Giám đốc một công ty sáng ra cãi nhau với vợ, đến văn phòng vẫn chưa nguôi giận. Đúng lúc có quản lý muốn báo cáo công việc, giám đốc cáu kỉnh nói: “Chút chuyện này cũng giải quyết không xong, tôi cần các cậu làm gì?” Vị quản lý này cụt hứng, hậm hực trở về phòng mình. Lúc này, một nhân viên cấp dưới có việc muốn xin ý kiến, quản lý nóng nảy bảo: “Chuyện này mà còn đến tìm tôi giải quyết à? Sao bản thân các cậu không động não nhiều hơn? Tự nghĩ cách đi!” Nhân viên vấp phải đinh, cảm thấy rất chán nản. Tan sở về đến nhà vừa ngồi xuống, con trai muốn hỏi anh bài toán, anh bực bội đáp: “Con lắm chuyện quá, tránh sang một bên! Để bố yên tĩnh một lát!” Con trai rất buồn bực trước lửa giận không tên của cha, đang định tiu nghỉu lảng đi, lại bị con mèo nhỏ mà xưa nay mình rất cưng chiều quẩn chân. Cậu bé đang nén giận không có nơi nào trút ra, liền đá con mèo một cú: “Đáng ghét, không thấy tao đang bực sao? Kêu cái gì mà kêu? Tránh ra!”
Đây chính là “hiệu ứng đá mèo” nổi tiếng. Thoạt nhìn, nó kể lại một quá trình lây lan cảm xúc xấu điển hình, nhưng trên thực tế, điều được miêu tả lại là sự chuyển dời phản kích mang tính tự vệ sinh ra do đau khổ và không thể kìm nén sang kẻ yếu. Trong xã hội hiện đại, mỗi một người đều là một mắt xích trong chuỗi dài "hiệu ứng đá mèo" này. Tùy theo áp lực công việc và cuộc sống càng ngày càng lớn thì cạnh tranh càng khốc liệt, từ đó cảm xúc của mọi người sẽ càng trở nên không ổn định. Nếu không kịp thời điều chỉnh loại tác động tiêu cực của yếu tố tiêu cực này, bạn sẽ vô tình tham gia vào đội ngũ "đá mèo" - bị người khác "đá", sau đó đi "đá" người khác.
Ảnh: Shutterstock
Từ giám đốc công ty đến con mèo nhỏ đáng thương, đã hình thành một kim tự tháp gây tổn thương yếu dần về phía đỉnh. Nếu khả năng làm tổn thương của chúng ta so với đối tượng làm tổn thương chúng ta không hơn kém là bao, chúng ta sẽ trực tiếp phản kích. Nhưng nếu khả năng làm tổn thương của chúng ta chênh lệch quá nhiều so với đối tượng làm tổn thương chúng ta, chúng ta không thể nghênh chiến, thì bản năng tự vệ kiểu này chỉ có thể trút lên người kẻ yếu.
Hiệu ứng này còn được gọi là gây hấn thay thế (displaced aggression) và được coi là biểu hiện của quản lý cảm xúc kém. Rất nhiều người thừa nhận họ "đá con mèo" để thay thế cho đau buồn, lo lắng hoặc những cảm xúc khác. Nhà tâm lý học Raj Persaud gợi ý rằng mọi người "đá con mèo" như một biện pháp giải tỏa vì họ sợ thể hiện cảm xúc thật của mình với người khác.
Đây là một thế giới mà bạn định nghĩa bản thân thế nào, thì thế giới sẽ định nghĩa bạn thế ấy. Khi bạn đối mặt với cuộc sống bằng tâm thái của kẻ bị hại, thì bạn đã trở thành kẻ bị hại của cuộc sống; khi bạn đối mặt với thế giới trong tư thế hy sinh, thì bạn sẽ thật sự bị thế giới đem ra làm vật hy sinh. Để thoát khỏi chuỗi “đá con mèo” này, bạn cần quản lý và điều hòa cảm xúc của bản thân tốt hơn, xây dựng một thái độ sống tích cực, lạc quan và giải tỏa những cảm xúc tiêu cực trong lòng bằng những cách hợp lý.
- trích từ sách tội phạm học LÒNG TỐT CỦA BẠN CẦN ĐÔI PHẦN SẮC SẢO, Mộ Nhan Ca
https://shope.ee/3prWPjjlAI
Theo tamlyhoctoipham.com