Khi giải thích lý do tại sao các cặp đôi chia tay, mọi người thường hay nhấn mạnh vào sự khác biệt: người này có tính kỷ luật cao, người kia lại sáng tạo một cách vô tổ chức; người này thích leo núi, người kia lại ghét các hoạt động ngoài trời; người này thích giao du còn người kia lại chẳng thích tiệc tùng,... Dường như chẳng cần băn khoăn gì nữa, họ phải chia tay.
Cách giải thích này bị chi phối bởi một lý thuyết tình yêu như sau: tại sao các cặp đôi đến với nhau bằng sự tương đồng nhưng điều khiến họ xa nhau lại là sự khác biệt. Hãy xem xét cách thức hoạt động của các trang web hẹn hò hiện đại. Với mong muốn giúp chúng ta tìm được “đúng người”, họ truy quét cơ sở dữ liệu để kết nối một người có nhiều nét tương đồng nhất với chúng ta về thái độ, sở thích và các mối quan tâm. Theo lý thuyết này, sự khác biệt càng nhỏ, thì mối quan hệ càng có khả năng tiến triển.
Điều này nghe thì có vẻ hợp lý, nhưng nó lại tránh đề cập đến lên một sự thật cơ bản về tình yêu mà chúng ta đã bỏ qua: không có cặp đôi nào chia tay chỉ vì sự khác biệt giữa họ. Họ chia tay vì một trong hai cảm thấy quá mệt mỏi vì không được lắng nghe. Một cặp đôi có thể bất đồng quan điểm trong hàng ngàn chuyện - từ tần suất quan hệ tình dục tối ưu cho đến việc quản lý đời sống xã hội - nhưng họ vẫn ở bên nhau; trong khi có cặp đôi dường như tương đồng ở hầu hết mọi khía cạnh, nhưng rồi lại trở nên cách rời bởi cảm giác tồi tệ khi những cố gắng thực tế không được công nhận.
Suy cho cùng, sự thành công của tình yêu không tính bằng việc có hay không có sự khác biệt, mà là cách ta xử lý những khác biệt ấy, dù là bằng sự phòng thủ, cứng nhắc hay là bằng sự khiêm tốn, sẵn sàng thay đổi và tha thứ cho nhau.
Chúng ta cần biết rằng, sự tương hợp không phải là cơ sở của tình yêu lâu dài. Hai người cùng thích đọc sách tội phạm học, chơi giải ô chữ, nấu ăn kiểu Ý, ban đầu có thể yêu nhau say đắm, nhưng dần dần sẽ xa rời nhau khi họ biết rằng một người có đam mê với khiêu vũ trong khi người kia lại có hứng thú với khảo cổ học. Hoặc người này thì thích nước sốt ragu, trong khi người kia lại thích món thịt hầm và bánh nướng. Ta thường giải quyết những xích mích như vậy bằng cách rũ bỏ tất cả sự khác biệt của đối phương và tinh chỉnh các tiêu chí tìm kiếm của mình để chúng chặt chẽ hơn nữa. Nhưng điều này chỉ càng buộc chúng ta phải kiếm tìm những liên kết thiếu hợp lý. Kết quả là, chúng ta sẽ đi tìm một người thích cá ruồi và tiểu thuyết của John le Carrè nhưng không thích bơ mặn và rất giỏi đóng cửa tủ, hoặc một người thích đi cắm trại nhưng đồng thời cũng rất quan tâm đến chính trị,... Và đương nhiên, hai người hợp nhau như vậy có lẽ sẽ dễ dàng cho qua những tranh cãi về màu sắc của rèm cửa phòng ngủ, đặt tên con, hay việc sử dụng khăn giấy,...
Khả năng tương thích tồn tại trước đó chỉ có thể đưa chúng ta tới hiện tại. Chắc chắn sẽ đến lúc, ngay cả đối phương phù hợp nhất cũng sẽ không hợp với ta như ta tưởng. Điều quan trọng là làm thế nào để giải quyết sự “không hợp” ấy. Lời hồi đáp có thể sẽ đem lại sự lãng mạn vô cùng sâu sắc, hoặc cũng có thể là nỗi thất vọng triền miên không thể vượt qua.
Đây là những điều chúng ta cần được nghe khi một viễn cảnh mâu thuẫn ở ngay phía trước: Anh luôn lắng nghe những gì em nói, anh hiểu những gì em nói, anh sẽ nghiêm túc nghĩ về điều đó, có lẽ anh cần phải thay đổi,... Nói cách khác, chúng ta mong muốn rằng điểm khác biệt của mình được nhìn ra và ở một mức độ nào đó, được tôn trọng.
Đối phương có thể không hoàn toàn chấp nhận thái độ hay đánh giá của chúng ta, nhưng họ có thể thấy được chúng xuất phát từ đâu và sẽ nghiêm túc xem xét, nghiên cứu. Vì họ biết rằng điều đó quan trọng và về cơ bản, họ tôn trọng sự tồn tại của chúng ta. Họ không vội vàng đưa mọi vấn đề khó chịu ra để mổ xẻ phán xét. Trước những lời phàn nàn hay chỉ trích nhẹ nhàng của chúng ta, họ không lập tức chối bỏ rồi trở nên tức giận. Họ không quay lại và nói rằng mọi vấn đề nằm hoàn toàn ở phía chúng ta, rằng chúng ta chủ tâm ác ý, rằng chúng ta là người kỳ quặc chứ không phải họ, rằng tại sao chúng ta lại cứ phàn nàn trong khi họ cũng đang phải trải qua một ngày mệt nhọc - và đây chính là giọt nước tràn ly. Họ cố gắng để không buông những lời xúc phạm, trở nên khắc nghiệt hay làm đổ vỡ mọi thứ. Họ sống ở thực tại với ý nghĩ rằng họ cần phải thay đổi và phát triển. Họ không quá mong đợi việc được yêu thương một cách tuyệt đối vì hiện tại họ là ai; và họ trân trọng một điều rằng đối phương có thể nắm bắt khá chính xác các khía cạnh trong tâm lý của họ.
Mặt khác, những thứ đang dần hủy hoại tình yêu trong một thời gian dài - ngay cả trong trường hợp các cặp đôi có-vẻ-như phù hợp nhất - lại trái ngược với những điều vừa kể trên: thái độ hiếu thắng, không chịu lắng nghe, sự khước từ trước vẻ mặt dường như đang muốn nói ra những điều thực sự quan trọng của đối phương - mà đáng lẽ ra là họ có quyền được lắng nghe một cách nhiệt tình, trong sự bao dung.
Thứ giết chết một cuộc tình không đơn thuần là sự thất vọng mà là việc có được lắng nghe hay không. Có thể tưởng tượng một cặp đôi có đời sống tình dục không-bình-thường, nhưng cả hai người đều cố gắng khắc phục, vậy thì điều đó sẽ không bao giờ là nguyên nhân của việc chia tay. Cặp đôi này có thể chỉ ân ái một lần trong suốt năm năm qua nhưng họ vẫn quyết tâm tìm hiểu lý do tại sao, để giải thích cảm xúc của của bản thân cũng như hiểu ra và chấp nhận rằng sự không phù hợp chẳng có sức mạnh gì để có thể làm lung lay nền tảng gắn kết giữa họ.
Cuối cùng, lời giải thích hợp lý nhất cho tất cả các cuộc chia tay chính là việc không thể lắng nghe một cách chân thành những gì đối phương nói. Không có vấn đề tình dục nào quá nghiêm trọng đến nỗi không thể ở lại bên nhau. Không có sự khác biệt về thái độ xã hội hay sở thích nào quá trầm trọng để có thể làm hỏng một cuộc tình. Chỉ là ta đã quá nản lòng với mong muốn giản đơn là được lắng nghe.
Người mà chúng ta thực sự cần không phải là người có chung mọi sở thích với chúng ta, mà là một người biết kiên nhẫn học cách tôn trọng sự khác biệt.
________________
Dịch giả: Sarras Nguyễn – Nguồn: Tâm Lý Học Tuổi Trẻ
Nguồn: theschooloflife.com
Theo tamlyhoctoipham.com