Một trong mười tâm lý con người khó bỏ chính là “Hiệu ứng lồng chim”, hay còn gọi là “logic lồng chim”. Đó là một hiệu ứng tâm lý đặc biệt được phát hiện bởi nhà tâm lý học tài ba tên James.
Hiện ứng này rất thú vị. Sau khi lỡ mua một món đồ gì đó, người ta sẽ mua thêm nhiều thứ liên quan tới món đồ này. Chẳng hạn như ai đó có một cái lồng chim trống ở nhà, chỉ sau một thời gian họ sẽ mua chim về bỏ vào đó thay vì vứt cái lồng đi. Việc làm này như thể ta đang bị chiếc lồng vô hình giam cầm và tách biệt khỏi thế giới bên ngoài.
Năm 1907, James và bạn mình là nhà vật lý Carlson đã đặt cược. James nói rằng ông sẽ khiến cho Carlson nuôi một con chim còn ông bạn thì không tin và khẳng định mình chưa bao giờ nghĩ tới việc nuôi chim. Thế nhưng vào ngày sinh nhật của Carlson, James đã tặng ông một chiếc lồng chim tinh xảo.
Tuy Carlson chỉ coi nó như một món đồ thủ công mỹ nghệ, khách tới nhà ông luôn tò mò về cái lồng chim trống trơn bên bàn làm việc. Họ hỏi con chim của ông đã chết rồi hay sao khiến Carlson phải giải thích hết lần này tới lần khác rằng ông chưa bao giờ nuôi chim. Dù vậy, nhiều vị khách vẫn tỏ ra bối rối và nghi ngờ câu trả lời của ông. Cuối cùng để khỏi phải giải thích liên tục, Carlson đã mua một con chim về.
Thậm chí ngay cả khi không có ai hỏi hay cần giải thích, “hiệu ứng lồng chim” vẫn sẽ gây áp lực tâm lý khiến người ta chủ động mua chim về để cho hợp với chiếc lồng hơn. Vậy nên hiệu ứng tâm lý mà James phát hiện là có cơ sở.
Trên thực tế, việc thường xuyên phải phân bua về cái lồng chim khiến Carlson quá mệt mỏi nên ông đã mua một con chim về mặc dù ban đầu ông không định làm vậy. Ắt hẳn việc có chim trong lồng sẽ giải đáp được thắc mắc của nhiều người và đỡ tốn thời gian giải thích hơn, vậy tại sao Carlson không vứt cái lồng đi? Chẳng phải đó là cách nhanh hơn sao? Hay giống những lúc con người khép cửa lòng mình lại và khoá chặt nó, hệt như một chiếc lồng chim trống trải, nhưng rồi vẫn vô thức muốn được lấp đầy khoảng trống ấy. Những ví dụ trên đã cho thấy rằng “hiệu ứng lồng chim” là một hiệu ứng tâm lý đáng suy ngẫm.
“Hiệu ứng lồng chim” luôn ở quanh ta
Cái “lồng chim” ấy có thể là lời nói của người khác hoặc những món quà họ tặng bạn. Nó cũng có thể là bất cứ thứ gì bạn mua hay suy nghĩ của chính bạn, vân vân…
Ví dụ như khi bạn mới mua một đôi giày có phong cách mới lạ, bạn sẽ sắm váy, túi xách rồi mỹ phẩm mới cho hợp gu đôi giày ấy. Trong tình huống này, đôi giày chính là cái “lồng chim” khiến bạn kẹt trong cái vòng luẩn quẩn của việc tiêu tiền. Hoặc khi bạn được tặng một bó hoa, bạn chợt nhớ ra không có bình hoa ở nhà. Sau đó bạn đi mua bình, nhưng rồi bạn thấy cái khăn trải bàn và cái bình không hợp nhau. Bạn tiếp tục mua cái khăn mới, nhưng mua xong bạn lại thấy nó chẳng hợp so với thiết kế của căn phòng.
Nhưng bạn chưa bao giờ nghĩ rằng bó hoa ấy có thể héo trong vài ngày nên bạn vứt nó đi. Bạn chẳng nghĩ tới việc thay cái bình hoa này mà lại đi thay đổi toàn bộ cách trang trí phòng để rồi mọi thứ cứ quanh đi quẩn lại chuyện có hợp với bó hoa hay không.
“Hiệu ứng lồng chim” không hoàn toàn tốt hay xấu mà nó phụ thuộc vào mỗi người, chỉ là chúng ta thường xuyên bị kẹt trong chiếc lồng ấy mà không hề hay biết. Như người đời đã nói, chỉ kẻ ngoài cuộc có thể nhìn nhận vấn đề một cách khách quan, điều mà những người trong cuộc không làm được.
Cái lồng chim vô hình ấy luôn hiện hữu và tượng trưng cho những bí ẩn trong cuộc sống chúng ta, vậy nên nhiều lúc ta cũng vô tình trói buộc cuộc đời mình sau chiếc lồng ấy cho an toàn. Nhưng cách làm này chẳng khác việc uống thuốc độc để làm dịu cơn khát là bao. Nó không những không giúp chúng ta vượt lên nỗi sợ hãi mà còn khiến ta mắc kẹt trong cái vòng luẩn quẩn ấy lâu hơn và đảo lộn cuộc sống của mình.
Làm thế nào để tránh ảnh hưởng xấu của “hiệu ứng lồng chim”?
Bạn có thể áp dụng ba phương pháp sau để giúp bản thân hoặc người khác thoát khỏi cái “lồng chim” ấy:
- Tránh tư duy một chiều
Nghiên cứu tâm lý học nhận thức đã chỉ ra rằng chúng ta khó có thể hiểu được các mối quan hệ phi tuyến tính bởi bộ não của con người thường suy nghĩ một chiều và nhìn nhận vấn đề theo logic đường thẳng dựa trên bản năng. Cách tư duy phổ biến này được gọi là “tư duy tuyến tính”. Tuy nhiên trong lối tư duy này, chúng ta hay bị cảm xúc chi phối mà lờ đi những gì mình thực sự muốn cho dù nó có phù hợp hoặc có kết quả như mong muốn hay không.
Cách tư duy này cũng chú trọng vào bản chất của sự vật và hiện tượng. Vậy nên để tránh bị “hiệu ứng lồng chim” ảnh hưởng, chúng ta đừng suy nghĩ một chiều mà hãy xem xét và đánh giá vấn đề dưới nhiều góc độ khác nhau một cách có hệ thống rồi từ đó mới đưa ra quyết định cuối cùng. Lối tư duy ấy còn được gọi là tư duy theo “phương pháp luận”.
Ngoài ra, trước khi làm một việc gì đó bạn nên suy xét xem mình muốn đạt được kết quả như thế nào, rồi sau đó mới vạch ra hướng đi phù hợp để tiến tới mục tiêu đề ra thay vì đâm đầu vào một cách mù quáng.
- Hãy bứt phá
Thông thường, bạn sẽ có hai lựa chọn khi được người khác tặng quà hay bạn không biết trả lại cái “lồng chim” ở đâu: mua con chim về nuôi trong lồng hoặc vứt cái lồng đi. Hầu hết mọi người sẽ chọn cách đầu tiên bởi nếu làm mất cái lồng chim thì họ sẽ cảm thấy thiếu thiếu cái gì đó, còn nếu từ chối người khác thì lại thấy mình có vẻ quá đáng.
Nếu có thứ gì đó không cần và không phù hợp với bạn, hãy dũng cảm rũ bỏ nó và cả chiếc “lồng chim” đang kìm kẹp bạn.
- Kiểm soát “ham muốn” của mình
Trong thế giới hiện đại, đi đôi với nhịp sống hối hả và sự phồn vinh là lợi nhuận. Ai ai cũng muốn thức khuya làm việc ngoài giờ để kiếm thêm thu nhập rồi sắm sửa nhiều thứ cao cấp hơn những gì mình có. Thế nhưng khi bị hỏi tại sao họ lại làm vậy, có lẽ chẳng mấy ai trả lời được.
Để có một cuộc sống hạnh phúc hơn, chúng ta nên xử lý những vấn đề gặp phải sao cho hợp tình hợp lý thay vì bày vẽ cồng kềnh. Hãy sống và suy nghĩ đơn giản hơn. Dành chút thời gian để phát triển bản thân. Đừng nghĩ ngợi nhiều rồi chi tiêu thái quá vào những thứ bạn không thể chi trả hết ngay bây giờ. Tôi cũng cố gắng trau dồi bản thân nhiều hơn bởi tôi biết rằng để có được tầm nhìn xa trông rộng cũng không phải dễ dàng gì.
[Tâm lý học của Hee Hwan]
“Hiệu ứng lồng chim” là một trong những cơ chế tâm lý con người khó bỏ nhất. Nhiều lúc sự hoang mang của bản thân khiến chúng ta vô cùng mệt mỏi. Chẳng hạn như bạn rất lo lắng nhỡ xảy ra vấn đề gì đó trong tương lai thì phải xử trí ra sao hay tránh nó như thế nào, nhưng trên thực tế hầu hết sự lo âu đó không giúp bạn gỡ rối mà còn làm bạn đau đầu hơn.
Hãy can đảm sống thật với bản thân khi đối mặt với giông bão của cuộc đời. Tôi không quá ngoan cường đương đầu với nó nhưng cũng chẳng quá ung dung. Tôi hy vọng rằng chúng ta sẽ không bị kìm kẹp mãi trong chiếc “lồng chim” ấy - hãy giảm thiểu những việc không cần thiết và xử lý tốt những tác động tiêu cực xung quanh mình mới thực sự giúp ích cho bạn.
Hiệu ứng lồng chim được mô tả chi tiết hơn trong cuốn sách tội phạm học "Định luật Peter - Những quy luật tâm lý thao túng suy nghĩ và hành động của chúng ta"
Link đọc thử: https://bizbooks.vn/doc-thu/dinh-luat-peter-6099.html
Mời bạn đặt sách tội phạm học tại: https://shope.ee/1LEnFmWb0F
Theo tamlyhoctoipham.com