Tâm lý phòng vệ cảm xúc bằng cách phóng chiếu ý nghĩ của bản thân lên người khác: hành vi chỉ trích lỗi lầm của người khác, thậm chí còn luôn muốn “giúp” người khác chỉ ra điều gì sai và nên làm gì để khắc phục.
Họ đánh giá và soi mói những điều tiêu cực của người khác một cách đầy phẫn nộ. Họ nhìn người đó như một tấm gương phản chiếu chính nội tâm bên trong mình, họ đang chỉ trích những thứ luôn tồn tại bên trong họ, những thứ mà họ chán ghét ở bản thân.
Bên trong mỗi người đều được che chắn bởi những lớp tường thành mà họ tự dưng lên một cách vô thức hoặc có ý thức; nó chứa đựng những câu chuyện trong quá trình họ bắt đầu có suy nghĩ và cách nhìn nhận cuộc sống trong quá trình trưởng thành. Trong tâm lý học, nó gọi là cơ chế phòng vệ, mà chính người có những cơ chế này cũng không hề biết rằng những điều họ làm trong cuộc sống chính là đang giúp họ đối phó với những cảm xúc tiêu cực.Và mỗi một người đều có những cơ chế phòng vệ tâm lý khác nhau (Coping mechanism).
Nếu những người tốt, có hành vi tốt, là vì họ đã chọn những cơ chế phòng vệ tích cực hơn (Vaillant, 1971) hoặc tìm đến những phương pháp bảo vệ cảm xúc tốt hơn sau khi đã trải qua những tổn thương từ những vết thương cũ . Còn có những người vẫn luôn làm điều xấu, hãm hại người khác hay vô tình làm tổn thương người khác mà lại tự cho mình đúng, chính là họ đang không biết bên trong mình có những nỗi lo, nỗi tủi nhục không dám cho ai biết.
TẠI SAO NGƯỜI TA LẠI LUÔN CÓ XU HƯỚNG CHỈ TRÍCH VÀ CHÊ TRÁCH NGƯỜI KHÁC?
Theo nghiên cứu tâm lý về các cơ chế tự về từ lý thuyết của nhà tâm lý học Vailant, G. E. (2011), trong đó, projection hay sự phóng chiếu bao gồm một loạt những suy nghĩ và thái độ mà một người soi chiếu từ bản thân mình lên người khác. Có nhiều cách phóng chiếu khác nhau (nghĩ rằng người khác cũng nghĩ giống mình; nghĩ rằng người khác cũng làm được những điều giống mình,..). Tuy nhiên, ở bài viết này, mình sẽ tập trung vào sự phóng chiếu tiêu cực - là một trong những phương pháp một cá nhân thường quá để ý đến những điều xấu hoặc tiêu cực của người khác, nhằm tránh việc nhận ra đặc tính nào đó ở bản thân mà họ không thích hoặc không chấp nhận được trong vô thức.
Những ví dụ khác về sự phóng chiếu sang người khác có thể kể đến như:
- Một chàng trai đã có vợ nhưng bên trong cảm thấy thầm khen ngợi hoặc thậm chí là hơi “crush” đồng nghiệp ở chỗ làm, tuy nhiên, anh ta không thể tin và chấp nhận rằng mình đang có tình cảm với người khác ngoài vợ mình. Thế nên, khi vợ anh ta nói về một đồng nghiệp nam nào đó của cô ấy, anh ta sẽ dễ dàng trở nên ghen tị và dễ dàng buộc tội người vợ rằng đang thích anh đồng nghiệp kia.
Một nghiên cứu tâm lý từ Neal và Lemay từ Đại Học Maryland về vấn đề ghen tị và nghi ngờ trong tình yêu. Nghiên cứu được thực hiện trên khoảng 100 nam thanh nữ tú yêu nhau và tìm ra rằng: những người trả lời câu hỏi rằng: “bản thân họ có cảm tình hoặc đánh giá cao người khác giới khác” càng nhiều sẽ tỉ lệ thuận với số điểm mà họ nghi ngờ rằng người yêu họ cũng sẽ yêu thích và có cảm tình với người khác. Nói cách khác, những người có suy nghĩ “mờ ám” sẽ thường nghĩ rằng người yêu họ cũng có ý nghĩ mờ ám như mình, còn những người không nghĩ đến ai khác thường tin rằng đối phương cũng tương tự =]] (Note: đây chỉ là kết quả nghiên cứu dựa trên số lượng 100 người nên không thể đánh giá toàn bộ hàng tỉ người còn lại, mọi người đừng nghĩ rằng nghiên cứu này áp dụng lên tất cả mọi người nhé!)
Ngoài ra, trong tâm lý học còn có một điều gọi là “motivated cognition” - nhận thức có động cơ và có chọn lựa - là khi ta cố tình cho ra những kết luận về 1 vấn đề nào đó khiến ta cảm thấy tốt và thoải mái hơn (Madan, 2017). Trong trường hợp này, khi một người thấy có lỗi vì lỡ có cảm tình với người khác, hoặc thích nhìn ngắm một đối tượng khác giới nào khác - việc nghĩ rằng người yêu/bạn đời của mình cũng sẽ làm điều tương tự giúp họ cảm thấy bớt cảm giác có lỗi hơn.
- Một người đàn ông cảm thấy bản thân mình “không đủ nam tính” - hay cảm thấy không tự tin về tính nam của bản thân (ví dụ như thấy mình không có các đặc điểm mà “xã hội hay bảo” là của “đàn ông” như không cứng rắn, không mạnh mẽ, không tự tin, không sáng suốt,…) thì sẽ rất có xu hướng nói đểu và nói móc những người đàn ông khác rằng “đồ đàn bà” hay “đàn ông mà lại…”
- Một người mẹ luôn khiển trách con gái mình rằng: “sao con lại hay chen vào khi mẹ nói chuyện?” Hoặc “sao con dám ngắt lời mẹ?” Lại thường có xu hướng ngắt lời hoặc chen ngang khi con gái mình đang nói chuyện.
- Khi sếp nghi ngờ rằng liệu bạn có nói dối về thời gian bạn làm việc ở văn phòng hay số thời gian làm việc quá thời gian hay không? Trong khi chính ông ấy là người thường rời văn phòng sớm và chậm trễ deadlines.
- Khi bạn không thích một ai đó, bạn nghĩ rằng họ cũng không ưa gì bạn.
TẠI SAO NGƯỜI TA LẠI PHÓNG CHIẾU TÂM LÝ CỦA BẢN THÂN NHƯ VẬY?
Những người sử dụng cơ chế phòng vệ tâm lý này đem suy nghĩ tiêu cực và vấn đề của bản thân đẩy lên người khác để chối bỏ trách nhiệm với những điều tồn tại bên trong mình . Một khi đem những cảm giác khó chịu đó gắn lên người khác, họ như chối bỏ được một phần gánh nặng của bản thân, từ đó như được thở phào nhẹ nhỏm. Ví dụ như khi bên trong người đó rõ ràng đang cảm thấy mình nhút nhát, không dám làm một điều gì đó. Thay vì thay đổi bản thân hoặc nhận ra nét khuyết đó, họ sẽ nói những người khác rằng chính người đó mới là kẻ hèn nhát không dũng cảm.
Luôn có những tảng băng chìm ẩn sau sự chỉ trích của một người, ví dụ như: một ai đó có lẽ thích điều khiển người khác phải làm theo mình để đạt được cảm giác bản thân có khả năng làm gì đó, từ đó cảm nhận được giá trị bản thân; họ cảm thấy thiếu an toàn; không tự tin bên trong, họ thấy sợ hãi sự ưu tú của người khác;họ muốn tìm kiếm sự chú ý từ người bị chỉ trích nhưng họ biết họ không có khả năng đó - nên họ thấy chán ghét; họ cảm thấy hành vi của người khác làm họ tổn thương hoặc đe dọa cảm giác yên bình của họ.
Mỗi người chúng ta đều mang theo một số lượng cảm xúc từ quá khứ nhất định, có những câu chuyện mà ta thấu tỏ, có một số chuyện bị chôn vùi dưới tầng tầng vô thức.
Việc soi chiếu này có thể xảy ra ở bất cứ tình huống nào, và bất kì mối quan hệ nào trong cuộc sống nhằm bảo vệ lòng tự trọng của người đó. Họ phủ nhận những đặc điểm, những nét đặc trưng, những sự nhận dạng mà họ sợ hãi mình sẽ có, hoặc chán ghét nhưng lại luôn nhìn thấy nó ở những người khác. Giống như khi bạn quá để ý đến điều gì, bạn sẽ luôn nhìn thấy nó xuất hiện bên trong suy nghĩ.
Cơ chế phòng vệ phóng chiếu từ bản thân mình sang người khác được đề ra đầu tiên bởi nhà phân tâm học Sigmund Freud - rằng người ta nghĩ người khác có lỗi vì họ cảm thấy tội lỗi chính ở bên trong mình. Người ta đối phó với những cảm xúc không mong muốn và thái độ khó chịu, khó chấp nhận bằng cách nghĩ rằng những điều đó đến từ người khác ĐỂ BẢO VỆ CÁI TÔI (EGO) CỦA BẢN THÂN. Ta luôn nghĩ bố mẹ sẽ giận dữ và khó chịu với mình - bởi chính ta đang giữ thái độ hằn học và không thoải mái với họ!
Mỗi người chúng ta đều mang theo một số lượng cảm xúc từ quá khứ nhất định, có những câu chuyện mà ta thấu tỏ, có một số chuyện bị chôn vui dưới tầng tầng vô thức.
Giống như khi một ai đó luôn nhìn cuộc đời một màu tươi sáng, họ bỗng dưng thấy ở nơi đâu cũng đầy vầng sáng tích cực và lẽ sống. Nhưng nếu một người luôn nhìn thấy rằng bản thân mình vô dụng, xấu xí, xấu xa, hèn kém, họ sẽ đánh giá và nhìn nhận người khác giống hệt như một màu đen u tối đó. Khi một người không chấp nhận một điều gì đó tồn tại bên trong mình, ví dụ như sự ích kỷ. Họ lại không muốn phải nhìn nhận hoặc sửa đổi rằng mình vốn dĩ có bản tính ích kỷ và không quan tâm đến tâm trạng của người khác, họ không muốn nhận rằng họ chỉ quan tâm đến lợi ích của bản thân mình. Điều này khiến họ nhìn thấy và phát hiện ra một hành vi “ích kỷ” nào đó xuất phát từ người khác, và họ lên tiếng chỉ trích sự ích kỷ đó, họ chỉ trích như họ hiểu rất rõ những hành vi đó (thực ra là họ hiểu rõ).
Một nguyên nhân giải thích cho việc này chính là: những sai lầm, những hành vi sai trái của người khác khiến họ nhớ lại lỗi lầm của chính mình. Họ không thể tha thứ cho người khác những điều mà họ thậm chí không thể tha thứ cho chính mình. Nói cách khác, họ mang sự căm phẫn, chỉ trích lên người khác bởi vì nó khiến họ tạm thời quên mất sự chán ghét dành cho chính mình.
Tuy nhiên, ở những mức độ tương đối đơn giản và khi người nói không mang ý đồ gì (hoặc không hề biết ý đồ của mình), đôi khi lời nhận xét của một ai đó lên người khác thực ra vì họ không biết hoặc không thể tin rằng mình cũng sở hữu đặc tính đó [ nên không thể tính là đang bảo vệ “cái tôi” nếu chính họ cũng không biết tâm lý nào thúc đẩy họ chán ghét đặc tính đó ở người khác. Hoặc trong một vài trường hợp, một số người cũng có thể soi chiếu mặt tích cực của người khác, hoặc đôi khi sự nhận xét chỉ mang tính chất trong lập].
ẢNH HƯỞNG CỦA SỰ PHÓNG CHIẾU TÂM LÝ
Cũng giống như nhiều “tấm áo giáp” khác - cơ chế phòng vệ cũng được sử dụng như một “vũ khí bảo vệ” cho cảm xúc và sự bình thản trong tâm hồn của mỗi cá nhân. Việc chối bỏ những sự thật khó chịu và không thoải mái về bản thân, người ta sẽ dễ dàng đương đầu với căng thẳng, lo âu cũng như duy trì được lòng tự trọng và bao bọc được giá trị của bản thân.
Tuy nhiên, sự phóng chiếu này đôi khi lại gây ảnh hưởng lên các mối quan hệ nếu một cá nhân liên tục sử dụng việc chỉ trích, chế nhạo, ghen tị lên người khác. Hoặc như, các hành vi victim-blaming - tâm lý chỉ trích nạn nhân hay body-shaming - chê bai cơ thể người khác cũng khiến một người như đang tìm cách chối bỏ điều họ chán ghét lên những người xa lạ, như một cách không phải chịu trách nhiệm với bản thân mình. Ngoài ra, nhiều nghiên cứu cho thấy rằng những người thường xuyên sử dụng cơ chế phòng vệ tâm lý này thường có liên kết với các rối loạn nhân cách như rối loạn tính cách đường ranh giới, rối loạn tính cách ái kỷ, rối loạn tính cách kịch tính hay thái nhân cách (Cramer, 1999).
LÀM SAO ĐỂ NHẬN RA VÀ NGỪNG SỬ DỤNG CƠ CHẾ PHÒNG VỆ TÂM LÝ PHÓNG CHIẾU?
- Đầu tiên, điều này sẽ cần đến việc tự suy ngẫm và xem xét lại bản thân. Hãy tìm kiếm tâm hồn. Thử thành thật với chính mình, xem thử điều gì khiến bạn thấy mình yếu kém, điều gì khiến bạn tự ti, lo lắng và thiếu an toàn? Điều gì bạn không muốn người khác, và đặc điểm gì mà bạn không thích bản thân có nó?
- Xem xét hành vi của bản thân từ góc nhìn khách quan. “viewing yourself with detachment and curiosity, never judgment” - hãy chỉ ngắm nhìn tâm hồn mình với sự tò mò và mong muốn khám phá, nhưng đừng đánh giá nó” . Hãy thử xem liệu bạn có đang sử dụng những điều làm bạn lo lắng lên những người xung quanh mình hay không? Liệu bạn có nói những lời chỉ trích, nói móc, nói bóng gió lên bạn bè, gia đình, người yêu hay không? - Hãy cố đừng đánh giá bản thân trong quá trình bạn tìm hiểu và khám phá cơ chế phòng vệ của bản thân. Hãy trung thực nhìn nhận và đừng chần chừ trước những điều mà bạn sợ rằng bạn sẽ biết về bản thân.
Neal, A. M., & Lemay, E. P. (in press). The wandering eye perceives more threats: Projection of attraction to alternative partners predicts anger and negative behavior in romantic relationships. Journal of Social and Personal Relationships.
Baumeister, R. F., Dale, K., & Sommer, K. L. (1998). Freudian defense mechanisms and empirical findings in modern social psychology: Reaction formation, projection, displacement, undoing, isolation, sublimation, and denial. Journal of personality, 66(6), 1081-1124.
Cramer P. Personality, personality disorders, and defense mechanisms. J Pers. 1999;67(3):535-554. doi:10.1111/1467-6494.00064
Newman, L. S., Duff, K. J., & Baumeister, R. F. (1997). A new look at defensive projection: Thought suppression, accessibility, and biased person perception. Journal of personality and social psychology, 72(5), 980.
Robert, Burriss Ph.D (2018). Is Jealousy a Sign That Your Partner Will Be Unfaithful?.
Psychologytoday
Vaillant GE. Theoretical hierarchy of adaptive ego mechanisms. Arch Gen Psychiatry. 1971;24(2):107. doi:10.1001/archpsyc.1971.01750080
Christopher R. Madan; Motivated Cognition: Effects of Reward, Emotion, and Other Motivational Factors Across a Variety of Cognitive Domains. Collabra: Psychology 1 January 2017; 3 (1): 24. doi: https://doi.org/10.1525/collabra.111
Vinney (2021). What Is Projection as a Defense Mechanism?. Verywell Mind
Art by Henn Kim
Nguyễn Lê Hoài Thương, Psychological facts - Tâm lý học Việt Nam
Theo tamlyhoctoipham.com