Tội Phạm Bài viết

Liệu pháp EMDR – Viết lại cuộc đời bạn

 24/07/2022 12:42:47 SA |  Admin |   372 lượt xem

(toipham.net) - Một liệu pháp cấp tiến dựa trên chuyển động mắt có thể làm giảm bớt ký ức đau buồn, chữa lành tổn thương và hỗ trợ cho sự thay đổi với tốc độ chóng mặt

30 năm trước, vào mùa hè năm 1991, tôi đến Denver để thăm Andy Sweet, cố vấn cao học của tôi. Tôi nhận bằng tiến sĩ tâm lý học lâm sàng vào năm 1989, và Andy đã dạy tôi hầu hết những gì tôi biết khi làm việc với những người bị ảnh hưởng bởi sang chấn. Khi chúng tôi ngồi ở sân sau nhà ông ấy, Andy nói: ‘Em hãy tin tôi, Debbie. Liệu pháp mới này được gọi là Giải mẫn cảm và tái xử lý chuyển động mắt, viết tắt là EMDR, và nó là một phương pháp độc đáo đầy tiềm năng.’ Trông thì lập dị và khùng điên, nhưng nó dựa trên những nguyên tắc vững chắc và ông ấy đã thu về những kết quả đáng chú ý. ‘Tôi nghĩ rằng nó sắp thay đổi lĩnh vực của chúng ta và cứu giúp rất nhiều người từng bị sang chấn tâm lý. Em nên đi học về EMDR … và em nên chạy chứ không phải đi.’

Thế là tôi đi học. Tôi được đào tạo về EMDR trong năm đó, học với Francine Shapiro, nhà phát triển của EMDR. Bà chia sẻ với chúng tôi về phát hiện 4 năm trước: lúc bà đang đi dạo trong công viên và thấy mình đang ngẫm nghĩ về một số chuyện phiền muộn gần đây trong cuộc sống. Khi bà nghĩ về chúng, bà nhận thấy đôi mắt của mình đang di chuyển qua lại, trái, phải, trái, phải. Và khi mắt bà chuyển động, bà giật mình nhận ra năng lượng cảm xúc tiêu cực của những ký ức của bà dường như tan biến. Bà bắt đầu thử nghiệm để khám phá mối quan hệ giữa chuyển động mắt ‘hai bên’ (trái-phải) và tác dụng giảm bớt lo âu.

Lieu phap EMDR  Viet lai cuoc doi ban

Francine Shapiro

Shapiro đã phát triển một quy trình điều trị, yêu cầu bệnh nhân tập trung vào phần tồi tệ nhất của một ký ức sang chấn trong lúc đang quan sát các ngón tay của bà di chuyển qua lại, trái và phải. Năm 1989, bà công bố nghiên cứu kiểm chứng EMDR đầu tiên chứng minh hiệu quả của phương pháp trong việc điều trị chứng rối loạn căng thẳng sau sang chấn (PTSD) ở các cựu chiến binh và nạn nhân bị xâm hại tình dục. Theo thời gian, thử nghiệm lâm sàng cho thấy các hình thức kích thích hai bên khác (nghe các âm thanh luân phiên giữa mỗi tai hoặc nhận các lần gõ luân phiên trên mu bàn tay của một người) về cơ bản cũng có hiệu quả.

Francine Shapiro đang dùng EMDR với bệnh nhân. Video by Rachel Enevoldsen

Và bà tiết lộ một điều thú vị: EMDR không chỉ là một chiến lược giải mẫn cảm đơn giản. Thay vào đó, nó mang đến cho bệnh nhân một cơ hội để ‘tái xử lý’ đầy đủ những ký ức sang chấn của họ – để xem xét lại những trải nghiệm của họ và đi đến hiểu biết trọn vẹn, cảm nhận, bộc lộ và suy ngẫm về những điều mà trước đây quá sức để tiếp cận (chứ nói gì đến việc chia sẻ với ai khác) và, trong một số trường hợp, thậm chí hoảng loạn khi cho phép những điều này chạm đến bề mặt ý thức của họ. Bản thân tôi cũng ngạc nhiên trước cách mà EMDR cho phép các bệnh nhân của tôi tích hợp hoàn toàn những quan điểm khác, bao gồm thông tin đã sửa chữa những nhận thức sai lầm trong quá khứ, dẫn đến những quan điểm đánh giá lại về phẩm giá của họ, sự an toàn và khả năng kiểm soát của họ.

Vào lúc mà tôi được đào tạo sơ cấp về EMDR, tôi đang là giám đốc phụ trách khoa lâm sàng tại một khu tâm thần nội trú ở miền nam New Hampshire chuyên điều trị cho phụ nữ hồi phục sau chấn thương cấp tính và mãn tính. Hầu hết từng trải qua tuổi thơ dữ dội, bị lạm dụng tình dục, thể xác và tinh thần kéo dài, và kết quả là họ phải đối mặt với hàng loạt vấn đề về tâm thần. Nhiều người đã có hành vi làm hại bản thân hoặc tìm cách tự tử. Và đa số đều phải chiến đấu với cảm giác vô vọng, không biết chắc liệu mình có thể chữa lành được không.

Chính tại khu tâm thần này, tôi đã bắt đầu dùng EMDR với tư cách là một nhà trị liệu. Một trong những bệnh nhân EMDR đầu tiên của tôi là Miriam, 23 tuổi, bị trầm cảm rất nặng, có ý định tự tử và không thể sinh hoạt và làm việc bình thường trong gần 2 năm sau khi bị sảy thai ở tháng thứ tám. Trong một phiên điều trị khó quên, chúng tôi dùng EMDR để nhắm mục tiêu vào thời điểm mà bác sĩ thông báo với cô ấy rằng cô đã mất đứa trẻ (cùng với niềm tin rằng ‘Tôi thật tệ hại và không xứng đáng được sống’). Khi cô ấy xử lý ký ức, cô đã bật khóc, chạm đến được nỗi đau khổ mà cô chôn sâu trong lòng. Miriam nổi giận với Chúa và bạn trai đã bỏ rơi cô sau khi biết cô có thai. Và khi cô đối mặt với làn sóng tội lỗi, tự trách bản thân vì ‘không giữ được’ đứa bé, tôi đã hỏi cô ấy rằng, nếu điều tương tự xảy ra với người bạn thân của cô thì liệu cô sẽ quy trách nhiệm cho cô ấy hay là xem cô ấy như một kẻ thất bại không. Cô đáp một cách dứt khoát rằng: ‘Tất nhiên là không! Tôi sẽ nói với cô ấy rằng tôi hiểu nỗi đau của cô, rồi sau đó tôi sẽ trấn an rằng cô không đơn độc.’

Miriam tiếp tục xử lý, dừng lại và kiểm tra sau mỗi lần chuyển động mắt kéo dài từ 30-60 giây, để trả lời câu hỏi của tôi: ‘Bây giờ cô đang nhận thấy điều gì?’ Khi đôi mắt của cô ấy di chuyển qua lại, tôi có thể cảm nhận được cơn trầm cảm đang rời khỏi cơ thể cô ấy và ra khỏi văn phòng của tôi. Hơi thở của cô nhẹ nhàng hơn và cô ngồi thẳng dậy trên ghế. Sau một loạt chuyển động mắt, cô kể rằng mình đã nói chuyện trực tiếp với đứa bé, trong tâm tưởng, nói với cậu bé rằng cô yêu nó thật nhiều và bày tỏ nỗi buồn vì không bao giờ có cơ hội ôm cậu vào lòng. Khi tôi mời gọi cô tưởng tượng cảnh đang ôm cậu bé trong hiện tại, cô đã tưởng tượng mình đang âu yếm và cho bé bú, vòng tay trước mặt như thể đang ôm một đứa trẻ. Cô rơi nước mắt khi kể chuyện cô đã mơ suốt 8 tháng để được chào đón con đến với cuộc đời, rồi sau đó đã mất con.

Vẫn còn bỡ ngỡ với EMDR, tôi sợ rằng cô ấy đang trên bờ tuyệt vọng trở lại, nhưng tôi đã chọn tin tưởng vào quá trình này. Chúng tôi tiếp tục với nhiều bộ chuyển động mắt hơn. Và rồi, sau phiên điều trị dài 50 phút, cô ấy một lần nữa ngồi thẳng dậy trên ghế, và lần này cô ấy đã mỉm cười thật sự, nụ cười đầu tiên tôi từng nhìn thấy trên gương mặt cô. Đến gần cuối phiên điều trị, khi tôi yêu cầu cô ấy nghĩ lại về ký ức này, Miriam nói rằng nỗi đau buồn của cô đã di chuyển, trên thang điểm từ 0-10, từ điểm 9 xuống điểm 0. Cô nói mình có thể xác nhận trọn vẹn một niềm tin mới về bản thân – Đó không phải là lỗi của tôi. Tôi là người tốt và tôi có rất nhiều tình yêu thương để cho đi.’ Tôi vừa được trải nghiệm trực tiếp điều mà người cố vấn của tôi, Andy đã mô tả. Tôi đã chứng kiến ​​sự thay đổi diễn ra với tốc độ chóng mặt.

Sau khi tôi giới thiệu EMDR với nhiều bệnh nhân khác của tôi, tôi đã nhìn thấy những thay đổi phi thường tương tự trong một tuần hay thậm chí là một phiên điều trị. Tôi vinh dự được làm nhân chứng cho câu chuyện của họ và đồng hành cùng họ khi họ đối mặt và xử lý những ký ức sang chân từng ám ảnh và quấy rầy họ nhiều năm trời. Tôi đã theo dõi họ đạt được những thay đổi lớn, như giảm bớt những cơn ác mộng, hồi tưởng, trầm cảm, hoảng sợ và khuynh hướng tự tử. Hết lần này tới lần khác, các bệnh nhân của tôi đã thông báo về cảm giác hy vọng và tràn đầy khả năng thật mới mẻ. Những phụ nữ mới đến khu tâm thần này sẽ được các bệnh nhân khác kể về EMDR, và họ sẽ đến nói với tôi rằng: ‘Tôi muốn được điều trị giống như bà ấy!’

Những thay đổi sâu sắc và lâu dài nhất xuất hiện khi ý thức về bản thân của bệnh nhân bắt đầu thay đổi. Họ đi từ cảm giác ghê tởm bản thân đến niềm tin rằng họ xứng đáng được sống, rằng họ ‘đủ tốt’ và ‘xứng đáng được yêu thương’. Hệ thần kinh của họ bắt đầu buông thư khi họ dịch chuyển khỏi trạng thái đề phòng, đến với niềm tin sâu sắc rằng ‘Chuyện này thực sự đã kết thúc; bây giờ tôi đang an toàn.’ Họ bắt đầu nhìn thế giới xung quanh từ góc nhìn của một người trưởng thành hơn là một đứa trẻ. Tôi nghe được những câu như: ‘Tôi thấy bây giờ tôi có nhiều lựa chọn và tôi có thể hành động.’ Họ bắt đầu thoát khỏi sự cô lập, nói rằng: ‘Tôi không còn phải sống cô độc nữa; còn có những người khác cũng giống tôi; Tôi quan trọng và thuộc về.’

Điều tôi thấy tại văn phòng nhỏ của tôi ở Khu Sang chấn tâm lý và Phân tích dành cho Phụ nữ sớm được thể hiện trong các nghiên cứu đã được công bố – EMDR là một liệu pháp điều trị PTSD hiệu quả, giảm đáng kể hoặc loại bỏ các triệu chứng PTSD chỉ vỏn vẹn trong ba phiên điều trị dài 90 phút ở 85 phần trăm các trường hợp bị xâm hại tình dục; và hơn 75 phần trăm các cựu chiến binh bị sang chấn tâm lý đã thoát khỏi PTSD chỉ trong 12 phiên EMDR. Trong một nghiên cứu khác, 100 phần trăm nạn nhân bị đơn-sang chấn và 77 phần trăm nạn nhân đa-sang chấn không còn đáp ứng các tiêu chí chẩn đoán PTSD sau chỉ trung bình sáu phiên rưỡi điều trị EMDR dài 50 phút, cho thấy EMDR rõ ràng là hiệu quả hơn ‘điều trị theo tiêu chuẩn’ trong việc giảm các triệu chứng của PTSD.

Nói rằng tôi thấy hân hoan khi phát hiện ra EMDR mới chỉ là nói giảm nói bớt. Tôi từng rất thất vọng đối với những hạn chế của các mô hình điều trị trước đây. Dạy bệnh nhân một loạt kỹ năng đối phó về nhận thức–hành vi (độc thoại nội tâm tích cực, gây xao lãng, thách thức lối suy nghĩ lệch lạc) và giúp họ kiểm soát các triệu chứng của họ dường như là cần thiết nhưng chưa đủ. Họ thường có thể thuyên giảm trong ngắn hạn ở mức độ nào đó nhưng ‘việc chữa trị’ những triệu chứng phức tạp và nỗi thống khổ của họ dường như khó mà đạt tới đối với họ và với tôi. Những ký ức gắn liền với nỗi sợ hãi, xấu hổ và bất lực sẽ tiếp tục được kích hoạt trở lại, đòi hỏi nỗ lực liên tục, kiểm soát bản thân về mặt nhận thức.

Các mô hình ‘trị liệu bằng nói chuyện’ theo truyền thống thường thiếu trọng tâm và con đường chữa lành rõ ràng mà tôi đang tìm kiếm. Tôi từng chán nản với quan điểm mà nhiều mô hình trị liệu đó đưa ra, rằng việc điều trị cần kéo dài, đôi khi phải ‘trường kỳ kháng chiến’, thì mới có hiệu quả. Rất nhiều bệnh nhân đã xuất hiện trước cửa nhà tôi để báo rằng họ từng đi trị liệu tâm lý nhiều năm, đôi khi với nhiều nhà trị liệu khác nhau mà không thuyên giảm hoặc chỉ thuyên giảm chút ít. Quả thực điều này không làm tôi bất ngờ. Tôi từng sớm đưa ra kết luận trong quá trình hành nghề rằng nhiều bệnh nhân của tôi không thể tìm ra từ để miêu tả trọn vẹn và đầy đủ những trải nghiệm sang chấn của họ hoặc tình trạng hiện tại của họ – lúc đầu thì không. Họ thường bị ức chế vì xấu hổ hoặc quá sợ hãi để nói ra hoặc thậm chí không biết tại sao họ lại có cảm nhận như vậy. Những tổn thương tâm lý của họ tồn tại trong những hình ảnh và cảm giác cơ thể và như một ‘cảm thức được cảm nhận’ ở trung tâm, nhưng không có từ để mô tả chúng.

Tôi cần một lối tiếp cận khác, ngoài trò chuyện, một phương pháp hướng dẫn bệnh nhân quay lại với trải nghiệm thuộc cơ thể và cảm xúc của họ mà không gây quá tải hoặc khiến họ ‘bị sang chấn lại’. EMDR chính là công cụ đó. Ngày nay nó vẫn là hướng trị liệu tâm lý chủ đạo của tôi. Lý thuyết của nó cung cấp cho tôi những lăng kính đầy thực tế và khích lệ, qua đó có thể nhìn thấy những khó khăn của bệnh nhân của tôi, và các giao thức của nó đã cung cấp cho tôi phương pháp đã thử-và-đúng để giúp con người thay đổi cuộc đời họ một cách hiệu quả và sâu sắc, theo những cách chống chọi được thử thách của thời gian.

Để bạn có thể đánh giá đầy đủ sức mạnh của trị liệu EMDR, tôi muốn giải thích nó một cách chi tiết hơn. EMDR là một liệu pháp tâm lý tích hợp vì nó kết hợp các phương pháp tiếp cận khác, từ Liên tưởng tự do của phân tâm học đến xử lý từ dưới lên trên của các kỹ thuật dựa trên trải nghiệm và tâm trí-cơ thể mới phổ biến hiện nay.

Đây cũng là một liệu pháp tâm lý toàn diện, phù hợp nhất với phương pháp điều trị sang chấn đã được bác sĩ tâm thần Judith Herman giới thiệu trong cuốn sách tội phạm học đột phá của bà Trauma and Recovery (1992). Mô hình của Herman được gọi là 'điều trị sang chấn định hướng theo giai đoạn' vì ba giai đoạn có liên quan đến nhau: thúc đẩy sự ổn định và an toàn, xử lý sang chấn và tái kết nối với người khác. Trong khi EMDR cũng chấp nhận ý tưởng về các giai đoạn, thì nó cung cấp bộ quy trình đặc biệt của riêng nó và đặc trưng duy nhất là kích thích hai bên làm cơ chế cho sự thay đổi. 

Lieu phap EMDR  Viet lai cuoc doi ban

Liệu pháp EMDR nhấn mạnh vai trò của hệ thống xử lý thông tin của não bộ trong một loạt các vấn đề về sức khỏe tâm thần. Nó được hướng dẫn bởi mô hình xử lý thông tin thích ứng (AIP), cho thấy rằng những khó khăn về tâm lý là do không thể xử lý đầy đủ những ký ức sang chấn đến mức đạt được ‘giải pháp thích ứng. Trong tình huống bình thường, chúng ta dễ dàng xử lý và giải quyết những trải nghiệm đầy thách thức–chúng ta nói, mơ tưởng hoặc viết về chúng, suy ngẫm về chúng và học hỏi từ chúng bằng cách đưa ra mối liên hệ với thông tin đã tồn tại trong các mạch thần kinh của não bộ chúng ta. Những xáo trộn được ‘vô hiệu hóa’ và ‘lùi vào dĩ vãng ’, cho phép chúng ta tiếp tục sống–có lẽ là với một chút khôn ngoan, một chút kiên cường hơn và chắc chắn là ít sợ hãi và lo lắng hơn.

Lieu phap EMDR  Viet lai cuoc doi ban

Hình 1. Những thành phần của trải nghiệm 

Trong những tình huống đau thương quá lớn thì quá trình xử lý thông tin bình thường hằng ngày sẽ bị sai lạc. Ký ức sang chấn, cùng những thành phần của nó–hình ảnh và các yếu tố giác quan khác, cảm xúc, cảm giác thân thể, những thôi thúc, suy nghĩ và niềm tin–bị ‘khóa’ trong hệ thần kinh, không thể tiến triển hoặc xử lý. Những ký ức chưa được xử lý thỏa đáng đang rình rập, được kích hoạt trở lại, một cách bất ngờ, bởi ‘tác nhân kích hoạt’ bên trong hoặc bên ngoài – các tác nhân gây căng thẳng từ môi trường hoặc mối quan hệ, cảm xúc, suy nghĩ hoặc trải nghiệm giác quan như âm thanh và mùi – dẫn đến các phản ứng tâm lý hoặc cơ thể đau đớn. Chúng có thể bao gồm những hình ảnh hoặc hồi tưởng xâm nhập, lo âu hoặc hoảng sợ, phản ứng quá mức hoặc tê liệt, hoặc cảm giác xấu hổ. Bệnh nhân thậm chí có thể trải qua những phản ứng tiêu cực cực đoan, bất thường đối với những tình huống có vẻ ôn hòa, chẳng hạn như một người bạn không gọi lại ngay lập tức hoặc thậm chí là những sự kiện tích cực, chẳng hạn như nhận được lời khen.

Theo quan điểm của mô hình AIP,  những phản ứng quá mức (nghiêm trọng hóa vấn đề) phản ánh một ký ức, bị khóa trong não bộ vào thời điểm trải qua những sang chấn tâm lý thời thơ ấu, vẫn đang giương lên ngọn cờ cảnh báo–nhiều ngày, tháng, năm hay thậm chí nhiều thập kỷ sau đó. Nếu ký ức không được xử lý thì chúng vẫn còn đó, dưới bề mặt ý thứcvẫn đang ảnh hưởng, định hình các quyết định và phản ứng, và thậm chí can thiệp vào khả năng hoạt động của một người. Do đó, người ta thấy bản thân họ bị hạn chế về khả năng thích ứng trước những khó khăn, thách thức hằng ngày, vẫn còn ‘mắc kẹt trong quá khứ’.

Mô hình AIP cho rằng hệ thống xử lý thông tin của não không khác gì các hệ thống dựa vào cơ thể khác, chẳng hạn như hệ miễn dịch; nó được thiết kế theo chức năng để ưu tiên sự sống còn và hướng tới sức khỏe tối ưu. Khi hoạt động tốt, nó hoạt động giống như các hệ thống khác trong cơ thể, huy động các nguồn lực một cách tự phát và đáng tin cậy để chữa lành vết thương sau chấn thương. Còn trong điều trị sang chấn tâm lý, dù lớn hay nhỏ, chúng tôi đang điều trị cho một bộ não bị tổn thương và trục trặc.

Làm việc theo quan điểm này, nhà trị liệu EMDR cố gắng tiếp cận những ký ức gắn liền với những sang chấn tâm lý cùng lúc đồng thời khởi động hệ thống xử lý thông tin bị đình trệ của não. Kích thích hai bên (song phương), cho dù là chuyển động mắt, giọng/tiếng nói hoặc tiếng gõ, được xem là chìa khóa để thu hút lại hệ thống đó, cho phép nó giải mẫn cảm và xử lý lại những ký ức sang chấn tâm lý. Mục tiêu của EMDR là giúp con người xử lý trọn vẹn những ký ức sang chấn của họ, để chúng không còn gây ra các triệu chứng, và cuối cùng có thể hồi tưởng lại mà không gây đau khổ. Cuối cùng, não bộ quay lại một kiểu trạng thái cân bằng, rời khỏi chế độ ‘chiến đấu hoặc bỏ chạy’ hoặc ‘tắt máy/đóng cửa’ thường trực và trở lại trạng thái được điều chỉnh tốt hơn, cho phép họ suy nghĩ chính xác hơn, cảm xúc dễ kiểm soát hơn, bớt căng thẳng hơn và giao tiếp xã hội nhiều hơn. Khi con người tháo gỡ khỏi những hình ảnh, thông điệp, niềm tin, cảm xúc và cảm giác hỗn loạn liên quan đến những ký ức sang chấn của họ, họ đột nhiên có thể suy nghĩ sáng suốt, bĩnh tĩnh và sáng tạo hơn. Họ không còn cảm giác bắt buộc phải phản ứng lại theo lối cũ, theo khuôn mẫu. Họ không còn cảm giác cần phải tránh né người khác, tránh những tình huống nào đó, làm vừa lòng mọi người, hay tách rời khỏi những trải nghiệm hằng ngày của họ. Và họ không còn nhu cầu tìm đến những hành vi gây nghiện, tự làm hại bản thân và không lành mạnh để xoa dịu bản thân và thoát khỏi nỗi đau.

Khi anh ấy kết thúc 14 tháng điều trị với tôi, John, hồi bé từng bị lạm dụng tình dục bởi một ‘người bạn của gia đình’ đã tuyên bố rằng: ‘Cuối cùng thì tôi đã cảm thấy ‘con người thật’ của mình đã xuất hiện. Tôi không còn chai sạn và thu mình trong cái hốc nữa, và tôi thực sự bắt đầu hiểu được cảm giác của người đang sống và kết nối mật thiết với những người khác. Tôi không còn xem bản thân mình là xấu xa hay đáng ghê tởm nữa. Và tôi tin rằng tôi đã sẵn sàng đưa ra những lựa chọn tốt đẹp cho bản thân.’ Chúng tôi đã cùng nhau ăn mừng chiến thắng quay trở lại với cuộc sống của anh ấy, bằng những giọt nước mắt và niềm vui mừng khôn xiết.

Một thân chủ khác của tôi, Katie, là một phụ nữ trung niên đã lập gia đình, có ba người con đã lớn. Katie lớn lên trong một gia đình có người cha nghiện rượu, hay chửi mắng và bạo lực. Mẹ cô cũng là nạn nhân bị chồng tội phạm khủng bố tinh thần và thể xác, thường xuyên bào chữa cho hành vi của ông ta. Không may là anh trai của Katie lại đồng nhất hóa với người cha, thường nhốt Katie dưới tầng hầm suốt nhiều giờ, đánh đập, mắng mỏ và đe dọa cô. Cô học cách tồn tại bằng cách ‘rời bỏ cơ thể cô ấy’ khi mọi chuyện trở nên tồi tệ, bỏ bê mọi nhu cầu của cô, không bao giờ gây sự và hoàn toàn tập trung vào việc làm mọi người vui vẻ. Cô dùng thức ăn để xoa dịu nỗi đau tinh thần của mình, có hành vi tự cắt, gây tổn thương cho minh khi chuyện ăn uống không mang lại hiệu quả, và vật lộn với bệnh trầm cảm trong suốt cuộc đời. Cô gặp phải các vấn đề về tiêu hóa và huyết áp cao. Cô miêu tả rằng hệ thần kinh của cô lúc nào cũng trong tình trạng báo động, cực kỳ cảnh giác khi cô ‘đợi quả bom tiếp theo từ trên trời rớt xuống’. Khi các phương tiện truyền thông đưa tin về những đứa trẻ nhập cư bị tách khỏi bố mẹ ở biên giới và bị nhốt trong lồng, cô bắt đầu trải qua những hình ảnh và cơn ác mộng xâm nhập về sự đơn độc và khiếp sợ mà cô từng chịu đựng hồi còn bé, và cảm giác như mình đang vỡ thành từng mảnh’. Katie đã dành cả đời để tìm cách kìm hãm những ký ức của mình, nhưng giờ cô nhận ra đã đến lúc phải giải quyết chúng, và cô ấy tìm đến tôi để xin trợ giúp.

Trong liệu pháp EMDR, chúng tôi thực hiện cách tiếp cận ba hướng để điều trị, xác định và xử lý những ký ức sang chấn trong quá khứ, các triệu chứng trong hiện tại và các tác nhân gây đau khổ, cũng như các mục tiêu cho hoạt động trong tương lai. Each of these trở thành một mục tiêu để xử lý. Trước khi tôi và Katie có thể hướng sự chú ý vào quá khứ đau buồn của cô ấy, thì trước tiên chúng tôi cần giảm bớt nỗi sợ hãi của cô ấy về việc đối mặt với những cảm xúc và ký ức mà cô ấy đã tránh né trong phần lớn cuộc đời cô. Chúng tôi cũng phải giải quyết nỗi lo lắng của cô ấy rằng cô sẽ không thể tiếp tục sống như bình thường sau khi mở ra cánh cửa về quá khứ của mình.

Chúng tôi đã làm điều này bằng cách đảm bảo rằng cô ấy có một bộ kỹ năng và nguồn lực tốt để giúp cô ấy luôn 'điều tiết đủ', có nền tảng an toàn cho hiện tại và kết nối với tôi khi chúng tôi làm việc cùng nhau. Tôi giải thích rằng mục tiêu của chúng tôi là giúp cô ấy duy trì ‘sự chú ý kép’một chân luôn đứng ở hiện tại trong khi chân kia thì nhẹ nhàng nhúng vào quá khứ. Tôi đề nghị cô ấy xem mình như một hành khách trên một chuyến tàu, chỉ cần ngắm nhìn cảnh vật đi qua, quan sát từ xa, không nhất thiết phải ‘làm sống lại’ bất cứ thứ gì cả. 

Chúng tôi cũng làm việc để tăng cường cảm giác an toàn và tin tưởng của cô ấy vào mối quan hệ của chúng tôi; Tôi trấn an cô ấy rằng tôi sẽ ở bên cô ấy, từng giây từng phút, khi chúng tôi cùng nhau xử lý quá khứ của cô. Sau đó, chúng tôi khám phá mối quan hệ giữa những phản ứng của cô ấy với các sự kiện hiện tại trong cuộc sống và những trải nghiệm khác nhau trong thời thơ ấu của cô ấy. Một lần nữa, tôi sẽ yêu cầu cô ấy 'thả trôi trở lại', theo dõi những hình ảnh, cảm xúc và cảm giác xâm nhập hiện tại mà cô ấy đang trải qua với những ký ức từ thời thơ ấu của mình. Khi cô ấy không thể xác định những ký ức thời thơ ấu thì chúng tôi chỉ đơn giản là tập trung vào các triệu chứng và tác nhân hiện tại. 

Trong mỗi phiên EMDR tập trung vào sang chấn, tôi sẽ giúp Katie 'kích hoạt' trí nhớ của cô ấy bằng cách đưa ra một bộ câu hỏi theo tiêu chuẩn, mời cô ấy nhận diện hình ảnh, niềm tin tiêu cực về bản thân, những cảm xúc và cảm giác gắn liền với mục tiêu đã chọn của chúng tôi. Chúng tôi cũng sẽ xác định những điều cô ấy muốn tin về bản thân mình, đặt một mục tiêu rõ ràng cho công việc phía trước. Sau khi ký ức được kích hoạt, tôi sẽ giới thiệu các nhóm kích thích song phương, nhắc nhở Katie rằng không có điều gì ‘phải làm’ và khuyến khích cô ấy ‘chỉ cần để ý những gì sắp xảy ra’ trong mỗi phiên EMDR, và ‘cứ để cho bất cứ điều gì xảy ra’. Sau mỗi phiên, tôi sẽ hỏi: ‘Chuyện gì đang xảy ra? Cô nhận thấy điều gì?’ Tôi có thể nhắc nhở cô ấy rằng cô đang đối phó với ‘những thứ cũ rích’ hoặc ủng hộ cô ấy bày tỏ sự giận dữ đối với hung thủ (nói to hoặc trong trí tưởng tượng của cô) hoặc để an ủi ‘phiên bản trẻ’ của cô ấy. Quá trình xử lý sẽ tiếp tục cho đến khi ký ức/trí nhớ không còn mang "năng lượng" âm nào nữa; tại thời điểm này, tôi mời Katie tập trung vào niềm tin tích cực đã được xác định trước đó của cô ấy – niềm tin mà cô ấy muốn tin tưởng – và chúng tôi sẽ tiếp tục xử lý cho đến khi nó có cảm giác hoàn toàn đúng với cô ấy. Chúng tôi luôn dành thời gian để định hướng lại hoàn toàn hiện tại, suy ngẫm về trải nghiệm, và tưởng tượng giấu đi, để lần tới, bất cứ ký ức nào vẫn còn chưa được xử lý đầy đủ.

Trong quá trình điều trị của chúng tôi, Katie đã xử lý nỗi kinh hoàng và xấu hổ, những cảm giác mà cô ấy đã mang theo từ thời thơ ấu. Cô tiếc thương cho ‘phiên bản trẻ’ của mình, nhận ra cô ấy đã đơn độc và không ai bảo vệ như thế nào. Cô tưởng tượng đang đưa Katie phiên bản trẻ vào hiện tại, xoa dịu an ủi cô ấy, giúp cô ấy cảm thấy an toàn và bao bọc cô ấy bằng sự tử tế và quan tâm. Cô tưởng tượng mình có được năng lực siêu nhiên và thoát khỏi anh trai và người cha đang truy đuổi cô. Với mỗi ký ức mà chúng tôi đã xử lý, cô ấy cho biết cảm thấy 'nhẹ nhàng hơn' và nhân từ hơn đối với bản thân.

Cô ấy đã khám phá ra 'tiếng nói' của mình và cuối cùng, tìm thấy 'sự thật thực sự' của riêng mình, khác với câu chuyện méo mó, mù quáng mà cô ấy luôn tự kể về gia đình gốc gác của mình (‘nó cũng không tệ lắm’) và cuộc sống hiện tại (‘Hiện giờ tôi đang có một gia đình lý tưởng’). Khi kết thúc điều trị, cô ấy không còn trầm cảm nữ, và các triệu chứng PTSD của cô cũng biến mất. Cô ấy đã quen thêm những người bạn mới. Sức khỏe thể chất và thói quen chăm sóc bản thân hằng ngày của cô đã cải thiện, cô bắt đầu giao tiếp khác đi với chồng con, lần đầu tiên trong đời biết bày tỏ nhu cầu và mong muốn của bản thân.

Ngày nay, có hơn 30 thử nghiệm ngẫu nhiên có đối chứng chứng minh hiệu quả của liệu pháp EMDR đối với PTSD, lấy được bằng chứng vượt xa những báo cáo giai thoại. Dựa trên nghiên cứu này, liệu pháp EMDR đã được chỉ định là phương pháp điều trị PTSD hàng đầu và có hiệu quả, trong hướng dẫn điều trị của các tổ chức trên thế giới, bao gồm Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Hiệp hội Quốc tế về Nghiên cứu Căng thẳng Chấn thương (ISTSS), và Bộ Cựu chiến binh Hoa Kỳ và Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ. EMDR cũng có hiệu quả trong việc điều trị PTSD như các phương pháp điều trị đã được chứng minh khác, chẳng hạn như liệu pháp nhận thức-hành vi (CBT) tập trung vào chấn thương, nhưng thường ít phiên điều trị hơn và bệnh nhân không phải làm bài tập về nhà như CBT. Một phân tích tổng hợp gần đây đã so sánh 11 liệu pháp điều trị sang chấn được khuyến nghị để điều trị PTSD ở người lớn; EMDR được cho là có hiệu quả và cũng tiết kiệm về chi phí nhất trong số các liệu pháp được đánh giá.

Năm 2007, tôi đã cố vấn cho một nghiên cứu do Viện Sức khỏe Tâm thần Quốc gia Hoa Kỳ tài trợ, đánh giá lợi ích của 8 buổi trị liệu EMDR trong điều trị PTSD so với một khoảng thời gian tương tự dùng Prozac (thuốc chống trầm cảm). Ban đầu, tôi lo lắng rằng tám buổi tập sẽ chỉ là muối bỏ biển và sẽ không tạo ra khác biệt đáng kể nào đối với những người đã trải qua sang chấn thời thơ ấu và tuổi trưởng thành. Tôi thậm chí còn sợ rằng việc điều trị có thể khuấy động những ký ức mà chúng tôi không thể xử lý được trong thời gian mà chúng tôi đã có.

Vì vậy, tôi thực sự rất vui khi thấy các đối tượng không chỉ làm tốt trong thời gian ngắn mà còn tiếp tục tiến bộ hơn và tốt hơn ngay cả sau khi ngừng điều trị, như thể hệ thống xử lý thông tin của não bộ của họ đã thực sự sống lại.

Ngay cả những người bị sang chấn tâm lý thời thơ ấu rộng đã thu được nhiều tiến bộ đáng kể trong 8 buổi điều trị; đối với nhóm này, EMDR cuối cùng đã thể hiện sự vượt trội hơn thuốc chống trầm cảm Prozac trong việc làm giảm các triệu chứng PTSD và trầm cảm khi các triệu chứng bắt đầu xuất hiện ở tuổi trưởng thành. Khi kết thúc điều trị, tất cả những người trong nhóm EMDR từng bị sang chấn tâm lý khởi phát ở người trưởng thành đã không còn bị chẩn đoán mắc PTSD nữa, cùng với 3/4 số người có tiền sử sang chấn tâm lý thời thơ ấu. Khi tái khám sáu tháng sau, 89% nạn nhân bị lạm dụng thời thơ ấu đã không còn bị chẩn đoán mắc PTSD, và một phần ba hoàn toàn không có triệu chứng. Các kết quả của chúng tôi đã được công bố trên Tạp chí uy tín Journal of Clinical Psychiatry.

Ba mươi năm trước, khi tôi đến thăm Andy ở Denver, chính thành phần chuyển động của mắt đã khiến ông ấy mô tả EMDR là 'táo bạo'. Hiện tại, hơn 35 thử nghiệm ngẫu nhiên có đối chứng được công bố đã chứng minh tác động tích cực của chuyển động mắt. Giờ đây chúng tôi có thể báo cáo một cách dứt khoát rằng chuyển động mắt làm giảm cảm xúc tiêu cực, sự sống động hình ảnh và kích thích cảm xúc, đồng thời tăng cường khả năng phục hồi ký ức và tư duy linh hoạt, nhưng tại sao lại thế?

Trong số các giả thuyết, các nhà nghiên cứu đã chỉ ra rằng các chuyển động của mắt trong EMDR kích hoạt hệ thần kinh phó giao cảm, dẫn đến nhịp thở và nhịp tim chậm lại, đồng thời giảm kích thích; những nhà nghiên cứu khác thì cho thấy chuyển động mắt cạnh tranh với việc hồi tưởng lại những ký ức đau buồn, khiến chúng bớt sống động hơn và bớt cảm xúc hơn; còn những người khác thì cho rằng chuyển động mắt kích hoạt các quá trình thần kinh tương tự xảy ra trong giấc ngủ chuyển động mắt nhanh (REM), khi giấc mơ dữ dội nhất của chúng ta diễn ra, dẫn đến ít cảm xúc tiêu cực hơn, những liên kết mới giữa các ký ức, tăng cường sự linh hoạt về nhận thức và cải thiện hiểu biết.

Kể từ lần đi dạo đầu tiên của Shapiro trong công viên, có rất nhiều thứ đã thay đổi trong việc thực hành EMDR. Nó không còn được xem là phương pháp điều trị cho các triệu chứng chỉ liên quan đến các sự kiện đau thương rời rạc. Cũng như không còn được xem là chỉ áp dụng trong những hoàn cảnh mà bệnh nhân đang đối phó với ảnh hưởng của những sang chấn “lớn”.

Giờ đây chúng ta nhận ra rằng định nghĩa về sang chấn cần bao gồm cả những tổn thương nhỏ nhặt trong cuộc sống hằng ngày–những lời từ chối, sỉ nhục, thất bại và những xung đột nhỏ lặp đi lặp lại, liên quan đến chủng tộc. Sang chấn có thể xảy ra sau khi bị mất việc làm, phát hiện người bạn đời vụng trộm, hay một cuộc chia tay hoặc ly dị. Đó thường là bối cảnh lớn hơn của một sự kiện – lịch sử tự thuật của một cá nhân và những phản ứng của người khác trước sự kiện sẽ quyết định liệu một trải nghiệm cụ thể có dẫn đến PTSD hay các vấn đề sức khỏe tâm thần nghiêm trọng khác hay không. Chúng tôi cũng học cách chuẩn bị tốt hơn cho các bệnh nhân của mình cho công việc tập trung vào sang chấn tâm lý, cung cấp hỗ trợ hiệu quả cho những người đang cảm thấy quá tải bởi hoàn cảnh hiện tại hoặc đặc biệt dễ bị tổn thương và không muốn giải quyết lịch sử sang chấn phức tạp của họ.

EMDR hiện đang được sử dụng để điều trị cho những người mắc một loạt các rối loạn. Nó không còn được coi là phương pháp điều trị chỉ dành cho người lớn bị sang chấn có thể nhận diện được hoặc những người đáp ứng các tiêu chí nghiêm ngặt để chẩn đoán PTSD. Càng ngày càng có nhiều bằng chứng ủng hộ việc sử dụng liệu pháp EMDR để điều trị cho trẻ em bị sang chấn, những người sống sót sau sang chấn và những người bị rối loạn căng thẳng sau sang chấn phức tạp, thường được chẩn đoán ở những bệnh nhân có tiền sử bị sang chấn kéo dài và lặp đi lặp lại bắt đầu từ hồi bé. Và tiến xa hơn những rối loạn liên quan đến sang chấn, hiện đã có nghiên cứu ủng hộ việc dùng EMDR với các chứng rối loạn lo âu, trầm cảm đơn cực, cơn đau, nghiện ngập, rối loạn ám ảnh cưỡng chế, rối loạn lưỡng cực và loạn thần. EMDR đang được sử dụng ở các cơ sở điều trị nội trú và ngoại trú, bệnh viện, trường học, nhà tù và quân đội, và tại hiện trường sau các thảm họa và khủng hoảng lớn. Suy cho cùng, những ký ức sang chấn chưa được xử lý, vẫn còn bị khóa trong hệ thần kinh, có thể làm trầm trọng thêm, kích hoạt hay thậm chí gây ra nhiều vấn đề và rối loạn.

Và EMDR đang được dùng để điều trị sang chấn do bị bỏ mặc và tước đoạt. Hiện nay chúng ta đều biết được những hậu quả của thời thơ ấu bị bỏ mặc, bị chia cắt và bạo hành tinh thần–thường được gọi là sang chấn liên quan đến sự gắn bó và phát triển–thường nghiêm trọng và sâu rộng hơn so với những sang chấn gây ra bởi các loại bạo hành trẻ em khác, rõ ràng hơn và được biết đến nhiều hơn. Liệu pháp của chúng tôi thường nhắm đến cảm giác đơn độc của nạn nhân, cũng như niềm tin rằng họ không xứng đáng được sống. Chúng tôi cho phép họ, như trong trường hợp của Katie, tưởng tượng đến việc có được những thứ họ cần nhưng chưa từng nhận được hay nói những điều mà họ có lẽ không bao giờ dám nói với thủ phạm hay một ai đó không bảo vệ được họ hoặc hành động thay mặt họ. Chúng tôi mời gọi họ bước vào ký ức của mình và thừa nhận ‘phiên bản trẻ tuổi’ của họ, mang đến sự nuôi dưỡng, an ủi và xác nhận vốn rất cần thiết nhưng từ lâu đã bị chối từ. Các kết quả chữa lành có thể khá sâu sắc.

Cuối cùng, EMDR không còn bị coi là một kỹ thuật hay giao thức đơn giản mà trong đó nhà trị liệu được khuyến khích đừng nhúng tay vào trong lúc bộ não của bệnh nhân đang làm việc; nó đã phát triển thành một liệu pháp tâm lý toàn diện nhấn mạnh vào sự hòa hợp và cộng tác liên tục, trong từng khoảnh khắc, mối quan hệ giữa thân chủ và nhà trị liệu. Tôi nói với tất cả bệnh nhân của mình rằng: ‘Tôi sẽ theo sát bạn từng bước một. Tôi sẽ không bỏ mặc các bạn chết đuối.’ Những nhà trị liệu EMDR cố gắng nhận ra và xác nhận sự thông thái của bệnh nhân, đưa ra những góc nhìn lành mạnh và giúp họ điều chỉnh được cảm xúc trong suốt các phiên điều trị của họ. Chúng tôi làm nhân chứng cho nỗi đau của họ và gặp gỡ chúng, hết lần này đến lần khác, với lòng trắc ẩn sâu sắc, nhắc nhở họ về sức mạnh và lòng can đảm của họ, và giúp họ hiểu rằng họ không còn đơn độc nữa.

Khi tôi viết bài này vào mùa xuân năm 2021, nhu cầu về liệu pháp điều trị sang chấn hiệu quả vẫn tiếp tục gia tăng. Đây là một khoảng thời gian đầy thách thức, với đại dịch COVID-19, sụp đổ tội phạm kinh tế và cả xung đột chính trị và chủng tộc mang đến đau thương, nghịch cảnh và mất mát cho hàng triệu người. Vào tháng 6 năm 2020, theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ, hơn 40% người trưởng thành ở Hoa Kỳ đã báo cáo về các triệu chứng trầm cảm hoặc lo âu, tăng đáng kể so với cùng kỳ năm 2019. Trong thời gian này, tôi và các đồng nghiệp đã và đang áp dụng các quy trình 'can thiệp EMDR sớm' để điều trị hiệu quả cho những người sơ cứu và nhân viên tuyến đầu, cũng như những người phải thở máy trong ICU và những người bị mất người thân. Đối với những người có tiền sử sang chấn tâm lý trước đây, chẳng hạn như bệnh nhân Katie của tôi, thì căng thẳng, cô đơn và đau buồn do những biến động liên quan đến đại dịch đã khai quật những ký ức về những đau khổ trước đây mà chúng tôi cũng cần phải giải quyết. Nhưng tôi vẫn tràn đầy hy vọng, bất chấp bức tranh sức khỏe tinh thần đầy gay go mà chúng tôi phải đối mặt.

Tôi cảm thấy hào hứng và được khích lệ trước những kết quả nhất quán mà tôi thu được với liệu pháp EMDR. Tôi được truyền cảm hứng từ tất cả những gì chúng tôi tiếp tục học được thông qua nghiên cứu và đổi mới lâm sàng. Và tôi rất biết ơn khi được là một phần của một cộng đồng chuyên gia đầy tận tâm và kiên cường, cam kết tạo ra sự khác biệt trên thế giới.

Đối với một số người, việc phục hồi diễn ra nhanh và EMDR dường như là một liệu pháp điều trị mầu nhiệm, quá tốt đến mức khó tin. Còn với người khác, đặc biệt là những người có tiền sử sang chấn tâm lý phức tạp và những khó khăn thách thức không có hồi kết trong hiện tại, con đường điều trị thường khó hơn và đôi lúc lâu hơn. Dù vậy, tôi vẫn cảm thấy lạc quan và thường xuyên nói với tất cả bệnh nhân của mình rằng: ‘Các bạn đang bị tổn thương, nhưng các bạn có thể phục hồi, và sẽ không phải mất cả đời để chữa lành.’

Lieu phap EMDR  Viet lai cuoc doi ban

Ảnh: Douglas Waldruff

Những gì xảy ra trong suốt phiên điều trị EMDR? (theo https://trangtamly.blog/)

– Bước 1. Trị liệu viên EMDR sẽ bắt đầu phiên can thiệp bằng cách yêu cầu bạn mang về lại tâm trí (nhớ lại) những ký ức, hình ảnh, suy nghĩ khó chịu về bản thân, và những cảm giác thực thể do sự kiện gây sang chấn trước đây tạo ra. Sau đó, ngay khi bạn giữ lại được những suy nghĩ và hình ảnh này trong tâm trí, trị liệu viên sẽ yêu cầu bạn tập trung chú ý vào những kích thích từ môi trường bên ngoài. Ví dụ, trị liệu viên có thể yêu cầu bạn di chuyển mắt qua lại theo sự di chuyển của ngón tay trị liệu viên.

– Bước 2. Bạn thở sâu và trò chuyện với trị liệu viên về bất cứ suy nghĩ đau buồn nào mới xuất hiện trong tâm trí trong quá trình thực hiện bước 1 (mắt vẫn di chuyển qua lại theo tay của trị liệu viên).

– Bước 3. Bạn sẽ lặp lại bước 1, lần này tập trung vào những suy nghĩ mới xuất hiện trong bước 2, sau đó hoàn thành lại bước 2.

Nhìn chung, chu kỳ này sẽ được lặp đi lặp lại cho đến khi bạn cảm thấy bớt đau buồn. Qua nhiều phiên, bạn có thể hiểu rõ hơn về cách sự kiện sang chấn đã ảnh hưởng lên bạn như thế nào, giúp bạn thay đổi một số hành vi và có thể tiến về tương lai phía trước một cách tích cực.

 

Photo by Guido Mieth/Getty

Nguồn: https://aeon.co/essays/how-emdr-helps-to-reprocess-traumatic-memories-at-warp-speed

Theo tamlyhoctoipham.com

Tội Phạm Bài viết liên quan

Bạn kiêu hãnh, tự tin hay tự tôn?

Bạn kiêu hãnh, tự tin hay tự tôn?  4

 25/04/2024 11:27:07 SA

"Cuốn sách (hay bộ sách) của năm" với tôi trong năm ngoái (kéo dài sang năm nay), chính là bộ ba cuốn sách về tâm lý và tâm thần học xuất sắc của Neel Burton

Xem chi tiết 
Sức tàn phá của việc bị đối xử im lặng

Sức tàn phá của việc bị đối xử im lặng  6

 25/04/2024 11:27:06 SA

Khi không hài lòng với vợ (chồng), bạn bè hay đồng nghiệp, nhiều người sử dụng chiêu bài phớt lờ, "chiến tranh lạnh" để trừng phạt họ.

Xem chi tiết 
Vì sao khoảng thời gian từ 45-55 tuổi là giai đoạn KÉM HẠNH PHÚC NHẤT của đời người?

Vì sao khoảng thời gian từ 45-55 tuổi là giai đoạn KÉM HẠNH PHÚC NHẤT của đời người?  4

 25/04/2024 11:27:05 SA

Trong giai đoạn 10 năm, từ 45-55 tuổi, chúng ta gặp nhiều áp lực, đối mặt với các khó khăn, thách thức về thể chất, tâm lý và mối quan hệ.

Xem chi tiết 
Dấu hiệu của trưởng thành: biết thể hiện sự tức giận đúng cách thay vì chịu đựng

Dấu hiệu của trưởng thành: biết thể hiện sự tức giận đúng cách thay vì chịu đựng  4

 25/04/2024 11:27:04 SA

Người trưởng thành sẽ tập trung vào cách giải quyết vấn đề thay vì tranh cãi chỉ để khẳng định bản thân đúng.

Xem chi tiết 
Giải mã nguyên nhân tại sao chúng ta dễ nổi giận với người thân

Giải mã nguyên nhân tại sao chúng ta dễ nổi giận với người thân  7

 25/04/2024 11:27:03 SA

Chúng ta thường có xu hướng cau có, nổi giận với người thân trong khi lại dễ chịu hơn với người lạ. Nguyên nhân do đâu? Thử tìm hiểu xem tại sao chúng ta có loại tâm lý này nhé!

Xem chi tiết 
Vì sao con người mê tín

Vì sao con người mê tín  7

 24/04/2024 11:25:24 SA

Các nhà khoa học cho hay mê tín dị đoan xảy ra ở nhiều nhóm người khác nhau, nhất là những người hay lo lắng, và hiện tượng này thậm chí còn tồn tại cả trong giới động vật.

Xem chi tiết 

Quảng cáo

thu mua đồ cũ

Quảng cáo

kem flan

Quảng cáo

xuong may dong phuc

Quảng cáo

xe ôtô 2018
Trước Khi Nhắm Mắt  2643
 13/09/2018 12:44:10 SA
Tiếng Thét  2537
 13/09/2018 12:39:16 SA
Đảo Quỷ  3203
 13/09/2018 12:34:42 SA
Pháp Y Tần Minh  2633
 13/07/2018 3:59:16 CH
Kiêu Hãnh Và Định Kiến  2616
 13/07/2018 3:48:06 CH
Xem thêm nhiều tin khác 
Bạn vui lòng chờ trong giây lát...