Daddy issues không có định nghĩa chính xác. Nó là thuật ngữ được định nghĩa đa dạng, tập trung về việc mối quan hệ với người cha trong thời thơ ấu ảnh hưởng lên một người ở tuổi trưởng thành như thế nào, đặc biệt là khi người cha vắng mặt hoặc emotionally unavailable (không sẵn sàng kết nối về mặt cảm xúc trong một mối quan hệ).
Thuật ngữ này thường được dùng theo cách tiêu cực để miêu tả những người phụ nữ hẹn hò với đàn ông lớn tuổi hơn, gọi bạn tình của mình là “daddy” (cha), hoặc bất kỳ hành vi t.ình dục nào mà một người cho là bất thường.
Bất chấp mức độ phổ biến, daddy issues không phải là thuật ngữ y tế hoặc là một rối loạn được Hiệp hội Tâm lý học Hoa Kỳ công nhận trong bản cập nhật mới nhất của “Diagnostic and Statistical Manual of Mental Disorders” (DSM-5-TR, Sổ tay Chẩn đoán và Thống kê Các Loại Rối loạn Tâm thần).
THUẬT NGỮ “DADDY ISSUES” ĐẾN TỪ ĐÂU?
Dù không biết chính xác thuật ngữ này xuất phát từ đâu nhưng có vẻ nó nảy sinh từ ý niệm về phức cảm người cha được Sigmund Freud đề xuất lần đầu tiên trong lý thuyết phân tâm học của mình.
- PHỨC CẢM OEDIPUS VÀ ELECTRA
Phức cảm người cha miêu tả những xung động vô thức xảy ra do mối quan hệ tiêu cực với cha, có liên quan đến thuật ngữ nổi tiếng là phức cảm Oedipus.
Freud đề xuất phức cảm Oedipus để miêu tả một bé trai bị mẹ mình thu hút và có cảm giác cạnh tranh với cha. Công trình của Freud ban đầu chỉ tập trung vào bé trai nhưng Carl Jung tin rằng bé gái cũng có cảm giác cạnh tranh với phụ huynh cùng giới để dành lấy sự thu hút của cha mẹ khác giới. Ông đặt tên hiện tượng này là phức cảm Electra.
- LÝ THUYẾT GẮN BÓ
Dù ý tưởng của Freud về phức cảm người cha có xuất phát điểm từ sự hiểu biết của ông về quá trình phát triển của các bé trai nhưng ý niệm rộng hơn không phân chia giới tính. Nó dẫn tới Lý thuyết gắn bó, không tập trung vào t.ình dục mà vào ảnh hưởng trong các mối quan hệ giữa mọi người, đặc biệt là trẻ em và người chăm sóc chúng.
Nhà lý thuyết đầu tiên về thuyết gắn bó – John Bowly cho rằng dạng gắn bó của một người trong thời thơ ấu có ảnh hưởng đến dạng gắn bó của họ khi trưởng thành. Kết quả là những người thấy an toàn và có sự gắn bó được đảm bảo ở thời thơ ấu sẽ tiếp tục có sự gắn bó được đảm bảo đó khi lớn lên.
Ngược lại, nếu cá nhân có sự gắn bó không an toàn khi còn bé, người đó sẽ phát triển một trong ba kiểu gắn bó bất an khi trưởng thành (lo sợ chiếm hữu, lo sợ trốn tránh và trốn tránh).
Trong khi những người trưởng thành có cảm giác gắn bó an toàn tin rằng khi họ cần, người khác sẽ ở bên mình thì những người trưởng thành có cảm giác gắn bó bất an lại hành xử theo một trong hai cách: họ cố gắng định hình mối quan hệ nhưng lại lo lắng những người mình yêu thương sẽ không ở đó khi họ cần, hoặc họ thà không phát triển bất kỳ mối quan hệ thân thiết nào.
Giả sử một người có mối quan hệ không tốt với cha của mình khi còn bé, điều này có thể dẫn tới sự gắn bó bất an khi trưởng thành, từ đó đưa tới vấn đề gọi là “daddy issues”.
Chinsuwee Jetjumrat / EyeEm / Getty Images
DẤU HIỆU CỦA DADDY ISSUES
Có một số dấu hiệu khác biệt mà một người có vấn đề về sự gắn bó liên quan tới mối quan hệ tồi tệ với cha của mình.
- Chỉ bị người đàn ông lớn tuổi thu hút
- Liên tục cần sự đảm bảo từ bạn đời
- Trải qua các dấu hiệu của gắn bó lo âu như ghen tị, phụ thuộc và bảo vệ thái quá
- Sợ cô đơn đến mức bạn chấp nhận ở trong một mối quan hệ không lành mạnh hơn là không có mối quan hệ nào
- Tham gia vào các hành vi t.ình dục quá khích hoặc tội phạm nguy hiểm như một cách để đạt được sự trấn an và tình yêu
- Trải qua nỗi sợ hãi lớn về sự tổn thương mặc dù có cảm giác liên tục được trấn an và đảm bảo
- Gặp vấn đề về niềm tin khiến bạn khó mở lòng với bạn đời, điều này góp phần khiến sự bất an và lo âu trở nên nghiêm trọng hơn
- Đấu tranh để xây dựng và duy trì ranh giới lành mạnh trong các mối quan hệ của bản thân
- Lý tưởng hóa bạn đời và trở thành người làm hài lòng kẻ khác để đảm bảo đối phương hạnh phúc
Một điểm quan trọng khác là có mối quan hệ phức tạp với cha của mình. Cha của bạn có thể không thân thiết với bạn, bạo hành, bỏ bê hoặc hoàn toàn vắng mặt trong cuộc đời bạn.
ẢNH HƯỞNG CỦA DADDY ISSUES
Nghiên cứu đã chỉ ra rằng ảnh hưởng của mối quan hệ tiêu cực với cha là có thật. Ví dụ, một nghiên cứu đã chỉ ra mối quan hệ nhân quả giữa sự vắng mặt hoặc ít can dự của người cha với cuộc đời của con gái và hành vi tình d.ục có nguy cơ của phụ nữ, bao gồm sự buông thả trong tình d.ục và quan điểm tiêu cực với việc sử dụng bao c.ao su. Những ảnh hưởng này không mở rộng đến những hành vi không liên quan tới tình dục có tính nguy cơ hoặc những hành vi tình d.ục của người đàn ông.
Trong khi đó, những người đàn ông nếu lớn lên trong cảnh thiếu vắng cha hoặc có một người cha lạnh nhạt được báo cáo gặp nhiều vấn đề gồm thiếu hình tượng đàn ông trưởng thành để noi theo, cảm giác thiếu tự tin và thiếu lòng tự trọng, đồng thời tìm kiếm một hình mẫu người cha thay thế là nhiệm vụ ở tuổi trưởng thành.
VÌ SAO Ý NIỆM VỀ DADDY ISSUES LẠI CHIA GIỚI TÍNH?
Gợi ý cho thấy phụ nữ trở nên ám ảnh với cha do phức cảm Electra chưa được giải quyết có lẽ đã dẫn tới quan điểm về giới thường gắn với ý niệm về daddy issues.
Tuy nhiên, dù thuật ngữ “daddy issues” thường được dùng với ý miêu tả tiêu cực và thậm chí là chế giễu hành vi của phụ nữ trong mối quan hệ, daddy issues có thể ảnh hưởng tới những ai mang vết thương tâm lý từ mối quan hệ với cha thuở nhỏ.
Dù vậy, sự phổ biến của thuật ngữ “daddy issues” để miêu tả mối quan hệ của phụ nữ với đàn ông vẫn có vấn đề và có thể được dùng để đổ lỗi cho phụ nữ về các vấn đề liên quan tới đàn ông.
Nói một người người phụ nữ có “daddy issues” tức là đã phán xét và coi thường cô ấy – người đã chịu tổn thương trong mối quan hệ trước đó với cha mình mà lỗi là do người cha đã không đáp ứng được các nhu cầu của cô ấy.
CẦN LÀM GÌ NẾU BẠN CÓ DADDY ISSUES?
Nếu trong quá trình lớn lên, cha bạn vắng mặt hoặc xa cách với bạn, có thể bạn sẽ trải qua ảnh hưởng tiêu cực từ mối quan hệ này. May mắn rằng, theo nhà trị liệu Caitlin Cantor, có rất nhiều cách để vượt qua những thử thách này, bắt đầu bằng cách nhận định rằng người cha, chứ không phải bạn, mới là người phải chịu trách nhiệm cho vấn đề của bạn. Dưới đây là những bước nhà trị liệu Cantor gợi ý cho bạn:
- NHẬN DIỆN
Cantor giải thích rằng khi nhu cầu của đứa trẻ không được đáp ứng, chúng bắt đầu tin rằng mình không xứng đáng được yêu thương, chú ý, quan tâm hoặc bất kỳ điều gì chúng cần – những điều này sẽ trở lại khi đứa trẻ trưởng thành. Nhưng thông qua “sự kết hợp giữa giáo dục và nhận thức”, bạn có thể học cách nhận diện mối quan với cha đã ảnh hưởng mình thế nào và bạn có thể “xác nhận lại niềm tin cũ” bằng cách tái hiện lại những khuôn mẫu trong thời thơ ấu với tình trạng quan hệ hiện tại như thế nào.
- THƯƠNG TIẾC
Hãy để bản thân cảm nhận được nỗi đau của mối quan hệ tiêu cực với cha và thương tiếc về những gì bạn đã không có trong đời vì điều đó. Như Cantor nói, chữa lành từ đây “gồm cả giận dữ và tiếc thương… Đó là cơ hội để cảm nhận nỗi buồn dành cho một bản thân thời thơ bé, người đã không được đáp ứng những gì mình cần.”
- HỌC HỎI
Một khi nhận diện được cách niềm tin hình thành thời thơ ấu ảnh hưởng tới mối quan hệ hiện tại của bạn thế nào, bạn có thể thay thế nó với những niềm tin mới lành mạnh hơn. Cantor quan sát rằng một phần trong đó liên quan tới việc nhận ra rằng khi đang ở trong một mối quan hệ mà đối phương xa cách với bạn hoặc đối xử với bạn không theo cách bạn muốn, “đó không phải vấn đề bạn cần giải quyết, đó chỉ là thông tin về người đó thôi… Nó không bao giờ là lỗi của bạn cả.”
Sau khi nhận thức được những điều này, bạn có thể bắt đầu học cách kết nối với những khuôn mẫu tốt đẹp mình muốn thay vì tiếp tục chìm vào các mối quan hệ tái xác nhận những niềm tin cũ.
Nguồn: Verywell Mind
Dịch: Tâm lý học mỗi ngày
Theo tamlyhoctoipham.com