Tội Phạm Bài viết

Làm sao để ngăn bản thân trở thành người luôn làm hài lòng người khác

 03/06/2024 12:19:48 CH |  Admin |   127 lượt xem

(toipham.net) - Một người “chuyên” làm hài lòng người khác thường ưu tiên nhu cầu và mong muốn của mọi người cao hơn bản thân họ.

Một người “chuyên” làm hài lòng người khác thường ưu tiên nhu cầu và mong muốn của mọi người cao hơn bản thân họ. Họ phủ nhận mọi nhu cầu và lời hứa của bản thân chỉ để chừa chỗ cho nhu cầu của người khác. Tiến sĩ Susan Newman nói rằng người thích chiều lòng mọi người luôn cảm thấy họ có trách nhiệm mang lại hạnh phúc cho người khác.

Các dấu hiệu của một người luôn muốn làm hài lòng người khác:

  • Lòng tự trọng thấp.
  • Tìm kiếm sự công nhận từ người khác.
  • Mong muốn mọi người yêu quý mình.
  • Sợ bị từ chối.
  • Nói “đồng ý” trong khi bản thân thật ra muốn nói “không”.
  • Cảm thấy khó khăn trong việc bày tỏ nhu cầu và ưu tiên bản thân.
  • Luôn xin lỗi quá mức hoặc nhận phần sai về mình dù đó không phải trách nhiệm của bản thân.
  • Cho phép mọi người lợi dụng mình.
  • Cảm thấy tội lỗi hoặc xấu xa khi thiết lập những ranh giới (với mọi người xung quanh). 
  • Tránh các tình huống xung đột và tranh cãi.
  • Đặt ra những tiêu chuẩn cao đối với bản thân và mong cầu sự hoàn hảo. 
  • Một số ví dụ về hành vi của người luôn muốn chiều lòng người khác:
  • Thay đổi tính cách và thái độ của bản thân tùy thuộc vào đối tượng xung quanh bạn.
  • Hành động không giống với tính cách của bạn hoặc tham gia vào những hành động mà bạn không hề muốn chỉ để phù hợp với xã hội.
  • Tham gia các hoạt động xã hội dù bạn không có thời gian và sức lực.
  • Duy trì tình bạn hoặc các mối quan hệ bạn không hề mong muốn.
  • Ăn hai bữa trưa liên tiếp vì bạn không muốn từ chối bất cứ ai.
  • Cảm thấy buộc phải trả lời điện thoại chỉ vì nó đang đổ chuông.
  • Giữ kín ý kiến ​​​​của bạn về một cái gì đó.
  • Cho phép bản thân bị bắt nạt hoặc bị xúc phạm chỉ để tránh xảy ra xung đột với bạn bè hoặc với thành viên trong gia đình.
  • Che giấu những điểm mạnh của bản thân, hoặc tỏ ra kém cỏi trong học tập hoặc công việc để tránh khiến người khác cảm thấy họ không thành công và thông minh được như bạn.

Làm Sao Để Ngưng Trở Thành Người Làm Hài Lòng Người Khác

Học Cách Nói “Không”

Người luôn muốn chiều lòng mọi người thấy rằng họ rất khó hoặc thậm chí gần như không thể nói “không”, bởi vì họ sợ làm tổn thương cảm xúc của người khác hoặc bị chối bỏ bởi họ. 

Tuy nhiên, để phá bỏ thói quen lấy lòng mọi người thì điều quan trọng là họ phải làm quen với việc nói “không”.

Mặc dù việc làm hài lòng mọi người có thể giống như một phản xạ tự nhiên, nhưng hãy nhớ rằng bạn luôn có quyền lựa chọn từ chối.

Thay vì nói “có thể” hoặc “tôi không biết”, bạn có thể nói “không” một cách lịch sự mà quyết đoán để từ chối những lời mời hoặc yêu cầu của người khác. Bạn càng thực hành nói “không” càng nhiều thì việc nói “không” sẽ càng trở nên dễ dàng.

Sau đây là một số mẹo cho việc nói “không”:

  • Viết nhật ký về cách mà bạn dành thời gian và năng lượng của mình như thế nào trong một tuần qua. Ghi chú lại số lần bạn nói đồng ý, từ chối hoặc có thể với những lời yêu cầu mà bạn nhận được.
  • Hãy tập nói "không" bắt đầu với những yêu cầu đơn giản mà bạn không muốn làm. Ví dụ, nếu một người bạn mời bạn cùng đi ăn trưa chung nhưng bạn không có thời gian, bạn có thể từ chối bằng cách hẹn người bạn ấy vào dịp khác và sẽ mời họ một ly cà phê ở nơi gần công ty bạn chẳng hạn.
  • Hãy nói thật với mọi người về lý do bạn từ chối họ mà không phải là viện cớ. Người khác đôi khi có thể biết khi nào bạn đang viện cớ để trốn tránh. Họ sẽ trân trọng với việc bạn thành thật giải thích hơn là viện cớ.
  • Bạn không có nghĩa vụ phải giải thích với bất cứ ai rằng vì sao bạn lại nói "không". Bạn có quyền đặt ra giới hạn và ưu tiên nhu cầu cá nhân lên hàng đầu.
  • Hãy chú ý đến cảm giác của bạn đối với một số yêu cầu nhất định để xác định các yêu cầu nào gây căng thẳng cho bạn.
  • Lưu giữ/viết nhật ký lại mức năng lượng và các lời hứa bạn đưa ra để xem bạn có thể cho đi bao nhiêu và để tránh việc cam kết quá nhiều.

Xây Dựng Những Giới Hạn Lành Mạnh

Tác giả và diễn giả truyền động lực Brene Brown nói rằng “dám đặt ra ranh giới nghĩa là đủ can đảm để yêu bản thân kể cả khi điều đó có nguy cơ làm người khác thất vọng.”

Hãy để mọi người biết bạn thoải mái và không thoải mái với điều gì. Xác định những ưu tiên của bạn và những kiểu người mà bạn muốn có trong cuộc sống để bạn có thể từ chối bất cứ điều gì không phù hợp với nhu cầu của bản thân.

Chia sẻ với mọi người về những nhu cầu và giới hạn của bạn, đồng thời bạn cũng nên hiểu rằng một số mối quan hệ có thể thay đổi hoặc xấu đi sau khi bạn nói ra.

Đặt ra những giới hạn về thời gian để tránh trường hợp hứa hẹn quá nhiều hay "sẵn sàng nhận lệnh" bất cứ khi nào, hãy để mọi người biết rằng bạn cũng có những cam kết và trách nhiệm của riêng mình.

Phân bổ thời gian cho phép bản thân được giúp đỡ người khác trong một khoảng nhất định, cũng như đặt ra thời gian dừng lại rõ ràng để tránh làm việc quá sức.

Cân Nhắc Về Những Ưu Tiên Của Bạn

Việc làm hài lòng người khác có thể cản trở những cam kết và ưu tiên của chính bạn.

Trong khi những người làm hài lòng người khác có thể cảm thấy tội lỗi khi ưu tiên nhu cầu của bản thân, tiến sĩ & nhà tâm lý học lâm sàng L. Firestone nói rằng việc dành thời gian cho những ưu tiên của bản thân sẽ mang lại cho chúng ta nhiều năng lượng hơn và cho phép chúng ta trở thành phiên bản tốt nhất của chính mình đối với những người xung quanh.

Biết được các ưu tiên và mục tiêu của bản thân sẽ giúp bạn từ chối những yêu cầu không phù hợp với mình một cách dễ dàng hơn.

Bạn có thể xác định các ưu tiên của mình bằng cách thường xuyên suy ngẫm về các mục tiêu ngắn hạn trước mắt (ví dụ như các mục tiêu cho hôm nay hoặc tuần này), mục tiêu trung hạn (trong vài tháng tới) và mục tiêu dài hạn (trong vài năm tới).

Ghi chúng lên một cuốn lịch, trong giấy ghi chú hoặc viết vào nhật ký và đặt chúng ở nơi bạn có thể nhìn thấy.

Sau đó, hãy liệt kê các hoạt động tiêu tốn thời gian và sức lực của bạn. Những hoạt động đó có hỗ trợ cho các ưu tiên hàng đầu của bạn không? Nếu không, hãy nói không với những yêu cầu không phù hợp với các ưu tiên của bạn và tập trung vào những gì quan trọng nhất đối với bạn.

Học Cách Giao Tiếp Quyết Đoán

Người luôn làm hài lòng người khác thường gặp khó khăn trong việc giao tiếp một cách quyết đoán. Họ thường sợ xung đột hoặc làm tổn thương cảm xúc của người khác.

Tuy nhiên, giao tiếp quyết đoán không có nghĩa là bạn phải tỏ ra hung hăng hay thô lỗ. Nó liên quan tới việc truyền đạt nhu cầu và mong muốn của bản thân một cách trung thực, trực tiếp và tôn trọng.

Những cách giúp bạn quyết đoán trong giao tiếp:

  • Hãy chú ý đến cảm xúc và nhu cầu của bạn. Bạn muốn nói gì hoặc bạn mong cầu điều gì?
  • Thể hiện sự tôn trọng đối với cảm xúc của người khác, kể cả khi bạn không đồng ý với họ.
  • Sử dụng các câu với đại từ xưng hô "Tôi" (ví dụ: Tôi cảm thấy…) để nói về cảm xúc cũng như nhu cầu của bản thân một cách rõ ràng.

Tạm Hoãn Phản Hồi Của Bạn

Người làm hài lòng người khác thường cảm thấy bị bắt buộc phải đồng ý ngay lập tức với mọi lời đề nghị, điều này dẫn đến việc họ đồng ý luôn với cả những thứ họ không muốn làm.

Không phải yêu cầu nào cũng cần bạn trả lời ngay lập tức (hãy nói với họ rằng bạn cần thời gian để suy nghĩ). Tạm hoãn phản hồi sẽ giúp bạn có nhiều thời gian hơn để xem xét điều mà bạn thật sự muốn làm và ngăn bạn đưa ra những lời hứa mà bạn không thể thực hiện.

Chuyên gia quản lý thời gian - Laura Vanderkam lưu ý rằng “thay vì tự động ưu tiên nhu cầu của người khác, việc trì hoãn phản hồi cho phép bạn lùi lại một bước và đánh giá xem liệu việc nói đồng ý có phù hợp với các giá trị và ưu tiên của riêng bạn hay không.”

Cách trì hoãn này cho phép bạn đánh giá xem bạn có thực sự muốn giúp đỡ hay bạn đang bị cuốn vào cảm giác tội lỗi hoặc nỗi sợ không được công nhận.

Phân Bổ Thời Gian Cho Bản Thân

Người làm hài lòng người khác thường cảm thấy tội lỗi khi làm gì đó cho bản thân hoặc làm những thứ mình mong muốn.

Tiến sĩ & nhà tâm lý học lâm sàng Ellen Hendriksen nhấn mạnh rằng “dành thời gian cho bản thân và chăm sóc bản thân không phải là ích kỷ. Đó là điều cần thiết.”

Hãy dành thời gian mỗi ngày hoặc mỗi tuần để tham gia vào các hoạt động thú vị khiến bạn cảm thấy thoải mái. Hãy nhớ rằng bạn được phép chăm sóc bản thân và đầu tư thời gian vào những ưu tiên của mình.

Cũng giống như cái cách bạn dành thời gian cho bất kỳ cuộc hẹn quan trọng nào khác, hãy dành thời gian cho chính mình.

Hãy thiết lập khoảng thời gian này thành “bất khả xâm phạm”, và đừng ưu tiên các yêu cầu hoặc đòi hỏi từ người khác hơn thời gian cá nhân của bạn. Việc nói "không" với những yêu cầu của người khác để dành thời gian cho bản thân là hoàn toàn hợp lý.

Đừng Viện Cớ

Người làm hài lòng người khác thường dùng những lý do không có thật khi từ chối yêu cầu của người khác để tránh mâu thuẫn. Thay vì làm như vậy, hãy từ chối những lời mời hoặc yêu cầu của người khác một cách lịch sự mà không cần phải biện minh cho bản thân.

Hãy thành thật với bản thân và người đó về lý do vì sao bạn không muốn làm một điều gì, và đừng nên cảm thấy tội lỗi vì điều đó.

Hãy nhẹ nhàng thông báo cho họ biết rằng bạn hiểu quan điểm mà họ đưa ra, nhưng không phải mọi yêu cầu nào của họ bạn cũng đáp ứng được. 

Nhớ Rằng Bạn Không Thể Làm Hài Lòng Được Tất Cả

Nhà tâm lý học Sergey Nivens nói rằng: “nỗi sợ không đáp ứng được kỳ vọng của người khác có thể là một yếu tố quan trọng trong việc duy trì hành vi làm hài lòng mọi người. Nhận ra nỗi sợ hãi này và thử thách niềm tin rằng bản thân phải liên tục làm hài lòng người khác có thể giúp bạn ưu tiên các nhu cầu và hạnh phúc của bản thân.”

Làm hài lòng được tất cả mọi người là điều bất khả thi, bởi sẽ luôn có người không hài lòng với bạn cho dù bạn có làm bao nhiêu điều cho họ đi chăng nữa. “Nếu bạn cố gắng làm hài lòng tất cả mọi người thì bạn sẽ không làm hài lòng được ai cả.” - Aesop nói.

Tuy nhiên, hạnh phúc của người khác không phải là trách nhiệm của bạn. Tốt nhất là bạn nên ưu tiên hạnh phúc của chính mình.

Hơn nữa, hãy cố gắng tránh nhận hết mọi việc vào người và chấp nhận một sự thật là không phải ai cũng sẽ thích bạn.

Hãy tập trung vào việc xây dựng một mạng lưới hỗ trợ vững chắc bằng cách kết nối với những người quan tâm đến bạn và giúp đỡ bạn hết mình.

Nhận Biết Cách Giao Tiếp Độc Hại Của Người Khác

Những người có kiểu giao tiếp độc hại thường sử dụng hình thức giao tiếp thao túng, kiểm soát hoặc hung hăng với người nghe. Họ có khả năng lợi dụng những người muốn làm hài lòng người khác vì họ nhận thấy rằng những người này (người có xu hướng muốn làm hài lòng người khác) là đối tượng phù hợp để họ lợi dụng.

Theo Tiến sĩ Stephanie Sarkis, đối tượng giao tiếp kiểu độc hại làm cạn kiệt năng lượng của những người muốn làm hài lòng người khác bằng cách liên tục đòi hỏi sự chú ý, cảm thông hoặc sự công nhận. Họ có thể đóng vai nạn nhân và thao túng những người đó.

Những ví dụ về hành vi thao túng bao gồm xu nịnh, đùn đẩy trách nhiệm cho bạn, đổ lỗi cho bạn về những điều không phải do bạn gây ra, hoặc yêu cầu những điều vô lý.

Việc lạm dụng tâm lý theo kiểu này có thể khiến người luôn làm hài lòng người khác phải nghi ngờ về sự tỉnh táo của bản thân, làm tăng sự lo âu và giảm lòng tự trọng.

Những cách giúp bạn nhận biết khi nào bạn đang bị lợi dụng:

  • Hãy lắng nghe các từ và cụm từ mà người đó sử dụng. Họ có chỉ trích, phán xét hay đổ lỗi cho bạn không?
  • Giọng điệu của họ có gay gắt, trịch thượng hay đòi hỏi không?
  • Hãy chú ý đến ngôn ngữ cơ thể của họ. Họ có khoanh tay, đảo mắt hay thực hiện những cử chỉ không thân thiện khác không?
  • Hãy nghĩ xem họ khiến bạn cảm thấy thế nào khi họ yêu cầu bạn một điều gì đó hoặc khi bạn từ chối yêu cầu của họ. Điều này có khiến bạn cảm thấy tội lỗi hay khó chịu không? (Ví dụ: “Nếu em yêu anh, em phải cho anh những gì anh muốn.”)

Bạn có quyền bảo vệ bản thân khỏi những người cố gắng kiểm soát bạn. Vì vậy, nếu bạn phát hiện những dấu hiệu của kiểu giao tiếp độc hại, hãy thiết lập giới hạn với người đó.

Điều này có nghĩa là bạn từ chối các yêu cầu của họ, hạn chế liên lạc với họ hoặc rời khỏi cuộc trò chuyện.

Dành Những Lời Tích Cực Cho Chính Bản Thân Mình

Người làm hài lòng người khác thỉnh thoảng hay nói những lời tiêu cực với bản thân, chẳng hạn như họ nói với bản thân rằng họ chưa đủ tốt, không đáng được yêu thương, hoặc không thể làm đúng được điều gì cả.

Dưới đây là một số cách xây dựng lòng tự trọng của bạn với những câu nói tích cực dành cho bản thân:

  • Hãy chú ý đến suy nghĩ của bạn và những điều tiêu cực bạn nói với chính mình.
  • Thử thách những suy nghĩ vô ích đó bằng cách tự hỏi bản thân rằng liệu chúng có thực sự đúng hay không và tìm bằng chứng chống lại chúng.
  • Thay thế những suy nghĩ vô ích đó bằng những suy nghĩ có ảnh hưởng tích cực như “Tôi đã đủ tốt rồi”, “Tôi xứng đáng được yêu thương” và “Tôi có thể làm bất cứ điều gì mà tôi đã quyết.”

Chuẩn Bị Tinh Thần Cho Sự Từ Chối

Những người luôn chiều lòng mọi người thường lo lắng rằng nếu họ không làm theo mọi điều người khác yêu cầu thì họ sẽ bị từ chối, không nhận được sự yêu thích hoặc bị bỏ rơi bởi mọi người. 

Nhà trị liệu tâm lý Amy Morin nói rằng “một khía cạnh quan trọng của việc vượt qua xu hướng làm hài lòng người khác chính là nhận ra sự từ chối là một phần sẵn có của cuộc sống. Quan trọng là bạn phát triển được một tư duy lành mạnh để hiểu rằng không phải ai cũng luôn đồng ý với bạn hoặc trân trọng những lựa chọn của bạn. Bằng cách chấp nhận thực tế này, bạn có thể chuẩn bị tinh thần tốt hơn cho khả năng bị từ chối và tập trung vào hạnh phúc của chính mình.”

Những cách giúp bạn chuẩn bị tinh thần cho sự từ chối:

  • Thừa nhận nỗi sợ bị từ chối của bạn. Sợ bị từ chối cũng không sao cả. Ai cũng có lúc như vậy.
  • Cần biết rằng sự từ chối không phản ánh được giá trị của bạn. Chỉ vì ai đó từ chối bạn không có nghĩa là bạn không xứng đáng có được tình yêu, sự tôn trọng hoặc tình bạn.
  • Hãy tập trung vào những người yêu thương và chấp nhận con người thật của bạn.

Điều Gì Sẽ Xảy Ra Nếu Bạn Không Còn Là Người Làm Hài Lòng Mọi Người Nữa?

"Khi bạn ngừng sống cuộc đời của người khác, một cuộc sống thực sự mới bắt đầu. Lúc đó, bạn cuối cùng cũng sẽ nhìn thấy cánh cửa của sự chấp nhận bản thân đang được mở ra." - theo tác giả và nhà trị liệu truyền cảm hứng Shannon L. Alder.

Khi bạn bắt đầu ưu tiên cho hạnh phúc và nhu cầu của bản thân, bạn sẽ thoát khỏi khuôn mẫu luôn dựa vào sự công nhận của người khác.

Khi bạn không cần phải luôn cố gắng làm hài lòng mọi người, tinh thần của bạn sẽ được cải thiện vì bạn sẽ cảm thấy bớt căng thẳng và choáng ngợp khi đặt nhu cầu của người khác lên trên nhu cầu của bản thân.

Hơn nữa, khi bạn kiên quyết từ chối những yêu cầu và lời mời mà bạn không thể cam kết, bạn sẽ học cách đặt ra những giới hạn lành mạnh, đứng lên bảo vệ bản thân cũng như bảo vệ những mong muốn và lợi ích của riêng mình.

Do đó, bạn sẽ lấy lại được quyền kiểm soát thời gian và năng lượng của mình bằng cách thiết lập các ranh giới và phát triển khả năng nói “không” khi cần.

Bạn sẽ có cái nhìn sâu sắc hơn về các ưu tiên và giá trị của bản thân, điều này sẽ giúp bạn đưa ra các quyết định phù hợp.

Ngoài ra, khi bạn ngừng đặt nhu cầu của người khác lên trên nhu cầu của mình, bạn sẽ xây dựng được lòng tự trọng và trân quý bản thân hơn. Bạn nhận ra rằng bạn xứng đáng được tôn trọng và yêu thương. Bạn không cần phải làm mọi việc cho người khác để nhận lại sự yêu thích.

Hơn nữa, khi bạn không còn là người làm hài lòng người khác nữa, bạn sẽ thu hút được những mối quan hệ lành mạnh và cân bằng hơn dựa trên sự tôn trọng lẫn nhau và sự kết nối chân thành.

Tiến sĩ tâm lý học Judith Sills giải thích rằng “khi bạn làm quá nhiều điều cho người khác, bạn sẽ bị quá tải bởi phải cống hiến quá nhiều trong các mối quan hệ của mình, điều này chắc chắn sẽ khiến những người khác ỷ lại vào bạn nhiều hơn (họ làm ít hơn).”

Một số mối quan hệ có thể thay đổi hoặc phai nhạt khi bạn ngừng làm hài lòng mọi người, nhưng cuối cùng bạn sẽ có được những mối quan hệ chân thành và tôn trọng nhau hơn.

Mặc dù ban đầu bạn có thể cảm thấy không thoải mái khi nói ra cảm xúc thật của mình và thực hiện những thay đổi này, nhưng những người thực sự ủng hộ bạn sẽ thấu hiểu được suy nghĩ bạn.

Nhìn chung, việc ngăn chặn thói quen làm hài lòng người khác sẽ giúp bạn sống một cuộc sống đích thực và trọn vẹn hơn, trong đó nhu cầu và hạnh phúc của bản thân bạn đóng vai trò trung tâm và là quan trọng nhất.

“Nếu bạn cứ luôn bận làm hài lòng tất cả mọi người, bạn sẽ không thành thật với chính bản thân mình”. - Jocelyn Murray.

Tại Sao Bạn Cần Phải Ngưng Trở Thành Người Làm Hài Lòng Người Khác?

Trở thành một người chuyên đi làm hài lòng người khác có thể ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe tinh thần cũng như chất lượng sống của bạn.

Phá vỡ thói quen làm hài lòng mọi người cho phép bạn đặt sức khỏe của mình lên hàng đầu, phát triển các mối quan hệ chân thành và trải nghiệm sự tiến bộ của bản thân. Tất cả những điều này góp phần tạo nên một cuộc sống đáng giá và thỏa mãn hơn.

Những người làm hài lòng người khác cảm thấy khó khăn trong việc khẳng định nhu cầu và mong muốn của bản thân, nghĩa là họ bị mắc kẹt trong cái vòng luẩn quẩn của sự hy sinh và bỏ bê bản thân. Họ thường đặt kỳ vọng của người khác lên trên hạnh phúc của chính mình.

Nhà trị liệu (được cấp phép) Amy Morin nhắc nhở chúng ta rằng “mặc dù trở nên tử tế và tốt bụng nói chung là một điều tốt, nhưng làm hài lòng người khác quá mức cần thiết có thể khiến bạn cảm thấy kiệt sức, căng thẳng và lo âu.”

Bạn có thể gặp khó khăn trong việc chăm sóc cho bản thân khi bận đặt nhu cầu của người khác lên trên nhu cầu của mình và mong đợi sự chấp thuận từ họ.

Ngoài ra, những người luôn chiều lòng người khác thường gặp khó khăn trong việc đặt ra giới hạn và khó từ chối các yêu cầu, điều này có thể dẫn đến việc họ hứa hẹn quá nhiều và bị choáng ngợp với các nhiệm vụ phải làm. Điều này có thể gây ra hội chứng “burnout”, với biểu hiện thường thấy nhất là kiệt sức về thể chất hoặc tinh thần.

Hơn nữa, khi bạn quá quan tâm đến cách người khác nhìn nhận về mình, bạn có thể gặp khó khăn trong việc bày tỏ những suy nghĩ, cảm xúc và quan điểm thực sự của bản thân.

Ngoài ra, bạn có thể điều chỉnh hành vi của mình chỉ để làm hài lòng họ. Chấp nhận con người đích thực của bạn cho phép bạn có được những kết nối thực sự và cảm giác hài lòng.

Việc làm hài lòng mọi người cũng có thể phá hỏng mối quan hệ của bạn. Khi bạn cảm thấy mình luôn cho đi nhưng không bao giờ được nhận lại, điều đó có thể khiến bạn bực bội với những người mà bạn đang cố gắng làm hài lòng và tạo ra khoảng cách trong mối quan hệ.

Cuối cùng, việc cố gắng làm hài lòng người khác có thể khiến bạn khó phát triển bản thân hơn. Thật khó để tập trung vào các mục tiêu của bản thân trong khi bạn đang phải bận tâm đến những yêu cầu của người khác, điều này có thể gây ra sự đau khổ và sự thất vọng.

Theo đuổi mục tiêu của riêng bạn là điều cần thiết để hoàn thiện bản thân và khám phá tiềm năng thực sự của bạn.

Những Câu Hỏi Thường Gặp

Ngưng trở thành người làm hài lòng người khác có phải là ích kỷ không?

Không hề, bạn không hề ích kỷ khi dừng việc luôn làm hài lòng mọi người. Điều đó thật sự cần thiết cho sức khỏe và niềm vui của bạn. Ưu tiên các nhu cầu và mong muốn của người khác một cách quá mức có thể dẫn đến việc tự hạ thấp lòng tự trọng của bản thân, hao mòn cảm xúc và cạn kiệt sức lực.

Chuyên gia lập trình ngôn ngữ tư duy - Jo Ritchie, nói rằng “quan tâm bản thân trái ngược hoàn toàn với ích kỷ, nó tiếp thêm sức mạnh cho chúng ta và cho phép chúng ta hỗ trợ những người thân yêu của mình tốt hơn. Chúng ta sẽ không thể giúp ích cho bất cứ ai được nếu năng lượng của chúng ta cạn kiệt vì đã cho đi những giọt năng lượng cuối cùng.

Người luôn muốn làm hài lòng người khác thường quá vị tha, họ có thể ích kỷ hơn một chút để tốt cho bản thân mình hơn. Họ cảm thấy việc bào chữa cho chính mình quá khó khăn, họ thường hy sinh bản thân và bỏ bê hạnh phúc của chính mình. Hãy để ý đến những nhu cầu của bản thân hơn và việc ưu tiên hạnh phúc của bạn là điều không hề ích kỷ xíu nào.

Tại sao mọi người lại trở thành người luôn muốn làm hài lòng người khác?

Rachael Lyon - người dẫn podcast How to Stop People Pleasing (tạm dịch: Làm Thế Nào Để Ngưng Trở Thành Một Người Luôn Làm Hài Lòng Mọi Người), cô ấy nói rằng mọi người đã học được các chiến lược làm hài lòng người khác chỉ vì để đương đầu với cuộc sống (ví dụ: giúp họ kết bạn hoặc thăng tiến trong sự nghiệp).

Ngoài ra, giá trị bản thân thấp, cảm giác bất an, sợ bị từ chối, sợ xảy ra xung đột hoặc bị chỉ trích là những đặc điểm phổ biến ở những người thích chiều lòng người khác. Những người có lòng tự trọng thấp có thể cảm thấy họ phải làm hài lòng người khác để cảm thấy hài lòng về bản thân.

Các mối quan hệ thời thơ ấu và tình yêu thương có điều kiện của cha mẹ có thể góp phần vào việc phát triển hành vi lấy lòng mọi người. Ví dụ về tình yêu có điều kiện của cha mẹ nhằm khuyến khích xu hướng làm hài lòng mọi người bao gồm:

  1. Ba mẹ nói với con mình rằng họ yêu chúng chỉ khi chúng đạt được điểm cao hoặc học tốt.
  2. Chỉ chú ý đến con khi chúng cư xử theo khuôn mẫu (ví dụ: im lặng hoặc cư xử đúng mực)
  3. Rút lại tình yêu hay tình thương khi con mình làm điều gì đó sai.

Hơn nữa, đó là một cơ chế thích ứng tiến hóa muốn được chấp nhận và thuộc về. Người tiền sử đã lập thành các nhóm để bảo vệ nhau khỏi những kẻ săn mồi. Nếu không được nhóm chấp nhận, bạn có thể sẽ chết đói hoặc bị thú hoang ăn thịt.

Tôi phải làm như thế nào để có thể xử lý những lời chỉ trích hoặc không tán thành của người khác khi tôi không còn là người làm hài lòng mọi người nữa?

Việc cảm thấy bị tổn thương, tức giận hoặc phòng ngự khi có ai đó chỉ trích hoặc không tán thành bạn là điều bình thường. Hãy cho phép bản thân cảm nhận và xử lý những cảm xúc này, nhưng đừng để chúng kiểm soát bạn.

Hơn nữa, đừng đánh đồng những lời chỉ trích về hành động của bạn với giá trị tổng thể của bản thân. Cũng đừng coi những lời chỉ trích là hướng về cá nhân vì nó thường là về người khác chứ không phải bạn. Hãy cố gắng hiểu tại sao họ lại cảm thấy như vậy.

Nếu bạn cảm thấy cần phải đáp lại những lời chỉ trích, hãy làm điều đó một cách bình tĩnh và tôn trọng. Bằng cách duy trì sự bình tĩnh và chống lại sự thôi thúc phòng thủ bản thân, bạn có thể thấy người khác dễ nói chuyện hơn.

Ngược lại với những lời chỉ trích không tử tế là những lời phê bình mang tính xây dựng, đưa ra những phản hồi cụ thể (một cách tôn trọng và hữu ích) có thể được tiếp thu để cải thiện bản thân. Hãy cảm ơn lời nhận xét của họ và cân nhắc thực hiện nó.

Nếu bạn đang gặp khó khăn, hãy nói chuyện với một người bạn đáng tin cậy, thành viên trong gia đình hoặc nhà trị liệu để họ có thể giúp bạn xử lý cảm xúc và phát triển các cơ chế đối phó lành mạnh.

Điểm khác nhau giữa việc trở nên tốt bụng so với trở thành người luôn làm hài lòng người khác là gì?

Sự tốt bụng được thúc đẩy bởi mong muốn giúp đỡ người khác, trong khi việc làm hài lòng mọi người được thúc đẩy bởi nỗi sợ bị từ chối, sợ xung đột hoặc nhu cầu muốn được chấp thuận.

Trở nên tốt bụng có nghĩa là giúp đỡ người khác nhưng không làm ảnh hưởng đến hạnh phúc của bản thân.

Ngược lại, những người luôn làm hài lòng mọi người lại ưu tiên đáp ứng những mong đợi và yêu cầu của người khác mà bỏ qua nhu cầu và hạnh phúc của chính họ.

Sau đây là một số câu hỏi mà bạn có thể đặt ra cho bản thân:

- Tôi làm việc này bởi vì tôi muốn giúp đỡ mọi người hay do tôi đang lo sợ về những điều sẽ xảy ra nếu tôi không làm việc này?

- Tôi có đang gạt nhu cầu của bản thân sang một bên để giúp đỡ người này không?

- Tôi có cảm thấy bực bội hoặc bị lợi dụng khi giúp đỡ người này không?

Nếu câu trả lời của bạn là “có” trong mọi câu hỏi trên, bạn rất có khả năng là một người làm hài lòng người khác hơn là một người thích giúp đỡ đấy.

Tác giả: Haddi Browne

Dịch giả: Ngọc My –  Nguồn: Tâm Lý Học Tuổi Trẻ

Bài gốc: How To Stop Being A People Pleaser

Theo tamlyhoctoipham.com

Tội Phạm Bài viết liên quan

Những điều cơ thể muốn nhắc nhở chúng ta

Những điều cơ thể muốn nhắc nhở chúng ta  3

 09/12/2024 4:45:21 CH

Một trong những đặc điểm kỳ lạ và nguy hiểm nhất của con người là chúng ta rất khó nhận biết được mình thực sự đang cảm thấy gì.

Xem chi tiết 
Sống khôn ngoan hơn với chiếc điện thoại trong tay

Sống khôn ngoan hơn với chiếc điện thoại trong tay  4

 09/12/2024 4:45:20 CH

Một sự thật đen tối khiến ta phải đối mặt: gần như không ai (và chắc chắn không điều gì) thú vị hơn chiếc điện thoại thông minh của chính ta.

Xem chi tiết 
Lợi ích của sự bất an trong tình yêu

Lợi ích của sự bất an trong tình yêu  4

 09/12/2024 4:45:19 CH

Chúng ta thường tin rằng nền tảng vững chắc nhất cho một mối quan hệ bền lâu nằm ở việc cam kết rõ ràng (có lẽ trước sự chứng kiến của 200 khách mời và một chiếc bánh kem lớn) rằng cả hai sẽ gắn bó với nhau mãi mãi.

Xem chi tiết 
Khát khao danh tiếng

Khát khao danh tiếng  3

 09/12/2024 4:45:18 CH

Một trong những dấu hiệu của việc nuôi dạy con tốt chính là con bạn không có mong muốn trở thành người nổi tiếng…

Xem chi tiết 
Điếu văn cho sự im lặng

Điếu văn cho sự im lặng  4

 09/12/2024 4:45:17 CH

Tiếng ù trong tai giống như một tiếng hét dai dẳng bên trong đầu tôi, cướp đi những khoảnh khắc tĩnh lặng yên bình mà tôi từng trân quý.

Xem chi tiết 
Cảm giác thuộc về biển cả

Cảm giác thuộc về biển cả  4

 08/12/2024 4:44:24 CH

Có lẽ ban đầu, bạn chẳng thích chút nào: đã lâu lắm rồi kể từ lần cuối bạn đối mặt với những con sóng, cảm nhận sức mạnh kỳ lạ khi chúng xô đẩy đôi chân mình trong lúc bạn dò dẫm bước ra vùng nước sâu đến giữa đùi.

Xem chi tiết 

Quảng cáo

thu mua đồ cũ

Quảng cáo

kem flan

Quảng cáo

xuong may dong phuc

Quảng cáo

xe ôtô 2018
Trước Khi Nhắm Mắt  3070
 13/09/2018 12:44:10 SA
Tiếng Thét  2892
 13/09/2018 12:39:16 SA
Đảo Quỷ  3585
 13/09/2018 12:34:42 SA
Pháp Y Tần Minh  3004
 13/07/2018 3:59:16 CH
Kiêu Hãnh Và Định Kiến  3107
 13/07/2018 3:48:06 CH
Xem thêm nhiều tin khác 
Bạn vui lòng chờ trong giây lát...