Nếu một đứa trẻ sơ sinh không ích kỷ, nó khó mà sống nổi. Ai từng có trẻ con trong nhà đều hiểu, lúc đói hay trong người không khỏe như bị ốm sốt, bọn trẻ thường sẽ khóc nhiễu. Nhưng quan trọng là, thời điểm ấy chúng chẳng thèm để ý đến việc người lớn có mệt hay không, có đang là nửa đêm hay không. Rõ ràng là chúng không mảy may để tâm. Bởi vì lúc ấy, chúng đang trong giai đoạn “ích kỷ” và chỉ yêu bản thân mình. Khi đứa trẻ lớn hơn một chút, nhìn thấy người lớn ăn gì đó, chúng sẽ làm gì? Dù vẫn chưa tập nói, chưa biết đi nhưng bọn trẻ đã biết cách giật đồ ăn trong tay người lớn. Trẻ con ở giai đoạn này chưa từng trải qua sự nhào nặn và trau chuốt của thế giới bên ngoài, song dựa vào bản tính tồn tại của một cá thể, chúng sẽ dành toàn bộ tâm huyết để nghĩ cách làm thế nào đạt được nhu cầu của bản thân.
Con người dựa vào gen ích kỷ để hoàn thành quá trình tiến hóa: khỏe thì thắng yếu thì loại. Từ góc độ thuyết tiến hóa, giả sử tổ tiên của chúng ta không ích kỷ, không nghĩ đến vấn đề sinh tồn của bản thân trước, thì trong sự cạnh tranh sinh tồn khốc liệt, xác suất tồn tại của chúng ta sẽ càng thấp. Loài người chúng ta có thể sống tiếp và đứng ở chóp đỉnh của giới tự nhiên, “gen ích kỷ” trời sinh trong mỗi cá thể người hoàn toàn có tác dụng mang tính quyết định. Nhưng thuận theo sự phát triển của nền văn minh nhân loại, chúng ta có thể thấy được trên người mỗi cá nhân toát ra những phẩm chất tốt đẹp như hy sinh, lương thiện, thương người như thể thương thân,… Song, chúng ta không thể nói rằng gen ích kỷ của con người đã tiến hóa lùi.
Trên thực tế, dưới sự dẫn dắt của văn minh, có nhiều người dầu mang trong mình gen ích kỷ nhưng vẫn có thể trở thành người tốt, người thiện lành. Trên đời này, không ai là không ích kỷ, không ai là không thể trở thành người tốt. Ngược lại, dù là người vô tư tốt tính đến mấy thì trong cốt tủy của họ cũng ẩn chứa một hạt mầm ích kỷ.
Ích kỷ có nghĩa là gì? Tức mỗi người đều sẽ lựa chọn những điều có lợi nhất cho chính mình, nhưng “cái lợi” chắc chắn không chỉ thể hiện ở phương diện tiền tài mà bao hàm cả nhu cầu tinh thần, tín ngưỡng,… Dù là khi bạn làm một việc gì đó chỉ vì nó mang lại niềm vui cho bản thân, thì cũng tính là một kiểu ích kỷ, bởi lẽ bạn đang làm nó vì chính mình. Do đó, trên phương diện thỏa mãn cảm xúc, bạn là “kẻ ích kỷ”, nếu như làm một việc khiến cho bạn thấy đau khổ, trăm phần trăm bạn sẽ không cam tâm thực hiện.
Chúng ta không thể phủ định sự vĩ đại của tình yêu từ cha mẹ, nhưng cũng không thể bỏ qua sự tồn tại của gen ích kỷ trong thứ tình cảm này. Ví như, tại sao cha mẹ đối xử với con cái của mình tốt hơn con nhà người khác? Tại sao cha mẹ thường tốt với con cái hơn là cha mẹ của mình? Tại sao lại nói “nuôi con dưỡng lão”? Hoặc là bạn có từng nghe cha mẹ dạy rằng “con phải cố gắng học hành để sau này làm rạng danh gia đình dòng họ” chưa?
Trên thực tế, gốc rễ đằng sau những mối quan hệ chính là giá trị trao đổi, nhưng điều mà chúng ta chú ý là, “giá trị” có thể là giá trị vật chất ở phương diện đời sống thế tục, cũng có thể là giá trị tâm lý ở phương diện tinh thần. Rất nhiều bậc phụ huynh trong quá trình nuôi dạy con cái đã nhận được tình yêu hồi đáp và cả những gửi gắm tinh thần, điều này đối với họ càng là chuyện mang giá trị và ý nghĩa hơn nhiều.
Nguồn: sách tội phạm học Đây Là Bản Chất Con Người
Mời bạn đặt sách tội phạm học tại: https://s.shopee.vn/3AmZ6wI3vO
Theo tamlyhoctoipham.com