Nghe có vẻ kỳ lạ khi nói rằng một trong những điều chúng ta khao khát nhất, thậm chí có thể cần trong một mối quan hệ, chính là cơ hội được “xấu tính.”
Chúng ta thường gắn tình yêu với sự tử tế, cách cư xử tốt và sự nhã nhặn. Bất kỳ điều gì khác đi đều dễ dàng làm dấy lên những ngờ vực sâu sắc; chúng ta đã được giáo dục để nhận diện mọi biểu hiện của sự tệ bạc trong cuộc sống lứa đôi.
Thế nhưng, ta có thể khẳng định rằng một phần của tình yêu chính là việc được chấp nhận trong những khoảnh khắc không mấy tốt đẹp của bản thân – những khi ta cảm thấy sợ hãi, mệt mỏi hoặc thất bại; khi ta không thể tiếp tục giữ lý trí hay tỏ ra ngoan ngoãn. Thậm chí, yêu cầu ai đó phải luôn luôn “hoàn hảo” có thể trở thành một sự bất công ngấm ngầm.
Alexander Bogomazov, The Artist’s Daughter, c. 1928
Để hiểu được điều này, hãy nhìn cách những bậc cha mẹ đối xử với con cái. Một người cha, người mẹ tâm lý hiểu rằng chẳng có đứa trẻ nào – và thực ra cũng chẳng có con người nào – có thể lúc nào cũng ngoan ngoãn, dễ thương. Việc đòi hỏi điều đó chẳng khác nào phủ nhận thực tại cơ bản của chúng.
Người cha mẹ tốt sẽ giữ được sự bình tĩnh trước những hành vi “khó chiều” của con: khi đứa trẻ nói rằng nó không muốn gặp bà, muốn đốt trường học, ghét cay ghét đắng em trai, hoặc muốn trở thành người thông minh và xinh đẹp nhất thế giới. Đứa trẻ có thể quăng mình xuống sàn nhà, hét lên rằng nó ghét tất cả mọi người hoặc nhất quyết không chịu làm bài tập về nhà. Và người cha mẹ đáng kính sẽ không hoảng hốt, không giận dữ, không mất bình tĩnh. Họ có thể dịu dàng nói: “Nghe chừng hôm nay con yêu đang gặp một ngày không vui nhỉ.” Hoặc: “Để sáng mai mình nghĩ lại chuyện này nhé?” Hay đơn giản: “Kế hoạch đó thú vị đấy, nhưng bây giờ chắc là tới giờ đi ngủ rồi.” Hoặc đôi khi, họ chỉ giả vờ không nghe thấy và lặng lẽ bỏ qua.
Yêu không có nghĩa là luôn đưa ra những phán xét đạo đức nghiêm khắc; yêu là chịu đựng được sự thiếu hoàn hảo trong một vài khoảnh khắc.
Có một nghịch lý ở đây: càng được bao dung trong thời thơ ấu, ta càng ít khao khát điều đó khi trưởng thành.Một đứa trẻ buộc phải “ngoan ngoãn” từ quá sớm, luôn phải nhẫn nhịn, luôn phải “người lớn” và “dễ thương” để không làm phật lòng một người chăm sóc khó tính, mong manh sẽ đối mặt với một nghịch lý đau đớn khi trưởng thành.
Chúng sẽ biết rằng sự tử tế, ngoan hiền có thể thu hút sự quan tâm từ người khác, nhưng sâu trong lòng, chúng không muốn chỉ được yêu vì những đức tính đáng khen ấy. Để cảm thấy được yêu thương thực sự và có khả năng yêu thương trở lại, chúng cần được chấp nhận toàn diện – kể cả khi bản thân có những lúc khó chiều, trái tính.
Chúng muốn có thể nói lên cảm giác bức bối: “Mối quan hệ này khiến tôi ngột ngạt, tôi muốn rời đi” – không phải vì đó là ý nghĩ cuối cùng, mà vì sự cam kết sâu sắc với một người không thể tách rời những cảm giác thoáng qua về sự tù túng.
Hoặc chúng muốn nói: “Đôi khi tôi cảm thấy mình thật bám víu, đến mức không muốn anh/ chị có bất kỳ người bạn nào khác” – và đây cũng không phải là suy nghĩ cuối cùng, mà là một khoảnh khắc bộc lộ sự phụ thuộc non nớt, trẻ thơ cần được lắng nghe.
Ta có thể nói rằng, hành trình đến sự trưởng thành thực sự phải đi qua những cung bậc của sự non nớt. Con đường đến sự tử tế và dịu dàng thực sự phải cho phép, đôi khi, những lối rẽ vào các ảo tưởng ích kỷ hay nhỏ nhen. Hãy rõ ràng: chúng ta đang nói về những ảo tưởng, không phải những hành động tiêu cực; về những khoảnh khắc khó khăn, chứ không phải sự độc ác. Nhưng ý tưởng ở đây là: không ai có thể thực sự ấm áp nếu họ chưa từng được phép có lúc chán nản.
Những người không bao giờ được nói rằng đôi khi họ muốn rời bỏ mối quan hệ lại chính là những người dễ âm thầm thu dọn hành lý và ra đi hơn cả. Những người không được phép bày tỏ những suy nghĩ ngốc nghếch, cực đoan hoặc vô lý sẽ có nguy cơ gục ngã dưới áp lực phải luôn ngoan ngoãn và mất phương hướng nặng nề hơn. Cách phòng vệ tốt nhất trước những điều tồi tệ thật sự là cho phép ý nghĩ “xấu xa” được tồn tại trong mối quan hệ, mà không dẫn đến thảm họa.
Người cha mẹ tốt luôn có sự kiên nhẫn vững vàng. Và ta mang lại một ân huệ lớn lao cho người bạn đời của mình khi ta có thể nhập tâm phẩm chất này, để đối mặt với những “góc khuất” từ tuổi thơ chưa hoàn thiện của họ. Câu hỏi: “Ngày bé, bạn từng muốn được ‘xấu tính’ trong những điều gì mà không dám?” sẽ nói cho ta rất nhiều về những nơi họ từng phải kìm nén, và cũng là nơi ta có thể nhận được phần thưởng xứng đáng từ sự bao dung của mình.
Một chút bao dung, rốt cuộc, cũng chính là cốt lõi của tình yêu.
Nguồn: A CHANCE TO BE BAD IN RELATIONSHIPS
Theo tamlyhoctoipham.com