‘Không thể chắc chắn về bất cứ điều gì ngoại trừ Thuế và Cái chết,’ nhà soạn kịch người Anh Christopher Bullock đã viết như vậy vào năm 1716, bảy mươi ba năm trước khi người đời biết đến câu nói nổi tiếng hơn của Benjamin Franklin. Cũng giống như thuế, sự chắc chắn của mộ phần không ngăn được nhiều người trong chúng ta tìm cách trốn tránh nó. Mặc dù ta cuối cùng cũng không tránh khỏi cái chết, ta chí ít cũng thường làm khá tốt trong việc tránh nghĩ về nó. Nhưng chỉ rất ít người mới không chịu tác động bởi ý nghĩ về cái chết ở một mức độ nào đó. Dù đó là một nhận thức chợt lóe lên bên rìa ý thức, hay một sự hiện diện lờ mờ mà ta vẫn thường phải vật lộn với, thì nó vẫn luôn có đó.
Người Hy Lạp cổ đại đã truyền lại cho chúng ta cái ý tưởng rằng triết học có thể giúp ta đối mặt với cái chết một cách bình thản, một lý tưởng được thể hiện qua hình tượng Socrates[1], người được cho là đã bình tĩnh trước cái chết của chính mình. Sự thực là, ông đã hoàn toàn chấp nhận nó, như được đề cập đến trong tác phẩm Phaedo của Plato rằng các triết gia nên đón chào cái chết. Lý giải của ông dành cho điều này là ông tin rằng bản thể chân thật của mình – linh hồn của ông – là bất tử và sẽ sống ở một thế giới khác. Chính ý tưởng này đã dẫn đến quan niệm xem triết học như là một sự chuẩn bị cho cái chết, bởi vì nó liên quan đến sự an lạc của linh hồn trước khi linh hồn đó được giải thoát khỏi thể xác.
Các nhà Khắc kỷ chia sẻ niềm tin rằng các triết gia đang được huấn luyện cho cái chết. Các học trò nên nuôi dưỡng lý trí, phần thực sự có giá trị của con người, và chống lại những nhận thức sai lầm của mình về giá trị của của cải vật chất. Nghĩ về cái chết một cách thường xuyên là một phần của sự rèn luyện này, và đó là lý do tại sao các tác phẩm của Chủ nghĩa Khắc kỷ lại chứa đựng nhiều lời nhắc nhở về nó đến thế.
Ta hãy xem xét lời dạy của Epictetus: ‘Ngày qua ngày, anh cần phải đặt trước mắt mình cái chết và sự lưu đày, và tất cả những điều có vẻ như thật kinh khủng, nhưng trên hết là cái chết; và rồi anh sẽ không bao giờ có suy nghĩ khổ sở nào, hay ham muốn bất cứ điều gì vượt quá giới hạn cho phép.’ Và từ Seneca: ‘Không cách nào biết được vào thời điểm nào trong đời cái chết đang trực chờ anh, vì thế mà anh phải chờ đợi cái chết vào mọi lúc.’
Đối mặt với viễn cảnh về cái chết cũng là nền tảng triết học của Epicurus. Ông tin rằng để có thể sống một cuộc đời tốt đẹp, chúng ta cần phải giải phóng bản thân khỏi những sợ hãi đang đeo bám chúng ta, đặc biệt là nỗi sợ về cái chết. Lập luận chính của ông là, không có nghĩa lý gì khi cứ lo lắng về điều mà chúng ta không thể nhận thức được. ‘Cái chết chẳng là gì đối với chúng ta,’ ông nói, ‘với thể xác, khi nó phân rã thành các phân tử, lúc đó cơ thể sẽ không còn cảm giác gì nữa, và việc không có cảm giác cũng chả là gì đối với ta cả.’ Một trong những khẩu hiệu nổi tiếng nhất của phái Epicurus là: ‘Khi ta còn đây, cái chết không có đó; khi cái chết tới, ta không có đó.’ Nhà thơ theo học thuyết của Epicurus, Lucretius, đã đưa ra quan điểm tương tự, rằng, cũng giống như chúng ta không băn khoăn về thời điểm trước khi mình sinh ra, vậy thì ta cũng không nên lo lắng về trạng thái chết.
Nhưng cái ý tưởng rằng triết học là một sự chuẩn bị cho cái chết cũng chịu những lời gièm pha nhất định. Khi một đệ tử hỏi Khổng Tử, ‘Con xin mạo muội hỏi về cái chết,’ ông ta đã nhận được câu trả lời, ‘Khi con không hiểu về cuộc sống, làm sao con có thể hiểu về cái chết?’ Khi chúng ta tập trung vào cách tốt nhất để sống, cái chết gần như là một sự không liên quan không đáng để bận tâm.
Montaigne tỏ ra dè dặt trước toàn bộ ý tưởng về việc chuẩn bị cho cái chết và khuyên rằng, ‘Nếu bạn không biết phải chết như thế nào, vậy thì đừng bận tâm tới nó. Tự nhiên sẽ cho bạn biết cách làm điều đó vào đúng lúc đúng chỗ, một cách rõ ràng và thích đáng.’
Thường thì, chẳng phải ta quá sợ hãi cái chết, hay thậm chí là cả quá trình chết, mà là ta chống lại việc sẽ mất đi những thứ tốt đẹp trong cuộc sống. Một số triết gia cho rằng việc chán ghét cái chết là hoàn toàn hợp lý nếu như bạn có một cuộc sống sung túc và không mong nó dừng lại. Chẳng hạn, Aristotle tin rằng bởi vì cái chết đồng nghĩa với việc ‘mất đi những điều tuyệt vời nhất,’ cuộc sống của một người càng thịnh vượng, thì người đó sẽ càng cảm thấy đau đớn hơn khi nghĩ về cái chết.
Simone de Beauvoir giải thích thêm về cảm nghĩ này trong cuốn tự truyện của mình khi bà viết, ‘Tôi suy nghĩ với một nỗi ưu phiền về tất cả những cuốn sách tội phạm học mà tôi đã từng đọc, về tất cả những nơi chốn mà tôi từng đặt chân tới, về tất cả những tri thức mà tôi từng tích lũy và rằng sẽ không còn nữa. Tất cả những bản nhạc, những bức họa, những nền văn hóa, những nơi chốn: và bỗng nhiên chẳng còn gì cả.’ Người bạn đời của bà, Jean-Paul Sartre, than thở về sự mất mát của tương lai, miêu tả cái chết như là ‘khả năng mà đối với tôi là không còn khả năng nào nữa cả.’
Vậy thì, lời khuyên ở đây là gì, nếu như chúng ta tin rằng cái chết là chấm hết trong khi ta vẫn còn khá gắn bó với cuộc đời? Khi đó, chuẩn bị cho cái chết có nghĩa là gì? Điều cần làm là hãy trau dồi sự hiểu biết rằng cái chết ‘không là gì ngoài một quá trình tự nhiên,’ như là Marcus Aurelius đã viết. ‘Đó cũng là một trong những điều mà tự nhiên đã định. Giống như tuổi trẻ và tuổi già. Giống như việc lớn lên và trưởng thành … Giống như tất cả những sự thay đổi vật lý ở mỗi giai đoạn của cuộc đời, sự phân rã của chúng ta cũng không hề ngoại lệ.’
Đây có vẻ như là một điểm nhỏ, nhưng nó có khả năng tạo nên một sự khác biệt lớn: một sự chấp nhận thực sự về tính hữu hạn, một cảm giác rằng sinh và tử là một phần của nhịp điệu tự nhiên của vạn vật, và sự nhận thức rằng chúng ta nên sử dụng quãng thời gian ngắn ngủi của mình trên Trái đất này theo cách trọn vẹn nhất mà ta có thể.
Đọc thêm:
Simon Critchley, The Book of Dead Philosophers (Granta, 2009)
Life: A User’s Manual by Julian Baggini & Antonia Macaro
[1] Socrates (470-399 TCN) là một triết gia thời Hy Lạp cổ đại và là người khởi nguồn chính cho tư tưởng phương Tây. Thông tin về cuộc đời ông ít được biết đến ngoài những ghi chép của chính những học trò, trong đó có triết gia vĩ đại Plato. Tư tưởng của ông đậm tính tôn giáo mặc dù ông chỉ trích các thần thoại Hy Lạp. Lời nói và những hành động của ông trong các tác phẩm như Apology, Crito, Phaedo, và Symposium đều cho thấy sự tôn trọng sâu sắc của ông đối với các phong tục tôn giáo của Athens và sự tôn kính chân thành với thần thánh. Tuy nhiên, ông quyết tâm tìm ra sự thật trong lời của nhà tiên tri. Trong suốt nhiều năm, ông đi khắp nơi và đặt câu hỏi cho những người có nổi tiếng là khôn ngoan và những người tự nhận mình là người khôn ngoan. Ông kết luận rằng đúng là ông khôn ngoan hơn họ, bởi vì ông có thể nhận thức được sự thiếu hiểu biết của mình, trong khi họ thì không.
Socrates là bậc thầy của phương pháp lập luận truy vấn (một hệ thống được sử dụng để tranh luận). Những tác phẩm của ông khiến ông có số lượng kẻ thù cũng nhiều như số người ngưỡng mộ. Chính sự kết hợp độc đáo giữa kỹ năng biện chứng (sử dụng logic và lập luận trong một cuộc tranh luận) với sức hấp dẫn mạnh mẽ của ông với những người trẻ đã khiến những đối thủ của ông có cơ hội đưa ông ra xét xử vào năm 399 TCN. Meletus, Lycon và Anytus là những kẻ buộc tội Socrates vô thần và làm hư hỏng giới trẻ của thành Athena. Ông bị kết án tử hình bằng cách uống thuốc độc. Tác phẩm Crito của Platon đã kể về những nỗ lực của Crito trong việc thuyết phục Socrates trốn khỏi nhà tù, nhưng trong một cuộc đối thoại của Socrates với Luật pháp Athena, ông đã bày tỏ sự tôn kính của mình với thành phố này và kiên quyết tuân theo luật pháp của nó ngay cả khi điều đó khiến ông phải chết. Trong tác phẩm Phaedo, Plato đã kể lại cuộc tranh luận của Socrates về sự bất tử của linh hồn. Kết thúc cuộc đối thoại, một trong những cảnh tượng xúc động và kịch tính nhất trong văn học cổ đại đã diễn ra – đó là cảnh Socrates nâng ly thuốc độc trong khi bạn bè ông ngồi xung quanh đầy bất lực. Trước khi tắt thở, Socrates vẫn không quên trăng trối với Crito bằng những lời hài hước: “Crito, tôi còn mắc nợ Asclepius một con gà trống, anh làm ơn trả giùm tôi được không?”.
Người dịch: Hương Đào
Theo tamlyhoctoipham.com