Rối loạn nhân cách ái kỷ (NPD - Narcissistic Personality Disorder) là dạng bệnh tâm lý mà những người bị có nhu cầu cần được trọng vọng, ca ngợi. Họ thiếu sự cảm thông (empathy), thích được liên quan tới những tổ chức/phe nhóm đặc biệt (quyền lực hoặc nổi tiếng) và họ cũng có xu hướng hay đánh giá thấp, hay coi thường người khác để cảm giác tốt hơn về bản thân mình, đặt bản thân ở vị thế cao hơn người khác.
Đây là một chứng bệnh mà mình nghi ngờ là nhiều, thậm chí phần lớn người Việt, và người châu Á nói chung đều bị. Mình đã tìm hiểu về chứng bệnh tâm lý này trong vài năm qua khi soi xét lại những sang chấn, những vết thương tuổi thơ và hệ lụy ảnh hưởng tới sự trưởng thành của mình. Cứ mỗi lần có vấn đề liên quan đến trẻ em bị ba mẹ bạo hành thân thể (đánh phạt) hay gần đây nhất là chuyện các em tự tử do áp lực học hành là mình lại lục lại, quay lại giả thuyết này.
Mối quan hệ cha mẹ con cái trong văn hóa châu Á là một vấn đề rất nhạy cảm. Mãi đến 2018, Nextshark (một trang chuyên đưa tin dành cho độc giả người Mỹ gốc Á) là một trong số trang hiếm hoi “dám” đặt câu hỏi này. Bài báo với tiêu đề: “Bố mẹ gốc Á của bạn có phải bị bệnh ái kỷ không? Đây là 6 dấu hiệu bạn cần cảnh giác.” Với mình thì danh sách tội phạm học này hơi đơn giản hóa vấn đề và không đầy đủ các dấu hiệu. Trang Choosing Therapy (Lựa chọn trị liệu) đưa ra 17 dấu hiệu còn Trang Toxicities (Gắn kết độc hại) thậm chí còn chỉ ra tận 33 dấu hiệu mà theo mình là đầy đủ hơn (tuy nhiên một số dấu hiệu mang đặc trưng kiểu cha mẹ phương Tây).
Vậy có phải cha mẹ bạn hay bạn đang là người bị bệnh ái kỷ?
Mình xin nêu một số dấu hiệu mà mình nghĩ sẽ đúng với cha mẹ châu Á.
1. KHÔNG QUAN TÂM ĐẾN NHU CẦU CẢM XÚC CỦA CON
Đứa trẻ nào cũng cần được yêu thương vô điều kiện, được chấp nhận, hỗ trợ, khen ngợi và cảm thấy được thuộc về (a sense of belonging). Khi nhu cầu này được đáp ứng thì một đứa trẻ sẽ trở thành người tự tin, lành mạnh, nhận thức đúng đắn về giá trị của bản thân (a sense of self-worth).
Cha mẹ bị ái kỷ thì thường xem nhẹ cảm xúc của con: “Có thế mà cũng khóc!” “Con không thấy mẹ bận à, bám cái gì mà bám!”. Họ chỉ quan tâm đến nhu cầu của họ: khoe với bạn bè họ hàng là con có thành tích học xuất sắc, có địa vị hoặc tiền tài mà không quan tâm con học hành áp lực vất vả, hay đơn thuần không thể trở thành người xuất chúng kiếm được nhiều tiền bằng mọi giá. Họ cho rằng điểm con không cao và con không thành công là do con không cố gắng, chứ không thể chấp nhận có lẽ năng lực của con họ có giới hạn. (Đâu phải ai sinh ra cũng là Einstein?)
2. KHÔNG BAO GIỜ NHẬN SAI HAY XIN LỖI
Vì cha mẹ ái kỷ thì luôn cho là họ đúng. Ngay cả khi họ sai thì họ nghĩ họ không phải xin lỗi vì họ là “cha mẹ”.
3. YÊU CẦU SỰ VÂNG LỜI MỘT CÁCH TUYỆT ĐỐI
“Cha mẹ bị ái kỷ có một quan điểm vị lợi cho họ và rất cứng nhắc” nhưng con cái không bao giờ được phép đặt câu hỏi! Con của họ phải thể hiện sự ngưỡng mộ và tuân phục tuyệt đối.
Cha mẹ ái kỷ cũng hay nghĩ mình là “người cha/mẹ hoàn hảo” vì vậy con họ cũng phải “hoàn hảo” không kém.
4. HAY SO SÁNH CON VỚI NGƯỜI KHÁC
Hiện tượng “con nhà người ta”. Khi cha mẹ so sánh con với một đứa trẻ khác (anh chị hay con của một người quen) thì cũng khiến làm suy giảm sự tự tin và nhận thức về giá trị bản thân. Cha mẹ ái kỷ nghĩ làm vậy sẽ khiến con cái có thêm động lực để phấn đấu, nhưng cũng có thể dẫn đến sự dối trá, gian lận điểm số để vừa lòng cha mẹ, hoặc cảm giác không xứng đáng được yêu thương chỉ vì điểm không cao hay thành tích không tốt. Đứa trẻ sẽ nghĩ mình chỉ “xứng đáng được yêu thương” khi mình bằng đứa “con nhà người ta” mà ba mẹ hay so sánh.
5. THƯỜNG XUYÊN THAO TÚNG CON CÁI ĐỂ ĐƯỢC NHƯ Ý MUỐN
Cha mẹ ái kỷ không nhất thiết phải dùng hành động bạo lực hay lời nói ác nghiệt mà có thể là dùng các cách thao túng cảm xúc như: khiến con cảm thấy có lỗi (guilt-tripping), ngụy biện để thao túng tâm lý (gaslighting), đóng vai nạn nhân (playing the victim):
Ví dụ: “Con không thương mẹ à?” “Trời ơi, tao sinh nặng đẻ đau mày để rồi mày đối xử với tao như thế à?” “Mày làm thế (abcxyz)…thì mày giết tao đi cho rồi!”
Cái này không khác gì một dạng bạo hành tâm lý.
6. HAY BẠO HÀNH BẰNG NGÔN TỪ
Những câu mắng yêu như “Tiên sư bố mày!” (Ông bà nội/ngoại có thể hay nói) có thể không hẳn là một dạng bạo hành nếu người nói và người nghe có một sự đồng thuận chung là người nghe không cảm thấy bị tổn thương.
Tuy nhiên, trong trường hợp họ biết con sẽ bị tổn thương mà vẫn cố tình nói thì nó là một dạng bạo hành, ví dụ: “Ê con béo!” “Đồ lùn” “Ê tộc” (do da ngăm, câu này còn mang tính phân biệt sắc tộc nữa).
7. BỊ ÁM ẢNH VỚI THỂ DIỆN / SĨ DIỆN
Với cha mẹ ái kỷ, không gì quan trọng hơn thể diện của họ. Nên bất kỳ điều tiếng gì gây ra bởi con cái sẽ là một sự “ô nhục” với cha mẹ ái kỷ.
Thường cha mẹ ái kỷ khi ra ngoài thì sẽ là những ông bố bà mẹ mẫu mực, nhưng về nhà thì nhiếc móc hoặc đánh đập con không thương tiếc.
Cha mẹ ái kỷ chỉ quan tâm con cái khiến họ “trông như thế nào” với xã hội. Họ xem con như một phần nối dài của họ, hay đúng hơn là tài sản của họ, chứ không phải là những cá nhân độc lập với tính cách, suy nghĩ, quan điểm có thể khác biệt. Nếu con khiến cha mẹ bị “bẽ mặt” thì cha mẹ ái kỷ cho đó là sự phản bội, và phản ứng với chỉ trích gay gắt, sự thất vọng và sự khước từ tình cảm/vật chất.
8. KHIẾN CON CẢM THẤY CÓ LỖI / PHẢI MANG ƠN VỚI NHỮNG GÌ ĐÃ LÀM CHO CON
Con cái không lựa chọn để được sinh ra, tuy nhiên cha mẹ ái kỷ sẽ luôn nhắc nhở con họ rằng họ đã nuôi con vất vả và mệt mỏi như thế nào – như thể đó là lỗi của đứa con. Họ dùng điều này để thao túng con cái, sau đó bắt con phải bù đắp bằng thời gian, tiền bạc hoặc bất cứ thứ gì khác họ yêu cầu.
9. CÓ NHỮNG KỲ VỌNG KHÔNG THỰC TẾ VỚI CON
Kỳ vọng cao khác với kỳ vọng không thực tế. Kỳ vọng cao có thể giúp con cái thêm sự tự tin mà cha mẹ tin và biết rằng con mình có thể đạt được, như từ điểm 7 lên điểm 8,9 một môn học. Nhưng kỳ vọng không thực tế là muốn con đoạt giải nhất kỳ thi tội phạm quốc tế về môn học đó.
Khi kỳ vọng không thực tế áp đặt lên đứa trẻ, cha mẹ ái kỷ đã dọn đường cho con mình thất bại, đi kèm đó là mất niềm tin vào bản thân, cảm giác mình không xứng với kỳ vọng, nên không đáng được yêu thương.
10. LÚC YÊU THƯƠNG, LÚC VÔ CÙNG TÀN NHẪN
Không phải cha mẹ ái kỷ nào cũng luôn bạo hành con mình. Họ cũng có những lúc ngọt ngào và yêu thương. Họ như những con tắc kè, thiên biến vạn hóa. Đứa trẻ không biết lúc nào mình sẽ được yêu thương, lúc nào sẽ bị quát mắng. Khiến chúng luôn rụt rè, sợ hãi mình sẽ mắc sai lầm bất cứ lúc nào và cơn thịnh nộ sẽ thổi bùng lên.
11. LUÔN CHỈ TRÍCH TẤT CẢ NHỮNG GÌ CON LÀM
Cha mẹ tốt sẽ vui mừng với mọi thành tích của con – dù có thể rất nhỏ như giải ba môn bơi lội trong lớp hay bài kiểm tra được 8 điểm thay vì 6-7 điểm như trước đó. Cha mẹ ái kỷ sẽ luôn hạ thấp thành tích của con, cho rằng dù con có làm tốt đến mấy thì vẫn “chưa đủ”.
Ngay khi con có thành tích tốt thì sẽ xem nhẹ. Cha mẹ ái kỷ cho rằng họ đang khiến con trở nên khiêm tốn, nhưng thực tế có thể đang âm thầm đố kỵ với con.
12. ÉP CON SỐNG GIẤC MƠ BẤT THÀNH CỦA MÌNH
Cha mẹ ái kỷ bắt con học piano, bắt con trở thành bác sĩ, luật sư… vì họ từng có mong muốn trở thành nhưng đã không có cơ hội hay không có khả năng trở thành hay đơn thuần đây là những công việc đem lại tiền tài và địa vị, giúp phình to thể diện và “đẹp mặt” họ.
Và từ đó thì họ cũng sẽ không quan tâm đến nhu cầu, ước mơ và khao khát riêng biệt của con. Họ cho rằng họ đã tốn công sức sinh đẻ và nuôi dạy, con là tài sản của họ cho nên phải hành xử như họ muốn.
13. THIẾU SỰ THẤU CẢM
Đây là một trong những dấu hiệu rõ rệt nhất của bệnh ái kỷ.
- Không có khả năng thấu hiểu quan điểm, góc nhìn, cảm xúc và nhu cầu của con.
- Thường đổ lỗi hay chỉ trích con ác nghiệt, gay gắt
- Xem nhẹ, coi thường nỗi đau của con, cho là con “làm quá”
- Thờ ơ, lãnh cảm, không quan tâm khi con biểu lộ đau buồn hay căng thẳng
- Không nhận thức được hành vi của mình có thể gây tổn thương
14. KIỂM SOÁT GẦN NHƯ MỌI KHÍA CẠNH CUỘC SỐNG CỦA CON
Thường nhân danh là vì muốn tốt cho con, nhưng cha mẹ ái kỷ sẽ bắt con sống theo cái cách họ muốn: thi đại học trường gì, yêu ai, cưới ai v.v…
Nếu con không làm theo thì:
- Nóng giận trách móc, chửi bớt, quát tháo
- Công khai chì chiết, chỉ trích con trước mặt người khác để con bẽ mặt
- Đe dọa từ con
- Kiểm soát mọi thứ trong cuộc đời: quần áo con mặc, nhạc con nghe
- Giám sát con: đọc nhật ký, gắn camera trong phòng, tháo khóa cửa phòng..
Họ sẽ không tôn trọng những ranh giới như sự tự chủ, quyền tự quyết, sự riêng tư của con. Họ luôn muốn là người nắm quyền kiểm soát, sự sở hữu với con cái.
Thú vị là tác giả còn ví kiểu nuôi dạy con này với các loại lãnh đạo độc tài, thống trị bằng bàn tay sắt, bằng sự sợ hãi.
15. THƯỜNG KHÔNG BIẾT HAY THẬM CHÍ KHÔNG CHẤP NHẬN LÀ HỌ BỊ ÁI KỶ
Mặc dù bệnh ái kỷ thì cũng có một phổ dài với những triệu chứng và cấp độ khác nhau. Nhưng đã ái kỷ thì rất khó thừa nhận bản thân có thiếu sót hay sai lầm – họ vốn dĩ nghĩ họ hoàn hảo! (Chân mệnh thiên tử, con rồng con phượng…).
Nên con cái có cha mẹ ái kỷ, sau khi nhận ra, thường rất khó tha thứ và duy trì mối quan hệ với cha mẹ ái kỷ.
Mình cũng phải nói qua một chút về sự phức tạp giữa mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái. Đây là một mối quan hệ vô cùng khó nói và giãi bày khi có vấn đề vì ai trong chúng ta cũng là từng là một người con và nhiều người rồi cũng sẽ trở thành cha mẹ.
Nhưng khi mối quan hệ này có dấu hiệu của sự độc hại (toxic), mà trong trường hợp của cha mẹ bị ái kỷ thì nó sẽ là mối quan hệ giữa người bạo hành và nạn nhân bị bạo hành.
Khi vấn đề đó xảy ra, nó sẽ khởi sinh tâm lý mâu thuẫn phức tạp bên trong cho cha mẹ lẫn con cái. Người con, cũng là nạn nhân của bạo hành, sẽ xuất hiện hai tâm lý mâu thuẫn: vừa yêu vừa căm ghét. Yêu thương vì đây được xem là “luân thường đạo lý”. Con cái không thương yêu cha mẹ thì là bất hiếu. Không ai muốn là kẻ bất hiếu. Nhưng căm ghét cũng sẽ xuất hiện vì là cơ chế phòng vệ tự nhiên khi bị tấn công, thẳm sâu bên trong biết rằng cách đối xử, dạy dỗ của cha mẹ với mình có vấn đề khi mình có dấu hiệu trầm cảm, mất tự trọng (self-esteem), mất tự tin, tự làm hại chính mình (self-harm).
Với những người cha người mẹ, thì cũng theo luân thường đạo lý, họ phải “yêu thương” con. Có cha mẹ nào dám thừa nhận là họ “không yêu con”? Nên rất ít người dám đối diện hay thừa nhận sự thật là chính mình đã có hành động hay lời nói mang tính độc hại, gây tổn thương cho chính con cái mình.
Cả hai điều trên là một dạng cognitive dissonance (bất hòa về mặt nhận thức). Và để xoa dịu hai nhận thức đầy xung đột đối lập này thì cả hai bên có thể chấp nhận một số “bài học” đã truyền từ nhiều đời nay như: “Thương cho roi cho vọt,” “Cá không ăn muối cá ươn”, hay ít màu mè văn vẻ hơn là “Tao thương mày, tao mới đánh mày.”
Có một điều đặc biệt mình nhận ra ở văn hóa Việt Nam nói riêng và văn hóa châu Á nói chung là “Cha mẹ nào chẳng thương con” gần như là một chân lý, bất di bất dịch, không ai có quyền thách thức.
Những kẻ không yêu con thì chỉ có thể là bị “thần kinh”. (Cũng đúng vì biết đâu phần lớn cha mẹ là có vấn đề về tâm lý thật, như bị ái kỷ, thì sao?) Cho nên dù cha mẹ có đánh đập, chửi bới, mắng mỏ hay làm gì đi chăng nữa thì nó cũng chỉ là một “kiểu yêu thương” của họ thôi.
Vì vậy, dù không nói ra, nhiều người ngầm chấp nhận là cha mẹ Việt lúc nào cũng “hoàn hảo” và đừng ai dạy đời, hay can thiệp vì chỉ có họ mới hiểu và có tư cách dạy dỗ con của họ! Cho nên mới có cảnh lột đồ con ra giữa đường, nhục mạ nó vì “mỗi người có cách dạy con khác nhau”.
Khi mình sinh sống ở tội phạm nước ngoài, việc thừa nhận cha mẹ “thất bại” trong việc nuôi dạy con, hay thậm chí không đủ kiến thức, năng lực để nuôi dạy con là chuyện bình thường. Ở những quốc gia này, họ dám đối diện với một sự thật là một đứa trẻ có thể ra đời sau vài giây phút “sung sướng” nhất thời của hai cá nhân trái dấu, nhưng điều đó không ngay lập tức ban cho họ kỹ năng, kiến thức làm cha mẹ. Cho nên xã hội và chính quyền có quyền can thiệp khi cha mẹ có dấu hiệu bạo hành con cái.
Có câu nói mình rất thích là “Sinh con rồi mới sinh cha, sinh mẹ”. Có nghĩa chúng ta học cách làm cha mẹ cùng với con cái mình, con học từ cha mẹ và cha mẹ học từ chính con cái. Nhưng điều này mình ít quan sát thấy ở Việt Nam. Ba mẹ là biết tuốt. “Trẻ con thì biết cái gì?”
ĐIỀU MÌNH NHẬN RA TRONG NHỮNG NĂM QUA:
Nhiều cha mẹ thiếu kiến thức và kỹ năng nuôi dạy con đúng cách. Đừng nghĩ “mỗi người có cách dạy con riêng”. Nếu bạn thấy cha mẹ có dấu hiệu bạo hành tâm lý, thể xác con trẻ, hãy lên tiếng. Đừng nghĩ đó là “chuyện nhà người ta”. Đừng để chuyện của bé Vân Anh xảy ra nữa. Hãy trò chuyện giúp đỡ các bạn, đừng để các em tìm đến cái chết như những ngày gần đây nữa…
Nếu bạn thấy mình đang bị chính cha mẹ mình bạo hành, hãy thẳng thắn, bình tĩnh nói rõ ràng về cách cha mẹ đối xử với mình và nó khiến bạn cảm thấy thế nào. Nếu không được tiếp nhận, hãy xin hỗ trợ từ những người lớn bạn tin tưởng, có hiểu biết. Nếu bạn quá sợ hãi, chưa sẵn sàng hay khi ba mẹ chưa sẵn sàng nhận ra sai lầm thì cũng không cần phải đối thoại ngay, hãy tìm cho mình một không gian an toàn, chữa lành vết thương cho chính mình đã.
Đến giờ mình vẫn chưa thể đối thoại được với ba mình, mình chọn tìm sự an nhiên, hạnh phúc cho chính mình. Mình vẫn đang trên hành trình tự chữa lành. Mình thi thoảng vẫn nóng tính và vội vàng. Và mỗi khi có hành xử không phù hợp, mình lại đắn đo về việc mình đã sẵn sàng trở thành mẹ của một đứa trẻ chưa. Đừng để gia đình, bạn bè hay xã hội gây áp lực, bạn mới là người ra quyết định. Mình sẽ không muốn đối xử với một đứa trẻ, người mình đáng lẽ phải yêu thương, trân trọng nhất, như cái cách mình đã bị đối xử.
P/S: Mình không phải là một chuyên gia tâm lý. Mình chỉ quan tâm đến vấn đề này trong những năm gần đây. Và những điều trên là từ những gì mình thu thập được sau nhiều năm tìm hiểu, câu chuyện của cá nhân mình và quan sát xung quanh.
Credit: Linh Nguyễn
Tham khảo
- https://nextshark.com/6-signs-asian-narcissist-parent/#:~:text=So%20are%20all%20Asian%20parents,several%20of%20these%20harmful%20traits
- https://www.choosingtherapy.com/narcissistic-parent/
- https://toxicties.com/narcissistic-parent-signs/
- https://www.phunuonline.com.vn/nguoi-me-danh-lot-do-va-bat-con-quy-ngoai-duong-bi-phat-2-trieu-dong-a1395185.html
Theo tamlyhoctoipham.com