Giữa bệnh tâm thần của cá nhân và của xã hội có sự khác biệt quan trọng, điều này gợi ý cách phân biệt hai khái niệm: khiếm khuyết và chứng nhiễu tâm. Nếu một người không có được sự tự do, tính ngẫu hứng và sự biểu lộ bản thân một cách thành thật, thì có thể xem người đó có khiếm khuyết trầm trọng, miễn là chúng ta cho rằng sự tự do và tính ngẫu hứng là mục tiêu khách quan mà mỗi một người cần đạt được.
Một ví dụ minh họa là cảm xúc tội lỗi và lo âu mà học thuyết của Calvin khơi dậy ở con người. Có thể nói, người nào bị lấn át bởi cảm giác bất lực và vô giá trị, bởi nỗi hoài nghi dai dẳng là liệu anh ta có được cứu rỗi hay phải chịu sự trừng phạt vĩnh viễn, người đó khó có thể cảm nhận niềm vui chân chính, mà gánh chịu một khiếm khuyết nặng nề.
Tuy nhiên, chính khiếm khuyết này lại là khuôn mẫu văn hóa; nó được coi là đặc biệt có giá trị, và do đó con người ta được bảo vệ khỏi chứng nhiễu tâm mà anh ta vốn sẽ mắc phải nếu ở trong một nền văn hóa nơi khiếm khuyết đó khiến anh ta cảm thấy bị tách biệt và vô năng sâu sắc.
Spinoza đã trình bày vấn đề khiếm khuyết theo khuôn mẫu xã hội rất rõ. Ông nói: “Rất nhiều người liên tục bị tác động bởi cùng một ảnh hưởng bất biến. Tất cả các giác quan của anh ta bị ảnh hưởng mạnh bởi một đối tượng, tới nỗi tin rằng đối tượng này hiện diện dù cho nó không hề. Nếu điều này xảy ra khi một người đang tỉnh thức, thì người đó bị cho là mất trí rồi. ... Nhưng nếu người tham lam chỉ nghĩ đến tiền bạc và của cải, kẻ tham vọng chỉ nghĩ về danh vọng, thì người ta không nghĩ họ mất trí mà chỉ lấy làm khó chịu mà thôi; nói chung người ta có sự khinh miệt họ. Nhưng quả thực lòng tham lam, tham vọng, v.v., là những dạng bệnh điên, dù thường thì người ta không nghĩ chúng là ‘bệnh’.
Ảnh: Madhouse's Garden của họa sĩ Van Gogh
Tìm đọc sách tội phạm học XÃ HỘI TỈNH TÁO của Erich Fromm:
https://shope.ee/20OJB2lAzA
Theo tamlyhoctoipham.com