Việc thường xuyên "hỏi thăm" về tâm lý có thể tạo ra tư duy có hại cho người trẻ, những người cần học cách kiểm soát và đôi khi là lờ luôn những cảm xúc thay đổi liên tục của mình.
Đi chơi với các gia đình có trẻ con một lần, bạn có thể thường xuyên nghe cha mẹ hỏi xem con ăn kem có vui không, có thích tới trường ngày hôm sau không hay có thấy thoải mái khi ở công viên. Rất nhiều câu hỏi của cha mẹ với trẻ giờ là chúng cảm giác thế nào. Tín hiệu với đứa trẻ là: niềm vui của con là tối thượng, đó là điều chúng ta theo đuổi khi sống.
Theo tác giả Abigail Shrier, người mới ra cuốn sách tội phạm học Bad Therapy: Why the Kids Aren't Growing Up (Trị liệu có hại: Vì sao lũ trẻ mãi không lớn), chúng ta đang làm ngược. Các nhà nghiên cứu về tâm lý học khuyên, nếu muốn bọn trẻ vui, hạnh phúc thì tốt nhất không nên truyền thông điệp cho trẻ con rằng vui vẻ, hạnh phúc là điều tối thượng. Vì nếu càng quyết liệt tìm kiếm hạnh phúc, chúng ta càng dễ thất vọng, bất chấp điều kiện của chúng ta thế nào.
Ảnh: Sam Falconer / theiSpot
Cảm xúc không đáng tin
"Chúng ta biết rằng càng theo đuổi tâm lý tích cực cho bản thân thì điều này càng đi kèm với năng lực tâm lý kém - điều có thể dẫn tới các triệu chứng trầm cảm - Yulia Chentsova Dutton, lãnh đạo phòng nghiên cứu văn hóa và cảm xúc ở Đại học Georgetown, nói với Wall Street Journal - Cảm xúc phản ứng rất nhạy khi chúng ta chú ý tới chúng. Một số sự chú ý tới cảm xúc, tập trung vào cảm xúc, thực ra có thể gây thêm căng thẳng".
Các nhà trị liệu, thầy cô và phụ huynh ở Mỹ dường như vẫn tin rằng việc hỏi thăm tình hình tâm lý của trẻ thường xuyên là vô hại và hữu ích giống như việc kẹp nhiệt kế cho con. Nhưng Dutton, người nghiên cứu về kiểm soát cảm xúc của người trẻ ở Mỹ, Đông Á, Tây Phi và Nga, cảnh báo rằng việc khuyến khích trẻ, đặc biệt là các trẻ có vấn đề, chú ý quá nhiều tới cảm xúc của mình sẽ phản tác dụng.
Nghiên cứu của cô cho thấy cảm xúc rất dễ bị tác động và thao túng. Điều này dẫn tới cảm xúc của chúng ta không đáng tin khi cần đánh giá điều gì đúng hay sai. Cách chúng ta hỏi thăm trẻ thường xuyên dẫn tới một thông điệp ngược.
"Về cơ bản chúng ta nói với trẻ là các tín hiệu cảm xúc rất không chính xác kia là đáng tin và đáng được theo dõi… và dùng nó để dẫn dắt hành vi của mình, dùng nó để phản ứng trong các tình huống", Dutton nói.
Dạy con tập trung nhiều quá vào việc trẻ phải hạnh phúc
Nguyên nhân gốc rễ của việc này theo bà Shrier là việc bỏ cách dạy con truyền thống (nhiều phần áp chế) và theo thiên hướng của thế hệ X là cổ xúy các liệu pháp thần kinh.
"Việc dạy con thành công giờ chỉ tập trung vào hệ số duy nhất: trẻ con lúc nào cũng phải hạnh phúc - bà viết - Tuổi thơ lý tưởng nên là không đau đớn, không có gì khó chịu, không đánh nhau, không thất bại - và tuyệt đối không dấu vết gì của sang chấn". Và khi dạy con có vấn đề thì rất nhiều cha mẹ vội lao vào các liệu pháp chữa trị thần kinh từ kiểm tra, chẩn đoán cho tới chữa trị.
Theo tạp chí Slate, việc đề cao quá các khó chịu của trẻ vừa hạn chế khả năng giúp chúng tự độc lập với cuộc sống của mình, dám đón nhận các rủi ro có thể tạo ra đột phá không phải điều mới. Nhà tâm lý học lâm sàng Wendy Mogel hơn 20 năm trước cũng từng viết cuốn sách tội phạm học The Blessing of a Skinned Knee (May mắn khi xước da đùi) nói về việc nên để cho trẻ tự đối mặt với các thách thức.
"Hỏi người nào đó 'bạn cảm thấy thế nào?' thường dẫn tới những cảm xúc tiêu cực. Bạn không nên làm vậy" - Michael Linden, chuyên gia về rối loạn cảm xúc và giáo sư tâm lý tại đại học ở Bệnh viện Charité của Berlin, nói. Vì sao? "Không ai cảm giác tốt hết cả - ông giải thích - Không bao giờ. Ngồi xe buýt và cứ nhìn người nào đối diện coi. Họ không vui. Hạnh phúc không phải là cảm xúc mỗi ngày".
Theo ông Linden, khi nhìn lại đời sống mỗi ngày, có thể thấy cảm giác hạnh phúc là khá hiếm. Chúng ta phần lớn trong ngày chỉ "OK", cố gắng phớt lờ các cảm giác hơi mệt, xác xơ, tức giận, stress, khó chịu hay đau, để cố gắng làm việc và làm các trách nhiệm của mình.
Một ví dụ, khi ông Linden chen ngang câu phỏng vấn của bà Abigail Shrier và hỏi bà cảm thấy thế nào, bà muốn nói là "tốt" nhưng ông ngay lập tức nhảy vào: "Không, bạn không thấy vui lúc này. Bạn đang tập trung vào bài phỏng vấn".
"Ông ta đúng. Lúc đó là 5h sáng giờ California và tôi không phải người dậy sớm. Tôi đặc biệt biết có 3 đứa trẻ ngủ tầng trên và bất cứ lúc nào cũng có thể dậy và chen ngang buổi phỏng vấn. Tôi chưa uống ly cà phê sáng và tôi không thích khuôn mặt mệt mỏi của mình trên camera. Linden trông thoải mái trong chiếc áo len màu cừu trong khi tôi xanh xao và mệt mỏi, cố gắng tỏ ra là tập trung để nghe những gì ông ta nói bằng cái giọng rất nặng. Nên không "vui vẻ". Và khi biết về cảm xúc của tôi thì lại càng làm dấy lên những cảm giác tiêu cực", bà Abigail Shrier viết.
Các nghiên cứu chỉ ra rằng người lớn càng muốn đề cao hạnh phúc thì họ lại càng không vui vẻ. Một nghiên cứu năm 2019 của Journal of Applied Development Psychology (tạp chí về tâm lý học phát triển ứng dụng) cho thấy các thanh niên đồng ý với lựa chọn "kể cả khi thấy vui vẻ, tôi vẫn muốn vui vẻ hơn" thì thường có các dấu hiệu của trầm cảm.
Thiên hướng hành động sẽ tốt hơn
Việc hỏi trẻ liên tục là chúng cảm thấy thế nào còn nhiều tác hại nữa. Đặc biệt là khả năng tinh thần để chống chọi với các khó khăn trong cuộc sống.
Các nhà tâm lý học quan sát rằng những người có "thiên hướng hành động" thường có khả năng tập trung vào nhiệm vụ mà không bị phân tâm bởi những suy nghĩ về cảm xúc hiện tại hay trạng thái của mình.
Những người có "thiên hướng về trạng thái của bản thân" thì thường nghĩ nhiều về bản thân hơn: họ đã sẵn sàng chưa, cảm giác căng cổ hay cái email họ quên chưa trả lời. Không ngạc nhiên khi những người "hành động" thường dễ hoàn thành công việc của mình hơn.
"Những người quan tâm quá vào trạng thái của bản thân thường vướng rào cản để có thể thành công", ông Linden nói. Không huấn luyện viên giỏi nào nói với cầu thủ của mình dựa vào cảm xúc để thi đấu tiếp sau giờ giữa hiệp.
Thực tế, các nghiên cứu chỉ ra những người luôn để ý coi mình cảm thấy thế nào không chỉ khó khăn trong hoàn thành công việc mà còn gặp khó trong kiểm soát bản thân như có tỉ lệ uống rượu cao hơn và không kiểm soát được ăn uống.
Nghiên cứu trên tạp chí Journal of Personality năm 2020 cho thấy những người có khả năng loại cảm xúc tức giận sang một bên thường dễ dàng tiếp tục chơi game trên máy tính sau khi bị chặn ngang bất chợt so với những người còn mải miết theo đuổi những suy nghĩ khó chịu trong đầu.
"Thay vì liên tục hỏi con mình về chuyện đang cảm thấy thế nào, người lớn nên nói với chúng rằng cảm xúc thường không hoàn hảo và không đáng tin thế nào. Điều này giúp chúng nhận ra các cảm xúc ghen tị, tức giận, mê đắm bất chợt hiếm khi phản ánh bức tranh đầy đủ về thế giới và đôi khi các cảm xúc đó cần được lờ đi", bà Shrier viết.
Đời sống cảm xúc lành mạnh cần một sự kiềm chế cảm xúc nhất định. Đứa trẻ làm sao có thể học mỗi ngày nếu không biết vượt qua các cảm xúc buồn đau và tập trung vào bài học trước mắt? Làm thế nào có thể trở thành bạn tốt nếu luôn để cảm xúc lên trên hết? Làm thế nào trẻ con có thể thành công trong công việc? Sẽ không thể nếu để cảm xúc chi phối mình.
Theo bà Shrier, thay vì ám ảnh với câu chuyện trẻ có vui vẻ, hạnh phúc không khiến chúng đề cao quá mức cảm xúc của mình, chúng ta nên khuyến khích chúng đặt ra các mục tiêu và chấp nhận rủi ro một số việc. Thế giới bên ngoài là sự phân tâm phù hợp cho những biến động của tuổi mới lớn - nó có thể chính là giải pháp cho những biến động này.
Ý tưởng rằng trẻ con cần thêm các trị liệu tâm lý được nhiều người ủng hộ khi nước Mỹ dường như đang trải qua khủng hoảng về sức khỏe tâm lý của trẻ. Theo dữ liệu bà Shrier thu thập, hiện 1/6 trẻ từ 2-8 tuổi của nước này được chẩn đoán có rối loạn thần kinh, hành vi hoặc phát triển. Một chuyên gia bà phỏng vấn nói nếu người trẻ có cảm giác xấu về bệnh vậy thì họ rất dễ tìm tới các loại thuốc để giải tỏa.
Theo QUÂN ANH
Tuổi trẻ Cuối tuần
Theo tamlyhoctoipham.com