Những người mắc rối loạn lo âu thường bị dán nhãn “nhút nhát”, “trầm tính” hoặc “cô gái kỳ quặc đó có lẽ chôn nhiều thi thể dưới tầng hầm nhà cô ta”. Thật ra tôi chưa bao giờ nghe ai nói về tôi như vế sau cùng nhưng tôi luôn cho rằng đó là điều người ta nghĩ bởi hoang tưởng cũng là một tác dụng phụ của chứng rối loạn lo âu.
Cá nhân tôi luôn dán nhãn bản thân là “ngại giao tiếp xã hội” và tự trấn an rằng có rất nhiều người hoàn toàn bình thường không thích nói chuyện giữa đám đông. Đó là sự thật. Xui thay, cũng không hề giả khi nói nỗi sợ hãi đẩy tôi trượt nhẹ từ vùng đất của “hoàn toàn bình thường” và tiếp đất rất nghệ xuống hoang mạc của “bất lực bệnh lý khiến người ta không thể hoạt động bình thường”. Ngay cả những cuộc hội thoại đơn giản với người lạ ở tiệm tạp hóa cũng khiến tôi hết lần này đến lần khác không thể nói hoặc không thể ngừng nói những điều hoàn toàn chẳng thích hợp chút nào với một cuộc trò chuyện cùng người lạ ở tiệm tạp hóa.
Suốt thời gian dài, tôi tự sỉ vả mình vì tôi nghĩ đó là thứ tôi có thể kiểm soát nếu bản thân đủ mạnh mẽ, nhưng tới độ tuổi hai mươi, tôi bắt đầu chịu những cơn hoảng loạn dữ dội, cuối cùng tôi phải tới gặp bác sĩ và được chẩn đoán rối loạn lo âu tổng quát. Theo kinh nghiệm của tôi, người ta luôn tưởng rằng rối loạn lo âu tổng quát đỡ hơn rối loạn lo âu xã hội bởi nó nghe có vẻ mơ hồ và không gây tội phạm nguy hiểm cho lắm, nhưng họ nhầm to rồi. Với tôi, bị rối loạn lo âu tổng quát về cơ bản giống như bị tất cả các loại rối loạn lo âu khác nhập vào làm một.
Trên thực tế, tôi ngờ rằng người ta nghĩ ra những cái tên ấy theo cách đó. Bác sĩ của tôi cực kỳ tế nhị khi chẩn đoán tôi mắc chứng rối loạn lo âu. Quá tế nhị, thật, tế nhị đến mức phải tận mấy buổi sau tôi mới nhận ra mình bị bệnh gì. Cô ấy lảm nhảm kể về một bệnh nhân mà vào tai tôi nghe như một kẻ điên hoàn toàn. Tôi không thực sự chú ý lúc cô ấy nói về các loại rối loạn lo âu bởi tôi quá bận rộn tự hỏi liệu cô ấy có coi là một bước lùi trong tiến trình trị liệu không nếu tôi trốn dưới gầm ghế bành trong các phiên trị liệu. Rồi đột nhiên tôi nhận ra kẻ điên cô ấy nói nãy giờ chính là mình. Tôi cho rằng lúc trước cô ấy đã do dự khi gọi tình trạng của tôi bằng một cái tên hẳn hoi nào đó do sợ tôi sẽ xấu hổ vì mắc một rối loạn tâm thần đích thực.
Nhưng thành thật mà nói, tôi thấy nhẹ lòng. Giờ đây thay vì “kỳ dị”, sự vô năng của tôi trong việc duy trì một cuộc hội thoại thích hợp đột nhiên được dán nhãn là “tình trạng suy nhược y tế không thể chữa khỏi và tàn khốc đến đau đớn hành hạ cả nạn nhân lẫn những người xung quanh họ”. Với tôi là thế. Mặt khác, bác sĩ của tôi lại gọi nó bằng cái tên “rối loạn nhẹ dễ dàng điều trị bằng thuốc”. Tuy nhiên, tôi ngờ rằng nếu cô ấy từng bị ép phải chuyện trò với tôi ở một bữa tiệc tối, cô ấy sẽ đồng ý rằng định nghĩa của tôi chính xác hơn nhiều so với của cô ấy.
Tóm lại thì? Làm chính mình thực sự rất mệt mỏi. Giả vờ bình thường hao mòn và đòi hỏi một lượng năng lượng khổng lồ. Trên thực tế, có lẽ tôi nên bắt những người bình thường trả tiền cho tôi để tôi không đến các sự kiện xã hội của họ rồi phá hỏng chúng nữa. Nhất là vì tôi đã tốn quá nhiều tiền mua thuốc an thần hòng giữ cho tình trạng lo âu ít nhất cũng được kiểm soát phần nào trong giới hạn hợp lý và những chi phí đó thậm chí còn không bị khấu trừ thuế.
Tuy nhiên, tiêu tiền mua thuốc là cực kỳ chính đáng, bởi bị phê thuốc đủ để có thể kết nối một nửa (với người khác) vẫn còn hơn bị đối xử như một con gấu Bắc Cực không được chào đón tại một bữa tiệc tối.
(Trích sách tội phạm học “Hãy vờ như chuyện đó chưa từng xảy ra” - Jenny Lawson)
---
Tìm đọc cuốn tự truyện độc nhất vô nhị này ở đây nhé:
https://shope.ee/3VGwo1pKCI
Theo tamlyhoctoipham.com