Tội Phạm Bài viết

Chế ngự cảm giác hổ thẹn

 16/03/2022 7:38:31 CH |  Admin |   601 lượt xem

(toipham.net) - Hổ thẹn là cảm giác đau đớn cùng cực hoặc trải qua niềm tin rằng chúng ta đầy khiếm khuyết nên không đáng được yêu thương và đón nhận.

Sau đây là 3 điều bạn cần biết trước tiên về nỗi hổ thẹn:

  1. Ai cũng mang trong lòng cảm xúc đó. Hổ thẹn có mặt trên khắp toàn cầu và là một cảm xúc nguyên thủy nhất mà con người cảm nhận. Những ai không biết hổ thẹn sẽ thiếu khả năng thông cảm và gắn kết với người khác.
  2. Chúng ta đều sợ đề cập đến nỗi hổ thẹn.
  3. Càng tránh nói về nỗi hổ thẹn, nó càng trỗi dậy mạnh mẽ và chi phối đời ta.

Hổ thẹn là cảm giác đau đớn cùng cực hoặc trải qua niềm tin rằng chúng ta đầy khiếm khuyết nên không đáng được yêu thương và đón nhận.

Hổ thẹn khiến ta không cảm thấy mình xứng đáng vì nó làm ta tin rằng nếu mở lòng chia sẻ về bản thân, người khác sẽ xem thường ta. Hổ thẹn chính là sợ hãi. Chúng ta sợ người khác không thích mình nếu họ biết sự thật ta là ai, ta từ đâu đến, ta tin vào điều gì, ta từng trải qua cuộc sống khó khăn ra sao hoặc, tin hay không tùy bạn, ta đã tỏa sáng như thế nào (đôi khi sở hữu điểm mạnh cũng vất vả không thua gì đối mặt với khó khăn).

Người ta thường nghĩ chỉ những ai từng trải qua tổn thương tinh thần sâu sắc mới cảm nhận được nỗi hổ thẹn, nhưng thật ra không phải thế. Ai cũng cảm thấy hổ thẹn trong đời. Mặc dù có vẻ như hổ thẹn ẩn nấp trong những góc tối tâm hồn, nhưng trên thực tế, nó len lỏi vào khắp mọi nơi quen thuộc của ta, bao gồm ngoại hình và hình ảnh cá nhân, gia đình, vai trò làm cha mẹ, tiền tài và công việc, sức khỏe, nghiện ngập, tình dục, tuổi già và tôn giáo. Có hổ thẹn thì mới là người.

Chúng ta ai cũng cảm thấy việc thừa nhận những khó khăn trở ngại mà mình đang vấp phải không dễ dàng gì, và nếu ta cố tỏ ra mọi thứ “đều ổn” ở bên ngoài thì khi phải nói ra sự thật, cái giá phải trả sẽ rất đắt. Đó cũng là lý do nỗi hổ thẹn rất thích những người cầu toàn – bởi để bắt họ ngậm miệng rất dễ.

Ngoài nỗi sợ khiến người khác thất vọng hoặc xa lánh, ta còn sợ nếu nhắc lại những chuyện buồn trong quá khứ thì trải nghiệm đó sẽ đổ ập lên ta. Một nỗi sợ có thật rằng ta có thể bị chôn vùi hoặc bị người khác đánh giá bởi một trải nghiệm tồi tệ mà trên thực tế, nó chỉ phản ánh một phần rất nhỏ trong con người ta mà thôi.

Nếu hổ thẹn là nỗi sợ có mặt khắp mọi nơi về việc mình không đáng được yêu thương và đón nhận, và nếu con người sinh ra với nhu cầu được yêu thương, được chào đón, thì ta dễ dàng hiểu được lý do vì sao hổ thẹn thường được xem là thứ cảm xúc “mãnh liệt nhất”. Chúng ta không nhất thiết phải cảm nhận nỗi hổ thẹn mới bị nó làm cho tê liệt – nỗi sợ bị mọi người xung quanh đánh giá là không có giá trị cũng đủ để ta lặng im không dám mở lòng.

Và nếu tất thảy đều biết hổ thẹn thì tin tốt lành là ai cũng có thể học cách chế ngự nỗi hổ thẹn, trong đó bao gồm khả năng nhận thức được nó, vượt qua nó một cách hiệu quả đồng thời vẫn giữ được giá trị và con người thật của mình. Việc đầu tiên ta cần hiểu về chế ngự nỗi hổ thẹn là càng tránh đề cập đến nó, ta càng thấy hổ thẹn nhiều hơn.

Hổ thẹn cần 3 yếu tố để bành trướng và thao túng cuộc đời ta: bí mật, im lặng và phán xét. Khi có điều gì đó đáng xấu hổ xảy ra và ta giữ nó trong lòng, nó sẽ ủ bệnh rồi phát bệnh. Nó nuốt lấy ta. Ta cần phải chia sẻ trải nghiệm của mình. Con người gây ra nỗi hổ thẹn cho nhau, nhưng cũng chính con người xóa bỏ cho nhau cảm giác tiêu cực đó. Nếu ta có thể tìm được một người đủ tin cậy ngồi nghe ta giãi bày, thì ta cần trải lòng mình. Khi được nói ra thì mức độ tàn phá của nỗi hổ thẹn sẽ giảm sút.

Sau một thập kỷ miệt mài nghiên cứu, tôi phát hiện ra nam giới và nữ giới nào có khả năng chế ngự nỗi hổ thẹn tốt đều có 4 điểm chung sau:

  1. Họ hiểu về nỗi hổ thẹn và biết rõ thông điệp nào, kỳ vọng nào khơi dậy cảm xúc đó trong họ.
  2. Họ luyện tập khả năng nhận thức then chốt này bằng cách xem xét mức độ xác thực của những thông điệp và kỳ vọng ám chỉ việc không hoàn hảo tức là không đủ khả năng.
  3. Họ tìm đến người khác, chia sẻ câu chuyện của họ với những người mà họ tin tưởng.
  4. Họ nói về nỗi hổ thẹn – họ dùng chính từ hổ thẹn, họ bày tỏ cảm xúc và đề nghị được giúp đỡ.

Tôi muốn chia sẻ với bạn một trong những câu chuyện rèn luyện khả năng chế ngự nỗi hổ thẹn của chính tôi. Nhưng trước khi kể, tôi muốn giải quyết 2 câu hỏi thường gặp nhất về nỗi hổ thẹn. Tôi nghĩ nó sẽ giúp bạn hiểu và cảm nhận rõ hơn về chủ đề khó nuốt này.

Đâu là sự khác biệt giữa hổ thẹn và cảm giác tội lỗi? Phần đông các nhà nghiên cứu và điều trị về nỗi hổ thẹn đều đồng ý rằng điểm khác biệt giữa cảm giác hổ thẹn và tội lỗi chính là sự khác nhau giữa “tôi thật tồi tệ” và “tôi đã làm một điều tồi tệ.”

Tội lỗi = Tôi đã làm một điều tồi tệ.

Hổ thẹn = Tôi thật tồi tệ.

Hổ thẹn hướng về bản thân, trong khi tội lỗi hướng về những hành vi của bản thân. Ta cảm thấy tội lỗi khi ta không hài lòng về một việc mình đã làm hoặc không làm. Đó là một cảm giác khó chịu nhưng hữu ích. Khi ta nhận lỗi cho điều mình làm sai, sửa lỗi, hoặc thay đổi một hành vi, thì thường cảm giác tội lỗi là động lực thúc đẩy. Cảm giác tội lỗi cũng mạnh mẽ không thua gì hổ thẹn, nhưng hiệu ứng của nó thì thường tích cực trong khi hổ thẹn đa phần tiêu cực. Thật ra, trong quá trình nghiên cứu, tôi khám phá thấy chính nỗi hổ thẹn gặm mòn cái phần trong ta tin rằng mình có thể thay đổi và làm tốt hơn.

Chẳng phải nỗi hổ thẹn giữ cho ta không làm điều xấu ư? Cũng giống như nhiều chuyên gia khác, tôi đi đến kết luận rằng hổ thẹn có nhiều khả năng dẫn đến những hành vi phá hoại và gây tổn thương hơn là mang lại giải pháp. Một lần nữa, đó là vì bản chất con người muốn cảm thấy mình xứng đáng được yêu thương và đón nhận. Khi ta hổ thẹn, ta trở nên lạc lõng và cần được cảm thấy mình có giá trị. Cảm giác hổ thẹn ê chề, hay nỗi sợ sự hổ thẹn thường gắn liền với những hành vi tự hủy hoại bản thân, rồi quay sang tấn công hoặc làm nhục người khác. Trên thực tế, hổ thẹn có liên quan mật thiết đến bạo lực, gây hấn, trầm cảm, nghiện ngập, rối loạn ăn uống và hiếp đáp người khác.

Đứa trẻ nào hay tự nhủ những câu thể hiện nỗi hổ thẹn (Mình không ngoan) hơn là những câu thể hiện cảm giác tội lỗi (Mình đã làm một việc không tốt) thường gặp vấn đề trong việc nhận thức giá trị bản thân và căm ghét chính mình. Nếu cha mẹ dùng nỗi hổ thẹn để dạy dỗ con cái, bọn trẻ sẽ cảm thấy mình không xứng đáng được yêu thương.

NHÀ NGHIÊN CỨU VỀ NỖI HỔ THẸN GIÚP CHỮA LÀNH VẾT THƯƠNG

Dù bạn có hiểu rõ về nỗi hổ thẹn đến mức nào chăng nữa, nó vẫn có thể xâm chiếm bạn. Bỗng dưng bạn nhận thấy mình ngập chìm trong nỗi hổ thẹn mà không hiểu chuyện gì đã xảy ra và vì sao. Tin vui là nếu bạn chịu khó luyện tập, khả năng chế ngự hổ thẹn cũng sẽ tự động kích hoạt. Câu chuyện sau không chỉ minh họa bản chất xảo quyệt của hổ thẹn, mà còn củng cố tầm quan trọng của việc chia sẻ cảm giác hổ thẹn cũng như trải nghiệm không vui của mình.

Nhiều tháng ròng trong năm 2009, blog cá nhân của tôi được công ty lưu trữ web chọn làm tiêu điểm trên trang chủ của họ. Thật vui là nhờ đó mà trang blog của tôi có thêm nhiều vị khách ghé thăm, những người thường chẳng bao giờ tìm đọc các bài viết về giá trị bản thân và lòng dũng cảm. Một ngày nọ, tôi nhận được email từ một phụ nữ bày tỏ rằng bà thích cách trình bày và thiết kế trên trang blog của tôi. Tôi thấy thật tự hào và biết ơn…cho đến khi tôi đọc được đoạn sau:

Tôi rất thích trang blog của chị. Thật sáng tạo và dễ đọc. Nhưng riêng tấm hình chị chụp với một cô bạn trong rạp phim thì đúng là…kinh khiếp! Tôi sẽ không bao giờ để tấm hình xấu như thế lên trang blog, nhưng tôi lại là một nhiếp ảnh gia;-).

Tôi không thể tin nổi vào mắt mình. Tấm hình chị này nói đến chính là tấm tôi chụp cùng cô bạn thân Laura khi hai chúng tôi đang ngồi trong rạp chiếu phim tối đen, chờ đến giờ chiếu phim Sex and the City. Đó là ngày phim khởi chiếu nên chúng tôi vừa hồi hộp vừa thích thú, thế là tôi lấy máy ra làm một tấm.

Tôi cực kì giận dữ, bối rối và sửng sốt vì lời nhận xét của chị ta về tấm hình, nhưng tôi vẫn cứ đọc tiếp. Chị này tiếp tục hỏi rất nhiều thứ về thiết kế blog, và cuối cùng chị chốt lại email bằng việc giải thích rằng chị có cơ hội tiếp xúc với nhiều “bậc cha mẹ thiếu kiến thức”, và rằng chị dự định giới thiệu cho họ biết về những nghiên cứu của tôi. Sao cũng được. Tôi đang điên tiết. Tôi đi đi lại lại trong bếp, rồi ngồi xuống soạn email trả lời.

Email nháp đầu tiên có câu: “Kinh khiếp chưa! Tôi sẽ không bao giờ phỉ báng hình của người khác như thế, nhưng tôi lại là nhà nghiên cứu về nỗi hổ thẹn đấy.”

Email nháp số 2 có câu: “Tôi có xem qua mấy tấm hình chị đăng trên mạng. Nếu chị lưu tâm đến vấn đề đăng hình xấu, tôi sẽ phải suy nghĩ lại về việc đăng hình của chị.”

Email nháp số 3 có câu: “Nếu chị định gửi một email vớ vẩn đi thì chí ít cũng nên kiểm tra lỗi chính ta trước khi gửi. Nhìn qua là thấy lỗi liền.”

Xấu xa. Tồi tê. Tôi chẳng thèm bận tâm. Nhưng tôi cũng không gửi những email đã soạn đi. Có cái gì đó trong tôi ngăn tôi lại. Tôi đọc lại những email đầy công kích của mình, hít một hơi thật sâu rồi chạy nhanh vào phòng ngủ. Tôi mang giày thể thao vào, đội nón lưỡi trai rồi đi ra đường. Tôi cần ra khỏi nhà và giải tỏa mớ năng lượng kỳ quặc đang chạy rần rần trong mạch máu.

Lang thang tầm hơn một cây số, tôi gọi điện cho cô bạn thân Laura, tình cờ cũng là người chụp chung với tôi trong tấm hình ở rạp phim. Tôi kể cho bạn mình nghe về email của người phụ nữ nọ, cô ấy tỏ ra hết sức kinh ngạc, “Cậu đang nói giỡn hả?”

“Giỡn gì mà giỡn. Muốn nghe thử ba câu trả lời của mình không? Mình vẫn chưa quyết định nên gửi cái nào.” Tôi đọc lại ba cách hồi đáp “đanh đá” của mình. Bạn tôi thở dài.

“Brene, mấy câu đó nghe dữ dằn lắm. Nếu là mình thì mình không làm được vậy đâu. Mình chỉ để bản thân cảm thấy tổn thương và khóc thôi.” Laura và tôi luôn chia sẻ với nhau về những khó khăn trong cuộc sống. Chúng tôi rất hợp nhau. Có lúc cả hai thi nhau nói, có lúc lại ngồi lặng im bên nhau. Lúc nào hai đứa cũng phân tích thông tin và nói với nhau những câu như “Được rồi, đợi mình một chút…Mình đang suy nghĩ…” và “Vậy có hợp lý không nhỉ?” hoặc “Khoan khoan, chờ chút, mình sắp nghĩ ra rồi.”

Quay lại cuộc đối thoại trên, tôi bảo “Laura, đừng nói gì hết. Mình cần suy nghĩ về điều cậu vừa nói.” Và trong khoảng hai đến ba phút, đầu dây bên kia im lặng và chỉ nghe tiếng tôi thở.

Cuối cùng, tôi hỏi lại bạn mình, “Cậu sẽ để bản thân cảm thấy tổn thương và khóc hả?”

Laura trả lời đầy miễn cưỡng, “Phải đó. Sao vậy?”

“À…,” tôi ngập ngừng, “Mình nghĩ chuyện khóc và đón nhận tổn thương lại là một hành động dũng cảm.”

Laura có vẻ ngạc nhiên, “Ý cậu là sao?”

Tôi cố gắng giải thích cặn kẽ. “Xấu tính và dữ dằn là cách phản ứng mặc định của mình. Hạ nhục lại người khác đối với mình chẳng khó khăn gì cả. Mình có thể dễ dàng lăng mạ người khác trong chớp mắt. Nhưng mà để bản thân cảm thấy tổn thương – đó lại là chuyện hoàn toàn khác. Mình nghĩ mình cần sự dũng cảm mới có thể làm theo cách của cậu.”

Chúng tôi trao đổi thêm một lúc rồi cả hai cùng đồng ý rằng dũng cảm của Laura chính là đón nhận sự tổn thương mà không trốn chạy, còn dũng cảm của tôi là đón nhận sự tổn thương mà không “ăn miếng trả miếng”. Chúng tôi cũng đồng tình rằng thói lỗ mãng không thể hiện sự dũng cảm – bởi trong đa số trường hợp, nó vừa dễ dàng vừa rẻ rúng, nhất là trong văn hóa thời nay.

Sau khi vừa đi vừa nói chuyện với nhau qua điện thoại hơn một cây số, Laura hỏi tôi, “Được rồi, bây giờ ta đã phân tích vấn đề đón nhận sự tổn thương rồi, thế phản ứng dũng cảm của cậu là gì đối với e-mail này?”

Tôi cố ngăn nước mắt trào ra. “Chấp nhận tổn thương. Khóc. Kể cho cậu nghe. Dẹp nó sang một bên. Xóa e-mail đó đi. Không them trả lời.”

Laura im lặng chừng một phút, rồi kêu toáng lên, “Ôi trời ơi! Đó chẳng phải là kĩ năng chế ngự nỗi hổ thẹn sao? Cậu đang rèn luyện lòng dũng cảm.”

Tôi hơi bối rối, cảm tưởng như chưa bao giờ nghe đến những từ đó vậy. “Hả, ý cậu là sao?”

Laura vẫn kiên nhẫn, “Chế ngự nỗi hổ thẹn – cậu biết mà – quyển sách tội phạm học của cậu đó? Quyển màu xanh đó. Bốn bước để chế ngự nỗi hổ thẹn: Gọi tên nó. Nói về nó. Chấp nhận những gì đã xảy ra. Mở lòng chia sẻ. Quyển sách tội phạm học cậu viết chứ còn gì nữa.” Cả hai cùng phá lên cười. Tôi tự nhủ,Quỷ thần ơi! Nó có tác dụng thật.

Một tuần sau tôi đứng trước một nhóm 70 sinh viên vừa tốt nghiệp, những người đang tham gia khóa huấn luyện của tôi về nỗi hổ thẹn và sự cảm thông. Trong khi tôi đang giảng về bốn bước nói trên thi một sinh viên giơ tay lên và hỏi xin ví dụ. Tôi quyết định kể câu chuyện về tấm hình “kinh khiếp”. Thật là một ví dụ tuyệt vời cho thấy cảm giác hổ thẹn có thể len lỏi vào tiềm thức và việc ta gọi tên nó, nói về nó quan trọng đến mức nào.

Tôi bắt đầu câu chuyện bằng cách miêu tả về trang blog cá nhân cũng như sở thích chụp ảnh gần đây của mình. Tôi nói rằng tôi rất nhạy cảm về những tấm hình tôi chụp, và tôi cảm thấy vừa hổ thẹn vừa bị xem thường khi nhận được e-mail chỉ trích này.

Khi tôi kể cho các bạn trẻ đó nghe về khao khát mãnh liệt muốn đáp trả một cách hung tợn, nhiều bạn lấy hai tay che mặt, số còn lại thì nhìn đi chỗ khác. Tôi chắc chắn một số cảm thấy thất vọng vì tôi không mang đến bài học hữu ích gì cho họ. Số khác thì trông đầy hoảng sợ.

Một sinh viên giơ tay lên và hỏi, “Em xin hỏi một câu hơi riêng tư được không ạ?” Và bởi tôi đang chia sẻ giữa chừng một kỷ niệm đầy tổn thương của mình, nên tôi nghĩ câu hỏi riêng tư ấy cũng không thể làm tôi đau lòng hơn được. Tôi đã sai lầm.

Cậu sinh viên can đảm nói, “Em nghe cô chia sẻ về cảm giác bị người khác chỉ trích tấm hình cô chụp, nhưng liệu đó có phải là lý do thật sự khiến cô tổn thương hay không? Cảm giác hổ thẹn ập đến vì cô cảm thấy bị phê phán vì tấm hình không được đẹp, hay cô hổ thẹn vì đã cho phép bản thân mình bộc lộ điểm yếu và trải lòng thay vì giấu kín mọi thứ và bảo vệ bản thân, để rồi bị người khác làm cho tổn thương? Phải chăng nguyên do thật nằm ở chỗ cô mở lòng gắn kết với mọi người xung quanh và bị tổn thương?”

Miệng tôi khô khốc. Mồ hôi vã ra. Tôi xoa trán rồi nhìn thẳng vào các sinh viên mặt đang đỏ như gấc.

“Thật không thể tin nổi! Đó chính xác là những gì đã xảy ra. Cô không hề nhận ra điều này mãi cho đến bây giờ. Nhưng mọi thứ đúng là diễn ra y như thế. Cô chụp một tấm hình vớ vẩn trong rạp phim – cô không có thói quen đó đâu, chỉ vì cô đi với đứa bạn thân và hai đứa tự nhiên nổi hứng nhí nhảnh. Cô đăng nó lên mạng vì cô đang phấn khích và nghĩ làm vậy cũng vuui. Rồi có người bay vào tấn công cô.”

Vài sinh viên quay sang nhìn đứa bạn dũng cảm của mình như có ý nói, Quá dữ! Cậu khiến cô giáo hoảng loạn luôn. Nhưng tôi hoàn toàn không cảm thấy hoảng loạn. Hay bị vạch trần. Hay bị lật tẩy. Tôi thấy mình được phóng thích. Câu chuyện tôi cần trải lòng để nhận ra giá trị bản thân không hề xoay quanh một nhiếp ảnh gia mới vào nghề đang “xù lông nhím” với những lời chỉ trích về tấm hình của mình. Đó là câu chuyện về một con người khá nghiêm nghị, lâu lâu nổi hứng muốn vui vẻ chút đỉnh, bốc đồng, không hoàn hảo và bị đâm thọt ngay điểm dễ tổn thương đó.

Kỹ năng chế ngự nỗi hổ thẹn là một quá trình khám phá từ từ. Trải nghiệm đó có ý nghĩa gì đối với tôi? Cái gì ẩn giấu đằng sau nó? Chúng ta không những cần thừa nhận những gì xảy đến với ta, thương yêu bản thân trong suốt quá trình đó, mà còn phải tìm ra câu chuyện đích thực đằng sau nó! Chúng ta cũng phải tìm cách bảo vệ chính mình khỏi nỗi hổ thẹn nếu muốn nâng cao giá trị bản thân.

NỖI HỔ THẸN TRÔNG NHƯ THẾ NÀO?

Nói đến vấn đề bảo vệ bản thân chống lại nỗi hổ thẹn, tôi đặc biệt xem trọng nghiên cứu của Stone Center thuộc Đại học Wellesly. Tiến sỹ Linda Hartling, từng là chuyên gia lý luận đa văn hóa của Stone Center và hiện đang giữ chức giám đốc dự án nghiên cứu phẩm cách con người và hành vi lăng mạ, đã kế thừa nghiên cứu của Karen Horney về hành vi bỏ qua, kháng cự và né tránh để phác thảo nên những phương pháp cắt đứt sợi dây kết nối mà con người thường sử dụng khi đối mặt với cảm giác hổ thẹn.

Theo tiến sỹ Hartling thì để đối phó với cảm giác hổ thẹn, một số người né tránh bằng cách rút lui, lẩn trốn, buộc bản thân im lặng và giữ bí mật. Một số khác bỏ qua bằng cách nhượng bộ và làm vui lòng người khác. Và một số khác kháng cự bằng cách lấn lướt, trở nên hung hãn, lăng mạ người khác để trả đũa (như việc gửi đi các e-mail chứa đầy lời lẽ tồi tệ).

Đa số chúng ta đều dùng những cách này – tùy người, tùy lúc và tùy hoàn cảnh. Thế nhưng, tất thảy những phương pháp trên đều khiến ta phải xa rời câu chuyện thật của mình. Hổ thẹn chính là sợ hãi, trách cứ và mất đi sự gắn kết. Trong khi câu chuyện thật giúp ta hiểu được giá trị bản thân, chấp nhận những điểm kém hoàn hảo vốn giúp ta rèn luyện lòng dũng cảm, trắc ẩn và kết nối. Nếu muốn sống hết mình mà không bị nỗi sợ thấy mình kém cỏi đeo bám, ta phải đón nhận những gì đã xảy ra. Chưa hết, ta còn phải phản ứng với nỗi hổ thẹn theo cách không làm cho nỗi hổ thẹn đó tăng lên. Một trong những phương pháp thực hiện là nhận thức được khi nào ta hổ thẹn để có thể phản ứng một cách tích cực.

Hổ thẹn là thứ cảm xúc dễ nhận biết. Những ai có khả năng chế ngự nỗi hổ thẹn tốt đều biết khi nào nó xảy ra. Cách dễ nhất để nhận biết nỗi hổ thẹn là ghi nhận những dấu hiệu thể chất trên cơ thể. Tôi biết nỗi hổ thẹn đang hiện diện khi cảm giác “mình không xứng đáng” xâm chiếm toàn bộ con người tôi, tim tôi đập nhanh, mặt nóng bừng, miệng khô khốc, thời gian trôi qua chậm chạp. Việc nhận biết các triệu chứng riêng biệt của từng cá nhân rất quan trọng để ta có thể cân nhắcphản ứng trước khi hổ thẹn.

Khi lâm vào tình thế hổ thẹn, ta mất đi khả năng phản hồi một cách tốt nhất với con người. Ta cần lấy lại cân bằng về mặt cảm xúc trước khi làm, nói, gửi e-mail hoặc tin nhắn mà mai này ta phải hối tiếc. Tôi biết mình cần khoảng 10 đến 15 phút mới lấy lại bình tĩnh và chắc chắn là tôi sẽ khóc một trận để giải tỏa. Tôi cũng phải cầu nguyện một chút nữa.

Nếu bạn muốn bắt đầu quá trình luyện tập khả năng chế ngự hổ thẹn và đón nhận những trải nghiệm không vui trong quá khứ, hãy bắt đầu bằng những câu hỏ sau. Đi tìm câu trả lời có thể thay đổi cuộc đời bạn:

Bạn trở thành người như thế nào khi bị dồn vào những tình huống khiến bạn hổ thẹn?

Bạn tự bảo vệ mình bằng cách nào?

Bạn sẽ tìm đến ai để giúp bạn chống lại phản ứng tiêu cực: xấu xa – hiểm ác, khóc và trốn tránh, làm vừa lòng người khác?

Hành động dũng cảm nhất bạn có thể làm cho bản thân khi thấy mình bé mọn và bị tổn thương là gì?

Những trải nghiệm của ta không dành cho tất cả mọi người. Được lắng nghe những trải nghiệm này là một món quà quý giá, và ta phải luôn tự hỏi trước khi chia sẻ: “Ai xứng đáng được nghe câu chuyện của mình?” Nếu trong suốt cuộc đời, ta có được một hoặc hai người có thể ngồi xuống và chia sẻ cùng ta, đón nhận những câu chuyện hổ thẹn của ta, thương yêu ta bất chấp điểm mạnh và điểm yếu, thì ta quả là người vô cùng may mắn. Nếu ta có được một người bạn, hoặc một nhóm bạn nhỏ, hoặc người thân trong gia đình chấp nhận những điểm thiếu sót, dễ tổn thương của ta và khi ở bên họ ta thấy mình được đón nhận, thì ta cũng vô cùng may mắn.

Chúng ta không cần tất thảy mọi người trên khắp hành tinh dành cho ta tình yêu thương và sự đón nhận cũng như lắng nghe chuyện đời ta, nhưng chí ít, ta cần có một người. Nếu ta có được người đó, hoặc một nhóm bạn thân để tâm tình, thì cách hay nhất để củng cố sợi dây gắn kết chính là chấp nhận bản thân. Nếu ta gây dựng các mối quan hệ dựa trên tình yêu thương, sự gắn bó, và cả những sai lầm trong cuộc sống, chúng ta phải bắt đầu từ một điểm: thấy mình có giá trị.

 

Trích từ cuốn sách “The gift of imperfection” của tiến sĩ Brene Brown

Tựa tiếng Việt “Món quà của sự không hoàn hảo” của dịch giả Uông Xuân Vy và Vi Thảo Nguyên

Che ngu cam giac ho then

Theo tamlyhoctoipham.com

Tội Phạm Bài viết liên quan

Những người thất hứa: tại sao họ không thể giữ lời hứa?

Những người thất hứa: tại sao họ không thể giữ lời hứa?  8

 27/03/2024 10:47:33 SA

Bạn có hay nói ra những lời hứa mà bạn không thể thực hiện không? Mọi người sẽ luôn có lúc thất hứa, nhưng đối với một vài người thì tần suất này thường xuyên hơn. Nhưng tại sao mọi người lại thất hứa?

Xem chi tiết 
Kinh nghiệm dạy con từ 'Hiệu ứng đuổi rắn'

Kinh nghiệm dạy con từ 'Hiệu ứng đuổi rắn'  7

 26/03/2024 10:44:34 SA

Khi bố mẹ luôn áp đặt trẻ phải theo ý mình, không chỉ làm hại con mà còn làm tổn thương chính mình.

Xem chi tiết 
5 lý do vì sao nhiều cặp vợ chồng vẫn chọn ở bên nhau dù không hạnh phúc

5 lý do vì sao nhiều cặp vợ chồng vẫn chọn ở bên nhau dù không hạnh phúc  8

 26/03/2024 10:44:33 SA

Nhiều cặp vợ chồng dù không hạnh phúc nhưng vẫn chọn ở bên nhau thay vì ly hôn. Lý do là gì?

Xem chi tiết 
Phản bội và bị phản bội

Phản bội và bị phản bội  8

 26/03/2024 10:44:32 SA

Khi nhìn vào gương, bạn thấy hình ảnh phản chiếu của ai?

Xem chi tiết 
Tại sao chúng ta mơ về mối tình đã qua?

Tại sao chúng ta mơ về mối tình đã qua?  7

 26/03/2024 10:44:31 SA

Những giấc mơ không phải vô cớ mà có thể tiết lộ về những khao khát đã qua và mong muốn ở hiện tại của một người.

Xem chi tiết 
Như thế nào là

Như thế nào là "người xấu" - hãy nhìn 8 dấu hiệu sau đây  7

 26/03/2024 10:44:30 SA

Gần đây, một cuộc thảo luận thú vị đã diễn ra trên Reddit về những tính cách xấu xí khiến bạn xa lánh một người. Mọi người chia sẻ kinh nghiệm cuộc sống của họ và nhận ra ‘kẻ tự luyến’ trong số bạn bè và người thân của họ.

Xem chi tiết 

Quảng cáo

thu mua đồ cũ

Quảng cáo

kem flan

Quảng cáo

xuong may dong phuc

Quảng cáo

xe ôtô 2018
Trước Khi Nhắm Mắt  2591
 13/09/2018 12:44:10 SA
Tiếng Thét  2484
 13/09/2018 12:39:16 SA
Đảo Quỷ  3150
 13/09/2018 12:34:42 SA
Pháp Y Tần Minh  2586
 13/07/2018 3:59:16 CH
Kiêu Hãnh Và Định Kiến  2564
 13/07/2018 3:48:06 CH
Xem thêm nhiều tin khác 
Bạn vui lòng chờ trong giây lát...