Cảm giác cô đơn có thể xảy ra ở bất kỳ độ tuổi nào, nhưng vị thành niên dường như là một giai đoạn đặc biệt dễ bị tổn thương hơn. Hơn 50% thanh thiếu niên cho biết họ thường xuyên cảm thấy cô đơn, tại sao sự cô đơn lại phổ biến ở lứa tuổi này?
- Đây là giai đoạn có nhiều thay đổi lớn về thể chất và cảm xúc.
- Đây cũng là thời kỳ mà các mối quan hệ xã hội trở nên quan trọng trong việc định hình bản sắc cá nhân, bạn bè đồng trang lứa đóng vai trò then chốt.
- Thanh thiếu niên rất nhạy cảm với các mối quan hệ xã hội xung quanh và thường xuyên so sánh vị thế của mình với bạn bè.
- Khi họ cảm thấy mình ít được kết nối hoặc chấp nhận hơn so với người khác, sự cô đơn có thể dễ dàng xuất hiện.
Một góc nhìn độc đáo trong bóng tối của COVID-19
Đại dịch COVID-19 đã làm nổi bật vấn đề cô đơn ở giới trẻ. Nghiên cứu cho thấy cách ly xã hội đã dẫn đến những hậu quả tâm lý không mong muốn, nhiều thanh thiếu niên trải qua cảm giác bị cô lập, vô nghĩa và thậm chí là ý định tự sát.
Sự thiếu tương tác xã hội trực tiếp cùng với căng thẳng từ đại dịch đã làm tăng rối loạn tâm trạng ở thanh thiếu niên, đồng thời cung cấp góc nhìn mới để các tác giả nghiên cứu tác động của cô lập xã hội lên sức khỏe tâm thần.
Source: Eduardo Lempo/Pexels
Phản ứng sinh học với căng thẳng và sự cô đơn
Một điểm mới trong nghiên cứu là việc khám phá tác động của yếu tố sinh học đối với sự cô đơn ở tuổi vị thành niên, một giai đoạn căng thẳng gia tăng do áp lực xã hội và biến đổi sinh học trong quá trình dậy thì.
Khi căng thẳng xuất hiện, cơ thể thanh thiếu niên giải phóng nhiều hormone như cortisol và adrenaline, kích hoạt phản ứng "chiến đấu hoặc bỏ chạy". Điều này có thể khiến một số thanh thiếu niên dễ rơi vào xung đột hoặc rút lui khỏi xã hội, từ đó làm trầm trọng thêm cảm giác cô đơn.
Các kỹ năng điều tiết cảm xúc chưa phát triển
Cô đơn kéo dài ở tuổi vị thành niên không chỉ là một cảm xúc nhất thời mà còn để lại hậu quả nghiêm trọng đối với sức khỏe tâm thần, gây ra nhiều rối loạn như trầm cảm, lo âu, rối loạn lưỡng cực, thậm chí là ý định tự tử.
Những rối loạn tâm trạng này có nguy cơ kéo dài đến tuổi trưởng thành và ảnh hưởng lâu dài đến chất lượng cuộc sống của thanh thiếu niên sau này.
Tính cách và mối quan hệ xã hội
Đặc điểm tính cách (Big 5) là một trong số nguyên nhân gốc rễ của sự cô đơn ở thanh thiếu, khiến những cá nhân này có nguy cơ cao hơn trong trải nghiệm sự cô đơn, thiếu bạn bè và bị bỏ rơi.
Chẳng hạn, thanh thiếu niên hướng nội gặp nhiều khó khăn hơn trong việc khởi xướng các tương tác xã hội, trong khi những người nhạy cảm với cảm xúc thường nhạy cảm với sự từ chối và khinh thường xã hội. Cả hai đặc điểm này đều khiến họ dễ rơi vào trạng thái rút lui và cô đơn.
Chất lượng các mối quan hệ xã hội cũng ảnh hưởng lớn đến cảm giác cô đơn của thanh thiếu. Căng thẳng trong mối quan hệ với cha mẹ, anh chị em, hoặc bạn bè có thể góp phần làm tăng cảm giác bị cô lập.
Vòng lặp tự duy trì của sự cô đơn
Một điều đáng lo ngại nhất về sự cô đơn kéo dài là nó tạo thành một vòng luẩn quẩn. Thanh thiếu niên càng cô đơn, họ càng có xu hướng tránh xa mọi người và xã hội. Chính điều này lại càng khiến họ cảm thấy cô đơn hơn.
Biện pháp can thiệp
Để giảm thiểu tác động sâu rộng và lâu dài của sự cô đơn mãn tính đối với sức khỏe tâm thần và hạnh phúc, nghiên cứu cho rằng cần có các biện pháp can thiệp sớm và toàn diện, nhắm vào các nguyên nhân gốc rễ.
Các chiến lược bao gồm chương trình giảm căng thẳng và tiêu cực dựa trên chánh niệm, cải thiện chất lượng các mối quan hệ xã hội, và sự hỗ trợ từ người lớn như cha mẹ, giáo viên, cố vấn học đường. Những hỗ trợ này có thể giúp thanh thiếu niên nâng cao khả năng tự lập và chấp nhận bản thân, tạo ra lớp đệm bảo vệ chống lại cô đơn trong tương lai.
Tác giả: Berit Brogaard
Dịch giả: Thu Hằng - Nguồn: Tâm Lý Học Tuổi Trẻ
Nguồn bài viết: Loneliness in Adolescence Can Take a Self-Perpetuating Turn | Psychology Today
Theo tamlyhoctoipham.com