Trong khi các điểm mù thiên kiến khá quen thuộc với hầu hết mọi người, thì điểm điếc và điểm câm ít được nói đến hơn. Tuy nhiên, chúng đều có tác động mạnh mẽ như nhau đối với nhận thức, giao tiếp và ra quyết định của chúng ta .
Năm 1969, nhà phân tâm học Rudolf Ekstein đề xuất tích hợp quan sát và đối thoại với bệnh nhân để nâng cao chất lượng chẩn đoán. Ông xác định những điểm mù (không có khả năng nhìn ra tổng thể vấn đề), điểm điếc (không có khả năng nghe chính xác thông tin) và điểm câm (không có khả năng nói một cách cởi mở) là những lĩnh vực chính cần xem xét.
Những yếu tố này tạo thành cái mà gọi là "bộ ba tai hại", dẫn đến những sai sót về nhận thức nghiêm trọng của con người, từ kết án sai đến bỏ qua cảnh báo tội phạm khủng bố, chẩn đoán y tế sai cho đến tội phạm lừa đảo tài chính và còn nhiều ví dụ khác.
Điểm mù - khi ta chỉ nhìn thấy những gì trước mắt
Mỗi người đều mang trong mình những điểm mù tâm lý - những khoảng tối trong nhận thức mà chúng ta không nhận ra. Những điểm mù này là nguồn gốc của nhiều quyết định sai lầm, khi chúng ta chỉ dựa vào cái nhìn chủ quan và bị ảnh hưởng bởi các yếu tố vô thức như chuẩn mực xã hội, tình cảm, thậm chí là thời tiết.
Richard Thaler, người đoạt giải Nobel, đã chỉ ra rằng những yếu tố "không liên quan" này thực sự có sức ảnh hưởng mạnh mẽ đến hành vi của chúng ta. Một ngày nắng có thể khiến chúng ta chi tiêu nhiều hơn hay tâm trạng không tốt có thể khiến quyết định của chúng ta trở nên tiêu cực.
Daniel Kahneman mô tả điểm mù này qua khái niệm "những gì bạn thấy là những gì tồn tại" (WYSIATI), cho thấy chúng ta thường chỉ chú ý đến thông tin ngay trước mắt mà bỏ qua bức tranh lớn hơn. Điều này gây ra "tính hợp lý bị giới hạn" và "sự mù quáng vô ý" khi chúng ta quá tập trung vào chi tiết mà quên mất bối cảnh rộng lớn.
Nhận thức và vượt qua điểm mù thiên kiến là chìa khóa để cải thiện kỹ năng đưa ra quyết định. Khi chúng ta mở rộng góc nhìn và nhìn nhận mọi yếu tố có thể ảnh hưởng, chúng ta có thể hạn chế sai lầm và đạt được sự phán đoán chính xác hơn.
Điểm điếc - khi tai nghe nhưng lại chẳng lắng nghe
Chúng ta thường không nhận thức được hiện tượng "điểm điếc tâm lý", một lỗ hổng trong khả năng lắng nghe có thể làm méo mó thông tin và ảnh hưởng đến quyết định của chúng ta. Điểm điếc không chỉ nằm ở việc không nghe thấy, mà còn ở việc nghe theo những kỳ vọng và định kiến cá nhân, thậm chí khi không có bất cứ bằng chứng nào từ hiện thực.
Thí nghiệm của các nhà nghiên cứu Hà Lan với ca khúc "White Christmas" và white noise minh họa rõ ràng cho điểm điếc. 1/3 nhóm tham gia thí nghiệm tin rằng họ nghe thấy đoạn nhạc của bài hát "White Christmas" dù không hề có trong đoạn tiếng ồn trắng được nghe - bởi họ kỳ vọng nó sẽ xuất hiện. Hiện tượng này chỉ ra rằng chúng ta thường "nghe thấy" những gì mình mong đợi, không phải những gì thực sự đang được phát.
Trong cuộc sống hiện đại đầy rẫy hình ảnh, từ mạng xã hội đến phim ảnh, khả năng chúng ta bị "điếc không chú ý" tăng lên. Chúng ta dễ dàng bỏ lỡ những âm thanh quan trọng khi quá tập trung vào thị giác. Điều này tội phạm nguy hiểm hơn khi kết hợp với "định kiến xác nhận" và "chế độ mặc định tin là sự thật", khi chúng ta chỉ nghe những gì phù hợp với niềm tin sẵn có, bất chấp sự thật.
Hiểu rõ về điểm điếc tâm lý giúp chúng ta có thể lắng nghe toàn diện hơn, từ đó đưa ra những phán đoán và quyết định chính xác. Điều này đòi hỏi việc tập trung không chỉ vào những gì chúng ta thấy, mà còn cả những gì chúng ta nghe, vượt qua những kỳ vọng và định kiến để tiếp nhận thông tin một cách khách quan.
Điểm câm - khi sự im lặng gây hậu quả khôn lường
"Điểm câm" không chỉ là sự im lặng của người không muốn nói, mà còn là hiện tượng không thể phát ngôn do áp lực hoặc e ngại. Sự im lặng này đôi khi là kết quả của áp lực xã hội hoặc sợ hãi, và có thể gây hậu quả nghiêm trọng, từ việc bỏ qua hành vi không đúng mực đến không phát hiện gian lận.
Như trong trường hợp của hàng nghìn trẻ em bị lạm dụng trong các giáo phái tà đạo, nhiều nạn nhân đã im lặng hoặc bị ép buộc phải im lặng trong một thời gian dài. Sự im lặng này không chỉ xảy ra với cá nhân mà còn trong môi trường chuyên nghiệp, nơi sự thiếu can đảm nói lên sự thật có thể góp phần vào những sai phạm lớn.
Nghiên cứu về người tố cáo đã cho thấy, mặc dù 91% nhân viên bày tỏ ý định lên tiếng trước hành vi bắt nạt giả định, chỉ có 9% thực sự tìm hiểu cách làm điều này. Các công ty như Theranos, FTX và Boeing đã gánh chịu hậu quả nghiêm trọng từ sự im lặng của nhân viên.
Để khắc phục "điểm câm", cần có một môi trường mà mọi người cảm thấy an toàn và được khích lệ nói lên suy nghĩ của mình. Như Frederick Douglass nói, "Kìm hãm tự do ngôn luận là vi phạm quyền lợi của cả người nghe lẫn người nói." Đối mặt với "điểm câm" và khuyến khích một đối thoại mở cửa có thể giúp chúng ta tránh được những sai sót và đưa ra quyết định chính xác hơn.
Kết luận
Về bản chất, "bộ ba mù quáng" này nhấn mạnh sự phức tạp trong nhận thức, giao tiếp và ra quyết định của con người. Rõ ràng là những gì bạn thấy không phải là tất cả; những gì bạn nghe chưa chắc đã đầy đủ, và những gì bạn nói mới chỉ là một phần sự thật.
Tuy nhiên, bằng cách lắng nghe người khác và cân bằng lại những gì ta thấy với những gì ta nghe, chúng ta có thể đạt được khả năng phán đoán tốt hơn trong môi trường cá nhân và nghề nghiệp. Đã đến lúc cần điều chỉnh cách bạn quan sát, lắng nghe và chia sẻ thông tin.
Ái Vi dịch/phunuthudo
Nguồn:
The Trilogy of Errors: Hidden Influences on Your Decisions | Psychology Today
Theo tamlyhoctoipham.com