họ vào nhóm – đó là phương án lý tưởng. Nhưng một kẻ không đóng góp thậm chí còn có thể còn làm được tốt hơn, bằng việc ôm khư khư tiền vốn của mình nhưng vẫn thu về một khoản tiền từ đóng góp của những người khác.
Cả nhóm sẽ chơi trò này bốn lần, mỗi lần với các thành viên khác nhau. Giữa các vòng, một số người tham gia có cơ hội trừng phạt những kẻ ích kỷ trong vòng chơi chung gần nhất bằng cách tự rút một khoản trong hầu bao (tiền vốn ban đầu) của chính mình để đưa cho những người tổ chức, những người tổ chức sau đó sẽ phạt kẻ ích kỷ gấp ba lần số tiền đó. Một nhóm người khác thì được phép ngồi lê đôi mách với nhau – xì xào nói xấu với các thành viên sắp tới sẽ chơi cùng những kẻ ích kỷ rằng người đó đã bất hợp tác như thế nào. Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng những lời bàn tán khiến những kẻ ích kỷ thay đổi, trở nên hợp tác hơn – trong khi phương án trả thù bằng cách phạt tiền trực tiếp lại không mang lại hiệu quả.
Mọi người cũng sử dụng sức mạnh của tin đồn trong thế giới thực. Trong một nghiên cứu gần đây, Molho và các đồng nghiệp của cô đã nhắn tin cho 309 tình nguyện viên vào bốn thời điểm ngẫu nhiên trong ngày – đều đặn suốt 10 ngày – để hỏi xem họ có chia sẻ thông tin với những người khác trên mạng xã hội hoặc nhận thông tin từ những người khác về một ai đó hay không. Nếu có, nhóm nghiên cứu sẽ gửi một bảng câu hỏi khảo sát để thu thập thêm thông tin.
309 người tham gia đã báo cáo tổng cộng hơn 5.000 trường hợp ngồi lê đôi mách suổt thời gian đó và trong đó khoảng 15% là về các hành vi vi phạm quy tắc như vứt rác bừa bãi ngoài đường hoặc đưa ra nhận xét phân biệt chủng tộc, phân biệt giới tính. Mọi người có xu hướng buôn chuyện nhiều hơn với bạn thân về những người ít thân quen hơn. Những người tham gia chia sẻ rằng các thông tin tiêu cực này khiến họ có xu hướng tránh xa những người bị nói xấu, và ít có ý định giúp đỡ những người này. “Một lý do khiến tin đồn trở thành công cụ hiệu quả như vậy là vì bạn có thể thực hiện nhiều chức năng xã hội thông qua đó”, Molho lý giải. “Bạn cảm thấy gần gũi hơn với người đã chia sẻ thông tin cho bạn. Đồng thời nó cung cấp thông tin hữu ích về mặt tương tác xã hội – ta biết nên hợp tác với ai và nên né xa ai”.
Và việc ngồi lê đôi mách cũng hỗ trợ một chức năng khác, Van Lange cho rằng những người buôn chuyện có thể phân loại cảm xúc của họ về việc liệu một hành vi vi phạm quy tắc có trầm trọng hay không, liệu có những tình tiết nào giảm nhẹ hay không và phản ứng như thế nào là phù hợp. Điều này giúp củng cố các chuẩn mực xã hội và có thể giúp mọi người phối hợp để thống nhất cách hành xử chung với những kẻ vi phạm.
Chúng ta thích bắt kịp xu hướng
Không phải lúc nào những lời khuyên xuất phát từ lòng tốt nhằm khuyến khích hợp tác cũng hiệu quả – nếu không muốn nói có thể gây phản tác dụng. Kể với mọi người về những gì người khác làm (“Bây giờ ai cũng bay ít đi”) sẽ hiệu quả hơn là bảo họ nên làm gì (“Nên bay ít thôi, di chuyển bằng máy bay nhiều không tốt cho môi trường”). Trên thực tế, thông điệp “nên” đôi khi phản tác dụng. “Mọi người có thể ngầm hiểu thông điệp ẩn đằng sau lời khuyên: Nói với ai đó rằng họ nên làm điều gì, sẽ khiến người được khuyên ngầm hiểu rằng trên thực tế, mình hiện đang không làm vậy”, Cristina Bicchieri, nhà khoa học hành vi tại Đại học Pennsylvania, cho biết.
Bicchieri và đồng nghiệp của cô, Erte Xiao, đã thử nghiệm giả thuyết này thông qua một trò chơi trao quyền, trong đó một số người tham gia được thông báo rằng những người khác đã chia đều tiền cho nhau, trong khi những người còn lại thì được cho biết ai cũng nghĩ rằng mọi người nên chia đều tiền cho nhau. Họ nhận thấy chỉ có tin nhắn đầu tiên mới giúp tăng khả năng chia tiền bằng nhau. Kết quả này có ý nghĩa quan trọng, Yoeli nhận định. “Nó gửi một thông điệp rất rõ ràng về những kỳ vọng của xã hội: Nếu mọi người đang làm điều này, vậy thì hẳn nhiên họ cũng mong đợi tôi làm vậy”.
Tất nhiên, điều này đặt ra một vấn đề, có phải lúc nào chúng ta cũng chọn một hành vi phổ biến về mặt xã hội hay không. Lấy việc lắp đặt các tấm pin mặt trời làm ví dụ, phần lớn người dân không lắp đặt nó, vậy nên nó không phải là một hành vi phổ biến về mặt xã hội. “Nếu ta nói rằng chỉ 15% người dân có lắp đặt, chúng ta lập tức hiểu ngay rằng 85% còn lại thì không”, Bicchieri nói. Dù vậy một nhóm thiểu số vẫn có thể thúc đẩy mọi người hướng tới một hành vi nếu số lượng tham gia ngày càng tăng, hình thành nên một làn sóng mới. Ví dụ, trong một thí nghiệm, các nhà nghiên cứu đã đo lượng nước mà các tình nguyện viên sử dụng khi đánh răng. Những người được thông báo rằng một tỷ lệ nhỏ nhưng ngày càng tăng người dân đang tiết kiệm nước, họ sẽ lập tức sử dụng ít nước khi đánh răng hơn so với những người chỉ nghe nói rằng một tỷ lệ nhỏ người dân đang tiết kiệm nước.
Hãy còn nhiều điều chưa biết
Các nhà khoa học hành vi mới bắt đầu cào xới lên vấn đề của hợp tác. Còn nhiều câu hỏi mà họ phải đối diện. Đặc biệt, họ vẫn chưa hiểu rõ lý do tại sao các nền văn hóa lại đóng đinh những chuẩn mực như vậy, hoặc các chuẩn mực thay đổi như thế nào theo thời gian. “Nhiều người đã đề xuất thay thế các quy tắc, nhưng không phải lúc nào cũng nhận được sự đồng thuận”, Boyd, người hiện đang giải quyết vấn đề này, cho biết.
Mọi người đều đồng ý rằng, cuối cùng, chọn lọc tự nhiên sẽ quyết định kết quả, vì các nền văn hóa sở hữu những quy tắc không giúp nâng cao khả năng sống sót sẽ lụi tàn dần và được thay thế bằng những nền văn hóa sở hữu những quy tắc làm được điều đó. Nhưng đấy không phải là một bài kiểm tra mà hầu hết chúng ta sẽ sẵn lòng thực hiện.
Anh Thư dịch
Nguồn: https://knowablemagazine.org/article/society/2023/secrets-of-cooperation
Theo tạp chí Tia sáng
Theo tamlyhoctoipham.com