Liệu pháp cơ thể bắt đầu từ một hiểu biết giản đơn mà sâu sắc: rằng những vấn đề tâm lý không chỉ xuất hiện trong tâm trí, mà còn có thể bộc lộ qua cơ thể. Sự bất hạnh và căng thẳng của chúng ta thường được phản ánh trong cách ta ngồi, thở, cách giữ vai, thói quen ngủ, tiêu hóa, thái độ với vận động và cả cách ta chăm sóc làn da.
Do đó, để liệu pháp thực sự hiệu quả, chúng ta không thể chỉ tập trung vào tâm trí. Chỉ nói chuyện và phân tích thôi chưa đủ; ta cần cho cơ thể cơ hội được "nghe thấy," được bộc lộ và xoa dịu những nỗi niềm ẩn giấu lâu nay. Cơ thể cần một lần được tự do, được an ủi, vỗ về, và tôn trọng.
Nếu từng trải qua cảm giác không xứng đáng và không được yêu thương, có thể cơ thể ta sẽ khiến ta chán ghét chính mình. Mức độ yêu bản thân thường tỷ lệ thuận với hình ảnh cơ thể: khó mà yêu bản thân nếu ta ghét vẻ ngoài của mình — mặc dù phải mất một thời gian, chúng ta mới nối kết được hai điều đó. Tương tự, nỗi sợ hãi lâu dài cũng có thể "găm" vào cơ bắp, đôi vai, cách ta cúi đầu khi bước đi. Hệ tiêu hóa của chúng ta, giấc ngủ cũng có thể là bản đồ của cuộc sống nội tâm.
Photo by ketan rajput on Unsplash
Khi nhìn nhận cơ thể một cách cẩn trọng và yêu thương, nó trở thành cuốn nhật ký sống động về những tổn thương đã qua.
Liệu pháp tâm thể (body psychotherapy) xuất hiện ở châu Âu vào những năm 1930 nhờ bác sĩ và nhà phân tâm học người Áo Wilhelm Reich. Ông nhận thấy những bệnh nhân chịu đựng tổn thương tâm lý thường phát triển một "áo giáp cơ thể" để tự bảo vệ mình – một thứ "giáp" vô hình mà theo Reich đã tích tụ mọi nỗi đau. Để giúp họ giải phóng khỏi cái "áo giáp" này, ông bắt đầu ấn vào những điểm trên cơ thể nơi ông cảm thấy nỗi đau ẩn giấu, đồng thời khuyến khích họ nhìn mình trong gương, la hét, đá đấm, nhảy múa, rung lắc, thậm chí cuộn mình lại – tất cả để họ nhận thức rõ hơn về mối quan hệ đã bị vùi sâu giữa cơ thể và những cảm xúc tự ti.
Đến thập niên 1960, Alexander Lowen, một học trò người Mỹ của Wilhelm Reich, đã đặt ra những câu hỏi mới mẻ cho bệnh nhân của mình: "Cơ thể bạn cần gì? Cơ thể bạn đang muốn nói gì? Nếu được lên tiếng, cơ thể sẽ nói gì với bạn?" Nhiều bệnh nhân bày tỏ mong muốn được thả lỏng những căng thẳng lâu ngày qua các động tác di chuyển hoặc nhờ ai đó tạo áp lực để xoa dịu nỗi sợ. Lowen xem những mong muốn này như cách cơ thể tìm lại những trải nghiệm mà nó từng thiếu hụt trong tuổi thơ.
Sau khi dành thời gian lắng nghe thân chủ, nhà trị liệu sẽ triển khai các bài tập ngược hướng với sự đau đớn, im lặng và cô độc mà họ từng trải qua. Một buổi trị liệu có thể là sự hòa quyện của điệu nhảy, mát-xa, nghi thức thanh lọc và một màn trình diễn đầy cảm xúc.
Những người từng sống trong sợ hãi, dưới cơn giận dữ của người thân, thường học cách nén giận và thích ứng để làm hài lòng người khác, dù điều đó vô lý. Trong cơ thể, họ trở nên cứng đờ, gần như đóng băng, bởi họ sợ rằng bất kỳ biểu hiện nào quá mạnh mẽ có thể dẫn đến hậu quả. Những người này có thể ngồi rất thẳng, ngại vận động vì lo sợ sức mạnh của chính mình.
Photo by Sydney Sims on Unsplash
Để trị liệu, một chuyên gia có thể gợi ý họ thử võ thuật, chạy bộ hoặc các môn vận động mạnh khác, để khơi gợi sức mạnh tiềm ẩn mà họ từng chối bỏ. Hoặc có thể là những hoạt động như hát, đánh trống, giải phóng khao khát được khẳng định bản thân.
Người bị tổn thương tâm lý thường có cơ thể quá nhạy cảm — dễ giật mình trước mỗi cử động hay tiếp xúc — hoặc ngược lại, quá chai lì, nặng nề và bất động. Điều trị nhằm tìm ra trạng thái cân bằng giữa hai thái cực này.
Những nhà trị liệu cơ thể chính là người giúp hàn gắn những ai, ngay từ thuở đầu đời, chưa từng được ôm ấp, vỗ về, yêu thương đúng cách - như cách mà mỗi đứa trẻ cần để cảm thấy mình thuộc về thế giới này, cảm thấy thoải mái trong làn da của chính mình. Họ muốn chúng ta tìm lại kết nối với cơ thể, vốn không được ai nâng niu, cũng chưa từng được tay ai trìu mến đung đưa hay lộn ngược để cười khúc khích.
Tại các phòng trị liệu cơ thể, dưới sự hướng dẫn của chuyên gia, người ta có thể nhảy xuống những tấm thảm mềm, lăn tròn trong bể bóng, nhún trên xích đu hay giữ thăng bằng trên thanh gỗ. Nghe qua có vẻ trẻ con, nhưng chính là để ta quay lại một chút tuổi thơ bị bỏ lỡ, chữa lành sự xa cách mà cuộc sống người lớn đã tạo ra.
Những người từng bị cha mẹ lạnh lùng, thờ ơ về mặt cảm xúc, thường dần dần rời xa khỏi cơ thể của mình. Họ "sở hữu" cơ thể nhưng không thực sự “sống” trong nó. Họ có thể cảm thấy khó chịu nếu ai đó chạm vào vai hay vuốt ve lưng mình, hoặc trực giác mách bảo họ rằng cơ thể mình "đáng ghê tởm" – vì đó là cách nó từng bị nhìn nhận bởi người thân.
Photo by Vadim Fomenok on Unsplash
Với những người như thế, một nhà trị liệu cơ thể có thể gợi ý một buổi massage trị liệu để từ từ xây dựng lại niềm tin cơ bản với làn da, với từng chi tiết trên cơ thể mình.
Một quá khứ khó khăn không chỉ để lại dấu vết trong tâm hồn, mà cả trên cơ thể. Nhưng liệu pháp cơ thể giúp chúng ta lên tiếng thay cho những phần cơ thể bị bỏ rơi, lạnh nhạt bấy lâu. Để chữa lành, đôi khi không chỉ cần cuộc đối thoại thấu cảm mà còn là cơ hội để hét toáng, nhảy múa, la lên hay cuộn mình như một chú mèo nhỏ trong vòng tay ấm áp - tất cả những điều ấy cũng có thể thuộc về liệu pháp mà ta cần.
Nguồn: WHAT IS BODY THERAPY?
Theo tamlyhoctoipham.com