Đôi khi, không rõ vì lý do gì, ta rơi vào một tâm trạng lười biếng đến kỳ lạ. Ta chẳng thể nào viết được điều gì mới mẻ, cũng chẳng buồn thu xếp thêm những cuộc họp. Ta không muốn dọn tủ lạnh, cũng chẳng đủ hứng thú để đi gặp gỡ những khách hàng tiềm năng. Tất cả những gì ta thèm muốn, có vẻ như chỉ là nằm dài trên ghế sofa, có thể cầm lên một cuốn sách tội phạm học và đọc lướt vài trang một cách ngẫu nhiên, hoặc đi dạo qua cửa hàng và mua một gói bánh quy. Cũng có khi, ta chỉ muốn ngâm mình hàng giờ trong bồn tắm ấm áp. Thậm chí, có lúc ta chỉ muốn ngồi bên cửa sổ, nhìn ngắm những áng mây trôi qua. Và cứ thế, rất lâu.
Trong những trạng thái như vậy, ta rất dễ bị gắn mác là kẻ “lười biếng” không chút sửa đổi – từ bạn bè, và đau đớn hơn, từ chính lương tâm của mình. Sự lười biếng dường như là một tội lỗi không thể tha thứ trong guồng quay nhộn nhịp của thời hiện đại; nó tựa như rào cản chặn đứng con đường đến thành công và cả khả năng ta có thể nhìn nhận tốt về bản thân. Nhưng nếu ta nhìn vấn đề theo một góc độ khác, có lẽ, điều đe dọa hạnh phúc và sự phát triển của ta đôi khi không nằm ở việc ta không đủ bận rộn, mà ở chính việc ta KHÔNG ĐỦ LƯỜI BIẾNG.
Việc lười biếng bên ngoài không đồng nghĩa với việc ta đang bỏ bê những điều có giá trị. Có thể trong mắt mọi người, ta trông như chẳng đang làm gì cả. Nhưng sâu bên trong, một điều gì đó quan trọng vẫn đang diễn ra – và theo cách riêng của nó, điều đó cũng đầy khó khăn và mệt mỏi.
Khi bận rộn với các thói quen và công việc quản lý hằng ngày, ta chỉ tập trung vào những điều hiện hữu ở bề mặt ý thức: ta đang thực hiện các kế hoạch, chứ không suy ngẫm về giá trị hay mục đích sâu xa của chúng. Nhưng để đối diện với những vấn đề gốc rễ và đưa ra các quyết định, kết luận có thể định hình hướng đi của cuộc đời, ta cần quay vào những góc sâu hơn, kín đáo hơn trong nội tâm.
Và những điều này chỉ thực sự xuất hiện – dè dặt và rụt rè – khi ta đủ can đảm rời xa những đòi hỏi tức thời của cuộc sống. Khi ta cho phép mình nằm dài cả buổi chiều, nhìn ngắm những áng mây mà người khác cho là “vô nghĩa”, trong khi thật ra ta đang chiến đấu với những câu hỏi sâu sắc nhất của cuộc đời mình.
Chúng ta cần phân biệt rõ ràng giữa sự chăm chỉ về mặt cảm xúc và sự chăm chỉ mang tính thực tế. Một người trông lúc nào cũng bận rộn, lịch trình kín mít từ sáng đến tối, liên tục trả lời tin nhắn và gặp gỡ khách hàng có vẻ như là hình mẫu đối lập với sự lười biếng. Nhưng ẩn sâu dưới lớp vỏ hối hả ấy, có thể tồn tại một sự trốn tránh âm thầm nhưng không kém phần mạnh mẽ.
Những người bận rộn thường né tránh một dạng công việc khác. Họ có vẻ như là một tổ ong sôi động, nhưng thực chất lại không dành chút thời gian nào để tìm hiểu cảm xúc thực sự của mình về công việc. Họ trì hoãn vô thời hạn việc tự hỏi liệu mình đang đi đúng hướng hay không. Họ lười biếng trong việc thấu hiểu những cảm xúc phức tạp dành cho bạn đời hoặc một người bạn. Họ tham dự mọi hội thảo, nhưng không bao giờ tự vấn về ý nghĩa sâu xa của công việc mình đang làm; họ thường xuyên gặp gỡ đồng nghiệp, nhưng chẳng mấy khi suy nghĩ xem tiền bạc thực sự mang ý nghĩa gì đối với mình. Sự bận rộn ấy, hóa ra, lại là một hình thức trốn tránh đầy tinh vi.
Tâm trí của chúng ta, nói chung, thường dễ dàng thực thi hơn là suy ngẫm. Nó thường cảm thấy bất an trước những câu hỏi lớn lao như:
Mình thực sự đang cố gắng làm gì?
Điều gì thực sự khiến mình vui?
Ai là người mình đang cố làm hài lòng?
Nếu mọi thứ mình đang làm hiện tại thành công, mình sẽ cảm thấy thế nào?
Và mình sẽ hối tiếc điều gì trong 10 năm tới?
Ngược lại, chạy đôn chạy đáo, không ngừng bận rộn để không phải đặt ra những câu hỏi này lại là điều dễ dàng hơn cả. Bận rộn trở thành chiếc mặt nạ che đậy một dạng lười biếng vô cùng tội phạm nguy hiểm.
Cuộc sống của chúng ta sẽ cân bằng hơn rất nhiều nếu biết tái phân bổ giá trị cho sự tĩnh lặng, dành sự ngưỡng mộ không chỉ cho những người với lịch trình chật kín, mà còn cho những ai khôn ngoan đủ để dành ra vài buổi chiều cho việc suy ngẫm. Cần sự can đảm không chỉ để khám phá thế giới, mà còn để dám ngồi yên một mình cùng những suy nghĩ, đối mặt với những ý tưởng có thể khiến ta lo âu hoặc buồn bã – nhưng cũng vô cùng cần thiết.
Khi bỏ đi tấm lá chắn của sự bận rộn, ta có thể phải đối mặt với những nhận thức đau lòng: rằng mối quan hệ của ta đã đi vào ngõ cụt, rằng công việc ta đang làm không còn đáp ứng được một mục đích cao cả nào, hay rằng ta đang giận dữ với một thành viên trong gia đình vì họ âm thầm lợi dụng lòng kiên nhẫn của mình. Người làm việc thực sự dũng cảm có thể không phải là người ngồi trong phòng chờ hạng thương gia ở sân bay tội phạm quốc tế, mà là người đang ngồi lặng lẽ bên cửa sổ, ánh mắt vô định, và thỉnh thoảng ghi lại một vài ý tưởng trên tờ giấy nhỏ.
Mục đích của việc “không làm gì cả” chính là để làm trong sạch đời sống nội tâm. Mỗi ngày, có quá nhiều điều xảy ra với chúng ta – những hứng khởi, tiếc nuối, gợi ý và cảm xúc – mà nếu sống có ý thức, chúng ta nên dành ít nhất một giờ mỗi ngày để xử lý tất cả những điều ấy. Nhưng đa số chúng ta, giỏi lắm, cũng chỉ dành ra được vài phút, và vì thế để lãng phí đi “phần tinh túy” của cuộc sống. Điều này không phải vì chúng ta lơ đãng hay kém cỏi, mà bởi xã hội đã bảo vệ chúng ta khỏi trách nhiệm đối với chính mình bằng cách tôn sùng sự bận rộn. Chúng ta được trao vô vàn lý do để trốn tránh công việc khó khăn nhất: dẫn dắt một cuộc sống ý thức hơn, sâu sắc hơn và trọn vẹn hơn.
Lần tới, khi bạn cảm thấy bản thân cực kỳ lười biếng, hãy nghĩ rằng có lẽ một phần sâu thẳm trong bạn đang chuẩn bị cho sự ra đời của một ý tưởng lớn lao. Giống như một thai kỳ, quá trình này không thể vội vã. Bạn cần nằm yên và để ý tưởng ấy hình thành, chắc chắn rằng một ngày nào đó, nó sẽ chứng minh giá trị của mình. Hãy dám chấp nhận bị coi là lười biếng để rồi, vào một ngày nào đó, bạn có thể khởi động những dự án và sáng kiến mà chính mình cũng cảm thấy tự hào.
Nguồn: THE HARD WORK OF BEING ‘LAZY’ – The School Of Life
Theo tamlyhoctoipham.com