Dù bạn coi Chúa Giê-su là một nhà truyền giáo nổi tiếng hay là Con Thiên Chúa, có một điều rất kỳ lạ trong quan điểm của Ngài về tình yêu: Ngài không chỉ nói rất nhiều về tình yêu, mà còn kêu gọi chúng ta yêu những con người mà chẳng ai ngờ tới.
Trong một đoạn (được ghi lại trong chương 7 của sách tội phạm học Phúc Âm Lu-ca), Chúa Giê-su đến dự một bữa tiệc, và một cô gái mại dâm trong vùng bất ngờ xuất hiện – điều khiến các chủ nhà vô cùng khó chịu. Nhưng Giê-su, thay vì tránh xa, lại đối xử với cô bằng sự thân thiện và ân cần, thậm chí còn đứng ra bảo vệ cô trước sự chỉ trích của mọi người. Ngài khẳng định rằng, tận sâu trong tâm hồn, cô là một người rất tốt.
Trong một câu chuyện khác (trong chương 8 của Phúc Âm Ma-thi-ơ), một người bị bệnh phong cùi – trong tình trạng rất đáng sợ và kinh khủng – đến tìm Giê-su. Ngài không hề tỏ ra sợ hãi hay ghê tởm, mà đưa tay ra chạm vào người ấy. Trong mắt Giê-su, bất chấp vẻ bề ngoài đáng sợ, đây vẫn là một con người hoàn toàn xứng đáng nhận được sự gần gũi và lòng nhân ái. Tương tự, trong nhiều câu chuyện khác, Giê-su công khai tuyên bố rằng những kẻ thu thuế, trộm cắp và ngoại tình cũng không bao giờ nằm ngoài vòng tay của tình yêu.
Hàng thế kỷ sau, nhà tư tưởng trung cổ vĩ đại Thomas Aquinas đã diễn giải quan điểm của Giê-su về tình yêu như sau: “Người thực sự hiểu tình yêu có thể yêu bất kỳ ai.” Nói cách khác, tình yêu đích thực không nhắm đến một đối tượng cụ thể, cũng không bị bó buộc vào những phẩm chất đặc biệt; nó là một trái tim rộng mở dành cho tất cả nhân loại – ngay cả, và đôi khi đặc biệt là, những ví dụ ít hấp dẫn nhất.
Ngày nay, quan điểm này có vẻ rất xa lạ, bởi ý niệm về tình yêu của chúng ta thường gắn liền với trải nghiệm mãnh liệt khi “phải lòng” ai đó: một người cụ thể, khiến ta cảm thấy mê đắm, phấn khích và hoàn toàn quên đi những khiếm khuyết của họ. Chúng ta thường nghĩ rằng tình yêu là một phản ứng trước sự hoàn hảo rõ ràng của người khác.
Thế nhưng, qua những ví dụ có phần cực đoan, Giê-su nhấn mạnh một khía cạnh quan trọng của tình yêu mà đôi khi ta bỏ qua. Và để thấu hiểu điều này, bạn không nhất thiết phải là người theo đạo Thiên Chúa – bạn không cần tin vào cuộc sống sau cái chết hay tin rằng Giê-su được sinh ra từ một trinh nữ để học hỏi từ góc nhìn của Ngài.
Cốt lõi của tình yêu này nằm ở nỗ lực nhìn xuyên qua vẻ ngoài xù xì, kém hấp dẫn của một con người để tìm đến phần sâu thẳm bên trong họ: nơi tồn tại sự dịu dàng, nỗi sợ hãi và những tổn thương dễ chạm đến trái tim.
Công việc của tình yêu – chính là “lao động cảm xúc” – đòi hỏi ta phải dùng trí tưởng tượng để nhìn qua vẻ bề ngoài khó ưa ấy. Tuy nhiên, tâm trí chúng ta thường rất khó khăn để thay đổi cách nhìn nhận quen thuộc. Chúng ta luôn đi theo lối mòn, cảm thấy vừa quen thuộc vừa hợp lý. Ví dụ, nếu ai đó làm tổn thương ta, ta tự nhiên coi họ là người tồi tệ. Ý nghĩ rằng họ có thể cũng đang đau đớn bên trong thật khó chấp nhận. Hoặc khi ai đó có ngoại hình kỳ quặc, ta khó lòng tưởng tượng rằng sâu thẳm bên trong họ có thể là một tâm hồn đầy xúc động.
Khi một người gặp nhiều bất hạnh – chẳng hạn mất việc liên tục, nghiện rượu, hoặc thậm chí mắc ung thư – ta đôi khi vô thức đổ lỗi cho chính họ vì những bất hạnh đó.
Phải mất rất nhiều nỗ lực và sự chủ động về mặt cảm xúc để thoát khỏi những định kiến này. Chúng ta có thể thử hình dung một người trông thật khó ưa khi họ còn là một đứa trẻ, vô tư chơi đùa trong căn phòng nhỏ của mình. Hoặc tưởng tượng cảnh người mẹ của họ, sau khi sinh, bế họ trong vòng tay, tràn ngập tình yêu trước sự sống bé nhỏ mới chào đời này. Có thể người mẹ ấy yêu thương hết mực, hoặc ngược lại, say xỉn và bỏ mặc những tiếng khóc cầu cứu của đứa trẻ.
Hoặc khi ta gặp một người cáu kỉnh trong nhà hàng, giận dữ mắng mỏ chỉ vì nước sốt cà chua đặt sai chỗ, thay vì khinh thường hay cảm thấy mình hơn họ, hãy thử nghĩ đến lý do sâu xa: họ đã phải chịu đựng điều gì để trở nên khó chịu và bất mãn đến thế?
Càng dành thời gian và tâm sức để suy nghĩ theo cách này, ta sẽ càng khám phá ra một sự thật đầy bất ngờ: rằng ta có thể nhìn thấy những điều đáng yêu ở hầu hết tất cả mọi người.
Điều này không có nghĩa là ta nên bỏ qua mọi tiêu chí khi tìm kiếm một người bạn đời. Nhưng nó nhắc nhở rằng, ngay cả người dễ chịu nhất rồi cũng sẽ cần đến trí tưởng tượng và lòng bao dung của ta khi ta phải đối diện với những khía cạnh khiến họ trở nên nản lòng.
Và tất nhiên, điều này cũng không chỉ là câu chuyện một chiều. Bởi chính chúng ta cũng không dễ chịu gì hơn. Chúng ta đều có những mặt tối, những điều khiến người khác khó ở bên. Chúng ta cũng cần một ánh mắt đầy trí tưởng tượng, dịu dàng để cứu mình khỏi việc bị xem như một “con quái vật tầm thường” khác trong cuộc sống.
Nguồn: WHY, ONCE YOU UNDERSTAND LOVE, YOU COULD LOVE ANYONE - The School Of Life
Theo tamlyhoctoipham.com