Bạn là một người giao tiếp lịch thiệp. Bạn không bao giờ nói quá nhiều, luôn đặt câu hỏi. Bạn gật đầu và mỉm cười đúng lúc, kiên nhẫn lắng nghe những câu chuyện dài dòng, đôi khi còn lịch sự cười theo những câu đùa nhạt nhẽo. Dù trong lòng chỉ muốn tìm cách thoát thân, bạn vẫn kiên trì giữ phép tắc, không bao giờ rời đi mà không có một cái cớ hợp lý. Đó là một công việc vừa khó khăn vừa nhàm chán – và bạn biết điều đó. Nhưng bạn vẫn làm. Bởi vì bạn không muốn trở thành một kẻ thô lỗ. Nhưng này… nếu có thể một chút thì sao nhỉ?
Hãy coi đây như một sự biện hộ. Tôi không bảo bạn phải biến thành một kẻ thô lỗ thực sự, nhưng đôi khi, có một chút “đáng ghét” lại là điều nên làm. Có thể bạn cảm thấy những cuộc trò chuyện của mình thiếu điều gì đó. Hoặc bạn đã chịu đựng quá nhiều cuộc trò chuyện tẻ nhạt. Hoặc bạn quá lịch sự đến mức người khác nói chuyện với bạn xong vẫn chẳng biết gì về con người bạn cả. Khi nghĩ kỹ lại, làm một kẻ “đáng ghét” trong giao tiếp cũng chẳng tệ như bạn tưởng.
Mỗi cuộc trò chuyện đều vận hành theo một kiểu khác nhau – xã giao, công việc, tán gẫu, tâm tình, đùa giỡn, và vô số hình thức khác. Ngay khi bắt đầu trò chuyện, ta sẽ vô thức xác định mình đang ở chế độ nào, bởi mỗi chế độ đều có quy tắc riêng. Nếu ai đó kể chuyện phiếm với bạn mà cuối cùng bạn lại bảo: “Ồ, chuyện này hay đấy, để tôi kể lại cho mọi người nghe nhé”, thì bạn vừa phạm vào điều cấm kỵ – bạn đã phản bội lòng tin của họ. Tương tự, nếu bạn đang trong một cuộc họp quan trọng mà lại chuyển hướng sang tán tỉnh sếp, thì rõ ràng bạn đã đi sai đường.
Nhưng điều thú vị là chế độ trò chuyện không phải lúc nào cũng cố định. Chúng có thể thay đổi ngay trong lúc ta đang nói chuyện. Ta có thể khởi đầu bằng những câu chuyện xã giao, cho đến khi tôi nghiêng người về phía bạn, nắm lấy tay bạn và hỏi: “Tôi có thể nói thật với bạn được không?” Ngay giây phút đó, những câu nói nhạt nhẽo lúc đầu lập tức trở nên vô nghĩa – từ giờ trở đi, cả hai ta buộc phải ít nhất giả vờ chân thành. Và hầu hết những sự chuyển đổi như vậy đều diễn ra một cách bất ngờ, không báo trước. Chúng xảy ra khi một bên quyết định bước ra khỏi khuôn khổ cuộc trò chuyện hiện tại, và bên còn lại cảm thấy bị cuốn theo. Nhà triết học David Lewis có lẽ sẽ giải thích điều này như một quy luật tự nhiên trong giao tiếp.
Khi bạn chọn nói chuyện với tôi, nghĩa là bạn chọn đáp trả khi tôi gửi quả bóng về phía bạn.
Năm 1979, Lewis viết một bài luận có tên “Ghi điểm trong trò chơi ngôn ngữ”, trong đó ông làm rõ những quy tắc vô hình chi phối động lực của một cuộc hội thoại. Lewis cho rằng giao tiếp cũng có một “bảng điểm” như trong bóng chày, theo dõi các yếu tố khác nhau của cuộc trò chuyện. Nhưng khác với bóng chày, cuộc hội thoại có một bộ quy tắc đặc biệt: quy tắc thích nghi.
Ý tưởng này khá giống với nguyên tắc “Ừ, và…” trong diễn xuất ứng biến. Cuộc trò chuyện cũng như một màn kịch, nơi mọi thứ chỉ cần được nhắc đến là lập tức trở thành hiện thực. Trên sân khấu, không có đường ray xe lửa – cho đến khi tôi hét lên: “Cẩn thận, có tàu kìa!” Và từ giây phút đó, tất cả chúng ta đều sẽ diễn như thể đường ray vốn đã ở đó từ trước.
Cuộc hội thoại cũng vậy – nó là một trận đấu qua lại, giống như tennis. Khi bạn chọn nói chuyện với tôi, nghĩa là bạn chọn đáp trả khi tôi gửi quả bóng về phía bạn. Và thế là trận đấu bắt đầu. Nhưng có một điều khác biệt: luật chơi của tennis được quy định sẵn – bạn biết rõ khi nào được tính điểm, khi nào bóng ra ngoài, làm sao để thắng. Còn trong trò chơi giao tiếp, luật chơi thay đổi ngay trong lúc ta chơi, và vì vậy, kỳ vọng của ta về đối phương cũng thay đổi theo.
Điều đó có nghĩa là đôi khi, tôi có thể tung ra một đường bóng mà bạn không lường trước, thậm chí không nghĩ rằng nó hợp lệ. Có thể tôi bất ngờ chạy lên khán đài để giao bóng từ trên cao. Hoặc tôi bỏ vợt xuống, tiến lại gần lưới, rồi đề nghị ta chỉ chuyền bóng cho nhau bằng tay, trong khi lặng lẽ nhìn vào mắt nhau. Bạn hoàn toàn có quyền từ chối và bỏ đi. Nhưng bạn không nhất thiết phải làm vậy. Có thể bạn cũng muốn tiếp tục trò chơi. Có thể bạn tò mò xem chuyện này sẽ dẫn đến đâu. Hoặc có thể, đó là điều bạn đã luôn muốn thử nhưng chưa bao giờ dám.
Nhưng trên thực tế, khả năng rời đi không phải là điều đầu tiên xuất hiện trong tâm trí bạn. Đó không phải là cách bộ não con người vận hành. Nếu tôi bỏ vợt xuống và mời bạn làm điều tương tự, rất có thể bạn sẽ làm theo. Nếu tôi nghiêng người và nói: “Hãy thật lòng với tôi”, rất có thể bạn sẽ gật đầu. Bởi vì quy tắc thích nghi đã ăn sâu vào tâm trí tất cả chúng ta.
Và chính vì hầu hết mọi người đều có xu hướng thích nghi, nên những cuộc hội thoại luôn sẵn sàng để bị “dẫn dắt”. Lewis nói về bậc thầy và kẻ phục tùng trong một cuộc trò chuyện – trong đó, người làm chủ sẽ quyết định điều gì được phép nói ra, còn người kia thì chiều theo. Có những tình huống điều này rất rõ ràng, như khi bạn nói chuyện với sếp hoặc với mẹ mình. Nhưng phần lớn thời gian, vai trò này luân phiên thay đổi – và những kẻ “đáng ghét” thường là những người kiểm soát cuộc chơi nhiều nhất.

Photo by Alex Webb/Magnum
Đôi khi, phép lịch sự và chuẩn mực có thể được hy sinh để đổi lấy sự kết nối và thấu hiểu.
Kẻ đáng ghét là người dám làm điều họ muốn. Người đã tự giải phóng bản thân khỏi những kỳ vọng và ràng buộc của xã hội – điều mà đôi khi khiến chúng ta khó chịu. Họ là người nói quá nhiều về bản thân, chỉ giữ bí mật khi điều đó có lợi cho họ, khơi gợi những chủ đề mà chỉ họ quan tâm. Nói cách khác, họ là kiểu người không tuân theo nhịp điệu của cuộc trò chuyện hoặc luôn tìm cách xoay chuyển nó theo ý mình. Nhưng họ cũng là những người mà ta có thể thực sự hiểu được – những người không chỉ đáp lại bằng những câu trả lời hời hợt, mà sẵn sàng mang cả con người họ vào trong cuộc đối thoại.
Bí quyết để trò chuyện một cách không quá lịch sự nằm ở việc biết cách trở thành một kẻ “đáng ghét” vừa đủ. Biết cách chơi đùa với quy tắc giao tiếp, hiểu rằng phép lịch sự và chuẩn mực có thể được đặt xuống để nhường chỗ cho sự kết nối và thân mật – mà không đánh mất hoàn toàn sự tinh tế. Hiểu rằng đôi khi ta có thể bỏ vợt xuống và tiến lại gần lưới, bởi vì nếu người đối diện cũng làm vậy, ta sẽ khám phá ra điều gì đó đặc biệt.
Có một sự thật rất dễ nhận ra về sự hài hước: khi tôi kể một câu đùa, tôi không chỉ muốn bạn cười – tôi muốn bạn cười vì bạn hiểu nó. Mỗi lần ta pha trò, ta đều chấp nhận một rủi ro: ta không giải thích bối cảnh để giúp câu đùa có tác dụng, mà chỉ tin rằng bạn sẽ nắm bắt được nó. Khi bạn cười, đó không chỉ là tiếng cười – đó là một dấu hiệu. Nó cho thấy giữa chúng ta có một sự đồng điệu. Nó nói lên rằng ta có thể hiểu nhau.
Trong cuốn sách tội phạm học Jokes: Philosophical Thoughts on Joking Matters (1999), triết gia Ted Cohen đã viết:
"Chỉ riêng việc con người có thể cười, cười vì bất cứ điều gì, và cười ngay cả khi ở một mình, đã là một điều đáng chú ý. Nhưng khi ta cười cùng nhau, đó là sự thỏa mãn của một khát khao sâu sắc – sự hiện thực hóa một hy vọng tuyệt vọng. Đó là hy vọng rằng chúng ta đủ giống nhau để có thể cảm nhận nhau, để có thể cùng nhau tồn tại.”
Điều này cũng đúng trong giao tiếp, dù nó tinh tế hơn. Khi ta bắt chuyện với ai đó, đó là vì ta hy vọng rằng ta nhìn thế giới đủ giống nhau để có thể kết nối. Thường thì ta cố gắng thể hiện điều đó qua nội dung cuộc nói chuyện – những câu chuyện ta kể, những tổn thương ta chia sẻ. Nhưng ta cũng có thể làm điều đó bằng cách chơi đùa với cuộc đối thoại, thay đổi nhịp điệu, phá vỡ những quy tắc.
Muốn thực sự gần gũi với ai đó, đôi khi ta phải từ bỏ những chuẩn mực.
Thực ra, ta buộc phải làm vậy. Ta phải bước ra khỏi những điều quen thuộc để biết rằng ta thực sự có thể cảm nhận nhau. Chơi tennis theo luật vốn đã thú vị, nhưng khi ta cùng nhau phá luật – khi tôi tiến lại gần lưới và bạn không hề phản đối, khi tôi bất ngờ ném bóng vào tay bạn thay vì đánh trả, khi ta cùng nhau tham gia vào một “trò chơi” không lời – đó là lúc tôi biết rằng ta có thể trở nên thân thiết. Nếu mọi thứ đều phải được quy định trước, nếu ta phải giải thích luật chơi ngay từ đầu, thì chẳng còn gì là tự nhiên nữa – cũng giống như một câu chuyện cười sẽ mất hết sức mạnh nếu tôi phải giải thích nó trước khi kể.
Tôi đang chấp nhận một rủi ro. Tôi không biết liệu bạn có muốn chơi cùng tôi hay không, liệu bạn có thấy khó xử hay không. Nhưng tôi phải mạo hiểm – phải dám trở thành một kẻ “đáng ghét” một chút – để biết rằng bạn cũng có thể chơi đùa với những quy tắc cùng tôi.
Và đó chính là kiểu “kẻ đáng ghét” mà tôi mời bạn trở thành. Người dám chuyển từ những câu nói xã giao sang những câu hỏi nghiêm túc, rồi lại quay về với những trò đùa ngớ ngẩn. Người tạo ra những trò chơi nhỏ trong giao tiếp mà không cần giải thích luật. Người dám chia sẻ những phần kỳ lạ nhất của bản thân, trong khi che giấu những điều mà ai cũng quen thuộc.
Tôi không khuyến khích bạn hoàn toàn quên đi phép lịch sự. Có thể bạn sẽ khiến ai đó bối rối, hoặc thậm chí làm họ phật lòng. Và vâng, bạn phải chấp nhận rủi ro rằng có thể họ sẽ không hiểu bạn, hoặc không hiểu điều bạn đang cố gắng làm. Nhưng đôi khi, rủi ro ấy đáng để chấp nhận – bởi vì nếu họ hiểu, bạn sẽ biết rằng mình không hề đơn độc.
Nguồn: To have deeper conversations, try being more of an asshole | Psych.co
Theo tamlyhoctoipham.com