Một trong những nhận thức hữu ích nhất mà ta có thể đạt được về chính mình là ta đang mang một chút "hoang tưởng." Từ ngữ này dễ khiến người ta bật cười, gợi lên hình ảnh những người khăng khăng rằng họ đang bị theo dõi bởi cơ quan mật vụ hoặc bị một giống loài ngoài hành tinh giám sát. Nhưng thực tế lại gần gũi hơn nhiều, và cũng ít hài hước hơn rất nhiều. Thực sự, khi có khuynh hướng hoang tưởng, ta thường phải chịu đựng một cảm giác lặp đi lặp lại rằng hầu hết mọi người đều không thích mình, rằng đa phần các tình huống đều cực kỳ tội phạm nguy hiểm, và có khả năng một thảm họa nào đó sẽ ập đến rất sớm.
Điều này có thể không dễ dàng nhận ra ngay lập tức. Ví dụ, cảm giác rằng một đồng nghiệp đang coi thường mình, nỗi lo bị bạn bè nói xấu sau lưng, cảm giác rằng người phục vụ cố ý xếp mình ngồi ở chỗ tệ nhất, hay nỗi sợ sắp dính líu vào một vụ tai tiếng nào đó – những điều này tưởng chừng chẳng liên quan, nhưng thực ra lại nằm chung trong một mạch cảm xúc hoang tưởng mà ta vẫn thường không tự nhận ra.
Nhưng cảm giác rằng thế giới lúc nào cũng âm mưu hạ thấp, tấn công và làm nhục ta thực chất rất có thể là kết quả của một chuỗi trải nghiệm đầy xúc phạm, đả kích, và hạ nhục mà ta từng phải chịu đựng từ một hoặc hai người nào đó trong những năm tháng hình thành nhân cách. Những trải nghiệm này đã bị ta cố ý chôn sâu và lờ đi, bởi ta ngầm thà chọn sợ cả thế giới còn hơn phải thừa nhận thực tế đau đớn rằng ta đã từng bị tổn thương bởi những người – có khi là mẹ hay cha ta – mà ta từng muốn hết lòng yêu thương và tin tưởng.
Đáng tiếc thay, tâm trí ta phải tìm cách xả hết độc tố ở đâu đó. Khi không thể xả đúng chỗ, ta sẽ vô thức tìm đến bất kỳ nơi nào cảm thấy có chút liên quan: văn phòng, nhà hàng, một bữa tiệc hay một bài báo. Sự thù ghét và hiểm độc mà ta cảm thấy từ đồng nghiệp, bạn bè hay mạng xã hội thực ra chỉ là những hình bóng phản chiếu từ nỗi đau ta từng nhận từ những người thân thiết – những nỗi đau mà ta chưa bao giờ có đủ sự hỗ trợ để trả lại đúng người đã gây ra nó.
Photo by Lianhao Qu on Unsplash
Hiểu rõ ai đã từng làm tổn thương và để lại vết sẹo trong ta là một phần vô cùng quan trọng trong việc tự thấu hiểu bản thân khi trưởng thành. Đó cũng là điều mà ta – cần thừa nhận – đôi khi rất khó chấp nhận. Ta có xu hướng mãi mãi sống trong lo sợ thay vì dám đối diện và chất vấn về cách đối xử của những người chăm sóc mà ta vẫn chọn tin là vô tội. Rồi sẽ đến lúc ta nhận ra rằng chẳng có mấy người thực sự cười nhạo ta và cũng ít có nguy cơ xảy ra tai tiếng như ta từng sợ hãi. Vì sự chế giễu và nhục nhã mà ta luôn lo lắng về ngày mai thực ra đã diễn ra rồi, trong những ngày xưa đầy tổn thương và bỏ quên chưa từng được chạm đến, nơi những nỗi đau chưa bao giờ được giải tỏa.
Nguồn: THE ROOTS OF PARANOIA - The School Of Life
Theo tamlyhoctoipham.com