Tác giả: Bernard Marr | Người dịch: Tram Hoang
Công việc khiến tôi tự hào nhất (nếu bạn cho đó là một công việc) chính là làm cha của 3 đứa trẻ xinh đẹp, nó vừa bổ ích vừa khó khăn, mệt mà thú vị. Tôi muốn trở thành người cha giỏi nhất có thể cho những đứa con của mình và tôi tin có nhiều phẩm chất của một người cha tốt hiện diện ở những nhà lãnh đạo tài ba nhất.
Dưới đây là 10 đặc điểm mà tôi tin rằng những người cha tốt và các nhà lãnh đạo vĩ đại cùng thể hiện:
- Uy lực cá nhân quan trọng hơn uy lực đến từ chức vụ. Nếu bạn đã bao giờ nhận ra mình đang hét lên: “Bởi vì cha là cha của con!”, bạn sẽ biết uy lực đến từ ‘chức vụ’ sáo rỗng cỡ nào. Mặc dù bạn có thể ‘trị vì’ ngắn hạn qua cách này, về lâu dài, các nhà lãnh đạo có sức thu hút và sức truyền cảm lại có tiếng nói hơn những người ỷ lại vị trí của mình.
- Đầu tư vào thành công trong tương lai. Là một người cha, bạn sẽ không thể thấy con mình chưa biết đi rồi phán, “Thôi, con không phù hợp với việc đi lại đâu.” Các bậc cha mẹ luôn đầu tư vào đường tương lai của con cái, hướng dẫn chúng, dạy bảo chúng, trả tiền học phí, và các nhà lãnh đạo vĩ đại cũng không khác gì. Họ không quy chụp nhân viên của mình chỉ biết đứng một chỗ, không thể phát triển và học hỏi. Thay vào đó, họ đầu tư thời gian, cố vấn và hỗ trợ để giúp nhân viên phát triển.
- Chịu trách nhiệm. Là cha mẹ, tất nhiên bạn sẽ gánh mọi trách nhiệm cho những hành vi của con mình. Không công việc nào quyền lực hơn làm cha làm mẹ, và cũng không điều gì nặng nề hơn khi bạn chẳng còn ai để đổ lỗi ngoài bản thân mình. Một người lãnh đạo giỏi sẽ luôn nhận trách nhiệm cho những gì xảy ra trong phạm vi điều hành của mình.
- Coi trọng sự trung thực và trách nhiệm. Cha mẹ thường thấy sự trung thực là đặc điểm quan trọng nhất trong cuộc sống gia đình, và dối trá là tội lỗi lớn nhất, điều này cũng tương tự như với một nhà lãnh đạo giỏi. Họ sẽ không làm lớn chuyện khi một người trong team báo cáo tin xấu hay trần tình lỗi lầm đã gây ra. Thay vào đó, họ đánh giá cao sự trung thực và khen thưởng tinh thần trách nhiệm .
- Hãy là ngọn đèn soi ánh sáng tích cực. Cha hoặc mẹ của bạn đã an ủi bạn bao lần rồi với câu “không sao đâu con”? Một nhà lãnh đạo vĩ đại là hiện thân của sự tích cực, ngay cả trong những thời điểm khó khăn. Điều này không có nghĩa là bạn nên mù quáng với thực tế, mà là cố gắng trở thành người lạc quan ngay cả trong nghịch cảnh.
- Đánh giá cao những điều nhỏ bé. Các ông bố bà mẹ luôn nâng niu trầm trồ những thứ cỏn con như hòn đá lấp lánh, chiếc lá hay ho v.v… mà con trẻ ngây ngô trao tay. Họ cũng nhớ như in câu “con cảm ơn” hay những cái ôm bất ngờ trong sân chơi. Tương tự như vậy, người lãnh đạo giỏi sẽ để ý từ những điều nhỏ nhặt. Họ nhận ra và khen thưởng những nỗ lực dù nhỏ bé nhưng tạo nên một nhân viên tốt. Sự công nhận này giúp nhân viên cảm thấy được quan tâm và trân trọng.
- Giúp nhân viên đạt tiêu chuẩn cao hơn. Cha mẹ muốn con cái họ cư xử đàng hoàng, dù thằng bé Jimmy nào đó ở xóm dưới thì không. Các nhà lãnh đạo giỏi cũng nên giữ nhân viên của họ đạt tiêu chuẩn cao. Dù cho chuyện ăn lâu nghỉ dài, giả vờ bệnh tật khá phổ biến, không có nghĩa là các thói hư đó được chấp nhận tại đây. Điều này sẽ được vạch ra rõ ràng bởi một nhà lãnh đạo cứng cáp.
- Đặt khen ngợi lên trên trừng phạt. Những người luôn chỉ ra những thiếu sót của con cái hoặc coi thường chúng không phải là bậc cha mẹ tốt, và người quản lý mà đối xử với nhân viên của mình như vậy thì cũng chẳng phải một nhà lãnh đạo giỏi. Thay vì dẫn dắt cuộc trò chuyện từ lỗi lầm, các nhà lãnh đạo giỏi tìm kiếm những điểm tốt và bắt đầu với lời khen.
- Theo đuổi đam mê. Cha mẹ thường đặt gia đình và con cái của họ lên trên hết, trên cả mong muốn cá nhân của mình. Niềm đam mê của họ đối với con cái đem đến sức sống cho cả gia đình. Các nhà lãnh đạo vĩ đại cũng phải nhiệt tình thể hiện lý tưởng của họ. Niềm đam mê đó có sức lan tỏa lớn và có thể tạo ra nền văn hóa làm việc mạnh mẽ, truyền cảm hứng cho tất cả mọi người.
- Hành động và ra quyết định. Như đã đề cập trước đó, cha mẹ nắm ‘vị trí có uy quyền tối thượng’ trong gia đình, vậy nên nếu bạn không thể đưa ra quyết định hoặc thực thi kế hoạch quan trọng cho gia đình mình thì chính gia đình bạn sẽ gánh lấy hậu quả. Vị trí của một nhà lãnh đạo trong tổ chức cũng tương tự. Họ phải có khả năng đưa ra quyết định và tiến hành những quyết định đó nếu không toàn bộ tổ chức sẽ gặp nhiều khó khăn.
Cảm ơn bạn đã đọc bài đăng của tác giả Bernard Marr. Ở LinkedIn và Forbes, Mr. Marr thường xuyên viết về quản lý, công nghệ và big data. Nếu bạn muốn đọc các bài viết khác của ông trong tương lai thì chỉ cần tham gia vào mạng lưới của ông trên Twitter, Facebook hoặc Slideshare.
Theo tamlyhoctoipham.com