Ganh tị là một thứ cảm xúc cay nghiệt. Trong tiểu thuyết "Bá Tước Monte Cristo" của Alexandre Dumas, nhân vật chính bị những kẻ ganh ghét vì tài năng xuất chúng, sự thăng tiến nhanh chóng và tình yêu của một người phụ nữ xinh đẹp mà bày mưu vu khống ông một tội ác tày trời. Trong bộ phim Raise the Red Lantern của đạo diễn Trương Nghệ Mưu, cô gái trẻ Tống Liên phát hiện ra cô hầu gái Yến Nhị cất giấu một búp bê tà thuật – hình nộm đại diện cho chính cô – bị đâm đầy kim châm. Trong vở kịch The Maids của Jean Genet, hai người hầu gái ganh ghét bà chủ của mình đến mức lên kế hoạch giết bà. (Dù không rõ họ thực sự muốn làm điều đó, hay chỉ đắm chìm trong tưởng tượng mà thôi.)
Chúng ta hoàn toàn có lý do để dè chừng những người ganh tị với mình. Ganh tị có thể dẫn tới hiểm họa thực sự, như trường hợp của Bá tước Monte Cristo đã cho thấy. Nhưng có một khía cạnh khác, phức tạp hơn về mặt đạo đức: không ít người trong chúng ta lại thèm muốn được người khác ganh tị.
Một mong muốn kỳ lạ, hay có thể nói là một cơn khát cháy bỏng, vốn chẳng hề hiếm gặp. Mark Twain từng viết trong Following the Equator: "Con người sẽ làm nhiều điều để được yêu thương; nhưng họ sẽ làm tất cả mọi điều để được người khác ganh tị."

Image: Songlian được mát-xa chân. Nguồn: Cảnh trong Trong bộ phim Raise the Lantern
Trong tiểu thuyết Daniel Deronda, nhà văn George Eliot miêu tả một nhân vật tên Grandcourt – người mà cảm giác hạnh phúc dường như phụ thuộc vào việc khiến người khác ganh tị. Grandcourt đặc biệt thích thú khi nghĩ rằng người anh em họ Deronda đang ghen tị với mình. Eliot viết:
“Grandcourt tin rằng Deronda – thằng tội nghiệp kia – người mà y chắc chắn là anh em họ cùng cha khác mẹ với mình – đang ngấm ngầm đau đớn vì vị thế thấp kém hơn của họ. Chính vì thế, sự hiện diện của Deronda lại khiến Grandcourt hài lòng hơn bình thường. Ý tưởng rằng người khác thấy mình thiếu thốn, thấp kém – đó là thứ luôn song hành cùng cái tôi ích kỷ. Và không chỉ những con chó cưng của mình, Grandcourt còn thích cảm giác khiến người khác phải ghen tị với mình.”
Thực tế thì Deronda chẳng hề ganh tị Grandcourt – cũng chẳng có lý do gì để làm vậy. Deronda là người tốt hơn, cao thượng hơn và vượt lên trên những cảm xúc nhỏ nhen ấy. Nhưng cứ thử hình dung: nếu Grandcourt thực sự khiến Deronda ganh tị, thì cả hai người – kẻ ganh và người gieo ganh – đều mang phần sai trái. Một “nạn nhân” của sự ganh ghét, nếu cố tình kích thích sự ganh ghét đó, thì không còn là nạn nhân vô tội nữa.
Văn hóa của chúng ta cũng phần nào phản ánh sự rắc rối đạo đức này. Một mặt, chúng ta coi ganh tị là thói xấu. Trong Kitô giáo, đó là một trong bảy mối tội đầu. Nhà thơ thời Trung cổ Chaucer còn cho rằng đó là tội lỗi nghiêm trọng nhất:
"Vì thật vậy, các tội khác thường chỉ chống lại một đức hạnh cụ thể, nhưng ganh tị lại chống lại mọi đức hạnh và mọi điều tốt lành. Bởi vì nó buồn rầu trước cái tốt của người khác, và chính điều này làm nó khác biệt với tất cả những tội lỗi còn lại."
Nhưng mặt khác, xã hội cũng không chấp nhận những kẻ khoe khoang hay phô trương thành tựu. Tự cao cũng bị coi là một thói xấu. Vậy nên, trong một cuộc ganh đua ngầm, cả kẻ ganh và người được ganh đều có thể bị coi là sai.
Hãy để ý thêm một điều: khoe khoang chỉ trở thành xấu khi nó được đặt trong một bối cảnh mà con người dễ ganh ghét nhau. Tức là, tật khoe khoang chỉ có thể “sống” nhờ vào tật ganh tị. Hãy tưởng tượng, nếu tất cả mọi người đều chỉ mong điều tốt cho bạn, không một ai có tâm ganh ghét, thì bạn có thể thoải mái chia sẻ niềm vui, khoe những thành tựu của mình mà không làm ai khó chịu – ngược lại, còn khiến họ vui mừng. Trong một thế giới như vậy, khoe khoang đâu còn là vấn đề gì. (Giống như khi bạn kể cho cha mẹ nghe những điều bạn đạt được. Nếu cha mẹ bạn là những người yêu thương thật lòng, họ chỉ thấy hạnh phúc thay cho bạn – vì thành công của bạn cũng là một phần thành tựu của họ. Chính vì vậy, xã hội không đặt ra chuẩn mực ngăn cấm việc khoe khoang với cha mẹ.)
Tóm lại, chúng ta đang nói đến hai xu hướng – hay nếu bạn muốn gọi bằng ngôn ngữ đạo đức thì là hai “khiếm khuyết nhân cách” – vốn bổ trợ và nuôi sống lẫn nhau: thói ganh tị và khao khát được người khác ganh tị. Cả hai đều bắt nguồn từ một bản năng phổ quát: so sánh mình với người khác, và mong mình sẽ “hơn”.
Vậy thì, chúng ta có nên cam chịu những khuynh hướng rất con người ấy không?
Chắc chắn có lý do để cố gắng thoát khỏi cảm xúc ganh tị – bởi đó là một cảm xúc đau đớn. (Và người ta vẫn nói, trong bảy mối tội đầu, chỉ có ganh tị là không đem lại khoái cảm gì.)
Thế còn khao khát khiến người khác ganh tị thì sao? Theo tôi, đó cũng là điều ta nên học cách buông bỏ. Bởi dù cảm giác được người khác ganh tị có thể đem lại đôi chút thỏa mãn, nhưng nếu bạn cần đến sự thua thiệt của người khác để cảm thấy mình có giá trị, thì có lẽ bạn đang nhìn đời bằng một lăng kính hẹp hòi. Liệu bạn có thật sự muốn sống một cuộc đời mà đằng sau lưng mình là những lời nói độc địa, cay nghiệt? Hay những hình nộm bị đâm đầy kim, như trong câu chuyện của cô hầu gái Yến Nhị?
Hơn thế nữa, nếu bạn khát khao được ganh tị mà không được, thì thế cờ có thể đảo ngược bất cứ lúc nào: bạn sẽ trở thành kẻ ganh tị, và phải chịu đựng chính thứ cảm xúc mà bạn từng xem là chiến thắng. Hãy tưởng tượng Grandcourt – một ngày nào đó nhận ra rằng Deronda không hề ganh tị mình – và chính lúc đó, lòng ganh tị của Grandcourt mới bùng lên, khi ông nhận ra rằng Deronda mới là người mạnh mẽ hơn: người không để hạnh phúc của mình bị trói buộc vào bậc thang xã hội.
Nếu tất cả những lập luận trên vẫn chưa đủ thuyết phục bạn, hãy thử hình dung một viễn cảnh. Giả sử có một người đã thành công trong việc khiến tất cả mọi người xung quanh phải ganh tị với mình. Nhưng đáng buồn thay, ganh tị làm thui chột tình yêu thương, nên chẳng mấy ai thật lòng yêu mến anh ta. Đến khi cận kề cái chết, quanh anh chẳng có ai để nhỏ một giọt lệ tiễn đưa. Vậy bạn nghĩ lúc ấy, cảm giác được ganh tị còn có ý nghĩa gì nữa không? Có lẽ ta chẳng cần trả lời.
Tuy nhiên, cũng nên lưu ý rằng, đôi khi người ta có thể đi quá xa trong nỗ lực tránh khơi dậy sự ganh tị nơi người khác. Một nhà trị liệu tâm lý từng kể với tôi về một bệnh nhân của bà — một người phụ nữ luôn âm thầm hủy hoại chính mình chỉ vì sợ mình vượt trội hơn chị gái. Cô ấy thông minh hơn, xinh đẹp hơn, và điều đó khiến cô day dứt khi thấy chị mình thiệt thòi. Người ta chỉ mong rằng người chị, ở vào vị thế kém may mắn hơn, sẽ biết cách động viên em mình sống đúng với khả năng, có khi chỉ bằng việc tự hào trước những gì em mình đạt được.
Triết gia Thomas Nagel từng lập luận rằng cảm xúc là chuyện riêng tư, không phải điều mà người khác có quyền can thiệp. Theo ông, nhiều người trong chúng ta, trong thâm tâm, vẫn mang sự ích kỷ kín đáo, âm thầm ganh tị với bạn bè, hay đôi khi mong điều xấu xảy ra với người khác. Và bản thân điều đó không phải là vấn đề, ông cho rằng, vấn đề chỉ phát sinh khi ta bắt đầu thổ lộ tất cả những điều ấy ra ngoài. Nhưng chúng ta đâu cần làm thế. Hơn nữa, chúng ta cũng không cần phải cảm thấy tội lỗi vì những suy nghĩ vụng về thoáng qua trong lòng mình. Điều cần làm, là giữ cho những ý nghĩ ấy không vượt qua ranh giới thầm kín. Đời sống xã hội đòi hỏi ta phải biết tiết chế lời nói và hành động của mình. Còn những gì ta nghĩ hay cảm, thì không nhất thiết phải kiểm duyệt. Nagel viết: “Nội tâm hóa quá mức những chuẩn mực xã hội và coi mọi cảm xúc trái ngược với nó là ô uế, là không xứng đáng — đó mới là thảm họa. Ai cũng có quyền ‘tội phạm giết người’ trong trí tưởng tượng của mình đôi ba lần, chưa kể đến những điều nhỏ nhặt hơn thế.”
Tất cả những gì tôi trình bày ở đây không hề mâu thuẫn với quan điểm của Nagel. Tôi hoàn toàn đồng tình rằng cảm xúc là chuyện riêng, và ta không phải chịu trách nhiệm trước người khác về việc mình cảm thấy thế nào — dù đó là ganh tị, hay là ao ước được ganh tị. Điều tôi muốn nói là: âm thầm mong người khác ganh tị với mình không phải là một chiến lược hay để tìm kiếm hạnh phúc. (Còn việc ganh tị gây tổn hại cho chính người ganh tị, tôi cho là điều đã quá rõ ràng.) Lập luận của tôi không xuất phát từ đạo đức, mà từ sự khôn ngoan: càng khơi gợi ganh tị, ta càng đánh mất yêu thương; và có lẽ, sống được yêu mến mà ít bị ganh ghét vẫn tốt hơn nhiều.
Nhưng còn nhận định của Mark Twain thì sao, rằng người ta khao khát được ganh tị còn hơn cả được yêu? Vậy chẳng phải tôi đang khuyên người ta bước đi trên con đường khiến khao khát ấy không bao giờ được thỏa mãn?
Câu trả lời của tôi là: Twain không sai, nhưng nguyên nhân sâu xa của hiện tượng đó mang tính tiến hóa. Khuynh hướng so sánh bản thân với người khác và khao khát vượt trội hơn có thể khiến ta trở thành “cỗ máy sinh tồn” hiệu quả hơn cho dòng gene của mình. Nhưng điều đó không khiến ta hạnh phúc, ngược lại, có thể là nguồn cơn cho biết bao đau khổ. Tiến hóa chẳng mảy may quan tâm đến việc con người có sống một cuộc đời đáng sống hay không. Nhiều ham muốn mà nó cấy vào lòng ta — trong đó có khát vọng được người khác ganh tị — chẳng những khiến ta bất hạnh khi không đạt được, mà còn có thể khiến ta khổ sở cả khi đạt được rồi. Việc chúng ta mang trong mình những ham muốn như vậy chính là một bi kịch của kiếp người, nhưng không có nghĩa là ta phải chấp nhận buông xuôi. Ta hoàn toàn có thể tìm cách giải phóng — hay nếu muốn, “tái lập trình” — chính mình.
Nhưng làm sao để làm được điều đó? Ta có rất ít quyền kiểm soát với cảm xúc hay ham muốn của chính mình.
Điều này đúng. Ở phần trước, tôi đã đưa ra vài lập luận nhằm khiến việc được ganh tị trở nên kém hấp dẫn hơn. Giờ đây, tôi muốn chia sẻ thêm một điều nữa — cũng là điều cuối cùng tôi muốn nói. Tôi đã đồng ý với Nagel rằng không ai có quyền phán xét cảm xúc của người khác. Giờ, tôi muốn bổ sung rằng, ta hoàn toàn có thể chấp nhận điều đó mà vẫn thừa nhận: ta có vai trò nhất định trong cảm xúc của người khác. Và kỳ lạ thay, điều đó nằm trong tầm kiểm soát của ta nhiều hơn là cảm xúc của chính mình. Đây là điều mang đến niềm hy vọng: dù ta bất lực trong việc thay đổi lòng mình, ta vẫn có thể giúp người khác thay đổi lòng họ — và họ cũng có thể làm điều đó với ta. Ta có thể làm dịu nỗi đau của nhau bằng cách chọn không khơi dậy cảm giác ganh tị nơi người khác. Ta cũng có thể làm vơi đi khát vọng được ganh tị của một người, chỉ bằng cách không ganh tị với họ, mà trái lại, chân thành vui mừng trước thành công của họ.
Điều đó, dĩ nhiên, không phải là một bổn phận. Ta hoàn toàn có thể để mặc người khác chiến đấu với bóng tối trong họ, trong khi ta tự mình vật lộn với những hố sâu trong lòng mình. Nhưng nếu làm được, thì đó là một điều tốt lành. Một điều tốt lành, ngay cả khi ganh tị và mong được ganh tị đều là những khiếm khuyết trong nhân cách (một con người đạo đức lý tưởng sẽ không vướng vào cả hai); và ngay cả khi, theo lẽ thường, những nỗi đau mà hai xu hướng ấy gây ra đều phải được cất giữ trong im lặng, tự mỗi người học cách chịu đựng và vượt qua — một mình.
Nguồn: The Desire to Be Envied | Psychology Today
Theo tamlyhoctoipham.com