Cuộc sống thường nhật hối hả và đầy phiền muộn khiến việc tìm kiếm những khoảnh khắc bình yên để suy ngẫm dường như thật khó khăn. Là một nhà tâm lý học lâm sàng, tôi thường chứng kiến những bệnh nhân vật lộn với nỗi đau cảm xúc chưa được giải quyết từ nhiều năm hoặc thậm chí từ nhiều thập kỷ trước. Điều này đặt ra cho chúng ta câu hỏi: Liệu thời gian có thật sự chữa lành mọi vết thương?
SỰ LẦM TƯỞNG VỀ VIỆC “THA THỨ VÀ QUÊN ĐI”
Chúng ta thường được bảo phải “tiến lên” và “buông bỏ”, thế nhưng việc chữa lành cảm xúc nào phải việc đơn giản như vậy. Những chấn thương chưa được giải quyết có thể tồn tại dai dẳng, xuất hiện bất ngờ qua những giọt nước mắt, sự tức giận và né tránh.
Tôi luôn bị cuốn hút bởi sự hiểu biết của những thế hệ đi trước. Những câu chuyện của họ cho ta biết rằng các sự kiện trong quá khứ, dù có được chôn vùi sâu thẳm, vẫn có thể gợi lên những cảm xúc mạnh mẽ. Hiện tượng này không chỉ giới hạn ở những trải nghiệm cá nhân. Ngay cả những người sống sót sau những thảm kịch to lớn, như những nạn nhân tại Auschwitz, cũng cảm thấy khó khăn khi nhắc lại hoặc thảo luận về những chấn thương của họ đã trải qua.
Source: Image by Yousif Haji from Pixabay
VẾT THƯƠNG CẢM XÚC VỚI VẾT XƯỚC NGOÀI DA
Chúng ta thường nhầm lẫn việc chữa lành cảm xúc với việc chữa lành thể chất. Một vết thương về thể chất, nếu được chăm sóc đúng cách, có thể bình phục hoàn toàn theo thời gian. Tuy nhiên, với những thương tổn cảm xúc, nếu không được đoái hoài đến, có thể mưng mủ và gây đau đớn lâu dài. Bỏ qua những nỗi đau cảm xúc cũng giống như nhắm mắt làm ngơ những vết cắt sâu – thoạt nhìn chúng có vẻ ổn, nhưng lại rỉ máu và gây hệ lụy lâu dài.
NHẬN DIỆN NHỮNG VẾT THƯƠNG CẢM XÚC CHƯA ĐƯỢC CHỮA LÀNH
Làm sao chúng ta nhận ra bản thân mình đang tồn tại những vết thương cảm xúc chưa được chữa lành?
- Sự tránh né: Nếu bạn thường xuyên né tránh những chủ đề, ký ức hoặc con người nào đó, có thể đó là dấu hiệu của nỗi đau chưa được giải quyết.
- Cảm xúc mạnh mẽ: Những tác nhân tưởng chừng nhỏ nhặt nhưng lại có thể gợi lên những phản ứng cảm xúc quá mức? Điều này có thể chỉ ra những chấn thương còn tồn đọng.
Có một điều cần lưu tâm rằng không phải tất cả những thương tổn cảm xúc đều dễ dàng nhận ra. Một số có thể nằm im lìm bên dưới mặt hồ tĩnh lặng, âm thầm ảnh hưởng đến cuộc sống của chúng ta mà chúng ta không nhận thức được.
HÀNH TRÌNH CHỮA LÀNH
Tôi từng được làm việc với một người phụ nữ hết sức tuyệt vời ở tuổi 70, người đã can đảm bắt đầu hành trình chữa lành thông qua liệu trình. Bằng cách xem lại quá khứ thông qua những bức ảnh và các cuộc trò chuyện, bà đã có thể giải quyết những chấn thương bị lãng quên và tìm lại được niềm vui cũng như sự bình yên.
Chữa lành những vết thương cảm xúc đòi hỏi nhiều can đảm, nhưng điều đó là khả thi với tất cả mọi người. Có nhiều cách hiệu quả cho việc đó, bao gồm:
- Viết nhật ký
- Liệu pháp nghệ thuật
- Liệu pháp trò chuyện
- Các nhóm hỗ trợ
- Tái cấu trúc nhận thức (thay đổi các mô hình suy nghĩ tiêu cực)
Giống như việc điều trị một vết thương thể chất, chữa lành chấn thương cảm xúc bao gồm việc thừa nhận sự tồn tại của nó, "khử trùng" (các cảm xúc tiêu cực) và cho phép nó thời gian để lành lại. Quá trình này có thể đau đớn, nhưng nó là cần thiết để phục hồi lâu dài.
ĐÓN NHẬN MỘT CUỘC SỐNG TƯƠI ĐẸP
Dù bạn đã trải qua muôn vàn khó khăn, bạn vẫn có thể được chữa lành. Điều này đòi hỏi nhiều công sức và nỗ lực, nhưng bằng cách giải quyết những thương tổn cảm xúc, một cuộc sống tươi đẹp sẽ mở ra trước mắt bạn.
Đây là những gì bạn có thể làm để thúc đẩy sự chữa lành:
- Ưu tiên chăm sóc bản thân: Thực hành các thói quen lành mạnh và tham gia vào các hoạt động nuôi dưỡng tâm trí, cơ thể và tâm hồn của bạn.
- Tìm kiếm ý nghĩa: Tìm ra những bài học hoặc điểm sáng trong những trải nghiệm đau đớn của bạn. Chúng đã định hình bạn trở thành con người của ngày hôm nay ra sao?
- Tha thứ: Tha thứ không có nghĩa là quên đi hoặc chấp nhận những hành động có hại, nhưng nó có nghĩa là giải thoát bản thân khỏi gánh nặng của sự tức giận và oán hận.
BƯỚC CUỐI CÙNG: HOÀN TOÀN CHỮA LÀNH
Làm sao chúng ta biết khi nào mình thực sự được chữa lành? Là khi chúng ta có thể kể lại những sự kiện đau đớn mà không trải qua những cảm xúc lấn át tâm trí. Đó là cảm giác của sự chấp nhận và bình yên, thay vì dằn vặt và đau khổ.
Hãy nhớ rằng, bạn không bao giờ đơn độc khi đối mặt với những khó khăn của chính mình. Thế giới ngoài kia đầy ắp những điều tuyệt vời cùng những con người luôn ủng hộ và yêu thương bạn. Hãy tìm kiếm sự trợ giúp của họ khi bạn cần, và đừng ngần ngại yêu cầu sự giúp đỡ.
Thời gian sẽ chữa lành mọi vết thương, nhưng chỉ khi chúng ta tham gia vào quá trình chăm sóc và chữa lành. Bằng cách thừa nhận, giải quyết và chăm sóc những vết thương cảm xúc của mình, chúng ta có thể tiến về phía trước và tạo ra một cuộc sống tràn ngập niềm vui, lẽ sống và sự bình yên.
Tác giả: Robert Puff
Dịch giả: Hoàng Phúc - Nguồn: Tâm Lý Học Tuổi Trẻ
Bài gốc: Does Time Really Heal All Wounds? Unveiling the Truth | Psychology Today
Theo tamlyhoctoipham.com