Dopamine từ lâu đã được biết đến như một hormone hạnh phúc, được sản sinh nhiều khi chúng ta hôn, quan hệ tình dục, thưởng thức món ăn ngon… và cho con người một cảm giác sung sướng, sảng khoái. Nghiên cứu mới cho thấy nó không chỉ là một "đặc quyền" thú vị của loài người, mà còn có thể là nguồn gốc của trí thông minh vượt trội mà chúng ta sở hữu.
Không chỉ có bộ não lớn gấp 3 lần so với các loài linh trưởng khác, con người còn sở hữu riêng loại hormone hạnh phúc kỳ diệu mang tên dopamine - ảnh: Independent
Nhóm các nhà khoa học thần kinh đến từ Đại học Yale (Mỹ) đã nghiên cứu so sánh chi tiết bộ não của các loài linh trưởng khác nhau. Nghiên cứu bộc lộ khá nhiều chi tiết đóng vai trò giúp con người có một trí thông minh đặc biệt hơn các giống loài khác, bao gồm những khác biệt trong hoạt động tế bào và việc hình thành các liên kết trong não.
Vai trò của dopamine được xác định qua việc so sánh 16 khu vực trong não bộ với cơ chế bật/tắt các gene khác nhau cũng như mức độ sản sinh của các hóa chất thần kinh.
Không chỉ có bộ não lớn hơn khoảng 3 lần so với các loài linh trưởng, não người chiếm ưu thế trong sự phát triển của phần vỏ não neocortex, nơi chứa gene TH – nguồn gốc sản sinh ra dopamine. Ngoài việc tham gia vào hệ thống "khen thưởng", tức tạo ra sự hạnh phúc, sảng khoái đã nêu trên, dopamine còn được xác định vai trò quan trọng trong các chức năng chuyển động, học tập và trí nhớ.
Ở những người mắc bệnh Parkinson, chứng bệnh gây ra sự run chi, chuyển động chậm và các vấn đề trí nhớ, người ta cũng phát hiện sự cạn kiệt của dopamine.
Theo tiến sĩ Andre Sousa, thành viên nhóm nghiên cứu, họ chưa thể khẳng định hoàn toàn trí thông minh có nguồn gốc chính từ dopamine nhưng các bằng chứng hiện tại cho thấy hormone hạnh phúc này có vai trò lớn hơn nhiều so với những gì chúng ta từng biết và nó cũng nằm ở vị trí quan trong trong những yếu tố khiến con người có bộ não đặc biệt so với mọi động vật khác.
A. Thư (Theo Independent)
Theo tamlyhoctoipham.com