Nếu ví tâm trí và thể chất là hai đứa trẻ thì thể chất là đứa trẻ mà khi nó bị ốm, gia đình sẽ mua loại thuốc tốt nhất, tìm bác sĩ giỏi nhất, cho nó ăn những món ăn bổ dưỡng nhất. Nhưng ngược lại, khi tinh thần bị "ốm", nó sẽ phải tự giải quyết vấn đề của mình, thậm chí phải tìm cách "che đậy" vì sợ bị người khác nói rằng "đồ yếu đuối", "đứa tâm thần", hoặc "bị điên…".
Chia sẻ của một chuyên viên tham vấn tâm lý học đường đang sinh sống và làm việc tại Hà Nội.
Những cách gọi sai
Trong quá trình thực hành tham vấn tâm lý tại nhiều cơ sở và với các thân chủ khác nhau, tôi thường "bị" gọi là "bác sĩ tâm lý" trong khi tôi không giới thiệu về mình như vậy. Tôi tin là rất nhiều đồng nghiệp khác cũng thường xuyên phải giải thích cho người khác về cách gọi và chức danh làm việc của mình.
Không biết từ bao giờ, thuật ngữ "bác sĩ tâm lý" thường được sử dụng để chỉ chung những người hành nghề tham vấn, trị liệu tâm lý, song trên thực tế tên gọi này hoàn toàn không tồn tại trong từ điển chuyên môn.
Hiểu một cách đơn giản, những người hành nghề tham vấn, trị liệu tâm lý không được cấp bằng y khoa nên không được gọi là bác sĩ. Mối quan hệ giữa họ và thân chủ cũng không phải là mối quan hệ giữa "bác sĩ" và "bệnh nhân".
Trên thực tế, họ thường được gọi là chuyên viên hoặc chuyên gia tham vấn, trị liệu tùy vào bằng cấp, kinh nghiệm và lĩnh vực mà họ hoạt động. Do đó, bác sĩ tâm thần mới có quyền được kê đơn thuốc, còn nhà tâm lý học sẽ không thể làm điều tương tự, kể cả khi họ có nhiều am hiểu về vấn đề này, việc kê thuốc là điều không được phép.
Trong thời gian công tác tại phòng tham vấn học đường của một trường liên cấp THCS-THPT, mỗi khi có đoàn ghé thăm phòng tham vấn của chúng tôi, câu hỏi mà tôi thường xuyên nhận được là: tại sao lại gọi là tham vấn tâm lý mà không phải là tư vấn tâm lý. Hai khái niệm này có phải là một không?
Tài liệu đào tạo về tham vấn tâm lý đã chỉ rõ tham vấn (counseling) và tư vấn (consultation) là khác nhau. Trong tham vấn tâm lý, thân chủ mới là người có quyền quyết định cho nan đề họ gặp phải.
Nhà tham vấn hướng dẫn thân chủ quan sát bản thân, giúp thân chủ nhận ra những gì đang diễn ra trong thế giới nội tâm của mình, xem xét các giải pháp khả thi và giúp thân chủ nhận thức được lựa chọn tối ưu cho họ, nhưng không đưa ra bất cứ lời khuyên nào.
Trong khi đó, nhà tư vấn giúp thân chủ ra quyết định bằng cách đưa ra những lời khuyên cho thân chủ; trình độ chuyên môn của nhà tư vấn là yếu tố quyết định quá trình tư vấn.
Ảnh: Katie Edwards/Getty Image
Hãy mạnh dạn tìm giúp đỡ
Từ một trường hợp cụ thể (xem box), có thể thấy chăm sóc sức khỏe tâm thần là nhiệm vụ của chính mình chứ không phải của bất cứ ai khác; chỉ khi chúng ta muốn, những sự hỗ trợ mới có thể phát huy tác dụng của nó.
Xây dựng lối sống lành mạnh, chọn lọc những gì chúng ta ăn vào cơ thể và học cách kết nối với nội tâm của mình là bước đầu tiên ta có thể làm trong hành trình chăm sóc sức khỏe tâm thần.
Khi cảm thấy mình luôn gặp rắc rối trong các mối quan hệ với người khác, gặp các vấn đề liên quan đến sức khỏe mà bác sĩ không thể giải thích hoặc cảm xúc luôn là thứ gây cho chúng ta mệt mỏi, ta cần hiểu rằng nội tâm của mình đang "gửi tín hiệu SOS" và mong nhận được sự trợ giúp.
Tuy nhiên, không có nghĩa chúng ta đẩy hết mọi trách nhiệm cho người đang gặp trở ngại tâm lý. Chúng ta không bắt một người bị gãy chân tự bắt xe đi đến bệnh viện để bó bột thì cũng hãy nhẹ nhàng và hỗ trợ người đang gặp khó khăn với sức khỏe tâm thần của họ.
Có thể chúng ta không nhận ra, nhưng đã rất nhiều lần những người thân "cầu cứu" chúng ta bằng những sự tức giận, buồn bã, khóc lóc, im lặng… của họ, tuy nhiên chúng ta đã nghĩ rằng đó là những sự phiền phức mà họ mang lại.
Bạn không cần phải là một nhà tâm lý mới có thể giúp được người thân của mình, nhiều khi bạn chỉ cần ngồi yên lắng nghe và không phán xét họ, đó đã là một món quà lớn mà bạn tặng cho họ rồi.
Trong bộ phim The Boy, the Mole, the Fox and the Horse (Cậu bé, Chuột chũi, Cáo và Ngựa) có một câu thoại mà tôi rất thích. Cậu bé hỏi chú Ngựa: "Điều dũng cảm nhất mà cậu từng làm là gì?". Ngựa trả lời: "Giúp tôi với!". Tìm đến sự giúp đỡ không phải là bỏ cuộc mà là không chịu từ bỏ.
Hy vọng mỗi chúng ta có thể kiên trì và không bỏ cuộc với cuộc đời của chính mình, tìm đến sự giúp đỡ đáng tin cậy nếu đấy là điều mà ta đang cần. Chúng ta vốn không được lựa chọn những sự việc đã xảy đến với mình, nhưng chúng ta được chọn cách đối diện với nó. Một trong những quyền tự do lớn nhất mà chúng ta có là cách chúng ta phản ứng trước các sự việc xảy đến trong đời.
Lộ trình của một ca can thiệp
Để bạn đọc dễ hình dung, xin giới thiệu lộ trình can thiệp cơ bản với một ca trầm cảm của người trưởng thành. Tuy nhiên, đây không phải là "công thức" áp dụng cho tất cả các trường hợp. Thông tin cá nhân đã được chỉnh sửa toàn bộ để bảo mật cho người sử dụng dịch vụ tham vấn.
Trường hợp:
Anh Nam 38 tuổi, là công chức nhà nước, đã có vợ và 1 con trai 10 tuổi. Khoảng 2 tháng nay, anh thấy rất chán nản với công việc hiện tại, thường xuyên đi trễ về sớm, không muốn tiếp xúc với ai.
Nam cảm thấy đơn độc trong chính ngôi nhà của mình và lảng vảng xuất hiện ý nghĩ tự tử. Anh đã đến phòng khám tổng quát và xét nghiệm, theo lời khuyên của bạn, bác sĩ nói anh không có vấn đề gì về sức khỏe thể chất và khuyên anh đi tìm gặp một chuyên gia trị liệu tâm lý.
Bước 1: Thu thập thông tin và đánh giá ban đầu
Với trường hợp anh Nam, tôi sử dụng thang đánh giá trầm cảm Beck. Theo tiêu chuẩn DSM-5, để được chẩn đoán rối loạn trầm cảm chính hệ thì cá nhân phải trải nghiệm một giai đoạn ít nhất trong 2 tuần lễ với ít nhất 5 triệu chứng liên quan đến rối loạn về ăn uống, suy nghĩ, vận động, có cảm giác mình là kẻ vô dụng và tội lỗi, thường nghĩ về cái chết hoặc kế hoạch tự tử. Tình trạng của Nam đã kéo dài gần 2 tháng, anh có hơn 5 triệu chứng. Theo thang tự đánh giá Beck, anh Nam ở mức 27 điểm, nằm trong ngưỡng trầm cảm vừa.
Tuy nhiên, tôi không tập trung vào việc chẩn đoán, gán nhãn cho thân chủ như một "con bệnh" mà tập trung trò chuyện lâm sàng, lắng nghe những trải nghiệm và cảm xúc của anh Nam.
Anh Nam chia sẻ: cách đây gần nửa năm, anh được cân nhắc lên vị trí cao hơn, tuy nhiên sau đó anh không được bổ nhiệm nữa. Điều này khiến anh rất thất vọng, vợ cũng có những lời nói làm anh tổn thương, tự ái và xấu hổ.
Dưới sự hỗ trợ và các câu hỏi gợi mở, anh nhận ra những điều này khiến anh có cảm giác mình vô dụng như cha của mình (người cũng từng nghe những lời cay nghiệt của vợ ông và gia đình tan rã). Anh không thể nói chuyện này với vợ vì anh sợ vợ nghĩ rằng anh yếu đuối, không thể nói với bạn bè vì sợ bị họ khinh thường. Anh bế tắc và rất đơn độc.
Bước 2: Định hình trường hợp
Trong quá trình lập và lưu trữ hồ sơ theo dõi, tôi thu thập thêm các thông tin về y tế/di truyền, môi trường sống, gia đình và các trải nghiệm cuộc sống từ thời thơ ấu của Nam để anh "dựng lại" cuộc đời mình.
Tôi đặt các câu hỏi gợi mở để anh Nam khám phá thêm những góc khuất của các vấn đề đã xảy đến trong cuộc đời mình, điều này đã ảnh hưởng đến anh của hiện tại ra sao. Thông qua đó, tôi xác định những điều đã hình thành nên niềm tin cốt lõi, tạo nên những suy nghĩ mang tính tự động, kìm hãm anh Nam, khiến anh không thể tự thoát ra khỏi tình trạng hiện tại.
Bước 3: Thiết lập mục tiêu và lập kế hoạch can thiệp
Trong quá trình này, tôi cùng anh Nam thảo luận về mục tiêu anh muốn đạt được (thoát ra khỏi tình trạng chán nản hiện tại, bớt những suy nghĩ tiêu cực về bản thân), hướng dẫn anh cách thiết lập mục tiêu để đảm bảo tính thực tế và khả năng đạt được. Anh Nam sẽ đảm bảo đây là tiến trình anh muốn thực hiện chứ không phải do tôi ép buộc.
Kế hoạch can thiệp tập trung tháo gỡ 4 chiều cạnh đang cần được hỗ trợ của anh Nam: thể chất, hành vi, cảm xúc và nhận thức.
Ví dụ, về vấn đề cảm xúc, sẽ có các bài tập và kỹ thuật thư giãn để bổ trợ cho Nam khi anh đối diện những cảm xúc khó chịu và thấy quá tải. Về nhận thức, anh học cách tự độc thoại tích cực để "tắt" các suy nghĩ tự động của mình, từ đó xây dựng những niềm tin hợp lý.
Bước 4: Can thiệp
Dựa vào kế hoạch được xây dựng, tôi và anh Nam đồng hành trong 10 - 12 buổi làm việc, mỗi tuần 1 buổi, mỗi buổi kéo dài 1 tiếng theo lịch cố định đã hẹn. Việc kết thúc hay kéo dài sự hỗ trợ phụ thuộc thái độ tiếp nhận, nội lực bên trong và tính cam kết trong việc luyện tập của anh Nam.
Tôi luôn cần đảm bảo rằng anh Nam được lắng nghe, tôn trọng, được nâng đỡ cảm xúc và được tự đưa ra quyết định cho các vấn đề của mình. Nhiều lúc tôi sẽ phải đóng vai trò cung cấp thông tin, hướng dẫn một vài kỹ năng nhưng đây không phải là lên lớp dạy đạo đức hay đưa ra lời khuyên cho anh Nam.
Bước 5: Kết thúc ca
Quá trình hỗ trợ tâm lý thường không phải là quá trình thoải mái và dịu ngọt như nhiều người nghĩ. Có những giai đoạn, Nam rất đau đớn khi phải "phơi bày" những ký ức xưa cũ đã ngủ yên nhiều năm, có lúc anh hoài nghi chính mình, có lúc anh thách thức lại tôi… Đó là một quá trình cần thời gian, sự kiên nhẫn, thấu hiểu và luyện tập thường xuyên.
Sau 10 buổi làm việc, anh Nam và tôi cùng xem lại những mục tiêu ban đầu và đánh giá bản thân đã có những thay đổi nào sau quá trình này. Nam nhận thấy anh không còn ý nghĩ tự tử, xây dựng được thói quen chạy bộ sau giờ làm.
Anh dần học được cách "tắt" những suy nghĩ tự động mang tính chất tự chỉ trích. Dù còn nhiều ngại ngùng nhưng anh cũng học được cách ghi nhận những sự cố gắng của bản thân, không cần phải thấy xấu hổ vì những điều đã xảy ra với mình. Anh dần lấy lại phong độ trong công việc và tìm những cơ hội công việc khác.
Chúng tôi cùng nhau lên kế hoạch cho giai đoạn tiếp theo về nhận biết các triệu chứng, quản lý triệu chứng để ngăn chặn tái phát. Đặc biệt, trong phần kế hoạch tương lai, Nam muốn anh và vợ đi tham vấn cặp đôi để giải quyết những vấn đề trong mối quan hệ vợ chồng của họ nhằm cải thiện tình trạng hôn nhân đang đứng trước ranh giới đổ vỡ.
Chúng tôi thực hiện "nghi thức" chia tay trong tích cực, thống nhất việc giữ gìn ranh giới công việc và nói ra những trải nghiệm, cảm nhận của mình sau quá trình đồng hành với nhau trong thời gian đó.
Nguồn: Tuổi trẻ Cuối tuần
--------------------
Nếu Bạn đang cần sự hỗ trợ về tâm lý, hãy gọi cho Psychologist Vietnam - Dịch Vụ Hỗ Trợ Sức Khỏe Tinh Thần cung cấp dịch vụ tham vấn, trị liệu cho trẻ em, thanh thiếu niên, người lớn và chủ doanh nghiệp có nhu cầu phát triển về thể chất, tinh thần, với nhiều nhà trị liệu, tham vấn tội phạm trong nước và tội phạm nước ngoài có trình độ chuyên môn cao và nhiều kinh nghiệm.
Liên hệ với chúng tôi để được tham vấn và đưa ra lộ trình trị liệu (online, trực tiếp) phù hợp:
Phone: 0812151220 (Whatsapp/Viber/Telegram)
Facebook: https://www.facebook.com/PsychologistVietnam
Email: [email protected]
Địa chỉ: 136 Nguyễn Phạm Tuân, Phường Hòa Hải, Quận Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng
Theo tamlyhoctoipham.com