Sự rụt rè, lúng túng trong các tình huống xã hội thường được quy cho nhiều nguyên nhân: di truyền, tính cách, cách nuôi dạy hay đơn giản là thiếu tự tin. Nhưng nguồn gốc thực sự của nó thường bị bỏ qua.
Người rụt rè thường quá tập trung vào bản thân.
Nghe có vẻ gắt, nhưng đó là sự thật.
Khi bạn đang khổ sở vì sự nhút nhát, bạn chỉ chăm chăm nghĩ về chính mình, về cảm giác của mình. Bạn chỉ nghĩ: Mình có làm đúng không? Mình có nói sai gì không? Họ có thích mình không?
Bạn hoàn toàn không nghĩ về người đối diện: Họ có vui không? Anh ấy cảm thấy thế nào? Cô ấy có thoải mái không?
Tự ti là khi bạn chỉ có thể nhìn thấy... chính mình.
Những người tự tin hơn, hòa đồng hơn cũng gặp một vấn đề khác, nhưng cũng bắt nguồn từ một điều tương tự.
Họ không cảm thấy lo lắng khi giao tiếp với người khác, nhưng cũng không phải lúc nào cũng thành công trong việc xây dựng mối quan hệ. Đôi khi, họ không nhớ được những chi tiết nhỏ như câu chuyện, sở thích, hay ngày sinh nhật của người khác dù đã nghe nhiều lần.
Bạn sẽ nghe họ nói: "Xin lỗi, tôi nhớ kém lắm."
Nhưng sự thật là trí nhớ của bạn không tệ. Bạn chỉ quá tập trung vào bản thân.
Lại nghe có vẻ phũ, nhưng đó là sự thật. Bạn không nghe thật sự điều người khác nói, vì trong đầu bạn chỉ chờ đợi đến lượt mình nói. Bạn đang nghĩ về cuộc sống của bạn, những gì bạn muốn chia sẻ. Nếu những gì người khác nói không liên quan trực tiếp đến bạn, bạn sẽ không đủ cố gắng để ghi nhớ nó.
Dù bạn thuộc dạng nhút nhát và tập trung vào mình, hay tự tin nhưng vẫn... chỉ tập trung vào mình (mà phần lớn chúng ta là sự pha trộn của cả hai tuỳ theo hoàn cảnh), giải pháp cho tất cả các vấn đề xã hội đều như nhau.
Kết nối với người khác đòi hỏi bạn phải chuyển một chút ánh đèn sân khấu từ chính mình sang người khác. Và để làm được điều đó, trước tiên, hãy thôi nghĩ quá nhiều về bản thân mình!
Nguồn:
Sunday Firesides: Want to Solve Your Social Problems? Get Over Your Self | The Art of Manliness
Theo tamlyhoctoipham.com