CẢM BIẾN "BẤT AN" - CHÚNG TA CÓ THỂ LÀM ĐƯỢC GÌ
Đối với những người hay “để ý từng ly từng tí”, điều phiền toái nhất chắc hẳn chính là cảm giác “bất an”. Một khi bất an, người ta sẽ tìm đủ mọi cách để thoát khỏi nó. Chẳng hạn, họ cố bám víu vào người khác để tìm kiếm sự giúp đỡ cùng cảm giác yên tâm trong chốc lát. Hoặc họ có thể dồn hết tâm trí vào một suy nghĩ nào đó, ví dụ “Giá mà như thế thì đã yên tâm hơn rồi”.
Song làm vậy chỉ khiến trái tim bạn ngày càng bị bó buộc và thu hẹp tiềm năng của bản thân hơn thôi. Ngoài ra trên đời không thiếu những người luôn sống trong tâm trạng bất an và lo sợ thất bại đến độ không dám thực hiện những điều mới mẻ mà bản thân muốn thử sức. Nếu biết điều khiển cảm giác bất an một cách đầy khéo léo, bạn hoàn toàn có thể tự tin quyết định mình sẽ đi đâu, làm gì với một tâm trạng vui vẻ.
Tại sao chúng ta lại bất an đến thế?
Theo Hiroko Mizushima - Tiến sĩ y khoa môn Thần kinh học Đại học Keio, nhìn từ bề ngoài bất an là một cảm xúc mà ta cho rằng rất phiền toái, nhưng kỳ thực nó lại rất hữu ích. Và ngoài nỗi bất an, bên trong chúng ta vẫn còn chứa đựng vô vàn cảm xúc như tức giận, buồn bã, cô đơn, đố kỵ…
Có lẽ bạn chỉ mong sao tất thảy những cay đắng ấy mau mau biến mất. Song, chúng lại là những cảm xúc được trang bị nhằm giúp chúng ta tự bảo vệ chính mình. Chẳng hạn, nếu chạm vào vật có nhiệt độ cao mà không hề thấy nóng, chúng ta sẽ bị bỏng. Nếu không biết đau khi bị thương, chúng ta sẽ không biết dừng lại và thậm chí còn bị đe dọa tới tính mạng. Tuy rằng không ai trong chúng ta muốn trải qua cảm giác nóng rát và đau đớn ấy, nhưng hãy thử suy ngẫm mọi chuyện sẽ ra sao nếu ta thật sự mất đi những cảm giác đó, bạn chắc chắn sẽ hiểu ra được rằng đây chính là những cảm xúc sinh ra giúp bảo vệ chúng ta. Khi đã hiểu về những cảm giác của cơ thể, tự nhiên bạn sẽ biết cân nhắc xem những tâm tư tình cảm mà ta cảm nhận được ấy có ý nghĩa gì đối với trái tim và sự tồn tại của chúng ta.
Không cần gắng sức “xóa bỏ” nỗi bất an
Bất an là cảm giác báo hiệu cho ta về một điều gì đó mà ta “không chắc chắn bản thân sẽ được an toàn”. Nếu không phập phồng lo sợ khi đi bộ trên con đường núi tối tăm, rất có thể ta sẽ mải trò chuyện và lơ đễnh sẩy chân bước hụt. Chính vì bất an trong lòng nên ta mới thận trọng tiến lên từng bước một, và tùy vào từng trường hợp, có thể ta sẽ quyết định “ngừng tiến về phía trước”.
Khi tiếp xúc với người khác cũng vậy. Chính vì không hiểu rõ người mới gặp lần đầu nên ta sẽ tiếp xúc với họ một cách thật thận trọng, bởi ta “không thể chắc chắn bản thân được an toàn”. Trước một người xa lạ, chúng ta sẽ không có cảm giác muốn thổ lộ hết mọi điều về mình, và rồi nhờ đó ta có thể tránh được rủi ro gặp tội phạm nguy hiểm. Bất cứ cảm xúc nào trong vô vàn cảm xúc của con người chúng ta cũng đều có lý do của riêng nó. Chính vì thế, khi có cảm xúc tiêu cực hoặc bối rối trước một sự việc, thay vì phủ nhận, chúng ta cần phải đoán “chuyện gì sẽ xảy ra” và khéo léo chống lại “nguồn cơn” khơi dậy những cảm xúc ấy.
Khi liên tục tự dồn ép bản thân với những suy nghĩ “giả sử mọi chuyện thành ra thế này” hay “lỡ mọi người nghĩ thế kia”, bạn sẽ chỉ càng giày vò chính mình - một con người vốn đã rất khổ sở để đương đầu với những thử thách mới. Thay vì dồn ép, chúng ta cần phải học cách trân trọng bản thân mình.
Hãy nghĩ ra một cách đối xử tốt hơn với bản thân mình, chẳng hạn như tâm sự với ai đó và đón nhận những lời động viên khích lệ nồng ấm từ họ. Hãy thử nghiệm những phương pháp thư giãn mà bạn yêu thích hoặc cho phép mình hưởng thụ “một chút xa xỉ” để tự vực dậy tinh thần.
Giải pháp là:
Như chúng ta đã đề cập trước đó, con người chúng ta lúc nào cũng cảm thấy bất an trước những điều bản thân mình chưa biết. Bởi đó cũng là một phần của sự “không thể chắc chắn bản thân được an toàn”. Tuy vậy, nhờ vào tính chất khó đoán biết này mà chúng ta mới có thể biến điều chưa biết thành đã biết và loại bỏ cảm giác bất an đó.
Chẳng hạn, nếu bạn cảm thấy bồn chồn vì sợ rằng “Lúc trước mình lỡ lời nên có lẽ người ta đang cảm thấy khó chịu khi mình can thiệp quá sâu vào chuyện riêng của họ”, chẳng phải tốt nhất bạn nên trực tiếp đặt câu hỏi đó với đối phương hay sao? Biết đâu người ấy sẽ cảm ơn bạn vì “Nhờ có câu nói đó của bạn mà mọi chuyện trở nên tốt đẹp hơn”. Khi ấy, bạn có thể yên tâm rằng “Hóa ra họ hoàn toàn không nghĩ như mình tưởng” và giải tỏa được cảm giác khó xử kia.
Trong trường hợp này, chúng ta sẽ nhận ra rằng cảm giác của đối phương đã chuyển từ “điều chưa biết” (không hiểu rõ ý tứ của người khác) thành một “điều đã biết” (họ nhận ra chuyện lúc trước bạn làm không hề gây phiền toái chút nào).
Và đúng như tên gọi, điều chưa biết là những điều mà chúng ta thực sự không thể đảm bảo rằng nó có an toàn cho chúng ta hay không. Chính vì thế, việc chúng ta dễ cảm thấy bất an, lo lắng về chúng là hết sức hiển nhiên. Và chỉ cần chúng ta hiểu ra rằng “con người tất yếu sẽ cảm thấy bất an trước những điều mà mình không hiểu rõ”, rất nhiều nỗi lo lắng sẽ tự nhiên được giải tỏa.
Và ở một mức độ nào đó, hãy coi bất an là một cảm giác đan xen thì lòng ta sẽ nhẹ nhõm hơn hẳn. Tự nhiên, chúng ta sẽ không còn phải bận lòng trước bao mối tơ vò khác nữa.
- Thông tin được trích dẫn từ sách tội phạm học ‘’Sách tâm lý dành cho người nhạy cảm’’
----------
Link đặt sách tội phạm học: https://shp.ee/capbzzz
SÁCH TÂM LÝ DÀNH CHO NGƯỜI NHẠY CẢM – Cuốn sách giúp bạn buông bỏ lo âu

Theo tamlyhoctoipham.com