“ĐƯỢC YÊU” SẼ DẪN ĐẾN LO LẮNG VÌ SỢ BỊ TỔN THƯƠNG VÀ BỊ BỎ RƠI, LÂU NGÀY HÌNH THÀNH TÂM LÝ PHÒNG VỆ VÀ KHIẾN NGƯỜI TA CÀNG CẢM THẤY MÌNH YẾU ĐUỐI
Được yêu thương, quan tâm và chăm sóc từ nửa kia luôn đem đến cho mỗi người niềm vui và thỏa mãn. Tuy nhiên, đồng thời với mặt tích cực này, tình yêu cũng sinh ra nhiều nỗi sợ hãi hơn trong tâm trí con người. Họ sợ một ngày nào đó sẽ mất đi đặc quyền “được yêu”, dần dần họ cảm thấy mình cần phải có sự đề phòng và biện pháp đối phó với các nguy cơ mất mát.
Nếu không đủ tỉnh táo để học được cách yêu bản lĩnh, con người rất dễ để cho tâm lý sợ hãi dần trở thành sự phẫn nộ và thái độ thù địch, thậm chí làm tổn thương đối phương, chẳng hạn như nổi nóng khi nửa kia vô tình khen cô hàng xóm nấu ăn ngon, hoặc trừng phạt bằng cách “cấm vận” khi người ấy tỏ ra thiếu mặn mà với mình v.v…
“ĐƯỢC YÊU” DỄ KHIẾN CON NGƯỜI CÓ XU HƯỚNG NHỚ LẠI QUÁ KHỨ ĐAU BUỒN VÀ SINH RA TÂM TRẠNG BẤT ỔN
Hành động quan tâm và chăm sóc từ người yêu thương một mặt có thể củng cố mối quan hệ hiện tại, nhưng song song đó, khi “được yêu”, người ta sẽ dễ có sự so sánh. Dù vô tình hay cố ý thì những chuyện không vui trong quá khứ bắt đầu được đem ra hồi tưởng lại và giày vò bản thân.
Ngoài ra, nếu nửa kia vô tình có lời nói hay hành động gợi lại chuyện buồn tủi trước đây, họ lập tức sẽ sinh ra phản ứng tiêu cực, cảm thấy như mình vừa bị tổn thương bởi người cũ, vừa không được người hiện tại tôn trọng.
“ĐƯỢC YÊU” CÓ THỂ KHIẾN NGƯỜI TA LO SỢ ĐÁNH MẤT CHÍNH MÌNH
Khi bị tổn thương, con người sẽ cảm thấy khao khát yêu thương để xoa dịu nỗi lòng, tuy nhiên khi được yêu thương và trân trọng, họ lại sinh ra tâm lý sợ không còn được là mình như trước đây nữa.
Nhiều người khi được nửa kia dành quá nhiều tình yêu lại trở nên bực dọc và tâm trạng dễ kích động. Họ bắt đầu cảm thấy bị mất tự do, bị chi phối quá nhiều và dẫn đến hành động tiêu cực dành cho đối phương.
Để học cách yêu gắn bó mà không tù túng, trước tiên bạn phải thấu hiểu chính mình và luôn kiểm soát được bản thân. Điều này sẽ giúp bạn tự tin và khéo léo hơn khi ở bên cạnh người ấy.
“ĐƯỢC YÊU” KHIẾN NGƯỜI TA CẢM THẤY MẤT DẦN SỰ GẮN KẾT VỚI BỐ MẸ, NGƯỜI THÂN
Gia đình là nơi người ta cảm thấy an toàn nhất vì có tình yêu thương vô điều kiện từ bố mẹ, người thân. Một khi bước vào mối quan hệ yêu đương hoặc kết hôn rồi ở riêng, dù cuộc sống vợ chồng hòa thuận, vui vẻ nhưng người phụ nữ nhiều lúc sẽ khó tránh cảm giác cô đơn, tủi thân. Họ cảm thấy mình đang dần xa cách những mối liên hệ đã từng gắn bó, bình yên nhất.
Nếu xảy ra bất hòa với nửa kia, họ càng trở nên dễ có phản ứng tiêu cực khi so sánh cuộc sống hiện tại với cuộc sống bên cạnh bố mẹ trước đây. Ngoài ra, cảm giác “không làm tròn bổn phận con cái” cũng khiến họ khó chịu trong lòng, áp lực này đè nén lâu dài sinh ra tâm lý chán chường, hối hận.
“ĐƯỢC YÊU” CÓ THỂ DẪN ĐẾN CÁC VẤN ĐỀ NAN GIẢI KHÁC
Trong một tác phẩm từng nhắc đến: “Một người khi có mối quan hệ yêu đương gắn bó với người khác sẽ càng ý thức được sự quý giá của sinh mệnh, nhưng thực tế không ai tránh khỏi cái chết”. Trong suốt quá trình ở bên nhau và được yêu thương, con người cùng nhau trải qua gian nan, vui buồn nên họ càng trân trọng những gì mình đang có.
Chính từ sự trân quý này, người ta lại dễ sinh ra tâm lý sợ mất mát. Họ sợ bị phản bội, bị chia lìa và khiến bản thân ngày càng ức chế bởi những nỗi lo, đó là chưa kể những lo toan đời thường khác như con cái, công việc v.v…. Áp lực tinh thần tất yếu sẽ dẫn đến mất cân bằng tâm trạng và có hành vi tiêu cực, dù bản thân họ không hề muốn.
Học cách yêu cũng là học cách đối mặt với những biến chuyển của cuộc sống một cách tích cực và bản lĩnh, biết trân trọng hiện tại nhưng không quá bi lụy vào bất cứ điều gì, bởi vì vô thường vốn là quy luật của cuộc sống.
Tạ Lê Phương dịch (Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE/ Tham khảo: weixin)
Ảnh: Unsplash
Theo tamlyhoctoipham.com