Mỗi người sẽ hình thành vô số mối quan hệ xuyên suốt cuộc đời. Những mối quan hệ đó sẽ tác động đến họ theo nhiều khía cạnh khác nhau từ tính cách, công việc đến cả tình yêu.
Tuy nhiên, không phải mối quan hệ nào, bao gồm tình yêu, cũng lành mạnh, thậm chí còn bào mòn tinh thần và thể chất của chúng ta. Nếu không can thiệp kịp thời, sẽ rất khó để mọi người rời khỏi vòng luẩn quẩn này.
Dưới đây, Psychology Today tổng hợp ý kiến của Sarah Epstein, nhà trị liệu hôn nhân và gia đình Mỹ, giúp chúng ta hiểu được lý do đằng sau việc nhiều người mãi không thoát khỏi mối quan hệ độc hại.
LƯU LUYẾN KỶ NIỆM ĐẸP
Gần như trong bất kỳ mối quan hệ nào đều có những khoảnh khắc tốt và xấu. Ngay cả trong những mối tình độc hại, chúng ta vẫn có thể có những lúc vui vẻ và tràn ngập tình yêu.
Đôi khi, chính những thời điểm tích cực này khiến một số người lầm tưởng và cho rằng những hành vi tồi tệ là vấn đề có thể khắc phục được.
Vì vậy, họ càng gặp nhiều khó khăn hơn để thoát khỏi mối quan hệ thiếu lành mạnh. Họ lo lắng rằng nếu rời đi, họ sẽ đánh mất những khoảnh khắc tốt đẹp và tin vào việc nếu nỗ lực đủ, mối quan hệ sẽ được cải thiện.
Ảnh minh họa: Dương Nhân/Pexels.
PHỤ THUỘC KINH TẾ
Một số người duy trì mối quan hệ độc hại vì bị phụ thuộc về tội phạm kinh tế. Nếu đã từ bỏ công việc để nuôi con hoặc phải đối mặt với nghèo khổ khi chọn kết thúc mối quan hệ, khả năng cao họ chọn ở lại dù điều đó mang lại tổn thương.
Trong những trường hợp cực đoan, đối phương có thể kiểm soát toàn bộ tiền bạc để ngăn cản người còn lại rời đi. Hành vi này được xem là lạm dụng tài chính khiến nửa kia không có khả năng tiếp cận tài chính và đánh mất quyền tự do ra đi của mình.
CẢM GIÁC QUEN THUỘC
Khi đứng trước nhiều con đường khác nhau, đa số mọi người đều chọn những lối đi quen thuộc, ngay cả khi lối đó gập ghềnh.
Tương tự với các mối quan hệ, nhiều người chọn dính vào những rắc rối cũ hơn là đối mặt với cảm giác bất an khi ở một mình hoặc với một người mới.
Một số khác thì liên tục vướng vào mối quan hệ độc hại vì những nỗi đau từ mối quan hệ đó họ có thể đoán trước được.
THIẾU KINH NGHIỆM
Một số người, đặc biệt là những ai mới yêu, có thể tin rằng mọi mối quan hệ đều độc hại như mối quan hệ hiện tại vì họ thiếu kinh nghiệm tình trường.
Họ có thể không nhận ra rằng tình yêu chân thành là hoàn toàn lành mạnh. Thêm vào đó, niềm tin sai lệch có thể ngày càng mạnh mẽ hơn nếu họ lớn lên trong một gia đình mà cha mẹ họ thường xuyên cãi vã.
Họ sẽ nghĩ đó là điều bình thường và cảm thấy nhiệm vụ của mình là phải làm quen với những hành vi tương tự.
NIỀM TIN SAI LỆCH
Những mối quan hệ thiếu lành mạnh có thể khiến một người càng tin vào những vọng tưởng tiêu cực của bản thân.
Nếu ai đó cho rằng mình không xứng đáng được yêu thương và chọn ở lại với một người đối xử tệ bạc với họ, điều này giống như bằng chứng cho thấy họ đúng.
Một trường hợp khác, một người khăng khăng mình sẽ luôn bị bỏ rơi và phớt lờ có thể mãi vịn vào điều đó như một lý do để ở lại mối tình độc hại.
CẠN KIỆT SỨC LỰC
Cần rất nhiều nỗ lực để một người hoàn hoàn rời khỏi một mối quan hệ độc hại. Việc này tiêu tốn không ít thời gian và năng lượng khiến cơ hội phát triển bản thân hay ổn định tài chính của họ ngày càng eo hẹp.
Trong những mối quan hệ lạm dụng, rời đi trở nên khó khăn hơn khi tất cả sức lực của họ chỉ dành cho việc tồn tại qua ngày. Theo đó, một số trở nên quá kiệt sức và mắc kẹt trong vòng luẩn quẩn bị tổn thương này.
Thiên Thanh - theo znews.vn
Theo tamlyhoctoipham.com