Người dịch: Hương Đào
Một số thời điểm đỉnh cao trong cuộc đời chúng ta là những khoảnh khắc gắn liền với các cảm xúc mãnh liệt: lần đầu tiên ta ẵm trên tay đứa con mới chào đời, chứng kiến sự cao trào của một trận đấu thể thao tuyệt vời, chinh phục một ngọn núi. Cuộc sống sẽ buồn tẻ hơn rất nhiều nếu thiếu đi những khoảnh khắc đó.
Nhưng đôi khi các cảm giác và cảm xúc (ở đây hai thuật ngữ này có thể được sử dụng thay thế cho nhau) không khiến cho cuộc sống của chúng ta trở nên dễ dàng hơn. Chúng ta thường cảm thấy bị bóp nghẹt trong những cảm xúc khó chịu mà ta không biết làm thế nào để thay đổi chúng, chẳng hạn như ghen tuông và hối hận. Hoặc, ta thường hành động hấp tấp dựa trên một cảm giác mà đáng lý ra ta nên cảnh giác hơn trước nó, như khi ta kết hôn với người mà ta gần như không biết rõ, hoặc trút cơn thịnh nộ lên đầu một người mà ta cho rằng mang tội nhưng hóa ra người ấy lại vô tội.

Thật kì lạ làm sao khi sự việc lại diễn ra theo cách này – theo một nghĩa nào đó. Các cảm xúc được cho rằng đã tiến hóa để khiến cho cuộc sống trở nên dễ dàng hơn, vì chúng cảnh báo về những điều có thể ảnh hưởng tới chúng ta – và triển vọng sinh sản của chúng ta – theo hướng tốt hơn hoặc tệ hơn. Những cảm xúc dễ chịu thu hút chúng ta tới những điều hứa hẹn là sẽ tốt đẹp như thức ăn giàu năng lượng và người bạn tình tiềm năng, trong khi những cảm xúc khó chịu khiến ta tránh xa những thứ có thể gây hại, như là thức ăn ôi thiu hay bạn tình tệ hại.
Nhưng sự tiến hóa của con người đã trải qua một chặng đường dài và các cảm xúc giờ đây không còn đáng tin cậy nữa. Có nên tin tưởng vào một dục vọng thúc đẩy ta ngoại tình hoặc nỗi sợ hãi khiến ta rút lui khỏi một thử thách hay không? Bất chấp niềm tin phổ biến rằng chúng ta nên ‘tin vào cảm giác của mình,’ các cảm xúc của chúng ta thực sự đã thúc đẩy rất nhiều hành động ngớ ngẩn.
Có lẽ, thật khó để có thể biết rằng khi nào thì nên tin vào các cảm xúc và khi nào thì nên thận trọng trước chúng. Để học cách kiểm soát chúng một cách tốt nhất, sẽ thật hữu ích khi ta hiểu rõ hơn về chúng. Cái danh từ ‘cảm xúc’ đơn giản ấy có thể đánh lừa chúng ta trong việc nghĩ rằng nó đề cập đến một điều đơn giản, duy nhất. Thực ra, nó giống như một tập hợp của những hiện tượng gối lên nhau hơn, mà thường bao gồm một phản ứng sinh lý (chẳng hạn thay đổi nhịp tim, tức ngực, tiêu chảy), một đánh giá mang tính nhận thức (đánh giá như tốt hoặc xấu, an toàn hoặc tội phạm nguy hiểm), một ‘cảm giác,’ và một hành vi, hoặc ít nhất là xu hướng hành động theo một cách nào đó (bỏ chạy, khóc, vòng tay ôm lấy ai đó). Không phải tất cả những điều này đều xuất hiện trong mọi cảm xúc, và chúng có thể diễn ra theo những mức độ khác nhau. Một số cảm xúc có cảm giác cơ thể mạnh mẽ, một số lại hoàn toàn không có cảm giác đó, và có thể có hoặc không biểu hiện hành vi. Khi các cảm xúc khá lộn xộn, chúng sẽ chồng chéo với tâm trạng, mà thường là một thứ mơ hồ hơn. Hơn thế nữa, các cảm xúc, đặc biệt là những cảm xúc mang khía cạnh xã hội, chẳng hạn như sự hổ thẹn, có thể ít nhiều thay đổi theo yếu tố văn hóa.
Một số triết gia đã nhấn mạnh khía cạnh nhận thức của các cảm xúc. Chẳng hạn như, các nhà Khắc kỷ xem chúng là sự đánh giá về mặt giá trị. Họ đã thấy đúng rằng một cảm xúc dễ chịu chứa đựng sự đánh giá rằng một điều gì đó trên thế giới này là tốt và đáng có, một cảm xúc khó chịu là sự đánh giá rằng một điều gì đó là xấu và nên tránh xa. Nhưng một phán đoán mang nặng cảm xúc không nhất thiết phải là một niềm tin chính thức và rõ ràng: nó có thể chỉ đơn giản là sự đánh giá ban đầu, sơ sài về ý nghĩa của một sự kiện đối với chúng ta và hạnh phúc của chúng ta.
Những người khác lại nhấn mạnh về mặt sinh lý của cảm xúc. William James cho rằng cảm xúc là nhận thức của chúng ta về một phản ứng của cơ thể. Ví dụ, chạm trán với một con gấu trong rừng không phải là vấn đề chúng ta hoảng sợ và rồi vã mồ hôi như tắm. Thay vì thế, việc nhận ra con gấu đã dẫn tới những thay đổi nhất định trong cơ thể: hạch hạnh nhân kích thích vùng dưới đồi kích hoạt tuyến yên, nơi tiết ra hormone vỏ thượng thận vào máu. Nhịp thở của chúng ta tăng lên, các mạch máu trên da co lại và các cơ căng lên, khiến cho chúng ta nổi da gà và dựng tóc gáy. Nhận thức của chúng ta về những thay đổi này là thứ mà ta gọi là sự sợ hãi. Cơ thể thay đổi trước tiên, theo sau đó là trải nghiệm chủ quan. Chúng ta không khóc bởi vì ta buồn mà ta cảm thấy buồn bởi vì ta khóc.
Cả hai học thuyết này đều có vấn đề nhưng chúng cũng chứa đựng những phần cốt lõi của sự thật mà chúng ta có thể học hỏi từ đó. Đầu tiên, bởi vì một cảm xúc chứa đựng thành phần nhận thức, chúng ta có thể cố gắng tìm hiểu xem cảm xúc ấy là thật hay chỉ là ảo giác, liệu chúng ta có nên tin vào nó hay không. Ở đây, ta có thể liên hệ tới Aristotle, người biết rằng chúng ta có thể hiểu sai về cảm xúc. Khi viết về lòng dũng cảm, ông giải thích: ‘Một kiểu sai lầm trong sợ hãi là sợ sai đối tượng, một sai lầm khác là sợ sai cách, một sai lầm khác nữa là sợ không đúng lúc v.v.’
Điều này gợi ý về loại câu hỏi mà chúng ta có thể hỏi bản thân: cái cảm xúc ta đang cảm nhận vào lúc này có phải là về đúng việc, theo đúng cách, vào đúng thời điểm hay không? Việc nhận ra rằng cảm xúc đang sai lạc không có nghĩa là nó sẽ được tự động được điều chỉnh lại cho đúng, nhưng sự nhận biết ấy có thể khiến cho cảm xúc đó trở nên dễ hiểu và dễ đối phó hơn.
Bởi vì các cảm xúc cũng có những yếu tố cơ thể và hành vi, nên đôi khi tốt hơn cả là nên xác định các yếu tố này trước tiên. Chẳng hạn, vào những thời điểm cảm thấy lo lắng tột độ, việc xoa dịu bản thân qua những kỹ thuật thở có thể sẽ hiệu quả hơn so với việc tự hỏi bản thân rằng ta có thật sự cần phải lo lắng hay không. Những cảm xúc khác nhau có thể sẽ cần đến những cách tiếp cận khác nhau. Nhưng Aristotle đã đúng về nguyên tắc chung: chúng ta không nên kìm nén hay tán dương chúng một cách vô cớ. Thay vì vậy, ta nên cật vấn về chúng và hệ giá trị mà từ đó chúng đã được hình thành, và nếu cần thiết, hãy hành động để điều chỉnh cách ta phản ứng với chúng. Điều này thật chẳng dễ dàng gì. Nhưng lại là cần thiết, bởi vì nếu như ta quá vội vàng ‘tin vào cảm xúc của mình,’ có lẽ ta rốt cuộc sẽ hành xử theo những cách đi ngược lại với các giá trị mà ta sẽ tán thành nhất trong những thời điểm ta suy xét bình tĩnh hơn.
Đọc thêm:
William James, The Principles of Psychology (1890)
Theo tamlyhoctoipham.com