Tara Blair Ball quen biết người yêu cũ trên trang hẹn hò. Ngay từ lúc mới trò chuyện, cô đã lập tức bị đối phương thu hút.
Trong cuộc điện thoại đầu tiên, cô gái ở thành phố Memphis (bang Tennessee, Mỹ) nói chuyện với bạn trai liên tiếp 8 giờ đồng hồ, lâu đến mức đã đi làm muộn và bị đuổi việc. Thế nhưng, cô cho đó là… duyên số.
Kể cả khi những dấu hiệu tiêu cực xuất hiện nhiều hơn, Ball vẫn không quan tâm. Cô tự tìm mọi lý lẽ để tin rằng hành động của bạn trai là biểu hiện cho tình cảm.
"Anh ấy trở nên ghen tuông và luôn muốn biết tôi đang ở đâu, làm gì, nói chuyện với ai. Anh ấy cũng hỏi tôi sẽ ở đó bao lâu và khi nào trở về. Chúng tôi đã nhanh chóng nói về hôn nhân và dọn đến ở cùng nhau. Tôi cảm thấy mình không thể xa anh ấy quá lâu", Ball nói.
Những gì Ball trải qua mang biểu hiện của hội chứng "nghiện tình yêu", một dạng thức tình cảm mà phải mất một thời gian dài sau đó cô mới có thể nhận ra và thừa nhận.
Hiện nay, chưa có định nghĩa chính xác về "nghiện tình yêu".
Cuốn sách tội phạm học "Sex and Love Addicts Anonymous" (tạm dịch: Những kẻ vô danh nghiện tình yêu và tình dục) giải nghĩa rằng đó là sự phụ thuộc quá độ vào một người khác về mặt tình cảm.
Theo đó, "các mối quan hệ hoặc hoạt động tình dục ngày càng trở nên tiêu cực, có khả năng tác động xấu đến sự nghiệp, gia đình và sự tự tôn của con người".
Helen Fisher, nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Kinsey, Đại học Indiana (Mỹ) và là chuyên gia hàng đầu về tình yêu, ước tính rằng khoảng 3% dân số đã gặp vấn đề nghiêm trọng với chứng "nghiện tình yêu" trong một năm nhất định. Con số đó có thể cao hơn 10% ở những người trẻ tuổi.
Biểu hiện của chứng "nghiện tình yêu"
Steven Sussman, giáo sư Y tế dự phòng, Tâm lý học và Công tác xã hội tại Đại học Nam California, cho biết: "Một mối quan hệ không lành mạnh có xu hướng gây thiếu hụt dopamine và gia tăng hành vi áp đặt quyền lực cùng sự kiểm soát".
"Dopamine liên quan đến cảm giác hạnh phúc, động lực, trí nhớ, khả năng tập trung và điều chỉnh các chuyển động của cơ thể. Khi "hormone hạnh phúc" dopamine được giải phóng với số lượng lớn, bạn sẽ có cảm giác hưng phấn, thích thú, tăng cảm hứng sống", giáo sư Sussman nói thêm.
Còn theo tiến sĩ Fisher, những người gặp chứng "nghiện tình yêu" có thể thay đổi tâm trạng từ tuyệt vọng đến hưng phấn và sẵn sàng chịu đựng sự lạm dụng. Ngoài ra, tính cách của họ cũng có thể thay đổi, dẫn đến lối sống khác biệt hoặc có xu hướng bóp méo thực tế.
Synthia Smith ở Houston (Texas) là một minh chứng. Cô cho biết mình đã không thể loại bỏ được những cảm xúc quá độ với người bạn trai cũ. "Tôi không thể chịu đựng nổi viễn cảnh sống một cuộc đời mà không có anh ấy. Thiếu anh, cảm xúc của tôi sẽ chết", cô kể lại.
Nỗi sợ hãi của Smith lớn đến mức cô đã cố gìn giữ mối quan hệ của mình trong hai năm rưỡi, bất chấp những cảm giác tồi tệ.
Làm sao để vượt qua "cơn nghiện"?
Việc hẹn hò với người gây ảnh hưởng độc hại đến tâm lý là một trải nghiệm đáng sợ và cô đơn. Nếu bạn tin rằng mình là một người "nghiện tình yêu" và cần sự giúp đỡ để thoát khỏi tình huống tồi tệ, có thể tham khảo những phương pháp sau.
Tin rằng mình không đơn độc
Rất nhiều người cùng gặp vấn đề này. Bạn không cô độc, cũng không phải là người duy nhất khó khăn khi đối mặt với cảm xúc này.
Tìm đến chuyên gia tâm lý
Kerry Cohen, một nhà trị liệu tâm lý và là tác giả của cuốn sách tội phạm học "Crazy for You: Breaking the Spell of Sex and Love Addiction" (tạm dịch: Phá bỏ lời nguyền nghiện yêu và tình dục) cho rằng những người đang trong mối quan hệ độc hại không nên tự chẩn đoán tình trạng tâm lý của chính mình.
Họ nên tìm đến một chuyên gia trị liệu hoặc bác sĩ tâm lý chuyên về tình cảm để được cung cấp giải pháp tốt nhất.
Không thể hiện cảm xúc qua tin nhắn
Cũng theo Cohen, những người "nghiện tình yêu" nên hạn chế nói về cảm xúc qua tin nhắn với nửa kia, đặc biệt là những cảm xúc tiêu cực.
"Việc này sẽ giúp bạn điều chỉnh cảm xúc của mình cho đến khi có thể nói chuyện trực tiếp", cô nói.
Thành thật với đối phương
Cohen cho biết nhiều người "nghiện tình yêu" thường giấu giếm những nhược điểm về bản thân và cuộc sống với nửa kia nhằm tạo ra "cảm giác tự chủ giả tạo", coi đây như cách để tránh xung đột.
Mặc dù sự riêng tư là điều cần thiết trong một mối quan hệ, nhưng sự giấu giếm sai trái thì không. Những người "nghiện tình yêu" thường nói dối về quá khứ của mình và cố gắng trở thành mẫu người mà nửa kia yêu thích.
Theo Cohen, các cặp đôi cần chia sẻ thành thật với nhau, đặc biệt là về cuộc đấu tranh nội tâm của mình với tình dục hoặc chứng "nghiện tình yêu".
Không tiếp xúc sau khi chia tay
Sau khi đã chắc chắn về tình trạng của mình, bạn có thể quyết định xem nên kết thúc mối quan hệ độc hại khi nào và như thế nào. Hãy tránh bất kỳ hình thức giao tiếp nào với người yêu cũ nhằm hạn chế cảm giác nhớ nhung.
Tìm kiếm mối quan hệ mới lành mạnh
Khi đã có thể bỏ lại mối quan hệ độc hại sau lưng, bạn có thể tìm kiếm một tình yêu lành mạnh hơn. Hãy bắt đầu xác định những điều gây hậu quả tiêu cực trong quá khứ.
Một số người "nghiện tình yêu" có thể quan hệ tình dục quá nhanh với bạn tình hoặc cảm thấy quá gắn bó. Trong trường hợp đó, bạn có thể đặt quy tắc chỉ quan hệ tình dục sau khi đã cam kết mối quan hệ nghiêm túc.
Quay trở lại với tiến sĩ Fisher, ông nói: "Không ai còn sống mà có thể thoát khỏi tình yêu. Mọi người sống vì tình yêu và cũng có thể chết vì người yêu. Đó là một trong những phản ứng não bộ mạnh mẽ nhất mà chúng ta có được".
Tận dụng năng lượng tình yêu độc hại hay lành mạnh là câu chuyện riêng của mỗi người.
Người dịch: Nhật Chung
Nguồn: https://www.nytimes.com/2021/09/23/well/love-addiction-sex-toxic-relationships.html
Theo tamlyhoctoipham.com